Họa Sĩ Lê Phổ | 1907 -2001 | Vietnam arts | Vietnam antique | Vietnam gallery

    Tin Tức Sự Kiện

Họa Sĩ Lê Phổ | 1907 -2001

Mặc dù qua đời đã được tròn 10 năm, song hiện tại Lê Phổ vẫn dẫn đầu danh sách các họa sĩ Việt Nam có tranh được bán nhiều và cao giá nhất. Họa sĩ Lê Phổ còn được lịch sử ngành thời trang ghi nhận là người góp phần quan trọng trong việc cải tiến chiếc áo thụng xưa thành chiếc áo dài truyền thống gần với chiếc áo dài duyên dáng mà các thiếu nữ Việt Nam vẫn mặc hiện nay…

1.Là con trai của quan đại thần Lê Hoan (người từng bị sử sách ghi lại “thành tích” giúp chính quyền thực dân đàn áp nghĩa quân Đề Thám), ngay từ nhỏ, Lê Phổ đã có lối sống thiên về nội tâm. Dáng cao, gầy, quần là áo nếp, mắt luôn nhìn xa vắng, ít nói và khi nói giọng thường nhỏ nhẹ, thời gian học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Lê Phổ luôn được các thầy xếp vào nhóm sinh viên “tinh hoa” của khóa. Bản thân Lê Phổ được đích thân Hiệu trưởng Victor Tardieu trực tiếp hướng dẫn suốt 5 năm học.

Mặc dù là một người Pháp song thầy Tardieu lại rất muốn các cậu học trò bản xứ giữ sao cho được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông thường khuyến khích họ chọn các chất liệu truyền thống là lụa và sơn mài. Thời kỳ đầu, Lê Phổ cũng chọn lụa làm chất liệu để thể hiện tài năng của mình.

Ngay từ năm thứ ba, cùng với các bạn học Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ, Lê Phổ đã đứng ra tổ chức triển lãm tranh đầu tiên. Ba năm sau, trong vai trò phụ tá cho thầy Tardieu, ông tham dự cuộc đấu xảo tại Paris. Năm sau (1932), ông được cấp học bổng sang học tại Trường Mỹ thuật Paris và từ đây, chàng họa sĩ trẻ có điều kiện đi thăm thú nhiều nước châu Âu, được tiếp xúc và làm quen với các trường phái nghệ thuật, trong đó trường phái Ấn tượng đã ít nhiều để lại bóng dáng trong một số sáng tác thời kỳ này của ông.

Năm 1933, Lê Phổ về nước, tham gia giảng dạy tại chính ngôi trường mà ông vừa học cách đó ít năm. Năm 1935, ông tham gia trang trí nội cung cho Hoàng thành Huế và trở thành họa sĩ vẽ chân dung cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Một năm sau, ông sang Pháp và quyết định gắn bó “chung thân” với thủ đô Paris. Cũng tại đây, ông gặp và kết hôn với Paulette Vaux, một nữ ký giả của báo Time và Life.

Năm 1938, tại Paris, lần đầu tiên Lê Phổ tổ chức triển lãm phòng tranh của mình. Người xem, đa phần là khách ngoại quốc đã rất thích thú trước những bức tranh vẽ các người đẹp Việt Nam hoặc đang say sưa bên rực rỡ các sắc hoa, hoặc đang mơ màng bên trang sách; rồi tranh thiếu nữ đọc thư tình trong vườn, những cô gái đang phơi áo…

Nhận thấy chất liệu tranh lụa có những hạn chế nhất định, không chỉ về khuôn khổ mà bản thân về màu sắc nó cũng khó diễn tả được những điều tác giả cần “nói”, Lê Phổ đã chuyển sang vẽ tranh sơn dầu. Cùng với việc thay đổi chất liệu vẽ, nội dung ông đề cập cũng mở rộng, khoáng đạt hơn. Người phụ nữ trong tranh của ông cũng dần vượt ra ngoài lễ giáo ngàn năm để mang một sắc màu “thế tục”.

Sau cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên, tên tuổi Lê Phổ được các gallery chú ý. Danh họa Matisse còn mời Lê Phổ tới xem tranh của mình và giải thích cặn kẽ ý đồ nghề thuật trong từng bức tranh. Cũng tại Paris, Lê Phổ kết bạn với Foujita, một họa sĩ gốc Nhật nổi tiếng. Sau này, Lê Phổ đã cùng Foujita nhiều lần tổ chức triển lãm chung tại một số nơi trên đất Pháp như Lyon, Avignon, Nice, Bordeaux  vào các năm 1957, 1958. Với người bạn học Mai Trung Thứ, năm 1941, Lê Phổ cũng tổ chức chung một cuộc triển lãm tranh tại Alger và hiệu quả là tranh của cả hai đều bán tốt. Năm 1963, Lê Phổ cộng tác với phòng tranh Wally Finday ở Mỹ để tổ chức một số cuộc triển lãm tranh. Và rồi, phòng tranh này đã trở thành một đại diện để ông giới thiệu và quảng bá tác phẩm của mình ra thị trường tranh thế giới.

