Học Mỏ Địa chất không phải để đi tìm vàng! – Tuổi Trẻ Online

Nhiều bạn nữ quan tâm khối ngành công an - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều bạn nữ quan tâm khối ngành công an, quân đội – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ở đầu cầu Hà Nội, không khí của Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT phối hợp các đơn vị tổ chức ngày 13-3 nóng dần lên với các câu hỏi.

Câu hỏi của các thí sinh: “Học trường Mỏ Địa chất ra có phải sẽ rất vất vả, thường xuyên phải đi làm việc tại miền núi không?”. 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ Địa chất trả lời hóm hỉnh khiến các thí sinh cười ồ: “Học Mỏ Địa chấ không phải là để đi tìm vàng như nhiều người vẫn nghĩ”.

Theo ông Long, tên trường được đặt theo đặc trưng của lĩnh vực đào tạo. Nhưng hiện nay ĐH Mỏ Địa chất đã mở rộng phạm vi đào tạo, có nhiều ngành đào tạo ngoài lĩnh vực truyền thống. Có những ngành mới, cập nhật theo thực tế như ngành đào tạo về khai thác và chế biến dầu khí, công nghệ môi trường. CNTT, quan lý đất đai…

“Học Mỏ Địa chất ra không có nghĩa là cứ phải về miền núi làm việc trèo đèo lội suối, sống trong rừng. mà vẫn có thể trở thành các nhà khoa học, làm việc tại các doanh nghiệp, làm việc trong các cơ quan quan lý nhà nước” – ông Long nói.

Làm nghề báo, có chịu được gian khổ không? 

TS Vũ Thị Kim Hoa, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cung cấp thông tin có một tờ báo uy tín lớn thông báo tuyển sinh 500 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 200 người. 

TS Hoa nhận định điều đó cho thấy, cơ hội nghề nghiệp cho ngành báo không thiếu nhưng không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu của nghề báo.

“Làm nghề báo các em xác định có chịu đựng được gian khổ không, thậm chí tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm mà người bước vào nghề báo phải lường trước. Nhưng bù lại các em theo đuổi nghề này có thể được sống và làm việc với  đam mê của mình” – TS Hoa tư vấn.

Thầy Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Khoa học xã hội &Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết theo đuổi ngành truyền thông, ngoài việc trở thành nhà báo, có thể làm nhiều việc khác như phụ trách truyền thông của các doanh nghiệp, Bộ, ngành, làm công tác tổ chức sự kiện…

Công việc đa dạng, thú vị nhưng cũng không ít thách thức, đó là những thông tin mà các thầy, cô tư vấn cho những thí sinh muốn dự thi vào ngành truyền thông.

Nhiều thí sinh nữ quan tâm ngành Công an và Quân đội

Khối ngành công an, Quân đội vẫn được nhiều thí sinh Hà Nội quan tâm. Đặc biệt là các thí sinh nữ.

Một nữ sinh hỏi: “muốn thi một trường công an và một trường quân đội thì có được không hay đã thi quân đội thì không được thi công an?”.

Đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Cục Nhà trường, Trưởng ban thư kí tuyển sinh quân sự, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết thí sinh hoàn toàn có thể đăng kí nguyện vọng cả vào trường công an và quân đội, chỉ cần tuân thủ đúng quy định của Bộ GD-ĐT là đợt đầu được xét tuyển vào hai trường, mỗi trường hai ngành.

Bên cạnh đó,  thí sinh cần lưu ý phải tham gia sơ tuyển theo yêu cầu của khối trường công an, quân đội trước khi tham dự kì thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển. Rất nhiều câu hỏi về cân nặng, chiều cao, về thị lực và lý lịch gia đình dành cho các thầy đại diện cho khối ngành công an, quân đội, chứng tỏ các bạn thí sinh quan tâm rất nhiều và thận trọng hơn khi quyết định lựa chọn các khối ngành này.

