Hoa nở trên non một mình

Họ đã có một đứa con gái 3 tuổi, giờ muốn có thêm một đứa nữa. Ngưng “kế hoạch” rồi,  nhưng chờ hoài vẫn chẳng thấy gì, chị vợ nóng ruột đi khám thì mọi thứ vẫn “chạy tốt”. Bác sĩ khuyên chị đưa chồng đến kiểm tra chất lượng “tinh binh”. Anh chồng mới nghe qua đã quát toáng lên rằng: Thử gì thử, tui mà là đồ dỏm thì làm sao có con bé Bin cho được?!

Mô tả ảnh.

Nụ cười con cái là niềm vui của cha mẹ.

Chị vợ bí quá, lại nhờ bác sĩ mách nước. Ông thầy thuốc chuyên chữa trị chứng hiếm muộn bảo chị về đưa cho chồng số điện thoại của ông để hai người nói chuyện với nhau theo kiểu của… đàn ông. Gặp cái anh chồng chướng tính, cứ bảo “hàng” mình là thứ thiệt, cương quyết không điện đàm gì hết. Chị vợ năn nỉ: Thì anh cứ gọi cho ổng đi, có mất mát chi đâu mà ngại. Mới đầu, anh chàng còn gác ngoài tai, sau đi ra thấy thiên hạ con cái nếp tẻ đủ đầy mà mình thì ráng thêm đứa nữa vẫn không được, nghĩ cũng buồn nên lén vợ gọi điện thoại cho bác sĩ. Nhờ đó, anh mới vỡ lẽ nhiều điều.

Hãy “vượt qua chính mình”

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiếm muộn là khi vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không dùng các biện pháp tránh thai mà sau ít nhất 1 năm vẫn không có con. Cặp vợ chồng nói trên, theo Bác sĩ Võ Xuân Hân, Phó Trưởng khoa Vị thành niên – Nam học, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) thành phố Đà Nẵng, không rơi vào tình trạng hiếm muộn, nhưng bị “lỗi” đâu đó, có thể là ở người chồng. Trong 100 ca hiếm muộn thì 30% lỗi do chồng, 30% lỗi do vợ, 30% lỗi do cả vợ lẫn chồng và 10% không rõ nguyên nhân.

Cũng theo Bác sĩ Hân, có đến 90% trường hợp hiếm muộn do “trục trặc” ở chồng, xuất phát từ sự bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng. Có người lúc đầu thì “tinh binh” rất khỏe mạnh, “đánh” đâu “thắng” đó. Về sau, do thay đổi môi trường sống, làm việc và giải trí, thay đổi chế độ ăn uống, bị áp lực tinh thần… đã khiến cho “tinh chất” ngày một sa sút. Trong trường hợp này, đàn ông vẫn làm “chuyện ấy” bình thường như trước, nhưng để “sản xuất” ra em bé theo cách thông thường thì hoàn toàn không còn khả năng.

Có đến 70% nam giới bị “tinh binh” yếu là do chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh, tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn – “nhà máy” sản xuất ra “tinh binh”. Phát hiện chứng này sớm (ở độ 1-2) có thể điều trị nội khoa bằng thuốc đặc trị, nhưng nếu trễ (độ 3-4) thì phải can thiệp ngoại khoa bằng phẫu thuật. Giãn tĩnh mạch thừng tinh không chỉ gây hiếm muộn mà còn dẫn đến chứng rối loạn cương.

Hầu hết đàn ông đều ngại đến bác sĩ vì chuyện “súng ống” của mình, nhưng anh chồng nói trên đã “vượt qua chính mình”. Sau khi được Bác sĩ Hân tư vấn, anh này đã đưa vợ vào Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) làm thụ tinh trong ống nghiệm và đã có thêm hai em bé, một trai, một gái.

Hiếm muộn và vô sinh vĩnh viễn

Mô tả ảnh.

Phương pháp thụ tinh nhân tạo đã đem lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong ảnh: Tiến hành thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Hiếm muộn, trước đây gọi là vô sinh, được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Tuy nhiên, sổ sách các bệnh viện hiện vẫn ghi là vô sinh: Vô sinh 1 là chưa có thai lần nào; vô sinh 2 là đã có thai ít nhất 1 lần. Trong thực tế, vẫn có người bị chứng vô sinh vĩnh viễn.

