Hồ Than Thở – Bức tranh thiên nhiên huyền ảo và những bí mật không ngờ
Trân Bùi –
16:38 20/05/2021
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”
Nhắc đến Đà Lạt, bạn nhớ đến những mỹ từ nào dành cho nơi đây? Thành phố ngàn hoa, thành phố mộng mơ hay xứ sở sương mù? Còn đối với nhiều người, Đà Lạt là thành phố có những câu chuyện tình đẫm lệ nhưng thủy chung, son sắt. Hồ Than Thở là một minh chứng cho những câu chuyện đó. Đến với địa điểm du lịch này, du khách không chỉ ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên lãng mạn. Mà hơn hết còn được lắng mình, nhớ về một câu chuyện tình bi thương thời xưa. Trong bài viết này, 360dalat.com sẽ chia sẻ những thông tin thú vị mà không phải ai cũng biết về hồ Than Thở ở Đà Lạt.
Nội Dung Chính
Thông tin về hồ Than Thở
Hồ Than Thở cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng Đông. Đây là hồ nước tự nhiên với làn nước trong xanh, thơ mộng. Xa xa là những triền thông ngút ngàn. Chính vì vậy, du khách thường tìm đến địa điểm này để hòa mình vào cùng thiên nhiên. Đồng thời cũng tìm hiểu sự tích hồ Than Thở hay Đồi Thông Hai Mộ. Những câu chuyện tình bi thương, đẫm lệ gắn liền với các địa danh này.
Hiện tại, giá vé tham quan khu du lịch hồ Than Thở là 20.000 đồng/ người lớn. 10.000 đồng/ trẻ em. Giá vé đã bao gồm: tham quan hồ Than Thở, lên Đồi Thông Hai Mộ và ghé thăm vườn dâu Bio Fresh. Đây là một mức giá khá hợp lý so với mặt bằng chung các địa điểm du lịch tại Đà Lạt. Nếu có dự định đến thành phố ngàn hoa trong thời gian tới, nhất định đừng bỏ lỡ điểm đến này bạn nhé!
Hồ Than Thở Đà Lạt ở đâu?
Cách trung tâm thành phố khoảng 7km, du khách chỉ cần di chuyển khoảng 15 phút là sẽ đến nơi. Từ quảng trường Lâm Viên, bạn di chuyển theo hướng đường Quang Trung. Sau đó, qua vòng xoay đi thẳng đến đường Phan Bội Châu. Lúc này là đã gần đến rồi nhé. Chỉ cần đi tiếp theo đường Hồ Xuân Hương. Khi đến cuối đường, bạn nhìn phía bên tay phải sẽ thấy hồ Than Thở. Trên đây, 360dalat.com đã chia sẻ bản đồ Google Maps. Bạn có thể tham khảo để tìm đường đi ngắn nhất và nhanh nhất cho mình.
Địa chỉ: Hồ Than Thở – đường Hồ Xuân Hương, phường 12, Đà Lạt
Những câu chuyện về hồ Than Thở
Nếu như du khách biết đến hồ Than Thở qua bài hát “Đồi thông hai mộ” của ca sĩ Lệ Quyên thì đúng, nhưng chưa đủ. Sự thực là nơi đây có nhiều câu chuyện xung quanh nó và đó cũng chính là điều khiến cho nơi này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Sự tích hồ Than Thở
Hồ Than Thở vốn được người Pháp xây vào năm 1917. Mục đích để cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố. Trước kia, nơi đây có tên gọi là “Lac des Soupirs” (tức là hồ có tiếng gió thổi). Còn người dân địa phương gọi nơi đây bằng một cái tên mỹ miều là “Hồ Than Thở”. Đến năm 1975, hồ được đổi tên thành “hồ Sương Mai”. Tuy nhiên, sau đó đã được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990.
Mỗi địa danh Đà Lạt dường như lại gắn liền với những câu chuyện. Hồ Than Thở cũng vậy. Đây là địa điểm diễn ra chuyện tình đẫm nước mắt của chàng trai Hoàng Tùng và cô gái Mai Hương. Vào thế kỷ 18, Hoàng Tùng tham gia quân đội, bảo vệ đất nước đánh đuổi nhà Thanh. Thời gian đằng đẵng trôi, một ngày, Mai Hương nhận được tin người yêu hi sinh nơi chiến trận. Nàng đau lòng và gieo mình tự vẫn xuống hồ Than Thở. Nào ngờ, chàng vẫn còn sống và quay trở lại. Hay tin người yêu, chàng than khóc bên hồ và tự vẫn theo nàng. Câu chuyện tình buồn mà son sắt, thủy chung bên hồ Than Thở vẫn được người dân lưu truyền cho đến ngày nay.
