Học Hỏi Về SEE: Trau Dồi Kỹ Năng Xã Hội
Các kỹ năng hiểu biết về cảm xúc và tự điều chỉnh bản thân mà chúng ta đã học hỏi trong Phạm Vi Cá Nhân, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn cho bản thân, khi mình trải qua cuộc sống. Tuy nhiên, vì con người có bản chất quần thể, nên điều quan trọng không kém là mình có thể liên hệ tốt với người khác. Trước đây, người ta cho rằng tính cách xã hội là yếu tố bẩm sinh và bất biến, nhưng gần đây, các nghiên cứu khoa học càng ngày càng cho thấy rằng các tính cách xã hội có thể được trau dồi bằng việc học tập, phản ánh và thực hành có chủ đích. “Xã hội” đề cập đến sự tương tác giữa những cá nhân, cũng như sự tương tác trong một cộng đồng có quy mô nhỏ, chẳng hạn như trường học, văn phòng, gia đình hay xóm giềng. Những cộng đồng có quy mô lớn hơn, chẳng hạn như thành phố, xã hội hay toàn thế giới, được tính trong phạm vi thứ ba và cuối cùng, đó là Toàn Cầu.
Nội Dung Chính
Ý Thức, Lòng Bi Và Tham Gia Vào Bối Cảnh Xã Hội
Phạm Vi Xã Hội tương tự như Phạm Vi Cá Nhân trên nhiều mặt, ngoại trừ việc trọng tâm bây giờ là người khác, thay vì là bản thân mình. Một lần nữa, chúng ta sẽ xem xét ba chiều về Ý thức, Bi mẫn và Tham gia. Ý thức ở đây có nghĩa là nhận thức cơ bản về người khác, cũng như nhận thức về bản thân là những sinh vật xã hội, đó là chúng ta tồn tại trong mối quan hệ với người khác, chúng ta cần có người khác, và hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến những người xung xung quanh. Ý thức này cũng bao gồm sự hiểu biết về những điểm chung của chúng ta như con người, và những điều phân biệt giữa người này và người khác. Bi mẫn bao gồm việc sử dụng kiến thức có được trong Phạm Vi Cá Nhân, để thấu hiểu người khác và cảm xúc của họ, để mình bớt phản ứng và phán xét hơn. Chúng ta cũng sử dụng tuệ giác này, để phát triển những tính cách xã hội khác, chẳng hạn như lòng tri ân, tha thứ, rộng lượng và khiêm tốn. Cuối cùng, chiều Tham gia bao gồm việc kết hợp nhận thức và tuệ giác này với nhau, để học cách liên hệ với người khác một cách tích cực và xây dựng. Do đó, ba thành phần của Phạm Vi Xã Hội có thể được xem là:
- Ý Thức Giữa Những Cá Nhân
- Bi Mẫn Với Tha Nhân
- Kỹ Năng Quan Hệ
Ý Thức Giữa Những Cá Nhân
Trong khi tất cả chúng ta đều có xu hướng tự nhiên, để chú trọng vào tư lợi hạn hẹp của mình, nhưng việc rèn luyện để quan hệ với người khác, với chủ ý tạo ra lợi lạc tốt nhất cho họ, là một kỹ năng mà mình có thể học hỏi, theo thời gian. Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người khác, mà còn cho chính mình. Chẳng hạn như việc trân trọng người khác sẽ tăng cường cảm giác hạnh phúc, cũng như cảm giác kết nối giữa những cá nhân. Ý thức giữa những cá nhân được đề cập đến trong ba chủ đề chính:
- Tham Gia Vào Thực Trạng Xã Hội
- Tham Gia Vào Thực Trạng Chung Với Người Khác
- Trân Trọng Tính Đa Dạng Và Khác Biệt
Tham gia vào thực trạng xã hội đề cập đến khả năng nhận ra bản chất xã hội cố hữu, tầm quan trọng của những người khác và vai trò của họ trong đời sống của mình. Tham gia vào thực trạng chung với người khác gồm có việc trân trọng những gì mình chia sẻ với người khác ở mức độ căn bản, chẳng hạn như muốn được hạnh phúc và lánh xa nỗi khổ. Cuối cùng, trân trọng tính đa dạng và khác biệt là tôn trọng tính đa dạng, tính độc đáo và sự khác biệt giữa những cá nhân và các nhóm, và xem cách họ bổ sung vào đời sống tập thể như thế nào.
