Hoa quả ngày 29 Tết đồng loạt tăng giá
Hoa tươi tăng giá
Sáng 29 Tết khảo sát của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: Kim Liên (Đống Đa), Thành Công (Ba Đình), Tam Đa (Tây Hồ) cho thấy mặt hàng hoa tươi được tiêu thụ mạnh, kéo theo giá bán tăng 20% so với ngày thường.
Tại chợ Kim Liên, người bán hoa “hét” giá hoa lay ơn 170.000 – 250.000 đồng/chục, giá hoa ly dao động từ 250.000 – 500.000 đồng/10 cành, giá hoa thược dược 50.000 – 100.000 đồng/bó, hoa cúc từ 100.000-120.000 đồng/bó 10 bông… Đặc biệt mặt hàng hoa hồng được bán ở ở mức khá cao, từ 15.000 – 30.000 đồng/bông.
Người tiêu dùng mua hoa ngày 29 Tết tại chợ Tam Đa (Tây Hồ) ngày 29 Tết. Ảnh: Hoài Nam
Những ngày này, mặt hàng hoa đào, hoa mai cũng trong tình trạng tương tự. Tại các điểm kinh doanh hoa Tết trên phố Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân… bày đủ loại đào cành, đào cây, quất cảnh để người tiêu dùng lựa chọn. Những cành hoa đào rừng được bán với giá từ tiền trăm đến tiền triệu/cành, đào thường 200.000 – 300.000 đồng/cành. Trong khi đó, đào huyền có giá từ 600.000 đồng đến vài triệu đồng/cành tùy theo kích cỡ, ngay cả những cành đào nhỏ cắm trên ban thờ thắp hương ngày Tết có giá khoảng 70.000 – 500.000 đồng/cành. Đào gốc, đào thế gốc nhỏ có giá bán trung bình ở mức từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Những gốc đào thế gốc lâu năm có giá từ vài triệu đến vài chục triệu.
Với các loại quất cảnh, hoa lan mức giá cũng tăng khoảng 20% so với dịp Tết năm ngoái. Quất Tứ Liên thế bonsai trong chậu to có giá khoảng 4-5 triệu đồng/cây, các chậu quất kích cỡ trung bình có giá từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/cây. Lan hồ điệp cũng tuỳ theo các loại chậu to nhỏ khác nhau với giá cành từ 220.000 đồng đến 250.000 đồng/cành tùy loại.
Người tiêu dùng mua hoa Đào tại chợ hoa trên phố Hoàng Hoa Thám ngày 29 Tết. Ảnh: Hoài Nam
Lý giải nguyên nhân khiến giá hoa Tết tăng mạnh những tiểu thương kinh doanh mặt hàng này có chung ý kiến, năm nay, hoa hồng mất mùa, giá mua buôn tại chợ cũng đã 100.000 – 120.000 đồng/bó (10 bông), tuy nhiên, còn kèm nhiều bông ngắn, chưa kể dập, gẫy. Còn theo các nhà vườn tại Mê Linh và Tây Tựu, năm nay, hoa hồng mất lứa thu hoạch khiến giá vào dịp Tết này tăng cao. Nhiều nhà vườn còn không có hoa để bán. Ngoài ra những tháng cuối năm giá phân bón tăng cao do thiếu hụt nguồn cung cũng gây áp lực buộc các nhà vườn tăng giá bán hoa Tết.
Quả xanh đắt khách
Càng sát đến Tết, nhu cầu mua sắm các loại trái cây bày mâm ngũ quả của các gia đình càng tăng cao. Giá bán của những loại trái cây này cũng ngày càng đắt đỏ.
Người tiêu dùng mua hoa quả bầy Tết tại chợ truyền thống ngày 29 Tết.Ảnh: Hoài Nam
Chị Lưu Thanh Huyền ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) chia sẻ, theo đúng phong tục cổ truyền ngày Tết, trong mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối xanh. Cũng như mọi năm, chị tìm mua nải chuối có quả lẻ với quan niệm sẽ mang đến may mắn, tài lộc cho gia đình trong dịp năm mới. Chọn lựa mất nhiều thời gian, chị Huyền cũng tìm được nải chuối xanh có râu dài, quả đẹp, số lượng quả như yêu cầu, nhưng người bán báo giá 250.000 đồng/nải chuối, nếu lấy nải quả nhỏ hơn thì giá bán cũng lên đến 150.000-170.000 đồng/nải. Chia sẻ nguyên nhân khiến giá bán các nải chuối xanh cao ngất ngưởng, những người kinh doanh mặt hàng này cho biết, sở dĩ có mức giá cao như vậy phụ thuộc vào hình dáng xấu đẹp. Một nải chuối đẹp mã phải đạt tiêu chí quá xanh sáng, to đẹp, cong và đều quả. Mặt khác, người mua lại phụ thuộc vào độ chẵn, lẻ của quả nên những nải “đặc biệt” như vậy giá bán cũng đặc biệt theo và cũng kén khách mua.
Người tiêu dùng mua chuối xanh bầy mâm ngũ quả tại chợ truyền thống ngày 29 Tết. Ảnh: Hoài Nam
Ghi nhận trên thị trường hiện nay các loại trái cây bày mâm ngũ quả như chuối xanh, dừa, mãng cầu, bưởi, hồng xiêm, trứng gà, trầu cau… đang là mặt hàng được tiêu thụ mạnh, đồng thời giá bán cũng đã nhích nhẹ 10-15% so với ngày thường. Tại hệ thống chợ truyền thống các tiểu thương kinh doanh hoa quả báo giá, thanh long từ 45.000 – 50.000 đồng/kg; bưởi từ 25.000 – 30.000 đồng/quả; cam canh 50.000 – 60.000 đồng/kg; cau 4.000 – 7.000 đồng/quả, xoài Cát Chu 55.000-80.000 đồng/kg; giá roi đỏ ở mức 70.000 đồng/kg; cam canh 70.000-90.000 đồng/kg, cam Sài Gòn 50.000-60.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua phật thủ bầy mâm ngũ quả tại chợ truyền thống ngày 29 Tết. Ảnh: Hoài Nam
Riêng giá quả Phật thủ cũng tùy loại quả to và bé, tùy thuộc tai và tay ôm quả, trong đó, loại quả to đẹp ở mức 150.000 – 200.000 đồng/quả, với quả có thêm cành lá thậm chí có giá 250.000 – 500.000 đồng/quả. Không chỉ trái cây Việt Nam tăng giá, những ngày này một số loại trái cây nhập khẩu như táo xanh, táo đỏ, cam vàng, lê cũng trong tình trạng tương tự. Tại các hệ thống siêu thị lớn như: WinMart, BigC… đã tăng giá bán táo Fuji Nam Phi lên gấp đôi, được bán với gái 235.000 đồng/túi 3kg, táo Envy tăng từ 80.000-120.000 đồng/kg lên 250.000-350.000 đồng/kg; Các loại nho xanh, nho đen nhập khẩu tăng thêm từ 70.000-100.000 đồng/kg, lên mức 220.000-320.000 đồng/kg tuỳ loại, dâu tây Hàn Quốc dao động từ 600.000 đến 900.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua táo nhập khẩu tại siêu thị Big C ngày 29 Tết. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù các mặt hàng trái cây đồng loạt tăng giá nhưng chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú lại dự báo ngày 30 Tết mặt hàng này sẽ giảm giá bởi trong ngày cuối cùng của năm cũ người dân đã sắm đủ đồ Tết, sức tiêu thụ giảm khiến người bán phải hạ giá để tiêu thụ sản phẩm.