Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số quốc gia và vấn đề đặt ra với Việt Nam | VietnamBankers | Đào tạo Tài chính Ngân hàng

Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những chính sách quan trọng được các nước chú trọng nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Bài viết nghiên cứu thực tiễn triển khai chính sách này tại một số nước, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam trong triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số quốc gia

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường gặp những khó khăn về tài chính/tín dụng như: Rủi ro tín dụng cao; độ tin cậy của báo cáo tài chính thấp; Thiếu tài sản thế chấp; Chi phí giám sát lớn… Thực tiễn cho thấy, khi tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, kể cả các nguồn vay chính thức, DNNVV thường phải chịu chi phí cao hơn do khoản vay thường không lớn, trong khi các khoản chi phí phụ phát sinh liên quan tới quá trình làm thủ tục vay không thấp hơn đáng kể so với các khoản vay lớn. Nhận thức được vai trò quan trọng của khu vực DN này, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV.

Mặc dù, mỗi quốc gia có những chính sách và biện pháp hỗ trợ khác nhau về phạm vi, nội dung và thời gian trong thực hiện song thành công trong triển khai các chính sách tín dụng cho DNNVV được ghi nhận như những bài học kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo trong quá trình phát triển hệ thống DNNVV này tại Việt Nam. Cụ thể:

Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong việc giải quyết khó khăn về vốn cho DNNVV. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù là nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, với hàng nghìn tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia hoạt động, nhưng có đến 99% trong tổng số DN của Nhật Bản đang hoạt động là DNNVV. Các DNNVV ở Nhật Bản đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế, tạo việc làm cho khoảng 70% tổng số lao động, góp phần ổn định xã hội. Vì những lý do đó, Chính phủ Nhật Bản luôn duy trì chính sách hỗ trợ tối đa cho khu vực DNNVV và hỗ trợ tiếp cận tài chính – tín dụng là một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nhật Bản có 5 tổ chức chính thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính – tín dụng cho DNNVV, cụ thể:

(i) Ngân hàng tín dụng Shinkin (thành lập năm 1951): Là tổ chức tài chính trực thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản do các hội viên góp vốn. Đối tượng của ngân hàng chuyên dành cho DNNVV và cá nhân hoạt động kinh doanh.

(ii) Ngân hàng Trung ương hiệp hội công thương, Shoko Chukin (thành lập năm 1936): Khác với các ngân hàng thông thường, ngân hàng này chịu phần rủi ro nợ xấu và thực hiện cho vay đối với các DNNVV đang bị suy yếu; đồng thời, thực hiện cho vay đối với các hiệp hội và cho các hiệp hội thành viên vay lại.

(iii) Tổ chức tài chính nhân dân (thành lập năm 1949): Chủ yếu cung cấp vốn vay quy mô nhỏ cho các DN siêu nhỏ để cải thiện kinh doanh, còn gọi là cho vay dưới hình thức Marukei.

(iv) Tổ chức tài chính DNNVV – JFC (thành lập năm 1953): Thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho DNNVV theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

(v) Hiệp hội bảo lãnh tín dụng (thành lập năm 1965): Thực hiện bảo lãnh cho DNNVV vay vốn từ ngân hàng thương mại tư nhân. Hiện nay, Nhật Bản có 52 Hiệp hội bảo lãnh tín dụng tại 47 địa phương trên cả nước.

Các tổ chức trên không chỉ cung cấp các khoản vay bằng tiền cho DNNVV mà còn thực hiện hỗ trợ DNNVV dưới các hình thức khác như: Cho vay thiết bị, cấp bù lãi suất chênh lệch cho DNNVV khi đi vay ở các tổ chức tín dụng…

Việc Chính phủ Nhật Bản đưa ra những chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV tạo động lực cho DNNVV trong từng giai đoạn. Ví dụ như: Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng trên toàn thế giới, nhiều chính quyền địa phương đã hỗ trợ DNNVV được vay vốn với lãi suất 0% nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hoặc sau trận động đất và sóng thần năm 2011, các chương trình hỗ trợ DNNVV được ban hành nhằm mục đích tái thiết đất nước. Thời điểm này, DNNVV Nhật Bản có thể được vay vốn ở các tổ chức tài chính và được chính quyền địa phương trả toàn bộ lãi suất…

