Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cần những gì?

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư năm 2020 cùng với Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp Liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp có những yêu tố cơ bản sau:

Thứ nhất về loại hình công ty

Hiện nay, theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 có nhiều loại hình công ty như : công ty TNHH hai thành viên trở lên., công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Tuy nhiên, các cá nhân khi lựa chọn mô hình kinh doanh thường lựa chọn môt hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH do liên quan đến tổ chức công ty cũng như giới hạn trách nhiệm của các thành viên góp vốn vào công ty là chỉ chịu trách nhiệm đối với số vốn mình bỏ ra và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Thứ hai về vốn điều lệ

Vốn tối thiểu để kinh doanh những ngành nghề mình mong muốn là bao nhiêu, đây là câu hỏi mà các thành viên sáng lập quan tâm. Hiện nay có một số ngành nghề pháp luật yêu cầu vốn pháp định ( số vốn tối thiểu cần phải có để tiến hành hoạt động kinh doanh ) còn lại hầu hết các ngành nghề doanh nghiệp muốn vốn điều lệ là bao nhiêu tùy thuộc vào doanh nghiệp cũng như khả năng của các thành viên sáng lập.

Thứ ba thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Tuy thuộc vào từng loại hình mà hồ sơ gửi lên phòng đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau, tuy nhiên một bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới cần phải có các giấy tờ chủ yếu sau:

“1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;

b) Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư”.

 

Xin chào luật sư Hiện tại em đang kinh doanh dịch vụ rửa xe ô tô nhưng mới làm nên không đăng kí kinh doanh.Nay muốn mở thêm dịch vụ caphe nhỏ để phục vụ cho dịch vụ rửa xe.Vậy có cần phải đăng kí giấy phép kinh doanh và chịu thuế thu nhập hay không ạ ?

=> Nghị định 39/2007/NĐ-CP Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, quy định:Thứ nhất: Liên quan đến đăng kí giấy phép kinh doanh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

” 1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

… đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;…”

Như vậy, việc bạn thực hiện dịch vụ rửa xe được coi là một hoạt động thương mại và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động thương mại của bạn vẫn sẽ chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tuy nhiên, bây giờ bạn mở thêm quán cà phê để phục vụ hoạt động rửa xe. hoạt động kinh doanh quán cafe gia đình của bạn không nằm trong danh mục các hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh nên khi mở quán cafe gia đình, bạn cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thứ 2: Liên quan đến việc nạp thuế thu nhập

Bạn không đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp và bạn có thể kinh doanh dưới hình thức cá nhân kinh doanh quy định tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ : Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Trường hợp này bạn chỉ cần thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để họ thực hiện hoạt dộng quản lý.

Trong trường hợp này, bạn phải nộp thuế môn bài theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT – BTC như sau:\

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài

3. Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.

 

Cho cháu hỏi mở cửa hàng nhỏ bán quần áo online qua face book có cần đăng kí kinh doanh không ạ ?

Căn cứ theo nội dung quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định về quản lý website thương mại điện tử thì người bán trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, người bán hàng trên mạng xã hội phải có trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân… cho chủ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa…

Người bán trên các mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Nghị định số 52/2013. Theo đó, phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu về tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân… cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ về giá cả, phương thức thanh toán, giao nhận khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp…

Bên cạnh đó, phải cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

 

Dear văn phòng luật Minh Khuê, Em là Dung, em đang muốn mở 1 cửa hàng ăn nhỏ bán phở cuốn, phở chiên… Cửa hàng nhỏ chỉ khoảng 10 bàn. Em không biết có cần phải xin giấy phép đăng kí kinh doanh và xin cấp giấy an toàn thực phẩm không ah? Rất cám ơn anh đã đọc mail và reply

Thứ nhất: Về vấn đề cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

Theo quy định tại khoản 5 điều 2 luật an toàn thực phẩm 2010 có quy định :

5. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể”.

