Hồ Mạnh Tường

 

20 năm IVF Việt Nam (1997-2017) – Kể chuyện ngày ấy

Vậy là tôi đã gắn bó với IVF (Thụ tinh trong ống nghiệm) tròn 20 năm. Nó không còn là một cái nghề, nó gần như là cuộc sống của tôi.

 

Phần 3. Thực hiện IVF đầu tiên ở Việt Nam

Ngày ấy, bây giờ…

 

Có thể nói dự án IVF đầu tiên ở Việt Nam là một chiến dịch lịch sử của cả Bệnh viện Từ Dũ về thời gian, qui mô và số người tham dự. Rất nhiều việc đã được thực hiện để chuẩn bị cho cơ sở vật chất, thiết bị, con người, thủ tục pháp lý, tài chính… Một dự án tâm huyết của rất nhiều người, trong đó, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người đã dành nhiều công sức, trí tuệ, kiên trì đeo đuổi nhiều năm.

Vào thời điểm đó, trong xã hội, trong ngành y và ngay cả trong bệnh viện, có nhiều dư luận không đồng tình, thậm chí chống đối việc triển khai IVF ở Việt Nam, vì rất nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, có một giáo sư tiến sĩ trong ngành đã gửi thư cho quốc hội đòi cấm làm IVF vì sợ rằng… sẽ sinh ra quái thai. Vào thời điểm đó, IVF thế giới đã được 20 năm tuổi và được thực hiện phổ biến ở đa số các nước. Trong bối cảnh đó, việc thành công hay thất bại của chương trình có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị và uy tín của nhiều người liên quan đến chương trình.

Tháng 7 năm 1997, nhờ sự sắp xếp và hỗ trợ rất lớn của thầy K., một nhóm chuyên gia người Pháp từ Nice gồm 4 người, sang Việt Nam ở 3 tuần để chuyển giao công nghệ cho ê-kíp ở Bệnh viện Từ Dũ: 1 bác sĩ Phụ khoa, 1 bác sĩ chuyên về phôi học, 1 kỹ thuật viên labo và 1 điều dưỡng chuyên về IVF. Ngoài ra, các chuyên gia còn mang sang nhiều thuốc men, dụng cụ, hoá chất, môi trường nuôi cấy quan trọng… mà bệnh viện Việt Nam còn thiếu. Phải nói, thầy K., dù là một Việt kiều ở Pháp, nhưng là một trong những người đóng góp lớn nhất cho sự việc triển khai thành công IVF ở Việt Nam.

Ê-kíp Việt Nam và các chuyên gia Pháp đã làm việc cật lực, ngày đêm để chuẩn bị cho thời điểm lịch sử của IVF Việt Nam. Trong ê-kíp Việt Nam, tôi là người nắm nhiều chi tiết về các khâu liên quan đến cả qui trình. Tôi chạy đi chạy lại và tham gia hầu hết các công đoạn. Nói chung, tôi không tham gia các việc lớn, chỉ làm những khâu lặt vặt, khi có ai đó cần. Tính tôi thích và quan tâm đến chi tiết. Những ngày tháng cực khổ, học hỏi, ghi chép… ở Pháp đã không bị lãng phí.

Riêng các phần liên quan đến khu IVF, đặc biệt là khu Labo IVF, trái tim của chương trình IVF, tôi được bệnh viện giao phụ trách, vì lúc đó, tôi là người duy nhất nắm chi tiết về các vấn đề này.

Lúc đó, điều kiện còn thiếu thốn, trình độ tổ chức còn hạn chế, làm IVF rất cực. Chúng tôi làm việc cả 7 ngày trong tuần, không nghỉ trưa. Buổi tối thường ở lại khu IVF cho đến 9-10 giờ. Cho tới giờ, chúng tôi cũng quen với việc làm thông tầm buổi trưa, không nghỉ. Sau này, nhiều đồng nghiệp Việt Nam đến chỗ chúng tôi học IVF rất khổ sở vì việc này.