Tất nhiên, không phải ai cũng đánh giá cao tranh của Lê Phổ. Có người cho rằng, tranh Lê Phổ ít thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thậm chí còn nhận định: “Đứng ở góc độ người làm phê bình, tôi không đánh giá cao đóng góp của Lê Phổ trong nghệ thuật”. Tuy nhiên, với Lê Phổ, ông lại có quan niệm khá giản đơn và rõ ràng: “Tôi vẽ làm sao cho người ta thích và treo lên tường”. Trong thực tế, nhiều người thích tranh của Lê Phổ bởi nó thể hiện một sự tươi mát của thị giác. Mới hiểu tại sao trong những bức tranh của mình, Lê Phổ tỏ ra đặc biệt thích sử dụng các gam màu vàng chanh…

2. Mặc dù định cư ở Pháp từ năm 30 tuổi và sống ở đó cho tới khi mất (năm 94 tuổi), song Lê Phổ vẫn nặng lòng cùng cố quốc. Năm 1946, phái đoàn của Hồ Chủ tịch và đồng chí Phạm Văn Đồng sang thương thảo tại Pháp, chính họa sĩ Lê Phổ cùng triết gia Trần Đức Thảo và bác sĩ Trần Hữu Tước đã có những hoạt động quyên góp, ủng hộ  đoàn. Mặc dù khi họa sĩ Lê Phổ còn sống, tranh của ông đa phần đều được đặt mua với giá khá cao, song đã có lúc, ông bày tỏ nguyện vọng được tặng mấy chục bức cho Viện Bảo tàng Hà Nội, chỉ với một yêu cầu là nó phải được bảo quản nghiêm túc.

Nếu ai từng theo dõi các phiên đấu giá tranh của Nhà đấu giá Sotheby’s tại Hồng Kông hẳn sẽ thấy tranh của Lê Phổ có một vị trí đáng nể so với tranh của các họa sĩ khác ở châu Á, và nếu so với các họa sĩ Việt Nam thì rõ ràng là tranh của ông được định giá cao hơn và cũng bán được nhiều hơn. Như bức “Cô gái với khăn quàng cổ màu xanh” của ông – vào thời điểm tháng 9 năm 2009 – được định giá từ 100 ngàn đến 120 ngàn USD, đứng thứ 3 trong tốp 5 bức tranh có giá bán cao nhất đợt ấy (hai bức tranh cao giá hơn thuộc về hai tác giả nước ngoài). Và vào tháng 10 vừa qua, bức tranh “Giáng sinh” (vẽ năm 1941) của Lê Phổ được Nhà Borobudur đấu giá tại Singapore với mức 200 ngàn USD.

Trả lời câu hỏi, tại sao so với các họa sĩ tài danh khác ở Việt Nam, tranh Lê Phổ lại đứng ở mức giá cao như vậy, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho rằng, lý do cơ bản là vì “chúng đang ở trên một kênh thương mại được điều hành tốt”. Và “kênh thương mại” ở đây không phải cái gì khác mà chính là gallery Wally Findlay ở Mỹ, một gallery gần như độc quyền về tranh Lê Phổ, với việc có trong tay cả ngàn bức tranh của ông. Họ có cách tuyên truyền, giới thiệu bài bản. Vả chăng, họ muốn đánh vào tâm lý của người thưởng thức nghệ thuật, khi mà Lê Phổ là một họa sĩ thuộc lớp đầu tiên của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, và với thị trường trong nước, ông lại thuộc diện “ít được chú ý”, cho nên họ càng tin tranh ông để càng lâu càng có giá…

Hiện tại, các nhà kinh doanh tranh đang nuôi hy vọng, trong một tương lai gần, tranh của Lê Phổ sẽ được “kết nối” rộng rãi với thị trường tranh trong nước. Và chỉ khi ấy, tranh của ông mới có bức có thể bán tới giá 1 triệu USD. Còn thì bây giờ, ngay cả cái giá 50 ngàn USD xem chừng không phải lúc nào cũng xuôi.