Như vậy quán cơm của chị sẽ được xếp vào loại hình kinh doanh là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại điều 34 luật an toàn thực phẩm thì sẽ phải có giấy tchứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Thứ hai: Về thủ tục đăng kí kinh doanh

Theo quy định tại điều 66 nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định :

“Điều 66. Hộ kinh doanh

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.

Do kinh doanh dịch vụ ăn uống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thủ tục, hồ sơ đăng ký kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể được quy định tại điều 71 nghị định 78/2015/NĐ-CP

“Điều 71. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Số lao động;

đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh”.

Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh bạn có thể tham khảo trong phụ lục III – 1 của thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp cùng với các giấy tờ tùy thân của chủ hộ kinh doanh và các thành viên góp vốn để thành lập hộ kinh doanh cũng như biên bản thỏa thuận của các thành viên cử một người đứng ra làm đại diện chủ hộ kinh doanh.

Sau khi hồ sơ hoàn thiện bạn sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc phòng tài chính – kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh dự định đặt địa điểm kinh doanh.

Những điều cần lưu ý: nếu như hộ kinh doanh của bạn sử dụng trên 10 lao động bạn phải chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.

Chào các bạn, Mình muốn nhờ các bạn tư vấn và hỗ trợ thủ tục cho việc sau: Công ty mình hiện đang là công ty TNHH 2 thành viên. Hiện 1 trong 2 thành viên sẽ rút ra, thành viên còn lại (mình) sẽ là người duy nhất điều hành công ty. Vậy công ty mình sẽ phải thay đổi nội dung của giấy phép kinh Doanh, rút tên một thành viên ra. Ban đầu mình định chuyển giấy phép ĐKKD sang TNHH một thành viên, tuy nhiên có nguồn thông tin là nếu công ty là TNHH một thành viên thì mình sẽ bị thiệt về thuế. Lí do mà mình được giải thích đó là: C.ty TNHH 2 thành viên thì thu nhập của 2 thành viên này được tính là chi phí đầu vào của c.ty. Tuy nhiên nếu là C.ty TNHH một thành viên thì thu nhập của thành viên này không được tính vào chi phí đầu vào của c.ty. Mình muốn nhờ các bạn giúp xác nhận nguồn tin trên và theo đó tư vấn cho mình hình thức phù hợp trên cơ sở có lợi về thuế. Cảm ơn các bạn nhiều.

Thứ nhất: Xác nhận nguồn tin về việc thu nhập của hai thành viên công ty TNHH 2 thành viên căn cứ vào điều 66 luật doanh nghiệp 2014

“Điều 66. Thù lao, tiền lương và thưởng của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác

1. Công ty trả thù lao, tiền lương và thưởng cho Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác theo kết quả và hiệu quả kinh doanh.

2. Thù lao, tiền lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.”

Theo quy định trên thì các khoản tiền lương của giám đốc được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có quy định:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

Như vậy, nếu khoản tiền lương chi trả cho giám đốc thỏa mãn 3 Điều kiện nêu tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì được xác định là chi phí kinh doanh và được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ 2: Nguồn tin về thu nhập của một thành viên là công ty TNHH 1 thành viên

Theo tiết d, điểm 2.5 khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty TNHH 1 thành viên ( do một cá nhân làm chủ); Thù lao trả cho các sáng lập viên; thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh

Theo công văn 727/TCT-CS ngày 03/03/2015 của tổng cục thuế

căn cứ đặc thù của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên được thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp thì khoản chi tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty TNHH một thành viên( do một cá nhân làm chủ), ( không phân biệt có hay không tham gia trực tiếp vào điều hành sản xuất, kinh doanh) đều thuộc khoản chi phó tại tiết d, điểm 2.5 khoản 2 điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC nêu trên

Như vậy, tiền lương, tiền công của chủ công ty TNHH một thành viên( do một cá nhân làm chủ) không được trừ vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.