Học ngành Tâm lý có dễ xin việc, kiếm được nhiều tiền?
Ngành Tâm lý học và Ngôn ngữ Anh đều có triển vọng việc làm tốt. Sinh viên có thể lựa chọn làm việc tại môi trường phù hợp năng lực, sở thích cá nhân.
Bạn Thu Thảo hỏi: Sinh viên ngành Tâm lý học gì, cơ hội việc làm ra sao? Nếu học ngành Ngôn ngữ Anh, sinh viên được dạy gì, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường và thu nhập có tốt không?
Theo thông tin từ ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Sinh viên ngành Tâm lý học được trang bị kiến thức tổng quát về khoa học tâm lý và kiến thức chuyên môn về tư vấn tâm lý, tâm lý trị liệu, hành vi và khoa học liên quan con người, cũng như ứng dụng để xử lý các vấn đề, tình huống về tâm lý con người, quản trị nhân sự.
Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng và vận dụng các bài trắc nghiệm, quan trắc về tâm lý con người, kỹ năng nghiên cứu, tư vấn và giảng dạy về tâm lý học, làm việc trong các ngành nghề như nhân sự, marketing…
Sinh viên ngành Tâm lý học có thể chọn chuyên ngành Tâm lý học tham vấn – Trị liệu hoặc Tâm lý học Tổ chức – Nhân sự.
Cử nhân Tâm lý học có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Họ có thể nghiên cứu khoa học tâm lý tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan hoạch định chính sách – chiến lược, cơ quan điều tra tâm lý tội phạm, bộ phận nghiên cứu tâm lý khách hàng cho các công ty.
Họ cũng có thể ứng dụng thực hành tâm lý như tư vấn tâm lý trên các phương tiện truyền thông, tại các trung tâm tư vấn, trường học, các tổ chức lao động; trợ lý chuyên môn trị liệu tâm lý, tâm lý lâm sàng tại bệnh viện, bệnh viện tâm thần, bệnh viện nhi đồng, các trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, trung tâm dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và các trường chuyên biệt…
Cử nhân ngành này có thể chọn công việc tư vấn cho lãnh đạo về vấn đề nhân sự, tổ chức lao động và nghiên cứu tâm lý, tư vấn tâm lý khách hàng tại các tổ chức lao động và công ty.
Ngoài ra, họ có thể chọn giảng dạy Tâm lý học tại trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, trường dạy nghề hoặc làm việc trong bộ phận marketing, tư vấn, tổ chức sự kiện.
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, tùy từng trường, sinh viên học tiếng Anh thiên về lĩnh vực nào đó, ví dụ, ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Thương mại chú trọng tiếng Anh thương mại, trong khi Học viện Báo chí – Tuyên truyền lại đào tạo tiếng Anh truyền thông.
Tuy nhiên, về cơ bản, sinh viên được học kiến thức chung và chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa và văn học, đất nước – con người không chỉ của quốc gia sản sinh ra tiếng Anh mà của cả các quốc gia nói tiếng Anh.
Bên cạnh đó, sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp và sức khỏe tốt để có thể làm việc có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh.
Đây cũng là ngành có triển vọng việc làm tốt. Sinh viên có thể chọn làm việc cho các tổ chức, công ty nước ngoài, cơ quan nhà nước, truyền thông báo chí hoặc biên – phiên dịch, giáo viên.
Mời bạn đọc tư vấn thêm cho Thu Thảo bằng cách bình luận ở cuối bài. Bạn đọc có câu hỏi cần tư vấn gửi về tòa soạn theo địa chỉ email [email protected].