Hóa thạch – Hành trình khám phá nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất
Sau 2 năm tìm kiếm và sưu tầm, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đã thu thập được hơn 14.000 mẫu vật; 2.500 tấn gỗ hóa thạch từ khắp nơi trên thế giới được giới khoa học đánh giá là kho báu vô giá của ngành cổ sinh vật học nước nhà.
Được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cùng sự kết hợp đặc biệt giữa Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, lần đầu tiên vùng đất cổ sinh sẽ được tái hiện ngay trong khuôn khổ Festival Huế 2022.
Du khách tham quan sẽ được đắm chìm trong không gian đậm đặc hơi thở của lịch sử tự nhiên Trái Đất trải dài hàng trăm triệu năm. Ở đó, các câu chuyện về nguồn gốc sinh giới trên Trái Đất, về sự ra đời, tiến hóa và diệt vong của những loài sinh vật từng có mặt trên hành tinh xinh đẹp này hẳn sẽ đánh thức tình yêu và ham muốn khám phá lịch sử tự nhiên của không ít người. Sự rung động chắc hẳn sẽ như làn gió mát giữa ngày hè đến với mỗi người khi tận mắt ngắm nhìn những sinh vật đã từng tồn tại cách đây hằng trăm triệu năm, những sinh vật đã tuyệt chủng, những sinh vật chính là nguồn cơn cho sự tiến hóa phát triển của sinh giới, đỉnh cao là loài người – đang được lưu giữ trong từng lớp đá tưởng chừng vô tri trước mặt.
Giới thiệu cho du khách về những “kho báu” vô giá của ngành cổ sinh vật học nước nhà.
Rất nhiều loài sinh vật từng tồn tại trên Trái Đất đã bị tuyệt chủng. Những di tích và di thể của chúng được bảo tồn trong các lớp đá. Tùy thuộc vào điều kiện bảo tồn, các di tích có thể nguyên vẹn hoặc còn phần xương cứng hoặc cành, lá cây, có khi chỉ là những dấu vết hoạt động sống. Trải qua quá trình hóa thạch, những di tích đó được lưu giữ đến ngày nay.
Thông qua nghiên cứu hóa thạch, con người có thể trả lời những câu hỏi như: Những dạng sống đầu tiên trên hành tinh của chúng ta là gì? Chúng đến từ đâu? Điều gì xảy ra tiếp theo? Sự sống tiến hóa ra sao? Hoàn cảnh cổ địa lý và khí hậu có ảnh hưởng gì đến quá trình tiến hóa sự sống? Những sinh vật hóa thạch cổ đại có liên quan gì với thế giới sinh vật phong phú hiện nay trên Trái Đất?
Cận cảnh tảng đá 2,9 tỷ năm tuổi được trưng bày tại triển lãm.
GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam, chia sẻ, những bảo tàng có sưu tập cổ sinh trên thế giới đã có mặt cách đây khoảng 200 năm. Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội hiện là bảo tàng hóa thạch đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, có sứ mệnh sưu tầm, gìn giữ cho hôm nay và mai sau một dạng tài nguyên thiên nhiên đặc biệt của đất nước: những hóa thạch – dấu tích của sự sống trên đất nước ta hằng trăm triệu năm trước.
“Mỗi mẫu vật hóa thạch được sưu tầm đều góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của nhân loại về thế giới sinh vật từng có mặt trong lịch sử Trái Đất. Triển lãm hóa thạch lần này là cơ hội đem đến cho cộng đồng một cái nhìn đúng đắn và những nguồn kiến thức bổ ích của lĩnh vực cổ sinh vật học”, GS Phương nhấn mạnh.
Triển lãm với số lượng mẫu vật khổng lồ mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường – chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học, chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của con người – cho biết: “Tôi mong chờ sự xuất hiện của một bảo tàng như Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội từ rất lâu rồi. Nó rất có ý nghĩa đối với thế hệ các nhà khoa học cổ sinh, giúp họ có tư liệu thật để so sánh, đối chiếu và nghiên cứu. Nếu không có một bảo tàng như vậy ra đời chắc chắn những hiện vật quý giá sẽ mai một và mất đi. Đó là những tài sản quý giá cần được bảo tồn. Tôi tin triển lãm lần này của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan trong nước và nước ngoài”.
Những mẫu đá nguyên thủy duy nhất được trưng bày tại triển lãm.
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, khách tham quan sẽ được thưởng thức sự giao thoa đẹp đẽ của khoa học và nghệ thuật khi chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa đặc biệt được tạo nên bởi sự rung cảm mạnh mẽ của các họa sĩ nổi tiếng nước ta khi đứng trước những mẫu vật hóa thạch có niên đại hằng trăm triệu năm.