Ba tuần chuyển giao công nghệ:

  • Tuần đầu các chuyên Pháp rà soát hồ sơ bệnh án, theo dõi giai đoạn kích thích buồng trứng, xem xét, góp ý điều chỉnh các qui trình và cơ sở vật chất thiết bị
  • Tuần thứ hai: thực hiện các trường hợp IVF đầu tiên. Trong tuần này, nửa tuần đầu, các chuyên gia Pháp làm và hướng dẫn, ê-kíp Việt Nam xem, hỏi và ghi nhận. Nửa tuần sau, ê-kíp Việt Nam tự làm, các chuyên gia Pháp quan sát và điều chỉnh đến khi ổn.
  • Tuần thứ 3 ê-kíp Việt Nam tự thực hiện hoàn toàn. Tuần cuối các chuyên gia Pháp được bố trí đi thư giản, du lịch. Cuối tuần, họ quay lại xem xét và đánh giá tình hình.

Cuối đợt chuyển giao công nghệ, phát biểu trong buổi họp chia tay, bác sĩ trưởng đoàn Pháp nhận xét, bệnh viện đã chuẩn bị và hỗ trợ rất tốt cho đợt chuyển giao. Kết quả là ê-kíp Việt Nam đã nắm bắt nhanh và tự thực hiện khá tốt các qui trình kỹ thuật. Tôi được chuyên gia đánh giá là người hiểu và nắm rất rõ đến từng chi tiết nhỏ nhất ở khu IVF. Lúc đó, tôi thật hạnh phúc, như một cậu học trò làm bài được cô giáo cho điểm mười và khen ngợi trước lớp. Năm đó, tôi 28 tuổi.

Thời gian chờ đợi kết quả các trường hợp IVF đầu tiên là một thời gian cực kỳ căng thẳng và lo lắng của cả ê-kíp. Mỗi lần một kết quả thử thai âm tính là cô Phượng, tổng tư lệnh chương trình, như già đi vì lo lắng. Trời không phụ lòng người, cuối cùng những thành công cũng đã đến. Tỉ lệ có thai trên các trường hợp do chuyên gia Pháp làm trực tiếp và những trường hợp do ê-kíp Việt Nam tự thực hiện là tương đương nhau. Đợt chuyển giao công nghệ đã thành công vượt mức mong đợi.

Quá trình hồi hộp theo dõi các trường hợp mang thai đầu tiên cho đến khi sinh cũng đầy ắp những câu chuyện vui buồn, những kỷ niệm khó quên, cho đến tận bây giờ.

Ngày 30 tháng 4 năm 1998, ba em bé IVF đầu tiên của Việt Nam đã chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Một ngày vui lớn của bệnh viện. Có đài truyền hình, phóng viên báo chí, nhiều quan chức, nhân vật quan trọng… Hôm đó, thật ra tôi cũng hơi buồn vì không được xuất hiện ở sự kiện hoành tráng đó, diễn ra ở khu phòng mổ của bệnh viện. Lúc đó còn nhỏ, háo thắng, nên chưa hiểu hết. Về sau khi lớn hơn, tôi hiểu rằng, trong tất cả các vỡ diễn, mỗi diễn viên, dù chính hay phụ, chỉ cần tham gia và làm tốt nhất phần của mình được phân công trong vỡ diễn, không nhất thiết phải xuất hiện ở tất cả các màn, cảnh!

