Học ngành Kỹ thuật xây dựng ra trường làm gì? Lương cao không? – Joboko
17/08/2021 11:30
Mỗi người đều có lý do khi chọn ngành, chọn trường, có thể là vì đam mê hoặc đơn giản đó là ngành có khả năng thi đỗ và dễ xin việc khi ra trường. Với những ai theo học kỹ thuật xây dựng, bạn đã biết khi ra trường mình sẽ làm việc gì hay chưa? Những ai phù hợp để theo học ngành này?
Trong khối ngành kỹ thuật nói chung thì kỹ thuật xây dựng là một ngành học khá thú vị vì sinh viên sẽ được học nhiều kiến thức cả về xây dựng, thiết kế, kiến trúc, kinh tế, quản lý,… Điểm chuẩn của ngành này trước đây chỉ khoảng 13 – 19 điểm nhưng đã tăng đáng kể trong vài năm gần đây. Tính trong năm 2020, điểm chuẩn ngành kỹ thuật xây dựng dao động từ 16 – 28 điểm tùy trường.
Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng ra làm gì?
Nội Dung Chính
I. Ngành Kỹ thuật xây dựng học những gì?
Từ tên gọi, bạn đã phần nào hình dung được về ngành này. Kỹ thuật xây dựng trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng kỹ thuật trong xây dựng như: Thiết kế, thi công công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp; học về vật liệu (sức bền vật liệu), quản lý công trình, kết cấu, trắc địa, thủy lực, kiểm tra, giám sát, kết cấu bê tông, cấp thoát nước, an toàn lao động trong thi công, xây dựng…
Chương trình học của ngành kỹ thuật xây dựng đào tạo nên những kỹ sư giám sát thi công, có năng lực để tham gia, phụ trách các dự án thiết kế, dự toán, giám sát thi công và nghiệm thu công trình xây dựng. Nhiều người lựa chọn tham gia vào các quá trình nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng sau khi kết thúc chương trình đại học.
II. Học ngành Kỹ thuật xây dựng ra trường làm gì? Lương cao không?
Có lẽ, câu hỏi phổ biến nhất đối với hầu hết các bậc phụ huynh và các em học sinh khi chọn ngành để thi đại học, cao đẳng là liệu ngành đó có triển vọng hay không, cơ hội nghề nghiệp thế nào. Ngành kỹ thuật xây dựng, nghe thì “ngầu” đấy nhưng liệu tốt nghiệp xong có xin được việc và mức lương thế nào? Thực tế, có khá nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật xây dựng, ví dụ như:
- Giám sát thi công: Giám sát công trình thi công, đảm bảo mọi công đoạn tuân thủ thiết kế và đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành. Mức lương của giám sát thi công từ khoảng 9 – 13 triệu/tháng, cao hơn là khoảng 25 – 33 triệu/tháng.
- Kỹ sư thiết kế: Tính toán, thiết kế công trình xây dựng, máy móc tuân thủ nguyên lý, kết cấu tiêu chuẩn. Mức lương của vị trí này là từ 8 – 14 triệu/tháng, cao nhất là 45 triệu/tháng.
- Kỹ sư quản lý chất lượng công trình: Lập kế hoạch quản lý chất lượng công trình xây dựng, kiểm soát vật tư, thiết bị, an toàn lao động, giám sát quá trình xây dựng, đánh giá nghiệm thu… Lương của bạn sẽ trong khoảng 7 – 12 triệu/tháng, cao hơn khoảng 15 – 25 triệu/tháng.
- Nhân viên/ Chuyên viên phát triển dự án: Lập kế hoạch, hoàn thành thủ tục pháp lý về các vấn đề xin giấy phép, đầu tư, thi công xây dựng… Thu nhập của bạn trong khoảng 8 – 16 triệu/tháng, cao nhất có thể trong khoảng 30 – 40 triệu/tháng.
- Giảng dạy, nghiên cứu: Trở thành giảng viên tại các trường cao đẳng, đại học, giảng dạy về kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng, khoa học vật liệu; làm việc trong các viện nghiên cứu, viện thiết kế và thi công…. Thu nhập của bạn sẽ được trả theo quy định của nhà nước, kinh nghiệm và thỏa thuận.