Trong hơn 70 năm lao động không mệt mỏi, họa sĩ Lê Phổ đã để lại cho đời một di sản dồ sộ, gồm hàng ngàn bức tranh. Hiện tranh ông – ngoài việc nằm trong gallery Wally Findlay và các bộ sưu tập cá nhân – còn được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris. Tại Việt Nam, nghe nói cũng còn chừng hai chục bức, không kể một số bức đã được họa sĩ tặng lại cho các bảo tàng…

Tranh họa sĩ lê phổ

 

Thiều quang Lê Phổ

Tác phẩm của Lê Phổ và những họa sĩ Việt Nam xuất dương cùng thời với ông những năm 40: Mai Thứ, Vũ Cao Ðàm, Lê Thị Lựu… không mô phỏng nghệ thuật Ðông – Tây một cách ước lệ mà nối tiếp truyền thống giao hưởng trong Ấn Tượng, phối hợp hai phong cách, hai vũ trụ nhân sinh. Cái làm cho hội họa Pháp và sau đó Mỹ, công nhận giá trị của các họa sĩ Việt Nam, là họ đã không chối bỏ nguồn gốc của mình như một vài họa sĩ Nhật Bản đương thời: Nishimoura, Okamoto… cùng xuất thân từ trường phái Paris. Sự thành công của những họa sĩ Việt Nam đầu tiên bên trời Âu, sau thế chiến, đã không dễ dàng, đã trải nhiều cay đắng. Họ xác định chỗ đứng của nghệ thuật tạo hình giao thoa Ðông-Tây mà Lê Phổ là một giá trị đích thực.

Năm 1932, khi vào trường Mỹ Thuật Paris, tiếp xúc với những trường phái tân kỳ thời đó như Lập Thể, Siêu Thực, Trừu Tượng… Lê Phổ hoang mang và nghi ngờ tất cả những gì đã gặt hái được từ trước về hội họa. Di tích còn lại của sự hoang mang ấy là bức tranh phong cảnh Fiesole, sơn dầu, 1932, rất Tây phương, rất “trường phái Paris”. Từ Pháp, năm ấy, ông đi một vòng Âu châu qua Bỉ, Hòa Lan, Ý, thăm các bảo tàng viện Bruges (Bỉ), Cologne (Ðức) và Florence (Ý). Tiếp xúc với hội họa Phục Hưng, Lê Phổ tìm ra những nét trùng hợp giữa hội họa cổ điển Tây Phương và hội họa cổ truyền Trung Quốc. Về Việt Nam năm 1934, rồi từ Việt Nam Lê Phổ sang Bắc Kinh để tìm hiểu hội họa Tống, Minh… Cuộc hành hương này đã mở đường cho một tiến trình hơn nửa thế kỷ hội họa, có thể phân chia làm hai giai đoạn:

1. Thời kỳ cổ điển (tranh lụa): Từ 1934 đến 1944, 45. Những bức Người Thiếu Phụ Ngồi (1934) và Chim Ngói (1937), ảnh hưởng hội họa đời Tống. Ðường nét thanh thoát, uyển chuyển, mềm mại. Không gian phẳng, màu lì (aplat), từng mảng đồng màu đồng sắc, nét bút tinh vi. Tác phẩm vừa quyến rũ vì những mong manh tế nhị trong nét bút, vừa lạnh lùng vì dùng độc sắc (camaieu), tạo không khí thuần khiết, chay tịnh, ơ hờ; vừa mang dung sắc nghiêm phong của xã hội Việt Nam còn nhuần nhuyễn đạo lý Khổng Mạnh, đầu thế kỷ.

Vài năm sau, Lê Phổ đổi hướng: Những bức Mẹ Con (1938), Thiếu Nữ Và Hoa Lan (1938), Thiếu Nữ Và Hoa Hồng (1941), Tử Vì Ðạo (1941), Chải Ðầu (1942)… thuộc thời kỳ Thánh giáo, dung hòa nghệ thuật Trung Hoa và hội họa Ý: nét bút tế nhị, thanh tao. Không gian hai chiều, người phụ nữ trong tranh trang nghiêm tôn giáo, dáng dấp thiên thần Botticelli, mặt trái xoan, tóc đen, cổ Modigliani, u buồn và huyền bí. Dù nấp dưới bóng Ðức Mẹ đồng trinh hay hiện hình khỏa thân gợi cảm, những người đàn bà trong tranh Lê Phổ luôn luôn phảng phất vẻ trầm tư, tĩnh lự của một Quan Thế Âm Bồ Tát trong tư thế tham thiền nhập định.