 

Người xưa, ngày ấy, bây giờ…

Ê-kíp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các khâu của sự kiện lịch sử năm 1997 có Cô Phượng (tổng tư lệnh), anh Thuận, anh Danh, Lan, tôi, chị Mai kỹ thuật viên lab. Bên cạnh đó, còn có các bạn nữ hộ sinh và rất nhiều người trong bệnh viện cũng góp phần chuẩn bị, tham gia rất nhiều công việc khác cho sự kiện lịch sử đó. Thật là tình cờ và cũng đáng tiếc là 20 năm sau, những con người tham gia trực tiếp sự kiện lịch sử ngày đó, không ai còn làm việc ở Khoa Hiếm muộn hiện nay ở Bệnh viện Từ Dũ. Giờ các đồng nghiệp đang làm việc ở đó, chắc ít người biết về một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng, với nhiều gian khổ, hy sinh của nhiều người, 20 năm trước…

– Cô Phượng nghỉ hưu năm 2005 và rời khỏi vị trí cố vấn bệnh viện khoảng 1 năm sau đó. Hiện nay, Cô Phượng là cố vấn cho Bệnh viện Mỹ Đức và Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD.

– Anh Thuận sau đó theo đuổi chuyên ngành Ung thư Phụ khoa. Hiện nay bác sĩ Thuận giữ vị trí Trưởng khoa Ung thư Bệnh viện Từ Dũ.

– Anh Danh vào thời điểm đó là giảng viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, sau đó kiêm nhiệm ở Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ một thời gian. Hiện nay, bác sĩ Danh vẫn giảng dạy ở Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, nhưng không còn giữ vị trí ở Khoa Hiếm muộn nữa.

– Bác sĩ Lan tiếp tục làm việc ở Khoa Hiếm muộn đến 2008, được bệnh viện phân công về Khoa Sản bệnh. Sau đó, Lan cũng xin nghỉ việc ở bệnh viện và về làm giảng viên của Đại học Y Dược. TPHCM.

– Chị Mai, kỹ thuật viên lab IVF đầu tiên của Việt Nam, nghỉ hưu năm 2007. Hiện nay, chị Mai làm ở IVFMD.

 

Chuyện của tôi

Năm 1999, tôi được bổ nhiệm Phó khoa Hiếm muộn, Phụ trách Đơn vị IVF của bệnh viện. Năm 2003, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ.

Năm 2005, tôi được Ban Giám đốc bệnh viện đề nghị chuyển sang Khoa Xét nghiệm bệnh viện để làm việc! Tôi xin ở lại Khoa Hiếm muộn để làm việc vì tôi chỉ thích làm IVF và được chấp thuận. Đến cuối năm 2006, tôi xin nghỉ ở bệnh viện, khi đang giữ vị trí trưởng khoa, với lý do ghi trong đơn là đi học MBA. Giờ tôi vẫn còn giữ tờ đơn này. Ban đầu bệnh viện không đồng ý cho tôi nghỉ việc.

Đầu năm 2007, 10 năm sau khi IVF thực hiện đầu tiên ở Việt Nam, tôi chính thức nghỉ việc ở Bệnh viện Từ Dũ, nhưng vẫn còn tham gia khoá đào tạo bác sĩ IVF cho bệnh viện đến hết năm này. Vào thời điểm đó, Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị IVF lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thực hiện khoảng 70% số chu kỳ IVF ở Việt Nam. Danh sách bệnh nhân xếp lịch để chờ làm IVF lên đến hơn 1.500 trường hợp.

Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi và phát triển kỹ thuât IVF sau khi rời khỏi Bệnh viện Từ Dũ. Hiện nay, tôi làm ở Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và sức khoẻ sinh sản CGRH, Khoa Y Đại học Quốc gia TPHCM. ngoài ra, tham gia làm việc và cố vấn cho một số đơn vị IVF. Đến năm 2017, CGRH là trung tâm đào tạo và nghiên cứu về hỗ trợ sinh sản lớn nhất Đông Nam Á.

Cho đến nay, 20 năm rồi, tôi vẫn sống và làm việc với IVF. Tôi nhận được quá nhiều từ khi bắt đầu tham gia vào chuyên ngành này. Tôi cũng tự hào về những gì mình đã làm được cho IVF ở Việt Nam và tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn gắn bó với nó tiếp tục, ít nhất là 20 năm nữa…

Để làm tốt việc của mình và để thành công, bạn cần yêu những gì bạn làm và sống hết mình với nó, không quan trọng là bạn giữ chức vụ gì và làm việc ở đâu.