Hỗ trợ đồ chơi nội giành thị trường

Hỗ trợ đồ chơi nội giành thị trường - Ảnh 1.

Nhiều gia đình chọn kênh siêu thị mua sắm đồ chơi cho trẻ em. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Qua đó hỗ trợ các nhà sản xuất đồ chơi trong nước giành thị trường từ đồ chơi nhập khẩu.

Với quy mô thị trường lên đến hàng tỉ USD, xu hướng của phụ huynh ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, nên đây là thị trường mà các nhà sản xuất trong nước cần tập trung khai thác trong thời gian tới.

Thị trường đồ chơi trẻ em trị giá hàng tỉ USD

Theo ước tính của các nhà sản xuất đồ chơi và nghiên cứu thị trường, quy mô thị trường cho trẻ em bao gồm hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí ước tính lên đến 5,2 tỉ đô la Mỹ/năm.

Thị trường các sản phẩm cho trẻ em chia làm ba nhóm chính là các sản phẩm giáo dục, sản phẩm y tế và nhóm các sản phẩm và dịch vụ khác chiếm tới 3,1 tỉ

đô la Mỹ/năm. Trong nhóm này chỉ riêng các sản phẩm sữa và thực phẩm dinh dưỡng đã chiếm đến 1,2 tỉ USD/năm; các sản phẩm khác bao gồm đồ chơi, quần áo, tã lót, mũ nón… chiếm khoảng 1,1 tỉ USD, dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ em lên đến 700 triệu USD/năm. Tính trung bình trong cả nước, mỗi phụ huynh chi tiêu cho một trẻ khoảng 500.000 đồng/tháng. Riêng ở TP.HCM, chi tiêu này ở mức 1,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần bình quân cả nước.

Việt Nam có khoảng hơn 20% dân số là trẻ em trong độ tuổi từ 0-14. Đây là phân khúc tiêu dùng đầy tiềm năng, đặc biệt cho thị trường đồ chơi. 

Tuy nhiên, hiện các sản phẩm đồ chơi bình dân có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không bảo đảm an toàn cho trẻ đang chiếm hơn 70% thị phần. Còn lại là các thương hiệu đồ chơi cao cấp được nhập khẩu từ các nước phát triển nhưng có giá bán rất cao. 

Do đó, những sản phẩm đồ chơi có giá cả phải chăng, thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn cho trẻ đang bị bỏ ngỏ, là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa khai thác và cạnh tranh với hàng không rõ nguồn gốc, nhất là hàng từ Trung Quốc.

Theo giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi tại Bình Chánh (TP.HCM), các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc thường có giá rẻ nhưng chất lượng không rõ ràng, phần lớn sản phẩm được sản xuất từ các loại nhựa tái chế.

Còn tính chung thị trường VN thì có đến 70% là đồ chơi không có thương hiệu hoặc nhái thương hiệu nổi tiếng, chỉ 30% có thương hiệu và đảm bảo độ an toàn. Trong khi đó, một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ đồ chơi có thương hiệu ở mức

50-60%. Với thu nhập và nhận thức của phụ huynh về mức độ an toàn của đồ chơi với con trẻ ngày càng cao, thị trường đồ chơi an toàn và rõ ràng nguồn gốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Nhiều chương trình hỗ trợ đồ chơi Made in Việt Nam

Khuyến mãi mua đồ chơi trong nước

Từ ngày 21-5 đến hết ngày 3-6-2020, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra toàn quốc đồng loạt thực hiện giảm giá đến 50% cho hơn 200 sản phẩm đồ chơi trẻ em an toàn, xuất xứ trong nước.

Các sản phẩm giảm giá nhiều như vỉ bếp các loại Tini Toy giảm 50%, bộ xếp hình Lego truy đuổi cao tốc/ chiến giáp người sắt/ cửa tiệm làm tóc/ xe tải trái cây giảm 45%, bộ đồ chơi đường đua Metal Machines giảm 35% còn 149.000đ/cái…

Theo đại diện của Saigon Co.op, ước tính quy mô thị trường đồ chơi trẻ em lên đến hàng tỉ USD/năm, nhưng đến nay thị phần đồ chơi trong nước do các doanh nghiệp VN sản xuất vẫn khiêm tốn giữ một dung lượng khá nhỏ.