Tham Gia Vào Thực Trạng Xã Hội
Như câu nói “không có ai là một hòn đảo”, trên thực tế thì con người là sinh vật xã hội, và vô số những người khác đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mình, dù ta có nhận ra điều đó hay không. Đôi khi, ta lại quên mất điều cơ bản là người khác cũng tồn tại, và trải nghiệm thế giới như những chủ thể, cũng giống như mình. Điều này khiến bạn rất dễ rơi vào cạm bẫy, khi nghĩ rằng mình là người duy nhất có mong muốn và nhu cầu, người nên được chăm sóc, v.v…
Để khởi sự, chúng ta có thể bắt đầu quán chiếu về những người đã định hình con người của mình, những người tiếp tục ảnh hưởng đến sự tồn tại của mình, và những người sẽ ảnh hưởng đến mình trong tương lai. Chẳng hạn như ta có thể nghĩ đến cha mẹ mình, hay những người khác đã cung cấp, hoặc vẫn cung cấp cho mình những nhu cầu thiết yếu và sự bảo vệ. Người khác cho mình sự đồng hành. Ở mức độ rộng lớn hơn, biết bao nhiêu người gieo trồng thực phẩm để mình ăn, may quần áo cho mình mặc. Việc quán chiếu về thực tế này sẽ trở thành nền tảng, để nuôi dưỡng lòng biết ơn, đồng cảm và bi mẫn với tha nhân.
Tham Gia Vào Thực Trạng Chung Với Người Khác
Ngoài thực tế là người khác tồn tại và chu cấp cho mình, ta còn phải thừa nhận là họ cũng có đời sống tình cảm. Ở đây, lòng trân trọng cơ bản đối với người khác được nâng cao, bằng cách nhận ra những điểm tương đồng cơ bản giữa chúng ta, và bất kỳ sự khác biệt nào cũng không thể ngăn cản mình trân trọng họ. Những điểm tương đồng mà ta sẽ chú trọng vào là kinh nghiệm cơ bản của con người. Những điều này phổ biến với tất cả mọi người. Cũng như mình, người khác cũng mong muốn được hạnh phúc, không muốn gặp khó khăn và đau khổ. Họ có đời sống tình cảm, kể cả sự mong muốn, nhu cầu, sợ hãi, hy vọng, v.v… Họ cũng bị bệnh, có những giới hạn, gặp chướng ngại, trải qua niềm vui và thất bại. Việc nhận ra những điểm chung này là một kỹ năng có thể được trau dồi, và trở thành thói quen.
Một khi đã phát triển một mức độ hiểu biết nào đó về cảm xúc, bao gồm bản đồ tâm thức và nhận thức cảm xúc trực tiếp như chủ thể, ta sẽ dễ dàng lưu ý đến những điểm tương đồng mà mình chia sẻ với người khác. Đồng thời, phải khám phá xem người khác không giống mình ở những điểm nào. Mặc dù tất cả mọi người đều có những mong muốn, nhu cầu, sợ hãi và hy vọng, nhưng họ không nhất thiết mong muốn, cần thiết hay sợ hãi những điều giống như mình. Việc này phải được thừa nhận và tôn trọng. Hơn nữa, người khác có kinh nghiệm sống, quan điểm và kiến thức khác nhau, tất cả đều có thể được trân trọng. Việc nhận ra sự khác biệt của chúng ta, trong khi trân trọng những điểm tương đồng giữa chúng ta, sẽ tạo ra sự hiểu biết về tự thân và tha nhân, đóng vai trò như một khía cạnh quan trọng cho kỹ năng quan hệ.
Trân Trọng Tính Đa Dạng Và Khác Biệt
Một phần của thực trạng chung mà chúng ta chia sẻ với người khác là tất cả chúng ta đều đặc thù và khác biệt, rằng chúng ta thuộc về những nhóm xã hội có đặc điểm riêng rẽ và khác biệt với những nhóm khác. Mỗi một người chúng ta đều được nuôi dạy theo cách khác nhau, có môi trường gia đình khác nhau, và những kinh nghiệm đặc thù, là những yếu tố đã hình thành quan điểm, thái độ và nguyện vọng của mình.