Điểm ngành Y và Dược có tiếp tục tăng?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tú nói: “Câu hỏi khó quá”. TS Tú cho biết điểm tăng hay giảm không lệ thuộc vào qui định tuyển sinh mà chủ yếu phụ thuộc vào kết quả thi của TS. Nhưng điểm các ngành y dược sẽ không thể giảm, chỉ tương đương hoặc tăng thêm so với năm 2015.

Cụ thể điểm chuẩn như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ đề thi và kết quả thi của thí sinh.

Chỉ tiêu y dược năm nay không giảm nên cơ hội sẽ không giảm, sức nóng của những ngành y dược sẽ bớt căng thẳng vì có thêm nhiều cơ sở, phân hiệu đào tạo.

Một thí sinh đặt câu hỏi: “Em rất yêu y học cổ truyền, muốn thi vào làm bác sĩ y học cổ truyền nhưng sợ khó xin việc?”. Thầy Tú giải đáp: Khả năng xin việc không khó khăn như em nghĩ vì y học cổ truyền những năm gần đây có nhiều thay đổi, gắn hơn với y học hiện đại, trong bốn năm đầu học ngành y học cổ truyền, các SV cũng được đào tạo chương trình y khoa chung.  

Tuy nhiên, thầy Tú tư vấn: Nhưng nếu em có lực học tốt thì nên thi y đa khoa, sẽ có nhiều cơ hội học tiếp lên các trình độ cao hơn.

Các em thường có câu hỏi lực học của em như vậy nên chọn trường nào. Tôi có thể tư vấn chung cho các em là  khi chọn trường quan trọng nhất là chọn ngành mình yêu thích và xét tương quan giữa năng lực của mình và điểm chuẩn ngành đó của các trường.

Để chọn trường phù hợp với năng lực, trình độ  của mình, thí sinh nên chọn một list trường có ngành đào tạo mà mình muốn học, tham khảo mức điểm đầu vào của các trường, chọn trường có điểm chuân phù hợp với tương quan của mình.

Đề thi khó dễ sẽ không tác độ nhiều đến cơ hội trúng tuyển vì dễ thì cũng dễ, khó thì cùng khó. Chọn trường phù hợp với lực học của mình là yếu tố quan trọng nhất để có cơ hội trúng tuyển cao.

Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG – vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học

Ngành hot chưa hẳn đã hot

Đó là lời khuyên của các thầy trong ban tư vấn với các thí sinh có cùng câu hỏi “Ngành nào là ngành hot, dễ xin việc?”.

PGS.TS NGuyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Những ngành hot trong vòng năm năm gần đây là CNTT, cơ điện tử… , điểm chuẩn luôn cao. Nhưng nếu xét về khả năng tìm kiếm việc làm, việc làm có thu nhập cao thì thực tế của trường cho thây những ngành không được coi là hot khi thí sinh lựa chọn nhưng lại rất hot về nhu cầu tuyển dụng.

Thầy Điền gợi ý trong một loạt các ngành những ngành không được coi là hot như kỹ thuật dệt, công nghệ may,  kỹ thuật vật liệu kim loại… lại thu hút thị trường nhân lực chất lượng cao, có nhu cầu tuyển dụng nhân lực lớn, SV Bách khoa những ngành này được đề nghị tuyển dụng, làm việc từ khi chưa tốt nghiệp.

Rất nhiều băn khoăn nên học Kinh tế trong Nam hay ngoài Bắc, học trường nào thì tốt trong bối cảnh có nhiều trường cùng đào tạo khối ngành Kinh tế.

PGS-TS Bùi Đức Triệu tư vấn: “Cạnh tranh là yếu tố để hoàn thiện. Điều này đúng cả với các trường và cả với sinh viên khi đang học trong trường ĐH và khi bước ra cuộc sống. Các trường muốn cạnh tranh để thu hút được nhiều người học có trình độ cao phải nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, gầy dựng uy tín”.

Theo TS Triệu, sinh viên ngoài kiến thức chuyên ngành phải học ngoại ngữ, phải có kĩ năng mềm, phải không ngừng trau dồi năng lực làm việc để có thể cạnh tranh để có được vị trí công việc thực sự tốt. Nếu hiểu như thế thì dù ở đâu, với nỗ lực của bản thân thì các em cũng có thể thành công”.