Ở nam giới, một số người qua kiểm tra không thấy có tinh trùng trong tinh dịch. Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Phương Lê, bác sĩ điều trị Phòng Hiếm muộn (Khoa Sản, Bệnh viện Đà Nẵng), nếu “nhà máy” tinh hoàn của họ vẫn “sản xuất” ra tinh trùng bình thường thì có thể họ bị chứng tắt ống dẫn tinh, chữa rất đơn giản và vẫn nhiều khả năng có con. Đối với người bị teo tinh hoàn bẩm sinh thì tinh hoàn càng bé, khả năng vô sinh càng lớn, 100% trường hợp tinh hoàn nhỏ hơn 3ml đều bị vô sinh vĩnh viễn.

Ở phụ nữ, những người có buồng trứng “nghỉ hưu” quá sớm (gọi là suy buồng trứng sớm) thì khả năng sinh sản giảm và bắt đầu những dấu hiệu bất thường về chu kỳ kinh từ trước tuổi 40. Những người bị bất thường về hệ thống sinh dục như không tử cung, không có buồng trứng hoàn toàn… thì sẽ bị vô sinh vĩnh viễn.

Đối với những trường hợp “tinh binh” ít và yếu, các bác sĩ điều trị hiếm muộn bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination – IUI), gọi là thụ tinh nhân tạo. So với thụ tinh bằng “quan hệ” thông thường thì thụ tinh nhân tạo hiệu quả hơn nhiều như nhận xét của bác sĩ Hân: tinh trùng không bị “tấn công” khi “hành quân” qua âm đạo vợ và dễ dàng chui qua cổ tử cung, đoạn đường ngắn hơn nên tinh trùng sẽ không bị “mất sức”, canh đúng ngày trứng rụng mới bơm tinh trùng vào nên khả năng “có em bé” nhiều hơn. Tỷ lệ thành công của IUI ở Đà Nẵng hiện nay bình quân là 14,7% (Trung tâm CSSKSS) và 16,5% (Bệnh viện Đà Nẵng).

Nên đến đúng địa chỉ

Nói chung, điều quan trọng trong điều trị hiếm muộn là phải đi khám sớm và khám đúng nơi để xác định xem “lỗi” do ai, “trục trặc” bộ phận nào ở người vợ hoặc người chồng, từ đó có cách điều trị sớm, hiệu quả. Đà Nẵng hiện có hai địa chỉ để các cặp hiếm muộn “chọn mặt gửi vàng” là Bệnh viện Đà Nẵng (Phòng Hiếm muộn – Khoa Sản) và Trung tâm CSSKSS. Không ít cặp vợ chồng nghe đồn rằng chữa hiếm muộn tốn rất nhiều tiền nên ngại đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Thực ra, không nhiều như tin đồn, như ở Trung tâm CSSKSS thành phố Đà Nẵng, theo Bác sĩ Hân, chi phí cho một ca chẩn đoán hiếm muộn cho cả vợ lẫn chồng hiện nay là 1 triệu đồng, trường hợp nghèo quá thì cũng chỉ không quá 500 nghìn đồng. Chi phí cho một ca thụ tinh nhân tạo cũng không cao, khoảng gần 2 triệu đồng.

Từ năm 2000 (thời điểm thành lập Phòng Hiếm muộn) đến tháng 8-2010, đã có gần 23.700 lượt cặp vợ chồng đến khám và điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trung tâm CSSKSS (bắt đầu điều trị hiếm muộn từ năm 2007) đầu tháng 9 vừa rồi cũng đã đón lượt bệnh nhân thứ 2.307. Có con vẫn là khao khát nghìn đời của người vợ: “Có chồng mà chẳng có con/ Khác nào hoa nở trên non một mình”. Có con quả là một điều kỳ diệu, kỳ diệu không hẳn vì đã cho ra đời một “tác phẩm” thiên thần nhỏ bé mà còn vì nhờ đó, hai “đồng tác giả” nghiễm nhiên thành cha, thành mẹ và cảm thấy bình an trong mắt người đời.

Văn Thành Lê