Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp thương mại
Kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp thương mại
Phân loại chi phí phục vụ việc ra quyết định
Việc phân loại chi phí theo khoản mục chi phí như hiện nay mới chỉ đáp ứng được nhu cầu thông tin kế toán tài chính (KTTC), chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho KTQT. DN nên phân loại toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh theo quan hệ với mức độ hoạt động hay còn gọi là cách phân loại chi phí theo các ứng xử của chi phí. Chi phí tại DN sẽ được phân loại thành biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp.
Với cách phân loại chi phí này sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà quản trị về lập kế hoạch chi phí, kiểm soát và chủ động điều tiết chi phí, ra quyết định kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả.
Theo cách này, toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh của DN được chia thành biến phí, định phí và chi phí hỗn hợp. Với chi phí hỗn hợp, kế toán có thể sử dụng phương pháp cực đại – cực tiểu để tách biến phí và định phí trong chi phí hỗn hợp.
Xây dựng dự toán chi phí
Để xây dựng dự toán, cần căn cứ vào hệ thống sản xuất kinh doanh hàng năm, dự toán sản xuất kinh doanh của các kỳ kinh doanh trước. Để phục vụ cho việc ra quyết định của các nhà quản trị nhanh chóng và hiệu quả nên lập các dự toán như: Dự toán tiêu thụ, dự toán lịch thu tiền, dự toán mua hàng, dự toán lịch thanh toán tiền hàng, dự toán chi phí bán hàng và quản lý DN (QLDN), dự toán tiền, dự toán báo cáo tài chính…
Phân tích thông tin phù hợp phục vụ cho việc ra quyết định
Phân tích hệ thống báo cáo quản trị để biết được tình hình thực hiện dự toán tiêu thụ, bán hàng… trong kỳ so với kế hoạch đặt ra. Phải tiến hành đánh giá chung tình hình thực hiện kế hoạch, giúp cho nhà quản trị nắm được tình hình tăng, giảm giữa kế hoạch và thực hiện trong kỳ cả về số tuyệt đối, các chênh lệch được tính toán.
Bởi vì có rất nhiều các chênh lệch nên không thể tiếp tục điều tra toàn bộ chúng mà còn dựa vào một số tiêu chuẩn để xác định khoản chênh lệch nào cần tiếp tục điều tra. Các tiêu chuẩn để xem có thể là độ lớn của khoản chênh lệch và khả năng kiểm soát chệnh lệch.
Phân tích báo cáo bán hàng: Đây là một báo cáo thường được các nhà quản lý quan tâm. Đặc biệt trong điều kiện hàng ứ đọng như hiện nay. Việc phân tích báo cáo bán hàng giúp các nhà quản trị DN thấy được các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các khả năng tiềm tàng. Từ đó, DN sẽ có những giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ, thu hồi vốn nhanh và thúc đẩy sản xuất phát triển. Ví như lập báo cáo kết quả kinh doanh theo lợi nhuận góp.
Mốt số kiên nghị
Về phía nhà nước và các cơ quan chức năng
Cần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, tín dụng. Nhà nước cần xem xét lại các quy định quản lý tài chính không phù hợp về doanh thu,chi phí và kết quả kinh doanh, cần loại bỏ những quy định quá cụ thể, những quy định mang tính bắt buộc, để các DN có tính độc lập trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay nhà nước cần giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng nội địa, bởi như vậy mới giúp DN giải phóng được hàng tồn kho. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tài chính một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về kế toán
Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về kế toán đồng bộ, thống nhất. Luật Kế toán, chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán đã được ban hành khá đầy đủ nhưng có một số nội dung quy định chưa thực sự đảm bảo tính thống nhất logic với nhau trong một chuẩn mực hay giữa các chuẩn mực với nhau.
Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng hệ thống kế toán, mặt khác phải không ngừng hoàn thiện hệ thống này để đáp ứng ngày càng cao việc thu thập, phản ánh, xử lý, cung cấp thông tin từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của DN.
Tiếp tục cải cách và phát triển các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán như: Hội đồng quốc gia kế toán, Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam; Khuyến khích và tăng cường các hoạt động dịch vụ tư vấn tài chính kế toán kiểm toán. Tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia kế toán có trình độ cao, đáp ứng mọi nhu cầu quản lý trong lĩnh vực kế toán.
Đối với các doanh nghiệp thuơng mại
– Cần định hướng tổ chức bộ máy quản lý nói chung và bộ máy kế toán chặt chẽ, chuyên môn hóa cao hơn. Hiện nay, nhân viên kế toán kiêm nhiệm nhiều công việc, không thể theo dõi chặt chẽ từng nghiệp vụ. Do đó, bộ máy kế toán cần có sự phân công lại, tách bạch công việc một cách hợp lý.
– Chú trọng đến việc bồi dưỡng nhân lực, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ, có khả năng xử lý công việc nhanh và hiệu quả. DN nên mở các lớp hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo chuyên môn cho cán bộ, thường xuyên cập nhật sự thay đổi của các chính sách kế toán, các văn bản mới ban hành.
– Nhân viên kế toán phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật thông tin từ tổng cục thuế, thông tin từ Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật mới nhất để có những sửa đổi kịp thời. Nhằm giúp cho quá trình ghi chép, lưu trữ thông tin được chính xác, thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ với Nhà nước.