Dù các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi tâm huyết trong nước đã có rất nhiều nỗ lực từ phát triển nhà máy sản xuất cho đến mở rộng hệ thống phân phối, vậy nhưng cuộc chiến giữa đồ chơi nội địa với đồ chơi nhập khẩu vẫn không cân sức, khi mà các mặt hàng đồ chơi nhập khẩu vẫn chiếm vị trí độc tôn ở phân khúc cao.

Có thể thấy rõ, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước thời gian qua đã đầu tư không kém gì so với sản phẩm của nước ngoài. Đó là việc dùng các loại nhựa chính phẩm, không sử dụng hóa chất có độc tố, hoặc phẩm màu độc hại để trẻ thoải mái ngậm, nắm. Nhưng nếu so về tốc độ ra mẫu mã mới, hoặc đi vào từng tiểu tiết ở các công đoạn cần tinh xảo, độ bắt mắt, đồ chơi Việt vẫn còn nhiều khó khăn mới mong chinh phục được hoàn toàn các “thượng đế” nhí lẫn phụ huynh.

Để hỗ trợ đồ chơi sản xuất trong nước cũng như đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và trẻ nhỏ, trong những năm qua Saigon Co.op không ngừng tìm kiếm các đơn vị sản xuất trong nước đảm bảo yêu cầu về chất lượng và mẫu mã để đưa hàng lên kệ siêu thị.

Hiện tại, ở các siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, các quầy kệ đồ chơi luôn đầy ắp mặt hàng có xuất xứ từ VN như búp bê nhựa, các vỉ xe, bếp, bảng lắp ghép, thú bông… giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Các sản phẩm này đều được cung cấp bởi các thương hiệu phổ biến như Công ty TNHH Nhựa Chợ Lớn, Công ty nhựa Long Thủy (Long An), Hoàng Thu, Công ty CP gỗ Đức Thành… Tất các sản phẩm đồ chơi trẻ em phần lớn đều có chứng nhận phù hợp với quy chuẩn quốc gia QCVN3 do bộ Khoa học công nghệ cấp.

Dưới góc nhìn của Saigon Co.op, do lo ngại các sản phẩm TQ không an toàn nên các bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn các mặt hàng đồ chơi cho các bé có xuất xứ trong nước, và siêu thị là nơi được người tiêu dùng ưu tiên tìm đến. Hiểu được tâm lý đó, ngoài việc luôn lựa chọn các sản phẩm đồ chơi có xuất xứ Việt, Saigon Co.op vẫn luôn đảm bảo chất lượng các mặt hàng đồ chơi trẻ em, xây dựng các tiêu chí đầu vào đảm bảo thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của nhà nước, cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật cho nguyên vật liệu của sản phẩm cũng được nghiêm ngặt tuân thủ.

“Hàng đồ chơi VN được bày bán tại siêu thị không những đáp ứng được về chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, nên người tiêu dùng khá an tâm khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ tại siêu thị”, đại diện Saigon Co.op cho hay.

Tiêu chí chọn đúng đồ chơi chất lượng

Theo Saigon Co.op, phụ huynh chỉ nên mua các sản phẩm có nguồn gốc, thông tin rõ ràng theo quy định. Nếu hàng sản xuất trong nước thì phải có tên thông tin đơn vị sản xuất. Nếu hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu và có tem phụ tiếng Việt. Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng. Trong các đồ chơi điều khiển và tự vận động như rô-bốt, xe đua, thường có các loại pin nhỏ, các loại này không nên tháo rời, nhằm tránh trẻ có thể nghịch hoặc nhai, nuốt. Vì vậy, cần có người lớn giám sát hoặc trẻ đủ lớn để nhận thức được khi chơi.