Học giỏi để làm gì?

(GDVN) – Trên con đường học tập đó, kiến thức phải là phương tiện, còn mục đích tối hậu của con đường phải đi đó là có được hạnh phúc.

LTS: Bất cứ nền giáo dục nước nào cũng cần xác định được triết lý giáo dục làm định hướng vận hành cho cả hệ thống. Tuy nhiên, hiện nay có vẻ nền giáo dục Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm một tôn chỉ dẫn dắt.

Câu hỏi học giỏi để làm gì? đã được tác giả Phúc Lai bàn luận và giải đáp như một mảnh ghép góp phần xác định triết lý giáo dục Việt Nam.

Tác giả đã chỉ ra thực trạng người dân Việt Nam đang học để cầu vinh, làm giàu thì tác giả lại chỉ ra một mục đích đúng đắn hơn, học giỏi là để tự tìm được hạnh phúc cho mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Câu chuyện về những ông bố, bà mẹ muốn “giáo dục con sớm”

Trong thời hiện đại, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển và thời gian càng bận rộn, các phụ huynh học sinh thường tìm đến các diễn đàn trực tuyến như mạng xã hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con.

Những phương pháp, tư tưởng giáo dục hiện đại cũng được chú trọng tìm kiếm và áp dụng.

Tuy nhiên, nhìn chung trong cách đánh giá năng lực học tập của con, các phụ huynh vẫn thường chỉ chú trọng đến các thành tích con đạt được.

Khi Thông tư 30 ra đời cùng với thay đổi hình thức chấm điểm chuyển sang chỉ ghi nhận xét, đã khiến nhiều phụ huynh rất hoang mang không biết căn cứ vào đâu để biết mức độ học tập của con.

Học giỏi để làm gì? ảnh 1

Hồi xưa, mỗi khi con đi học về cha mẹ chỉ cần nhẹ nhàng hỏi: “Hôm nay con được cô giáo cho mấy điểm?” là biết được mức độ đánh giá con mình.

Nhưng nay, khi cô giáo không chấm điểm nữa, nhiều bố mẹ đã phải dành thời gian quý báu của mình kèm cặp, cùng con rà soát bài để con có thể nắm hết kiến thức cô giảng trên lớp. Làm như vậy trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền” thực là quá mệt!

Hầu hết các bậc phụ huynh chỉ mong con học giỏi. Người cầu kỳ hơn thì tìm mọi phương pháp mới, nhiều lý thuyết giáo dục hiện đại, áp dụng nhiều phần mềm, các giáo trình nước ngoài… cho con học.

Đơn cử, một trong những phương pháp có thể coi là “thời thượng” trong thời gian gần đây là “giáo dục sớm”.

Thật lòng với những gì mà các chuyên gia đang nói về “giáo dục sớm”, tôi phải thú nhận là tôi không hiểu mấy!

Những định nghĩa như “bán cầu não phải, não trái”, “kích hoạt chức năng” khiến tôi cảm thấy hết sức rối rắm và đặt ra mối nghi ngờ liệu những chuyên gia đang giảng cho tôi có phải là bác sỹ tâm lý hay chuyên gia về… điện não đồ hay không mà hiểu cặn kẽ những lý thuyết về não bộ như thế?

Qua quá trình trao đổi với phụ huynh, khi tôi đặt cho họ câu hỏi: “Ông/ bà mong muốn gì ở con khi cho con học phương pháp giáo dục sớm?”, tôi nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau.

Hầu hết các câu trả lời chung chung rằng mong con giỏi, thông minh, thành đạt, … chỉ duy nhất có một câu trả lời là: “Muốn con vui vẻ” khiến tôi hết sức ngạc nhiên.

Tôi đánh giá rất cao câu trả lời từ cô bạn thân, cô ấy tiếp tục nói: “Em không đặt vấn đề là con em đi học phải học giỏi, sau này phải thành đạt, mà em mong con em được hạnh phúc”.

Đó là câu trả lời gần đến chân lý nhất.

Xin nhắc lại có lần tôi hỏi một chuyên gia về mục đích của “giáo dục sớm” thì được chuyên gia này trả lời một câu hỏi làm tôi ngỡ ngàng, đại khái một trong những mục đích chính của giáo dục sớm là kiến thức.

Chính vì vậy tôi không nghi ngờ rằng, phần lớn các ông bố bà mẹ đang mong muốn con mình học giỏi, cũng mong muốn con mình có kiến thức.

Và chính tôi trước đây cũng nhầm lẫn như vậy!

Đích đến tối thượng của giáo dục

Chúng ta thường nghe những câu châm ngôn “tiền của có thể mất, nhưng kiến thức thì còn mãi” hay sẽ không sợ chết đói nếu như có kiến thức. Do đó chúng ta thường đánh đồng giữa kiến thức là mục đích của học tập.