 Hoa Kỳ

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý kinh doanh nhỏ Hoa Kỳ, hệ thống DNNVV Hoa Kỳ trong những năm gần đây ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Tính đến năm 2011, số DNNVV đang hoạt động ở Hoa Kỳ là 5,68 triệu DN, trong đó DN nhỏ chiếm tới 99,7%, chiếm 63% số lượng lao động trên tổng số lao động trong các DNNVV. Trước những đóng góp quan trọng của khu vực DN này, Chính phủ Hoa Kỳ đã tập trung thúc đẩy các biện pháp cải cách khung pháp lý, các chương trình hỗ trợ tài chính – tín dụng, hướng dẫn xuất khẩu, đào tạo lao động và hỗ trợ công nghệ hỗ trợ DN nhỏ phát triển. Cục Quản lý kinh doanh nhỏ Hoa Kỳ là cơ quan quản lý trực tiếp Chương trình tiếp cận tín dụng cho DNNVV, nguồn vốn của Chương trình này được lấy từ các khoản hỗ trợ, đầu tư của 5000 ngân hàng thương mại, công ty tài chính, 170 tổ chức phi chính phủ, Viện Tài chính phát triển cộng đồng và khoảng 300 công ty đầu tư tài chính tư nhân.

Chương trình tiếp cận tín dụng cho DNNVV bao gồm: (1) Chương trình cho vay 7 (a) và các khoản vay nhỏ khác. Chương trình cho vay này hỗ trợ mức tín dụng cao nhất cho các DN với các khoản bảo lãnh lên tới 5 triệu USD, hàng năm, trung bình có khoảng 50.000 khoản bảo lãnh với số tiền hàng chục tỷ USD được thực hiện thông qua chương trình này. (2) Chương trình 504 là chương trình bảo lãnh lớn tiếp theo, với mức hỗ trợ tín dụng tối đa 5 triệu USD phục vụ cho các mục đích mua sắm tài sản. (3) Để góp phần hỗ trợ tài chính cho DNNVV, Hoa Kỳ còn có chương trình hợp tác với Chính phủ Canada hỗ trợ tối đa 25.000 đô la Canada và 50.000 đô la Canada đối với các DN mới bắt đầu gia nhập thị trường, thời gian hoàn trả vay vốn là 7 năm.

Đài Loan

Mối quan hệ thị trường của các DNNVV Đài Loan được thực hiện theo mối liên kết ngang, do vậy, Chính phủ Đài Loan không can thiệp sâu vào các quyết định của các DN lớn và DNNVV nhưng đóng vai trò là chất xúc tác thông qua hỗ trợ tài chính. Hệ thống chính sách hỗ trợ DNNVV Chính quyền Đài Loan đã ban hành gồm: Chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng; chính sách hỗ trợ công nghệ; nghiên cứu và phát triển; kiểm soát chất lượng sản phẩm; quản lý đào tạo… Với hệ thống chính sách này Đài Loan đã thành công trong phát triển DNNVV, với 40% tổng sản lượng quốc gia (GNP) được đóng góp từ khu vực kinh tế này, tạo ra 60% kinh ngạch xuất khẩu và thu hút 68% lực lượng lao động cả nước.