Do đó, tính đa dạng là một phần trong thực trạng chung của chúng ta, và có thể được trân trọng như vậy, là điều có thể đưa mình đến với nhau, thay vì xa cách nhau hơn. Việc tôn trọng sự khác biệt và cách mà tính đa dạng đóng góp vào đời sống tập thể của chúng ta là một loại nhận thức đặc biệt quan trọng, trong thế giới ngày càng đa nguyên và toàn cầu hóa. Nó cung cấp nền tảng cho tâm đồng cảm và lòng bi mẫn chân thật.
Bi Mẫn Với Tha Nhân
Tất cả những tính cách xã hội có thể được nhìn thấy, đều bắt nguồn từ lòng bi mẫn, và góp phần tạo nên lòng bi mẫn với tha nhân. Trong khi ý thức giữa những cá nhân sẽ mở đường cho việc phát triển hàng loạt những tính cách xã hội, thì lòng bi mẫn sẽ đặt chúng vào một bối cảnh đạo đức. Có ba cách để phát triển lòng bi mẫn với người khác:
- Thấu Hiểu Cảm Giác Và Cảm Xúc Của Người Khác Theo Bối Cảnh
- Trân Trọng Và Trưởng Dưỡng Lòng Nhân Từ Và Bi Mẫn
- Trân Trọng Và Trưởng Dưỡng Những Bẩm Tính Đạo Đức Khác
Thấu Hiểu Cảm Giác Và Cảm Xúc Của Người Khác Theo Bối Cảnh
Việc không thấu hiểu cảm xúc của mình có thể dẫn đến việc tự phán xét bản thân; tương tự như vậy, khi thấy người khác hành động theo cách mà mình không hiểu, hoặc không tán thành, thì tự nhiên ta sẽ phản ứng, bằng cách phán xét. Tương tự như việc thấu hiểu cách cảm xúc của mình phát sinh từ mong muốn và nhu cầu, sẽ đưa đến việc chấp nhận bản thân và có lòng bi mẫn cho tự thân, quá trình này cũng hữu hiệu, khi nhìn vào người khác.
Nếu như ta hiểu rằng hành vi của người khác bị cảm xúc thúc đẩy, và những cảm xúc này phát sinh theo bối cảnh và từ những nhu cầu tiềm tàng, thì điều đó có thể đưa đến sự đồng cảm và bi mẫn, thay vì tức giận và phán xét. Mục đích ở đây không phải là bào chữa cho hành vi không thích hợp, mà là để thấu hiểu người khác và cảm xúc của họ ở mức độ con người.
Trân Trọng Và Trưởng Dưỡng Lòng Nhân Từ Và Bi Mẫn
Rõ ràng là nên xem trọng lòng bi mẫn hơn sự tàn ác, nhưng rất dễ xa lạ với thực tế cơ bản này. Từ kinh nghiệm bản thân và những tấm gương lịch sử, ta có thể thấy không phải lúc nào mình cũng quý trọng lòng bi mẫn. Trong lịch sử, có vô số ví dụ, khi con người chấp nhận sự tàn ác của người khác, hay đơn giản bỏ qua hành động tàn ác của chính mình.
Lòng bi là một nguyên tắc mạnh mẽ, có thể mang lại lợi ích to lớn cho mình, nhưng chỉ đơn giản ra lệnh cho tâm mình phải bi mẫn thì không hữu hiệu. Chúng ta phải hiểu cái gì là lòng bi mẫn, và cái gì không phải là lòng bi mẫn, và xem trọng nó như điều mà mình muốn trưởng dưỡng. Thường thì sẽ dễ dàng hơn, khi khởi sự với lòng nhân từ – phát triển thái độ ân cần, quan tâm đến người khác – trước khi chuyển sang lòng bi mẫn.
