Học Bác sĩ Nha khoa có khó không?
Bác sĩ nha khoa là nghề nghiệp đáng mơ ước nhưng việc học và thi vào ngành này không phải dễ dàng. Dù vậy, một nha sĩ giàu kinh nghiệm của chúng tôi cho rằng, chỉ cần đủ khát khao bạn có thể học và trở thành nha sĩ.
Mặc dù nhu cầu chăm sóc răng miệng, phục hình răng tại Việt Nam ngày càng cao nhưng số lượng bác sĩ nha khoa tốt nghiệp hằng năm khá không đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng của người dân.
Nghề nha sĩ ở góc độ nào đó được đánh giá là một nghề nghiệp khá “xịn xò” bởi cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập cao. Dù vậy, đây là ngành nghề có điểm tuyển sinh đầu vào khá cao, luôn dao động từ 26-27 điểm trở lên.
Xem thêm bài viết: Học Nha khoa có thể làm giàu lương vài ngàn USD mỗi tháng
1. Có sự khác biệt nào giữa Bác sĩ Răng Hàm Mặt với bác sĩ Nha Khoa?
Nha sĩ hay bác sĩ nha khoa là bác sĩ chuyên về chẩn đoán, điều trị các bệnh liên quan đến khoang miệng, răng. Đây là công việc có nhiều triển vọng do nhu cầu chăm sóc răng miệng, phục hình răng của người dân ngày càng tăng.
Hình ảnh một bác sĩ Nha khoa (Dentist) đang khám cho bệnh nhân
Nếu như Bác sĩ Đa khoa có thể bao quát tất cả các bệnh lý về con người thì Bác sĩ Răng Hàm Mặt lại chỉ khu trú ở một vùng đó chính là khu vực Răng miệng và Hàm Mặt. Còn Bác sĩ nha khoa thì lại điều trị trong một vùng nhỏ hơn của Bác sĩ Răng Hàm Mặt đó chính là vùng miệng bao gồm Răng và các vùng liên quan tới răng. Từ “nha” trong từ nha khoa ở đây chính là nói về răng.
1.1 Nên học Bác sĩ Đa khoa hay Răng Hàm Mặt?
Mục tiêu trong đào tạo Bác sĩ Y Đa khoa: Trở thành những con người có y đức; nắm vững các kiến thức khoa học cơ bản; tiếp thu tốt các kiến thức y học cơ sở cũng như các kỹ năng cơ bản về y học lâm sàng và cộng đồng. Có thể kết hợp được các phương pháp y học hiện đại với y học cổ truyền. Khả năng tự học; trau dồi kiến thức nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe cho mọi người.
Sau khi tốt nghiệp ngành Y Đa khoa sinh viên sẽ có kỹ năng khám và chữa bệnh bao gồm: Chẩn đoán và xử trí một số bệnh nội khoa thông thường; xử trí một số cấp cứu thường gặp trong nội khoa tuyến y tế cơ sở; có thể tự chẩn đoán và thực hiện sơ cứu cho các trường hợp khẩn cấp khi gặp phải trong ngoại khoa; làm các kỹ thuật tiểu phẫu; chẩn đoán và định hướng một vài bệnh chuyên khoa; khả năng làm một số kỹ thuật đơn giản như chăm sóc và bảo vệ các bà mẹ, trẻ em.
Bên cạnh đó; sinh viên ngành Y Đa khoa còn thực hiện tốt một số xét nghiệm đơn giản phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh thông thường. Chữa bệnh không dùng thuốc và có kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền đơn giản nhằm dự phòng một số bệnh thường gặp.
Những nơi mà sinh viên tốt nghiệp ngành Y Đa khoa có thể làm việc như: các bệnh viện, cở sở y tế, ban ngành có nhu cầu sử dụng bác sĩ đa khoa. Thông thường để học đa khoa sẽ mất thời gian là 6 năm. Sau đó; muốn theo chuyên ngành nào thì cần phải học thêm 1 năm định hướng theo đúng chuyên khoa mà bạn tự chọn.
1.2 Bác sĩ Răng Hàm Mặt là gì? Làm sao để trở thành một bác sĩ Răng Hàm Mặt?
Nếu từ Bác sĩ Đa Khoa bạn muốn học theo ngành Răng – Hàm – Mặt thì có thể tìm các cơ sở đào tạo định hướng. Học xong 1 năm định hướng và 1 năm thực tế tại cơ sở y tế thì bạn sẽ đủ điều kiện để tham gia học nâng cao chuyên ngành (bác sĩ chuyên khoa cấp 1 hoặc cao học Răng hàm mặt). Trong trường hợp bạn tốt nghiệp bác sĩ đa khoa với bằng loại giỏi thì có thể đăng ký dự thi cao học Răng hàm mặt ngay còn nếu xếp loại bằng trung bình thì cần phải thêm thời gian 2 năm thực tế thì mới đủ điều kiện để tham dự thi.
Còn những trường hợp đã tham gia học bác sĩ chuyên khoa từ đầu như mã ngành bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt thì sau khi tốt nghiệp học sẽ không phải học thêm bác sĩ định hướng nữa; có đủ tiêu chuẩn làm ngay.
1.3 Vậy Ngành Răng Hàm Mặt thì bao gồm những tổ hợp môn nào?
Ngành Bác sĩ Nha khoa phải thi khối A( Toán, Lý, Hóa) hoặc B( Toán, Hóa, Sinh). Tuy nhiên các em lưu ý điểm sàn vào các trường rất cao vì vậy nên cân nhắc trước khi nộp hồ sơ vào trường. Nên tham khảo điểm sàn của trường qua các năm để có những lựa chọn chính xác phù hợp với năng lực của mình.