Đồi thông hai mộ bên hồ Than Thở
Giữa núi rừng đẹp đến nao lòng, lại có hai ngôi mộ nằm cạnh nhau lặng lẽ bên bờ hồ Than Thở. Đó là đồi thông hai mộ. Gắn liền với câu chuyện tình bi thương của cô giáo Lê Thị Thảo và chàng trai Vũ Minh Tâm. Họ gặp nhau trong một lần đi dạo bên bờ hồ Than thở và trở thành cặp đôi đẹp nhất trong mắt các sinh viên cùng khóa.
Ra trường, chàng trai trở về quê, muốn đem lời thề ước hỏi cưới nàng. Nhưng bố mẹ chàng không đồng ý, họ ép chàng phải cưới cô gái mà họ đã chọn. Hay tin người yêu phụ bạc, Thảo nhảy xuống hồ Than Thở tự vẫn. Đau buồn vì điều đó, Tâm xin tham gia chiến trận nhưng không may bị thương nặng. Dù đã được cứu chữa nhưng không qua khỏi. Đồng đội đã làm theo lời anh, lập tấm bia “Mệnh chung”, đặt mộ của anh bên cạnh người con gái mà anh yêu. Nhiều cặp tình nhân tin rằng, nếu gặp trắc trở trong tình yêu, chỉ cần đến thắp hương ngôi mộ này, người đã khuất sẽ phù hộ cho chuyện tình của họ.
Tham quan hồ Than Thở
Hồ nằm trên một ngọn đồi cao, ẩn hiển giữa rừng thông bạt ngàn. Du khách khi ghé thăm hồ có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: tham quan vườn dâu, thắp hương tại đồi thông hai mộ, đạp vịt,…
Vẻ đẹp hồ Than Thở
Khung cảnh nơi đây tựa như một bức tranh thủy mặc hữu tình. Dù ban ngày hay ban đêm, nơi đây đều có những nét đẹp riêng biệt. Ngay khi nắng tắt, ánh đèn của khu du lịch hồ Than Thở được bật sáng, in bóng xuống mặt hồ. Tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo đến lạ thường. Bạn có thể lắng nghe tiếng rì rào của rừng thông, tiếng gió thổi xào xạc,… Những bước chân của người lữ khách khi ghé thăm đây dường như chẳng muốn quay về.
Vườn dâu Bio Fresh
Không chỉ có đồi núi, hồ nước mà khu du lịch này còn sở hữu vườn dâu Bio Fresh. Diện tích lên đến 3ha. Dâu được trồng theo công nghệ châu Âu hiện đại, không sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó, du khách vừa có thể chụp hình check-in, vừa có thể hái dâu mang về làm quà tặng cho gia đình, người thân và bạn bè. Giá dâu dao động từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/ kg.
Vườn cẩm tú cầu
Nhắc đến Đà Lạt, không thể không nhắc đến các loài hoa. Hoa cẩm tú cầu được trồng dọc trên các đồi thông. Muôn màu muôn vẻ. Có bông màu tím phớt, có bông lại mang sắc xanh dương. Khi ghé thăm vào buổi sớm, bạn sẽ thấy hoa mang nét đẹp mong manh, còn đẫm sương đêm. Đến khi trưa xuống, cả đồi hoa lại “rực” lên sức sống dưới ánh nắng vàng. Du khách khi đi “lạc” vào vườn hoa cẩm tú cầu như bước đến một khung cảnh cổ tích giữa đời thực.
Lời kết
Nhiều năm qua đi, lớp bụi thời gian đã phủ lên cảnh vật và cả những con người nơi đây, nhưng hồ Than Thở vẫn mãi một nét đẹp trữ tình. Một hồ Than Thở, một Đồi Thông Hai Mộ, một xứ sở sương mù,… sẽ khiến bất cứ ai dù chỉ đến đây một lần đều lưu luyến mãi chẳng rời.
Bảo Trân