Lòng bi mẫn được định nghĩa là ước muốn làm vơi nỗi khổ của người khác. Tuy nhiều người không xem lòng bi là khía cạnh chủ yếu trong sự tồn tại của con người, nhưng nghiên cứu đã nêu ra nguồn gốc sinh học của nó. Tất cả động vật có vú và chim đều cần sự chăm sóc của mẹ để tồn tại, vì thực tế là sau khi chào đời, chúng không thể tự sinh tồn. Hành động vị tha ở nhiều loài khác nhau, kể cả con người, tạo ra mối liên hệ hỗ tương, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển ở cả mức độ cá nhân và bầy đàn. Vậy thì về nhiều mặt, lòng bi mẫn là vấn đề sống còn. Điều này giải thích tại sao con người rất ưa thích lòng tốt, từ khi còn rất nhỏ, và tại sao chúng ta lại phản ứng một cách rất tích cực đối với lòng bi mẫn, ngay cả ở mức độ sinh lý.
Trân Trọng Và Trưởng Dưỡng Những Tính Cách Đạo Đức Khác
Ngoài lòng bi ra, chúng ta cũng có thể trưởng dưỡng những tính cách, kể cả lòng biết ơn, tha thứ, mãn nguyện, khiêm tốn, nhẫn nại v.v… Điểm chung của tất cả những tính cách đạo đức này là chúng đề cập đến những phẩm chất nội tâm, chứ không phải của cải vật chất hay thành tích, đem lại lợi lạc và hạnh phúc trong đời sống của mình. Việc chú tâm vào lòng quý trọng con người, và cảm kích cách mà họ giúp cho đời sống của mình trở nên phong phú, thì trái ngược với ý niệm cho rằng việc tự nâng cao bản thân và tích lũy tài sản là chìa khóa dẫn đến sự mãn nguyện và hạnh phúc lâu dài. Phải đánh giá cao tầm quan trọng của những phẩm chất nội tâm này. Nghiên cứu cho thấy tuy tâm mãn nguyện trong đời sống sẽ giảm thiểu, sau một mức độ nào đó của sự sung túc về vật chất, nhưng mối liên hệ chặt chẽ giữa lòng biết ơn và hạnh phúc thì giống như nhau ở trẻ em và người lớn. Lòng biết ơn không chỉ tạo ra lòng mãn nguyện trong đời sống, mà còn có thể là liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho những thông điệp về vật chất, được truyền thông xã hội, quảng cáo và truyền hình truyền đạt.
Người khác tạo lợi lạc cho mình theo nhiều cách, và thậm chí không nhất thiết có chủ ý để mình hưởng thụ lợi ích đó. Ta cũng có thể cảm kích những điều người khác chưa làm, như họ chưa đánh cắp, làm hại hay xúc phạm đến mình. Ở mức độ cao hơn, thậm chí, ta có thể học cách trân trọng lợi ích mà mình có được, khi người khác có hành động hãm hại. Ta có thể học hỏi tấm gương của những người đã trải qua và vượt qua khó khăn cùng cực, đã chuyển hóa quan điểm của họ, và có đời sống hạnh phúc hơn, viên mãn hơn. Tuy không nên dung túng hành vi sai trái của người khác, nhưng khả năng có một quan điểm mới là một cách hiệu quả, để giải tỏa tâm sân hận, oán hận và thù hằn. Việc tìm hiểu những cách mà tha nhân sẽ làm lợi lạc cho mình có thể đem lại kết quả của việc trưởng dưỡng cảm giác tri ân chân thật và vĩnh cửu, là điều đóng vai trò như một sự gắn bó và liên kết mạnh mẽ với người khác.
Khi quán chiếu về những nhược điểm của thái độ vị kỷ, và cách mà hạnh phúc và phúc lạc của bản thân phụ thuộc vào vô số hành vi tử tế của người khác như thế nào, thì tự nhiên, mình sẽ biết ơn.
Chúng ta cũng phải trưởng dưỡng tâm đồng cảm, đó là khả năng nhận biết và nhạy cảm với kinh nghiệm của người khác, kể cả niềm vui và nỗi buồn của họ. Hầu hết chúng ta đều tự động cảm thấy đồng cảm với bạn bè và người thân, nhưng có thể trải rộng điều này ra xa hơn nữa, và không có tâm thiên vị. Khi kết hợp tâm đồng cảm với kiến thức về những điểm tương đồng cơ bản của chúng ta, thì một sự đồng cảm chân thật, ít bị ràng buộc vì thành kiến có thể phát sinh. Quan hệ với người khác với tâm đồng cảm bao gồm nỗ lực để thấu hiểu quan điểm và hoàn cảnh của họ. Chẳng hạn như thay vì nói “người này ích kỷ”, thì có thể nói rằng “hành vi của họ có thể được xem là ích kỷ.” Điều này sẽ giúp mình không xem người đó là người ích kỷ vĩnh viễn, và cởi mở hơn, để nhận ra những trường hợp mà họ không ích kỷ.
