Hoa Tết: Hoa đào hay hoa mai? – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Hoa Tết: Hoa đào hay hoa mai?
Hoa đào Nhật Tân – ảnh Wikipedia
(TBKTSG Online) – Người Việt không chỉ “ăn Tết” mà còn “chơi Tết” – tết là dịp để nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống. Trong các thú chơi thì có lẽ chơi hoa là thanh nhã nhất mà cũng trí tuệ nhất.
Ngày Tết, trong các gia đình, hoa là thứ không thể thiếu; nhà nghèo khó đến mấy cũng gắng mua một vài bó hoa cúng, nhà giàu có thì chơi hoa để trang trí, thậm chí để thể hiện đẳng cấp. Tuy vậy, chơi hoa trong ngày Tết không chỉ tùy vào tình hình kinh tế của gia chủ mà còn do phong tục vùng miền và quan niệm của chính người chơi; hai loại hoa phổ biến nhất là hoa mai và hoa đào.
Hoa đào: lời chúc phúc đầu xuân
Người miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà. Theo quan niệm của người xưa, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào; chỉ cần trông thấy cành hoa đào là bỏ chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng.
Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ.
Có lẽ xuất phát từ truyền thuyết xưa, hoa đào đã trở nên gắn bó với người miền Bắc trong ngày Tết. Ở Sapa ngày trước có những ngọn đồi trồng toàn đào; mùa xuân đào ra hoa, từ xa nhìn như những mâm hồng nối tiếp nhau, dài cả cây số; cánh hoa đào rụng xuống cỏ xanh, bay lả tả trên dòng suối, đẹp như cảnh tiên mà nhạc sĩ Văn Cao miêu tả trong “Thiên thai”.
Do nhu cầu chơi hoa đào ngày Tết, nhiều làng quê ven Hà Nội đã biến thành những “làng đào” cung cấp cho thủ đô và cho cả nước, trong đó nổi tiếng nhất là làng Nhật Tân. Tiếc thay những năm gần đây công cuộc đô thị hóa, tấc đất tấc vàng, một số làng đào đã biến mất hoặc bị thu hẹp nhiều.
Từ khi đất nước thống nhất, không chỉ miền Bắc mà người dân miền Nam – trong đó có nhiều người gốc miền Bắc – cũng tìm hoa đào để chơi trong dịp Tết, từ đó ra đời dịch vụ chuyên chở cành đào từ Bắc vào Nam trên những chuyến bay…
Hoa mai. Ảnh Internet
Hoa mai: khát vọng sang giàu
Nếu người miền Bắc chơi hoa đào thì người miền Trung và miền Nam chuộng hoa mai, có lẽ một phần do khí hậu: cây hoa đào miền Bắc không thể sinh trưởng trong tiết nhiệt đới của miền Nam, một phần do triết lý sống: người miền Bắc chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, thường bị ám ảnh bởi quỷ thần, họa phúc, người phương Nam chủ yếu quan tâm tới sự giàu sang vinh hiển trong cuộc sống hiện tại.
Hoa mai màu vàng, màu của hoàng tộc, tượng trưng cho vua (thời phong kiến), do đó hoa mai cũng là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt.
Trong quan niệm về ngũ hành, màu vàng là hành Thổ (đất), nằm ở vị trí trung tâm, quy tụ cả Kim, Mộc, Thủy, Hỏa (kim loại, cây gỗ, nước, lửa), có chức năng sinh sản, duy trì nòi giống.
Hoa mai còn tượng trưng cho tinh thần lạc quan và quật cường, vượt qua mọi chướng ngại của hoàn cảnh – phẩm chất tinh thần tối cần thiết của bao thế hệ “mang gươm đi mở đất” phương Nam. Thiền sư Mãn Giác đời Lý từng đề cao tinh thần lạc quan đó trong bài thơ nổi tiếng “Cáo tật thị chúng”:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết; đêm qua sân trước một cành mai).
Ngày trước, đời sống còn khó khăn, ngày tết nhiều gia đình chỉ mua một cành hoa mai (mai cành) về chưng Tết, hết tết thì ném vào thùng rác. Bây giờ đời sống đã thư thả hơn, tục chơi “mai cành” dần được thay bằng chơi “mai chậu”: hoa mai nguyên cây được “hãm” trong chậu sành và được tạo “thế” giống như bon-sai bên Nhật Bản, có khi cây mai vài chục tuổi mà chỉ cao vài tấc, lại có hình dáng lạ thường, đẹp mắt như thế “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh châu”… Giá những chậu “mai kiểng” như vậy có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ngày tết vào thăm nhà ai, thấy chậu mai thế chiếm vị trí long trọng giữa phòng khách, màu hoa vàng rực cả một gian nhà thì sẽ biết chủ nhân là người thành đạt vinh hiển.
Mai chậu giá trị như vậy nên không thể “chơi một lần rồi bỏ” mà đã xuất hiện dịch vụ chăm sóc: hết tết, chủ nhân lại mang chậu mai đến gửi các nhà vườn, nhà vườn lo bón phân, tưới nước, nuôi cây mai cho đến hết năm để chủ nhân đến nhận lại. Tiền công chăm sóc mỗi chậu mai như vậy có thể bằng lương tháng của một công nhân viên nhà nước.
Chơi hoa mai ngày Tết cũng còn nhiều điều “nhiêu khê”. Thông thường bông hoa mai có 5 cánh, nhưng đôi khi do những bất thường nào đó, có những bông có đến 6, 7,8, thậm chí 10 cánh. Nếu trong ngày Tết, chậu mai nở nhiều bông có nhiều cánh như vậy sẽ là điềm lành cho gia chủ, hứa hẹn một năm mới hanh thông, phát tài. Ngược lại, có những chậu mai, mới hôm trước còn tươi mơn mởn, hôm sau đã héo úa, tàn tạ; ngày Tết không may chơi phải một chậu mai như vậy là điềm dữ, báo trước một năm khó khăn thất bát, thậm chí trong gia đình sẽ có tang chế… Xuất phát từ niềm tin như vậy, người ta thường chọn lựa rất kỹ khi mua hoa mai ngày tết…
Ngoài hoa mai, hoa đào, ngày Tết người ta còn chơi nhiều loại hoa khác, có loại hoa đòi hỏi kỳ công như hoa thủy tiên, có loại đơn giản mộc mạc như hoa cúc và gần đây có xu hướng chơi các giống hoa lạ, nhập khẩu từ nước ngoài như hoa lys, hoa tuy-lip… song chưa phổ biến rộng rãi lắm.
Dẫu sao, hoa mai, hoa đào đã có truyền thống gắn bó với Tết Việt, không chỉ vì chúng là hoa mà còn vì chúng chứa đựng câu chuyện triết lý nhân sinh của người Việt, ẩn tàng khát vọng hạnh phúc, giàu sang…