Học tập phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tin tức, đọc báo, sự kiện
11/05/2022 |5541
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam là tấm gương sáng về phong cách của một lãnh tụ, của người cán bộ mẫu mực của Nhân dân, vì Nhân dân, coi việc “đến với dân như sự sống cần đến không khí”. Sự sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể, thiết thực, bình dị và gần gũi trong phong cách của Người là những bài học có ý nghĩa to lớn trong việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chhí Minh của mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chuẩn mực của một người cán bộ “công bộc của nhân dân”. Người luôn tin ở nhân dân và sống giữa lòng dân. Người coi nhân dân là động lực, là lực lượng quyết định trong sự nghiệp cách mạng nói chung cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói riêng. Những bài học từ phong cách Hồ Chí Minh về tư duy, làm việc, diễn đạt, ứng xử, lối sống… có giá trị to lớn để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối nâng cao hiệu quả trong việc tham mưu các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật hợp lòng dân…
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân
Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, trong phong cách Hồ Chí Minh còn ẩn chứa sự mộc mạc, chất phác của một người nông dân trên đồng ruộng, sự miệt mài, ý chí phấn đấu của người công nhân, sự nhân hậu, bao dung như ông Ké ở Việt Bắc, thân thương, gần gũi như người cha, người bác trong gia đình. Phong cách Hồ Chí Minh hàm chứa cả những nét truyền thống và sự hiện đại; phản ánh quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Điều đó đã tạo nên sức cảm hóa, chinh phục những ai đã từng biết đến, nghe kể, tiếp xúc và làm việc cả lúc Người còn sống hay đã đi xa về cõi vĩnh hằng. Một phong cách lớn đã làm xúc động nhiều người, nhiều thế hệ trên nhiều quốc gia, dân tộc và là tấm gương cho con cháu bao đời sau học tập, làm theo. Phong cách Hồ Chí Minh có những điểm nổi bật sau:
Về tư duy, nét đặc sắc của phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo. Độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không sao chép, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình; có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, không dễ dàng hoang mang, dao động; làm chủ bản thân và công việc của mình; tự chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, hành động, việc làm của mình. Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là không đúng; những gì lạc hậu, lỗi thời; những cái cũ đã đúng trước kia nhưng đến nay không còn phù hợp, tìm tòi, đề xuất những cái mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tính độc lập, tự chủ và sáng tạo trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh thể hiện rõ ở việc Người lựa chọn con đường cứu nước và sự tài tình, linh hoạt trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, để nhân dân được sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Vượt lên những hạn chế của thời đại mình, Hồ Chí Minh đã đúc kết nên những chiến lược và con đường cách mạng đúng đắn cho điều kiện, tình hình của đất nước. Đó là sự thể hiện của một tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại – một tầm vóc của nhà lãnh đạo cách mạng nhìn thấy tương lai tươi sáng của nhân loại ở thế kỷ XXI.
Về phong cách làm việc, là người giác ngộ và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện một phong cách lãnh đạo dân chủ, sâu sát mọi việc. Một phong cách làm việc Hồ Chí Minh khoa học, khách quan, trung thực, luôn đổi mới. Đặc biệt là, một phong cách Hồ Chí Minh rất quần chúng, luôn gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, thấu cảm và chia sẻ với đời sống của nhân dân; một phong cách chuẩn mực, coi trọng việc nêu gương, mọi lúc, mọi nơi, luôn nói đi đôi với làm để cán bộ, quần chúng noi theo. Bên cạnh đó, sự sâu sát, tỷ mỷ, cụ thể, thiết thực trong mọi quyết định, hành động của Người đã làm nên một con người Hồ Chí Minh suốt một đời tận trung với nước, tận hiếu với nhân dân.
Về phong cách diễn đạt, là nhà chính trị, nhà tuyên truyền, nhà báo, nhà thơ, nhà văn… đã có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại như báo chí, tiểu phẩm, thơ ca, truyện ký, kịch, văn chính luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng một phong cách diễn đạt với cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao; sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể; một phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng.
Về phong cách ứng xử giao tiếp, Hồ Chí Minh đã tạo dựng một phong thái đặc biệt, đầy nhân văn, nhân bản của con người. Một phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh rất giản dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi lớp người; tình cảm chân thành, thái độ khoan dung độ lượng; xử lý một cách khéo léo, hiệu quả các tình huống giao tiếp xảy ra. Đây cũng chính là điều này tạo nên sức hấp dẫn lớn lao và sự cảm hóa kỳ diệu ở con người Hồ Chí Minh. Nhà thơ Xôviết Ôxip Manđextam đã viết về Người: “Cả gương mặt Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”([1]). Trong phong cách giao tiếp Hồ Chí Minh, sự gần gũi, tế nhị hòa quyện với sự sâu sắc, lịch lãm; sự dung dị, đời thường lại thể hiện rõ tầm cao của tư duy bác học; rất chủ động nhưng tự nhiên, bình dị, chân thành, ân cần, tế nhị và luôn được thể hiện hết sức sinh động và phong phú dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ của một đảng, chính khách, trí thức hay là người công nhân, nông dân, là trẻ con hay cụ già. Điều đó làm xóa nhòa mọi khoảng cách, sự thú vị, ấm áp và vui vẻ nhờ thế đem lại hiệu quả giao tiếp cao.
Về phong cách sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất mực giản dị, thanh cao, đạm bạc về đời sống vật chất nhưng lại vô cùng phong phú về những giá trị đạo đức – tinh thần cao đẹp. Người nêu cao nếp sống cần, kiệm, liêm, chính; sống hài hòa với những giá trị thâm trầm, sâu lắng của văn hóa phương Đông và sự tiến bộ, hiện đại của văn hóa phương Tây; một con người giàu tình yêu thương nhân loại, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp… với những rung động, nhạy cảm bằng tâm hồn của một nhà cách mạng nhiệt huyết và người nghệ sĩ chân chính; sống có tình nghĩa.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác, mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đều là lực lượng thường xuyên trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền ở cơ sở. Do vậy, việc học tập phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương hiện nay.
ThS. BÙI ĐỨC VIỆT
Phó Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối
[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 1993, t.1, tr.204