Khi khám phá ra những điểm tương đồng giữa mình và người khác, rồi phát triển lòng biết ơn và đồng cảm, thì tự nhiên, ta cũng sẽ tha thứ cho họ. Khi đã buông bỏ những kỳ vọng không thực tiễn của mình, và trưởng dưỡng việc chấp nhận bản thân, thì ta sẽ giải tỏa lòng sân hận và oán giận đối với người khác một cách dễ dàng. Vì vậy, lòng tha thứ trở thành món quà mà ta trao tặng cho chính mình.
Kỹ Năng Quan Hệ
Chúng ta phải thường xuyên lèo lái những việc giao tiếp xã hội phức tạp, từ tình bạn, rắc rối trong gia đình, đến hoàn cảnh ở văn phòng. Khả năng thích nghi với nhiều môi trường xã hội là điều cần thiết, để có được hạnh phúc và thành công. Hạnh phúc lâu dài liên quan một cách đáng kể đến khả năng hình thành và duy trì những mối quan hệ có ý nghĩa và tích cực, đồng thời có thể nhận ra và chấm dứt những mối quan hệ có hại.
Hai thành phần trước của khóa học này, đó là ý thức về bản chất xã hội của mình, kết hợp với việc thấu hiểu cảm xúc của người khác theo bối cảnh, sẽ tạo ra nền tảng để xây dựng các kỹ năng, hành vi và thực hành thật sự, có lợi nhất cho phúc lợi của mình và người khác. Ngay cả khi hành vi của mình dựa vào tâm đồng cảm và lòng bi mẫn, thì đôi khi, nó sẽ phản tác dụng. Chúng ta có thể có ý tốt, nhưng cuối cùng, có thể vô tình tạo ra khó khăn cho tự thân và tha nhân. Bằng cách tích lũy thêm kinh nghiệm, ta có thể giảm thiểu điều này. Chúng ta có thể chủ động thực hành bất cứ kỹ năng nào mình đã học được, cho đến khi chúng được biểu hiện và trở nên tự nhiên. Có bốn khía cạnh mà mình có thể đào tạo:
- Lắng Nghe Với Tâm Đồng Cảm
- Giao Tiếp Khéo Léo
- Giúp Đỡ Tha Nhân
- Chuyển Hóa Xung Đột
Lắng Nghe Với Tâm Đồng Cảm
Lắng nghe với tâm đồng cảm là lắng nghe người khác với tâm hồn cởi mở, và không khép kín vì phản ứng cảm xúc. Đó là cơ sở để tôn trọng và đánh giá cao người kia, ngay cả khi quan điểm của họ khác với quan điểm của mình. Chúng ta có thể luyện tập cách lắng nghe với tâm đồng cảm, với những bài tập “lắng nghe sâu sắc”, khi mà mỗi lần như vậy, mình sẽ cố gắng lắng nghe người khác mà không bình luận hay phán xét trong vài phút. Hoặc có thể nhìn hay nghe người khác nói những điều mà có thể mình không đồng ý, nhưng sau đó, hãy dừng lại, để diễn đạt lại ý nghĩa, hay trình bày lại những gì họ nói, trước khi mình có phản ứng về mặt cảm xúc.
Việc lắng nghe với tâm đồng cảm phải là lắng nghe, không chỉ chú ý đến nội dung bề ngoài, mà còn cả những nhu cầu và nguyện vọng tiềm ẩn, có thể cung cấp bối cảnh để mình hiểu nội dung của điều mà người khác nói.