- Nhân viên dự toán xây dựng: Làm việc trong vai trò này, bạn sẽ tính toán khối lượng công việc, vật liệu thi công, dự toán chi phí. Lương của bạn từ khoảng 5 – 12 triệu/tháng, với người có kinh nghiệm thì thu nhập lên tới 15 – 25 triệu/tháng.
- Nhân viên kỹ thuật xây dựng: Với công việc này, bạn sẽ được trả lương từ khoảng 7 – 10 triệu/tháng, cao hơn nữa là khoảng 15 – 25 triệu/tháng.
Một lưu ý là khi mới ra trường các bạn có thể nhận mức lương không được cao, thực tế là nhiều bạn cân nhắc chuyển ngành hoặc làm thêm các công việc khác để có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu kiên trì, theo thời gian thì lương của các kỹ sư, chuyên viên, nhân viên kỹ thuật xây dựng sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều.
Thu nhập của các vị trí ngành Kỹ thuật xây dựng cao hay thấp?
III. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng tốt nhất
Học ngành kỹ thuật xây dựng ở những trường nổi tiếng với chất lượng đào tạo tốt sẽ là bước chuẩn bị để bạn sẵn sàng cạnh tranh sau khi ra trường. Trên cả nước, có nhiều trường mở chuyên ngành này như:
1. Miền Bắc
- Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Đại học Xây dựng Hà Nội.
- Đại học Kinh tế Quốc dân.
- Đại học Giao thông Vận tải.
- Đại học Thủy Lợi (ngành Kỹ thuật công trình xây dựng).
- Đại học Hải Phòng.
2. Miền Trung
- Đại học Quy Nhơn.
- Đại học Dân lập Duy Tân.
- Đại học Nha Trang.
- Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
- Đại học Hà Tĩnh.
3. Miền Nam
- Đại học Mở TP.HCM.
- Đại học Tôn Đức Thắng.
- Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM.
- Đại học Văn Hiến.
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
IV. Học ngành Kỹ thuật xây dựng có dễ xin việc không?
Ở một quốc gia đang phát triển, kiến thiết như Việt Nam thì xây dựng luôn là một lĩnh vực hấp dẫn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động – dù là lao động phổ thông hay người có trình độ chuyên môn. Nếu như bạn đang thắc mắc rằng học ngành kỹ thuật xây dựng có dễ xin việc không thì câu trả lời là có, miễn là bạn có kết quả học tập ổn, chịu khó, cầu tiến.
Có nhiều cơ hội việc làm dành cho những ai có tầm bằng cử nhân kỹ thuật xây dựng (như đã kể trên) nhưng nhà tuyển dụng sẽ có các yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá khắt khe hơn khi tuyển nhân viên chính thức: Kết quả học tập, kỹ năng, kinh nghiệm đi làm, đi thực tập… Ngay từ quá trình học, bạn cần chủ động và nỗ lực, tự tìm kiếm các cơ hội cho mình. Như vậy, sau khi ra trường bạn sẽ dễ xin việc hơn, tăng khả năng ứng tuyển là trúng tuyển.
Cơ hội việc làm ngành Kỹ thuật xây dựng ra sao?
V. Những ai phù hợp học ngành Kỹ thuật xây dựng?
Những ngành học như kỹ thuật xây dựng thường được mặc định là dành cho nam giới vì môi trường làm việc sau này có thể là ở thực địa. Tuy nhiên, ngày nay thì vẫn có nhiều bạn nữ theo học. Điều đó cho thấy, chỉ cần có quyết tâm và năng lực thì ai cũng sẽ có thể học, làm kỹ thuật xây dựng.
Dựa vào danh sách một số tố chất, kỹ năng mà JobOKO đề cập sau đây, bạn hãy tự kiểm tra, so sánh xem liệu mình có phù hợp học ngành kỹ thuật xây dựng không nhé:
- Học tốt các môn tự nhiên.
- Yêu thích lĩnh vực xây dựng, thi công công trình.
- Có sức khỏe tốt.
- Tư duy của “dân kỹ thuật”, rõ ràng, mạch lạc, logic.
- Nhiều ý tưởng, sáng tạo.
- Kỹ năng phân tích, tính toán.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
Thi đỗ, đi học trong các trường top về kỹ thuật xây dựng mới chỉ là bước đầu để bạn đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường sự nghiệp của mình. Nỗ lực trong suốt quá trình học, xác định rõ ràng các mục tiêu và kiên định – đó chính là “công thức” thành công cho bạn.