Muốn chọn ngành CNTT khi lực học chỉ trung bình và khá?

Nam thí sinh đặt câu hỏi: “Em muốn chọn ngành CNTT khi lực học chỉ trung bình và khá thì có cơ hội không? Nên chọn trường nào?”.

Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa giải đáp:  Đề thi năm nay sẽ giữ mức độ yêu càu như năm 2015, không thay đổi về mức độ dễ khó, tỷ lệ các câu hỏi có độ dễ khó ở mức  60/40.

Với mức độ đề thi như vậy thì dự báo ngành CNTT năm nay sẽ không thay đổi mức điểm chuẩn. Ngành CNTT của trường ĐH Bách khoa có thể vẫn ở mức điểm chuẩn trung bình 8,75/môn thi. Lực học trung bình nên chỉ nên chọn ở một số trường có mức điểm chuẩn trung bình.

Người thắng cuộc là khác biệt

Trước khi đi vào phần tư vấn chuyên sâu, TS Phạm Mạnh Hà tổ chức một trò chơi cho các bạn học sinh đến với gian tư vấn. Trò chơi yêu cầu các bạn chọn giữa 1 trong 5 tờ giấy trắng ra một tờ giấy “có giá trị”.

Lần lượt từng bạn học sinh lên chọn một tờ giấy, nhưng không bạn nào chọn trúng. Chỉ tới bạn thứ 6, khi một bạn học sinh khăng khăng chọn trước rồi mới giải thích lí do, bạn liền trởthành người chiến thắng của trò chơi. Tại sao bạn học sinh trở thành người thắng cuộc?

TS Phạm Mạnh Hà khẳng định: “Năm tờgiấy tờ nào cũng giống nhau. Nhưng chính bạn nam này đã tạo cho mình một giá trị và trở thành người thắng cuộc. Cũng như trong tuyển dụng, năm ứng cử viên đều là “một tờ giấy trắng” và tờ nào có giá trị là do ứng cử viên đó thể hiện với nhà tuyển dụng. Vậy, hãy tạo ra cho mình giá trị và sự khác biệt! Khi mình có giá trị thì phần thưởng sẽ đến với mình!” 

Thông tin mới nhất về thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ

Vui vẻ đến ngày hội tuyển sinh tại Hà Nội ngày 13-3 - Ảnh: THANH HÀ

Vui vẻ đến ngày hội tuyển sinh tại Hà Nội ngày 13-3 – Ảnh: THANH HÀ

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học cung cấp thông tin:

– Năm 2016, tỉnh thành nào cũng có cụm thi ĐH.

– Hội đồng thi của từng cụm thi sẽ công bố kết quả thi của thí sinh.

– Mỗi thí sinh được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi, không nộp khi ĐKXT, mà đăng ký bằng mã thí sinh. Khi nào trúng tuyển thì mới nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường thí sinh trúng tuyển và lựa chọn.

– Các trường ĐH, CĐ được sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Nhưng phải công bố cụ thể phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển, số chỉ tiêu, mức điểm chênh lệch giữa các phương thức xét tuyển…

– Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH có điểm sàn của Bộ, các trường ĐH có thể xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng của trường mình nhưng không được thấp hơn mức sàn của Bộ qui định. Đối với CĐ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ là tốt nghiệp THPT.

– Đối tượng ưu tiên có thay đổi, cần đọc kỹ qui chế mới để không bị nhầm lẫn. Đối tượng ưu tiên thu hẹp ở mức độ hợp lý. Đối tượng 1 ở KV 1 yêu cầu phải thường trú ở KV1 từ 18 tháng. Qui định về nơi tốt nghiệp THPT, ưu tiên theo hộ khẩu cũng thay đổi.

– Không được rút nộp hồ sơ: Cần cân nhắc kỹ khi đăng ký NV1 xét tuyển trong đợt 1. Trong đợt 1, thí sinh được đăng ký hai trường, mỗi trường hai NV. Đăng ký theo nhóm trường cũng được đăng ký bốn NV. Trong các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng