Hoạt động cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp tại VPBank Thái Nguyên
Tổng quát về hoạt động cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp
Cho vay tín chấp là hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp. Các tổ chức tín dụng xét duyệt khoản vay dựa vào uy tín và mức thu nhập của người vay. Xét theo đối tượng, cho vay tín chấp gồm 2 loại: Cho vay tín chấp đối với khách hàng cá nhân và cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp.
Điều kiện và thủ tục xét duyệt cho vay doanh nghiệp của các ngân hàng này khá giống nhau, chủ yếu dựa trên các yếu tố sau:
– Uy tín của khách hàng: Nghề nghiệp của khách hàng, uy tín, chức vụ và địa vị xã hội của khách hàng.
– Lịch sử tín dụng của khách hàng.
– Thu nhập: Tổng thu nhập của khách hàng.
– Uy tín của đơn vị, tổ chức, công ty nơi khách hàng đang làm việc…
Hiện nay, có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Thái Nguyên đã triển khai và áp dụng nhiều gói sản phẩm cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp như: VPBank, Techcombank, Tienphong Bank, SHB, Sacombank, BIDV… Nhìn chung, điều kiện và thủ tục xét duyệt cho vay doanh nghiệp của các ngân hàng này khá giống nhau, chủ yếu dựa trên các yếu tố sau:
– Uy tín của khách hàng: Nghề nghiệp của khách hàng, uy tín, chức vụ và địa vị xã hội của khách hàng.
– Lịch sử tín dụng của khách hàng.
– Thu nhập: Tổng thu nhập của khách hàng.
– Uy tín của đơn vị, tổ chức, công ty nơi khách hàng đang làm việc…
Thực trạng triển khai cho vay tín chấp tại VPBank Thái Nguyên
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, VPBank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên triển khai và cung ứng ra thị trường các gói sản phẩm cho vay tín chấp nói chung và cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp nói riêng.
Gói sản phẩm tín dụng cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp được VP Bank đưa ra thị trường từ năm 2016. Đến nay, sau gần 5 năm (2016-2020) triển khai, hoạt động cho vay tín chấp của VPBank Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả nhất định.
Số lượng khách hàng và dư nợ tín dụng tại VPBank Thái Nguyên liên tục gia tăng qua các năm (Hình 1).
Khách hàng doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với VPBank Thái Nguyên chủ yếu là khách hàng có quy mô vừa. Khách hàng có quy mô nhỏ chỉ chiếm 35,29% về số lượng và 32,25% về dư nợ cho vay (Số liệu thống kê trong năm 2020). Mặc dù đây là đối tượng thường xuyên có nhu cầu về vay vốn tín chấp nhưng do yêu cầu về thời gian hoạt động trong quy chế cho vay của VPBank chặt chẽ (doanh nghiệp phải hoạt động trên thị trường tối thiểu 2 năm), nên có nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện tham gia gói sản phẩm này.
Tuy vậy, gói sản phẩm cho vay tín chấp của VPBank Thái Nguyên vẫn là sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Thống kê dư nợ cho vay tín chấp của VPBank Thái Nguyên liên tục gia tăng trong giai đoạn 2018-2020 và bắt kịp sản phẩm cho vay thế chấp của VPBank. Tỷ trọng dư nợ cho vay tín chấp khách hàng doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2020 là 53% tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp của VPBank Thái Nguyên.
Thực tiễn cho thấy, cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp là hoạt động cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với cho vay thế chấp truyền thống, nên lãi suất cho vay tín chấp thường cao hơn, do vậy, lãi từ hoạt động cho vay tín chấp tại VPBank Thái Nguyên cũng cao hơn nhiều (Hình 2).
Nợ xấu từ hoạt động cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp của VPBank Thái Nguyên cũng có biến động, theo chiều hướng tăng nhẹ, lần lượt ở mức 3% và 8% trong năm 2019 và năm 2020. Nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh và tăng nhẹ là do bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Mặc dù vậy, hoạt động cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp của VPBank Thái Nguyên trong giai đoạn 2018-2020 có sự tăng trưởng tốt, nhưng chất lượng tín dụng chưa cao. Những yếu tố thuận lợi và khó khăn của VPBank Thái Nguyên gặp phải trong quá trình triển khai các gói cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp bao gồm:
– Những yếu tố thuận lợi: VPBank Thái Nguyên hoạt động trên địa bafntinhr Thái Nguyên từ khá sớm, cho nên số lượng cũng như thị phần khách hàng của VPBank Thái Nguyên khá đông đảo trên địa bàn. Sản phẩm cho vay tín chấp của VPBank Thái Nguyên là một trong những sản phẩm có thế mạnh so với các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn, chính sách linh hoạt, thời gian cho vay dài và giá trị món vay lớn hơn so với các ngân hàng khác; Đội ngũ cán bộ tín dụng có thâm niên công tác và có chuyên môn, kinh nghiệm; Hiệu ứng từ FE Credit cũng đưa gói sản phẩm tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp của VP Bank được biết đến nhiều hơn (Bảng 2).
– Một số tồn tại, khó khăn: Đội ngũ cán bộ tín dụng mặc dù có thâm niên nhưng sức ì lớn, chưa chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới; Sản phẩm tín dụng cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp thường có lãi suất cao, kém hấp dẫn trong việc thu hút khách hàng doanh nghiệp; Các sản phẩm tín dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là gói sản phẩm tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp vừa vả nhỏ; Lực lượng cán bộ tín dụng còn mỏng, chưa chú ý đến công soát trong và sau khi cho vay để kiểm tra mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp; Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn cũng đã bắt đầu triển khai gói sản phẩm này đến khách hàng…
Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp tại VPBank Thái Nguyên
Trên cơ sở nhận diện những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp tại VPBank Thái Nguyên, bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp của VPBank Thái Nguyên trong thời gian tới như:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng: Cần thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ tín dụng về nghiệp vụ tín dụng, cũng như năng lực đánh giá tài chính khách hàng. Điều này có ý nghĩa quyết định đến giá trị món vay và lãi suất cho vay đối với mỗi khách hàng. Mỗi cán bộ tín dụng cần phải vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, thì mới có thể rút ngắn được thời gian xử lý món vay, tăng sự hài lòng của khách hàng.
Thứ hai, tích cực thực hiện các chiến dịch quảng bá hình ảnh của VPBank nói chung và Trung tâm Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Nguyên nói riêng nhằm phổ biến, đưa sản phẩm cho vay tín chấp đối với khách hàng doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng đủ điều kiện vay vốn, từ đó gia tăng sự chọn lọc trong việc ra quyết định.
Thứ ba, hoàn thiện quy trình đánh giá, phân loại và xếp hạng khách hàng nhằm xác định mức cho vay và chính sách cho vay hợp lý. Từ đó, rút ngắn thời gian đánh giá và phê duyệt tín dụng.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để xem xét quá trình sử dụng vốn, tiến độ trả nợ của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Ngân hàng thương mại (2013), NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
2. Báo cáo tổng kết Trung tâm Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020;
3. Chiến lược phát triển và giá trị cốt lõi của VPBank, https://www.vpbank.com.vn/ve-chung-toi/gioi-thieu-chung/core-value;
4. https://vaytinchap.vpbank.com.vn/LOSWebDE/vay-ho-kinh-doanh.vpb?.
(*) ThS. Nguyễn Thị Hường, ThS. Khương Kiều Trang – Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021