Thời kỳ tranh lụa, tất cả nghiêng trong không gian cổ điển. Lê Phổ dùng sắc đạm, màu thiền, màu lạnh và phân chia rõ ràng biên giới: đen – trắng, thiên đàng và địa ngục. Ðây có thể gọi là thời kỳ “thủy mạc” của họa sĩ: Hương thiền, hương đạo thấm vào bút lông, biến người phụ nữ trong tranh dù có khỏa thân, cũng khỏa thân “vô tội”, “khỏa thân bên cạnh Ngọc Hoàng” -như lời hát Phạm Duy- một thứ thánh nữ đồng trinh. Bất khả xâm, bơ vơ trong vườn địa đàng, u buồn mà vẫn hướng thượng. Những đạm thanh, tinh khiết ấy làm tăng vẻ não nùng tâm trạng “nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình” của một tần phi đã bị bỏ quên trong vách quế, ngập gió vàng với mảnh vũ y lạnh ngắt.

. 2. Thời kỳ lãng mạn (Tranh sơn dầu): Nếu có dịp hỏi các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Ðàm: Tại sao đang vẽ tranh lụa lại đổi sang sơn dầu thì cả hai đều trả lời: Vì tranh lụa có những giới hạn về khuôn khổ, màu sắc và thể lượng, khó diễn tả được hết những điều muốn vẽ. Vậy những điều muốn vẽ, muốn diễn tả của Lê Phổ, sau thời kỳ tranh lụa là gì? Họa sĩ muốn bước ra khỏi vòng đạo lý: người phụ nữ trong thời kỳ này dần dần trút bỏ lớp áo “tiết hạnh khả phong” để đi vào thế giới lãng mạn của tình yêu, và tranh cũng từ vùng âm u bước ra ánh sáng.

Dù Lê Phổ đã gặp gỡ hội họa Ấn Tượng ngay từ lúc vào trường Mỹ Thuật, nhưng chỉ đến những năm 40, Lê Phổ mới thực sự rời bỏ nghiêm lệnh chính xác của trường phái cổ điển để bước vào thế giới phiếm định phôi pha của vũ trụ thiều quang màu nhòe. Trong kỷ nguyên Ấn Tượng, Cézanne đã mở thế giới mới về thể (volume), Monet kiến tạo chân trời ngũ sắc và ánh sáng. Lê Phổ đã bỏ rơi cả thể, lẫn màu và ánh sáng trong suốt đoạn đường mười năm tranh lụa cổ điển, mười năm tìm lại “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”.

Phải đến những năm 50, bút vẽ của Lê Phổ mới sực tỉnh, sáng ra. Không còn ngần ngại trước những “quá độ” trong màu nguyên chất (không pha) của Matisse, Lê Phổ bước qua Dã Thú (Fauvisme) vào Ấn Tượng rồi ngừng lại ở Linh Cảm (Nabis). Tiếp xúc với hội họa Bonnard, Dufy, Matisse, từ những năm 37, nhưng ảnh hưởng Bonnard chỉ đến sau này, càng về sau, tranh Lê Phổ càng đa sắc, càng đằm thắm, đắm say, vũ trụ vàng của Bonnard lây sang Lê Phổ. Ba màu: lam, cẩm thạch, vàng được ghi lại như những thời kỳ son trong hội họa Lê Phổ. Cuối cùng vàng được giữ lại như nội tại của không gian, chiếu thêm quang độ và coi như chính sắc của Lê Phổ: vàng diệp, vàng anh, vàng sen, vàng lá, vàng hoa, vàng quả, vàng áo, vàng nước, vàng mây… Ở đây, vàng nhớ Bích Khê, “Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”.

Giao thoa giữa Ấn Tượng và Linh Cảm, chìm đắm trong không gian lãng mạn, mà hình hài chỉ là hình thức cụ thể hóa không gian và ánh sáng bằng màu sắc. Người phụ nữ trong tranh nhập nhòe, thấp thoáng “sương in mặt, tuyết pha thân” mang dáng dấp kiêu sa của người con gái Hà Thành thời Tự Lực Văn Ðoàn, đoan trang và đài các, nhưng không còn thể hiện như những bức chân dung đẹp, giống, rõ và sắc nét như tranh cổ điển mà họ đã trở thành biểu tượng của cái đẹp: một bóng hình dễ vỡ, dễ phai, dễ tan loãng trong không gian và chính cái không gian ấy cũng lại phù du mộng ảo. Những bức Hai Mẹ Con (1960), Trầm Tư (1968), Thiếu Nữ Áo Xanh (1968), Trong Vườn (1970)… không gian hai chiều chia nhịp với những động rung màu sắc. Màu ở đây là màu ấm, sắc nồng, từ vàng chanh sang cẩm thạch đến thiên thanh… chính sắc, tạp sắc, chen lẫn trong thế giới mơ màng, gây lạc cảm cho thị giác dù chỉ trong khoảnh khắc mà mời gọi thiên thu.