Ngoài tổ hợp B( Toán, Hóa, Sinh) và A( Toán, Lý, Hóa), nhiều trường xét tuyển ngành Nha khoa theo khối D( Toán, Văn, Anh). Ngoài ra cũng có một số trường Trung cấp và Cao đẳng xét tuyển học bạ THPT.
- A00: Toán, Lý, Hóa.
- A16: Toán, KHTN,Văn.
- B00: Toán, Hóa, Sinh.
- C02: Toán, Hoá, Văn.
1.4 Bác sĩ nha khoa học mấy năm?
Bác sĩ nha khoa nếu bạn học từ chuyên ngành Răng Hàm Mặt ngay từ đầu thì hết 6 năm trên ghế nhà trường và 18 tháng để lấy Chứng chỉ hành nghề đủ tiêu chuẩn để điều trị cho bệnh nhân. Còn nếu bạn học Bác sĩ Đa khoa và học lên chuyên khoa Răng Hàm Mặt thì hết 8 năm.
2. Công việc của một nha sĩ gồm những gì?
Công việc của bác sĩ nha khoa bao gồm điều trị sâu răng, cạo vôi răng, nha chu, trám răng, nhổ răng, điều trị tủy, phục hình răng, chỉnh nha (trồng răng giả, implant nha khoa, niềng răng)… cho bệnh nhân.
Nha sĩ cũng có thể kê toa thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc an thần hay những loại thuốc phục vụ trong việc điều trị các điều kiện khác nhau phát sinh tại vùng miệng, họng và cổ…
3. Những khó khăn áp lực của Bác sĩ nha khoa?
Bác sĩ nha khoa là một nghề cực kì áp lực. Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ, những người làm công việc nha khoa có mức độ căng thẳng và kiệt sức cao với 17,6 % nha sĩ được khảo sát thừa nhận đã nghĩ đến việc tự tử và từ năm 1995 đến năm 2011 đã có 77 nha sĩ tự tử vì căng thẳng.
Đây là nghề đứng giữa hai lĩnh vực y tế và dịch vụ, do đó, nha sĩ luôn phải nỗ lực trong việc giữ đúng y đức, đem lại những chỉ định điều trị tốt nhất, liên tục cập nhật kiến thức mới, kỹ năng lâm sàng phải giỏi để làm hài lòng bệnh nhân…
Điều đáng nói là, nếu như bác sĩ phẫu thuật chủ yếu làm việc với những bệnh nhân đã được gây mê thì nha sĩ dù phẫu thuật cho bệnh nhân – cũng chủ yếu làm việc với những bệnh nhân tỉnh táo. Do đó, nha sĩ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các cảm xúc căng thẳng, khó chịu khác nhau của các bệnh nhân trong quá trình điều trị (nhổ răng, trám răng, trồng răng…). Chính điều đó đôi khi khiến tâm trí trở nên căng thẳng.
Ngoài ra, nha sĩ luôn phải trao đổi trực tiếp với bệnh nhân về vấn đề tiền bạc, bởi vì chi phí điều trị, chỉnh hình trong nha khoa đều khá đắt. Cũng chính vì điều này mà nha sĩ đôi khi sẽ khá đau đầu khi phải đối mặt với những bệnh nhân (không hiểu chuyên môn) nhưng đưa ra nhiều đòi hỏi “ngược đời” hay không tuân theo phác đồ điều trị của nha sĩ.
Kiện tụng là một trong những rắc rối lớn nhất mà Bác sĩ nha khoa sẽ gặp trong quá trình hành nghề. Xem thêm bài viết sau để hiểu rõ hơn về vấn đề này: Các sự cố dễ xảy ra kiện tụng trong Nha khoa và cách phòng tránh
4. Những tố chất cần có để học và trở thành một bác sĩ nha khoa?
Để làm được nghề này, một người cần học tập và cập nhật kiến thức mới suốt đời, kiên trì, khéo tay, sáng tạo, hơi cầu toàn và có khiếu thẩm mỹ một chút là một lợi thế. Tuy nhiên, các yếu tố trên đều có thể bù trừ bằng sự siêng năng và quyết tâm.
Quá trình 6 năm học nha sĩ khá cực, phải học nhiều, thực hành liên tục. Có những thời điểm mỗi tuần phải thi 1 môn và giáo trình của môn đó có thể rất là dày. Dù vậy, với những bạn thực sự giỏi thì học cũng vẫn nhẹ nhàng. “Tố chất để trở thành một ai đó, giỏi nghề gì đó không quan trọng bằng việc bạn mong muốn trở thành người mà mình muốn trở thành“.
Tác giả không để mức lương trong bài viết này bởi vì trước khi bạn chọn một ngành nghề hay công việc gì đó thì đừng nghĩ tới mức lương như thế nào mà hãy làm vì đam mê và nhiệt huyết trong bạn. Nếu bạn bạn kiên trì thì cho dù lĩnh vực nào đi chăng nữa không chỉ riêng bác sĩ nha khoa thì mức lương mà bạn nhận được có thể lên vài chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là bình thường. Và bạn bè của tác giả cho dù là bác sĩ nha khoa nhưng nếu không cầu tiến thì cũng chỉ vỏn vẹn từ 7,8 triệu hoặc hơn mà thôi.
Bài tiếp theo mình sẽ giới thiệu cho các em một ngành có thể nói là cũng hot không kém. Đó chính là y sĩ nha khoa. Cùng Nha Khoa Miền Trung đón xem bài viết tiếp theo nhé!
Đánh giá bài viết