Hiện nay, Đài Loan có 82 ngân hàng cung cấp tín dụng cho DNNVV nhưng hầu hết các DN này không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng như: Tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, niềm tin. Để tháo gỡ các khó khăn của DNNVV, Chính quyền Đài Loan đã thực hiện các biện pháp khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng cho DNNVV như sau: Điều chỉnh lãi suất; Quy định tỷ lệ cung cấp tín dụng cho DNNVV tăng lên hàng năm; Thành lập trung tâm hướng dẫn và hỗ trợ chung cho DNNVV nhằm cung cấp tài chính cho DN; Phối hợp với các tổ chức tài chính giải quyết khó khăn về cung cấp tín dụng, hỗ trợ đào tạo quản lý tài chính. Ngoài ra, Chính phủ Đài Loan còn nghiên cứu cho phép thành lập các quỹ có chức năng cấp vốn cho khu vực này qua hệ thống ngân hàng. Hàng năm, chính quyền phân bổ ngân sách cho các quỹ phát triển 12 tỷ Đài tệ và quỹ có trách nhiệm cung cấp khoản vốn nhất định cho DNNVV nào thỏa mãn các điều kiện mà chính quyền đưa ra với mức lãi suất ưu đãi.

Cùng với đó, Chính phủ Đài Loan còn yêu cầu các thể chế tài chính góp vốn cùng chính quyền địa phương thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV với mục đích hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có tiềm năng phát triển nhưng thiếu tài sản thế chấp. Quỹ sẽ bảo lãnh khoảng 70-80% mức mà DNNVV vay nhằm chia sẻ rủi ro với ngân hàng. Sự ra đời của quỹ này góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đồng thời ổn định môi trường tài chính cho các DNNVV. Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã bảo lãnh tín dụng cho 4,2 triệu trường hợp với số tiền bảo lãnh tương đương 5.443,13 tỷ Đài tệ; dư nợ tín dụng được hỗ trợ thông qua bảo lãnh cho DNNVV chiếm khoảng 16,25% dư nợ tín dụng cho DNNVV được thực hiện bởi các tổ chức tài chính.

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Nghiên cứu kinh nghiệm triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng cho DNNVV của một số quốc gia cho thấy, ở các nền kinh tế dù phát triển hay đang phát triển thì vai trò của DNNVV là hết sức quan trọng. Chính phủ các nước có những chính sách và bước đi phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của khu vực DN này. Trong đó, hỗ trợ và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn tín dụng được coi là vấn đề then chốt. Đối với Việt Nam, có thể học hỏi một số kinh nghiệm phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và đặc điểm của DNNVV Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đánh giá đúng mức vai trò quan trọng và vị trí của DNNVV trong phát triển kinh tế. Thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế, không chỉ có DN lớn mà phải quan tâm phát triển DNNVV, bởi hệ thống DN này có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thứ hai, thành lập nhiều tổ chức chuyên trách hỗ trợ các DNNVV trên nhiều lĩnh vực. Các tổ chức chuyên trách này hỗ trợ các DNNVV vượt qua các khó khăn về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường, chất lượng sản phẩm… theo hướng khuyến khích DNNVV phát triển. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cần được thực hiện nhất quán, linh hoạt, có hiệu quả và xuyên suốt quá trình phát triển của hệ thống DNNVV.

Thứ ba, hỗ trợ tín dụng không nên triển khai một cách đại trà, cần có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm. Để chọn lọc được đúng đối tượng, các tiêu chí chọn lựa cần được thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả.

Thứ tư, việc hỗ trợ doanh nghiệp DNNVV tiếp cận tín dụng cần được nhìn nhận như một cấu phần trong hệ thống hỗ trợ tổng thể cho DNNVV. Nếu việc hỗ trợ tín dụng tiến hành riêng lẻ, không kèm theo các chương trình hỗ trợ khác như nâng cao năng lực, đào tạo, ưu đãi thuế, tài chính và các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh thì hiệu quả sẽ tương đối giới hạn.

Thứ năm, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin của các cơ quan hỗ trợ từ cấp trung ương đến địa phương như ngân hàng, các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển DN, các tổ chức thẩm định, các hợp tác xã… Việc làm này đóng vai trò quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro do thông tin bất đối xứng và lựa chọn nghịch.

Thứ sáu, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, để hỗ trợ DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng cần tích cực triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của chương trình.

Tóm lại, để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ, Nhà nước cần chỉ đạo và điều phối các cơ quan chức năng xây dựng các chính sách hỗ trợ cũng như luật hóa các chính sách này phù hợp với từng thời kỳ và đặc điểm của nền kinh tế.