họa sĩ lê phổ

Lê Phổ sinh ngày 2-8-1907 tại Hà Ðông. Cha ông là Lê Hoan, Kinh lược sứ (Vice Roi) Bắc kỳ. Nhập học khóa đầu tiên trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1930.
. 1928: Triển lãm chung với các họa sĩ Vũ Cao Ðàm và Mai Thứ tại Hà Nội.
. 1931: Ðược cử làm phụ tá giáo sư Tardieu dự triển lãm đấu xảo thuộc địa tại Paris.
. 1932: Ông được học bổng vào trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Paris. Từ Pháp đi khắp Âu Châu. Triển lãm tranh tại Roma.
. 1933: Lê Phổ trở về Hà Nội làm giáo sư tại trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật và triển lãm tranh tại Hà Nội.
. 1934: Sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa Trung Quốc.
. 1935: Vẽ chân dung Bảo Ðại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung.
. 1937: Tham dự triển lãm quốc tế ở Paris với tư cách giám đốc nghệ thuật khu Ðông Dương và ở hẳn lại Pháp.
. 1938: Triển lãm lần đầu tại Paris, và từ đó tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh ở khắp nơi trên thế giới.
. 6-1947: Thành hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life. Có hai con trai: Lê Kim – nhiếp ảnh gia và Lê Tân – họa hình.
. 1950-1954: Lê Phổ làm Cố vấn mỹ thuật cho Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp.
. 1957 và 1958: Triển lãm chung với Foujita ở Lyon, Avignon, Nice và Bordeaux.
. Họa phẩm của Lê Phổ được trưng bày ở Musée d’Art Moderne ở Paris, Musée d’Oklahoma (USA) và trong nhiều sưu tập nghệ thuật tư nhân, phần lớn ở Hoa Kỳ.
. Họa sĩ Lê Phổ mất tại Paris, quận 15, tháng 12 năm 2001.

 Thêm các tác phẩm đặc sắc khác của danh hoạ Lê Phổ

tranh lê phổ

Thiếu nữ và hoa, tranh lê phổ

tranh lê phổ

tranh lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ

tranh hoạ sĩ lê phổ ( bức này thì rất ảnh hưởng phong cách hs âu)

Gần đây, các bức họa của HS Lê Phổ được đấu giá tại các sàn quốc tế rất thành công và luôn đạt giá rất cao

Tranh khỏa thân của Lê Phổ được mua giá kỷ lục 1,4 triệu USD

Tranh khỏa thân của Lê Phổ được mua giá kỷ lục 1,4 triệu USD
 

Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử tranh Việt trên sàn công khai. Đồng thời phiên đấu giá cũng chứng kiến một danh họa khác của Việt Nam lần đầu tiên có tranh đạt mức giá “triệu đô” là Tô Ngọc Vân.

Như vậy, phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại diễn ra tại Christie’s Hong Kong sáng nay 26-5 lại tiếp tục chứng kiến một bước nhảy vọt của giá tranh Việt trên thị trường quốc tế.

Phiên đấu giá với sự áp đảo của tranh Việt khi có tới 138/232 là tranh của các họa sĩ Việt Nam, và vui hơn nữa là tất cả các tranh Việt đều được đấu giá thành công trong phiên đấu giá đặc biệt này.

Hay bức Bức Le Bain de Mer – Tắm biển của Lê Phổ bán được với giá hơn 11,7 tỉ đồng
Bức Le Bain de Mer - Tắm biển của Lê Phổ bán được với giá hơn 11,7 tỉ đồng

 

Tác phẩm khỏa thân khác của Lê Phổ là Le Bain de Mer (Tắm biển, lụa bồi giấy, 88cm x 56,5cm, khoảng 1938) đã bán 3.965.000 HKD, tương đương hơn 11,7 tỉ đồng, trong khi giá dự đoán từ 2.000.000-3.000.000 HKD, tăng gần 200% so với giá khởi điểm.
 

Special notes for the Foreign art lovers/ art collectors

We are the only one local travel agent in Hanoi to organize the ” Hanoi art tours” where you will have an apportunity to meet the well-known local artists, Hanoi local art collectors, the national fine arts museum, local art galleries or local art auction house.
Please contact us at: [email protected]
Phone/ whatsApp: (084) 0913323977 (Mr Pham)

 

1 số  Hình ảnh tranh và thông tin nội dung đăng tải được lấy từ nguồn lưu của google.com

 

Older

Newer