Học tập sẽ theo chúng ta suốt đời. Trên con đường học tập đó, kiến thức phải là phương tiện, còn mục đích tối hậu của con đường phải đi đó là có được hạnh phúc.

Tôi còn nhớ câu chuyện của vợ chồng một vị Tiến sỹ học ở Liên Xô cũ, rồi một ngày ông chồng giết bà vợ, phi tang xác ở sông Matxcơva như thế nào đó. Lại một câu chuyện khác về một vị Tiến sỹ, sau bao năm được mẹ nuôi ăn học vất vả, rồi khi thành đạt lại ngược đãi mẹ…

Xung quanh chúng ta có không biết bao nhiêu con người như thế, những con người dù có thành đạt trong làm ăn nhưng cũng vướng mắc không biết bao nhiêu thị phi và vấn đề về đạo đức. Khi người ta thành công về tiền bạc, hoặc bằng cấp… nhưng không được trang bị một cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, ở đây tôi muốn nói sự nhận thức sâu sắc như với thế giới, hiểu được lẽ vận động của tự nhiên xã hội… thì người ta sẽ rất dễ mất phương hướng!

Nguy hại hơn, người ta sẽ không hiểu được bản chất nhân sinh của hạnh phúc và đau khổ, bằng cách nào bớt khổ và có được hạnh phúc.

Lịch sử Việt Nam quá đặc biệt với 1000 năm Bắc thuộc, do đó chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo thậm chí Đạo giáo và ngay cả phong tục tập quán, đến nay nhiều thứ chúng ta không biết rõ là ta học của phương Bắc hay họ học của ta.

Chính vì thế mà dân tộc chúng ta cũng không có được một tư tưởng xuyên suốt về triết lý sống, riêng về học tập chúng ta chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo, học để làm quan, “vinh thân phì gia”, mở mày mở mặt với họ hàng.

Với tư tưởng học để “vinh thân phì gia” ăn sâu vào tiềm thức đã khiến chúng ta thiếu đi sự nhận thức đúng đắn về sự thành đạt, tiền bạc và các mối quan hệ xung quanh; và khi gặp cám dỗ về vật chất, chúng ta rất khó để vượt qua.

Bởi vậy, có những người nổi tiếng vừa được tung hô trên báo chí hôm trước, hôm sau đã sa vào vòng lao lý.

Trong những ví dụ trên tôi kể, toàn là những Tiến sỹ “Tây học” cả, rõ ràng họ có kiến thức, và được tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến hơn ta.

Suy rộng hơn nữa, chúng ta đang chứng kiến những bất ổn của xã hội phương Tây, như những vụ xả súng ở Hoa Kỳ, đều là những người được sống trong một xã hội văn minh, có những điều kiện vật chất tốt nhưng vẫn có những vấn đề tiêu cực của xã hội.

Và không ít người phương Tây đã tìm đến thiền hoặc yoga để giải  tỏa căng thẳng cho mình.

Học tập chính là để rèn dũa “cái tâm” và ngược lại, khi “tâm” con người trở nên khai mở hơn, có thể giúp học tập trở nên rất dễ dàng. Điều này vẫn còn là một bí ẩn khó lí giải đối với khoa học.

Chúng ta sẽ không hiểu được những câu chuyện thần giao cách cảm, những nhà ngoại cảm biết được những việc từ trong quá khứ hay một người sau biến cố như tai nạn, lại biết nói ngoại ngữ!

Trong cái nôi giáo dục Việt Nam, “tâm” được sáng thêm qua việc dạy dỗ các em “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, “khiêm tốn thật thà dũng cảm” rồi những bài học đạo đức từ xưa như “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “thương người như thể thương thân”.

Đến khi học được những điều đó, chúng ta biết mở lòng mình ra để học thêm những điều mình chưa biết, không còn bị vướng vào những điều mình tưởng là mình biết – suy cho cùng cái mà mình biết chỉ là hạt cát so với vũ trụ.

Mở lòng ra, sẽ thấy mình học tập dễ dàng và giỏi hơn!

Trong Kinh Tăng chi bộ, Đức Thích Ca Mâu Ni đã dạy: “Ta không thấy thành công nào quan trọng hơn cho con người bằng sự hạnh phúc”.

Hạnh phúc mà Đức Phật muốn nói đến, là thứ hạnh phúc trong an lạc, tìm thấy sự bình an trong từng bước chân, từng hơi thở chứ không phải thứ hạnh phúc kiêm luôn khổ đau theo nghĩa người đời vẫn hay đồng hóa: nhà lầu, xe hơi, tài lộc, vợ đẹp con khôn…

Học giỏi để có được hạnh phúc trong bình an, là thứ hạnh phúc trọn vẹn hiểu mình, hiểu đời, hiểu lẽ vận động tự nhiên của vạn vật và bình thản đón nhận mọi trở ngại của cuộc đời… khi đó thì sự thành đạt của chúng ta mới thực sự trọn vẹn!

Phúc Lai