Giao Tiếp Khéo Léo
Lắng nghe là điều rất quan trọng, nhưng cũng phải có khả năng truyền đạt những gì mình muốn nói một cách ân cần, hữu hiệu và trợ lực cho bản thân và người khác. Khái niệm “giao tiếp trợ lực” đề cập đến khả năng nói một cách tôn trọng và rõ ràng, không chỉ cho mình, mà còn cho những người không thể nói cho bản thân họ. Tranh luận có thể là một công cụ rất mạnh mẽ. Chẳng hạn như chúng ta có thể chọn việc tranh luận với bạn bè, và đứng về phía mà mình thường bất đồng ý kiến. Vì là con người, chúng ta có xu hướng khiến cho người phản đối quan điểm của mình trở nên không hợp lệ, hay thậm chí làm mất nhân tính của họ, nên những bài tập như vậy có thể giúp ta trưởng dưỡng tính khiêm tốn, tò mò về mặt trí thức, và ý thức về nhân loại chung.
Giúp Đỡ Tha Nhân
Lắng nghe và giao tiếp là những điều cơ bản, nhưng có vô số những cách khác để giúp đỡ tha nhân. Việc giúp đỡ người khác phải luôn phù hợp với nhu cầu của họ, và cũng phải thích hợp với khả năng của mình. Từ dịch vụ cộng đồng đến việc thiện nguyện, đến “hành động tử tế ngẫu nhiên”, thì nghiên cứu cho thấy rằng việc giúp đỡ người khác thậm chí còn đóng góp nhiều hơn cho hạnh phúc của mình, hơn là khi nhận sự giúp đỡ của người khác.
Chúng ta có thể dành thời gian để quán chiếu về quá trình giúp đỡ người khác: mình có cảm giác như thế nào khi làm việc đó, mình học hỏi được gì từ điều đó, làm thế nào để cải thiện nó, và ảnh hưởng của việc này, đối với những người mình đang cố gắng giúp đỡ. Cuối cùng, ta có thể tìm hiểu xem người khác thật sự cần sự giúp đỡ gì, đối với phúc lợi lâu dài của họ, ngoài những điều thiển cận bên ngoài.
Chuyển Hóa Xung Đột
Chúng ta không thể tránh sự xung đột suốt đời. Xung đột tự nó không hẳn là xấu, nhưng việc học cách lèo lái sự xung đột đối với bản thân và người khác là một kỹ năng quan trọng. Giải quyết xung đột chỉ là một phần của con đường hướng về sự chuyển hóa hoàn cảnh và quan hệ, có thể nâng cao hạnh phúc cho cả hai bên. Đối với việc này, mình phải có khả năng ứng phó một cách tích cực đối với sự xung đột, và tạo điều kiện cho sự hợp tác, hòa giải và quan hệ hòa bình.
Tâm an lạc bên trong là nền tảng cho hòa bình bên ngoài. Tương tự như vậy, hòa giải bên trong có thể dẫn đến hòa giải bên ngoài. Việc đối phó với thế giới nội tâm sẽ nâng cao tối đa cơ hội chuyển hóa xung đột một cách thành công. Nếu không tu dưỡng đức tính khiêm tốn, đồng cảm, bi mẫn, tha thứ, không thiên vị và thừa nhận nhân loại, thì việc chuyển hóa và giải quyết xung đột sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Khi có những kỹ năng này, thì việc giải quyết xung đột có thể trở thành một kinh nghiệm sâu sắc, và thật sự có tính chuyển hóa, đối với tất cả những người liên quan trong đó.
Tóm Tắt
Trong phần đầu tiên của khóa học này, chúng ta sẽ phát triển kiến thức về cảm xúc, để hiểu rõ hơn về bản thân. Trong phần thứ hai này, chúng ta sẽ sử dụng sự hiểu biết này, để giao tiếp với người khác như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người lạ mà mình gặp gỡ. Việc trưởng dưỡng những kỹ năng quan hệ được gắn liền với nguyên tắc của lòng nhân từ và bi mẫn. Một khi đã thực hành chúng một cách đầy đủ, thì các kỹ năng xã hội không chỉ là một mớ kỹ thuật, mà sẽ chuyển hóa thành kết quả tự nhiên của cảm giác trân trọng và quan tâm đối với tha nhân. Khi áp dụng và thực hành những phương thức tích cực trong bối cảnh xã hội mà mình đang trải nghiệm, những mối quan hệ của mình không chỉ trở nên hài hòa hơn, mà ta còn cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện hơn.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, thì xin đọc phiên bản đầy đủ của Khuôn Khổ Học Hỏi SEE và học hỏi về những chương trình khác của Trung Tâm Khoa Học Tư Duy và Bi Mẫn Dựa Trên Đạo Đức.