Hình ảnh người già qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam (ThS. Trầm Thanh Tuấn) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo
Mỗi người Việt Nam đều nằm lòng câu nói “Kính lão đắc thọ” hay giản dị hơn là “Yêu trẻ, trẻ đến nhà – Kính già, già để tuổi cho”. Tư tưởng kính trọng người già, những bậc cao niên trưởng bối luôn tồn tại trong đời sống tinh thần người Việt, dù trải qua bao thăng trầm của đời sống xã hội từ xưa đến nay. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ đã thể hiện nhãn quan sắc bén của dân gian đối với người già bằng nhiều góc nhìn đa diện, đa chiều.
1. NGƯỜI GIÀ NHIỀU TRẢI NGHIỆM, LÀ KHO TÀNG QUÝ GIÁ ĐỂ CON CHÁU NOI THEO
Tục ngữ Việt Nam minh triết khi khuyên răn mọi người “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Khi đi xa hay gần để làm việc gì đó, mọi người nên tham khảo ý kiến người lớn tuổi (người già). Họ là người từng trải, có kinh nghiệm nên có thể cung cấp những bài học cần thiết, hữu ích. Hay nói cách khác, người già sẽ tư vấn cho chúng ta cách ứng xử phù hợp trong công việc. Còn khi về nhà, nếu muốn nắm bắt thông tin liên quan những chuyện đã xảy ra khi đi vắng nhà, chúng ta nên hỏi trẻ con. Trẻ nhỏ hồn nhiên, biết gì nói đấy. Những thông tin trẻ con cung cấp chính là thông tin chân thực nhất chúng ta cần. Từ câu tục ngữ trên có thể thấy người Việt xem trọng vốn sống của người già, xem như đây là kim chỉ nam có tác dụng định hướng, soi đường trong mọi công việc.
Bên cạnh câu tục ngữ tiêu biểu này, người Việt còn tô đậm hình ảnh người già với sự trải đời của mình, có thể ứng phó với những tình huống bất trắc trong cuộc sống. Thành ngữ “Kẻ cắp gặp bà già” chính là để nói sự lõi đời của người cao tuổi. Câu thành ngữ bàn đến hai đối tượng. Kẻ cắp: Chỉ những kẻ ranh ma, mánh khóe, đi ăn cắp đồ của người khác. Bà già: Là những người già dặn, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, những người cao tay, có thể ứng biến được mọi tình huống. Trong trường hợp cụ thể của câu này, bà già hay người nhiều tuổi, là những người có đủ kinh nghiệm để cất tiền bạc, của cải ở những nơi an toàn nhất và kẻ cắp chẳng thể lấy được gì khi gặp bà già, bởi “Gừng càng già càng cay”.
Người già chứa đựng “túi khôn”, còn người trẻ lại có sức khỏe, thế nên, mỗi độ tuổi đều chứa đựng những lợi thế riêng. Dân gian diễn đạt điều ấy qua câu nói: “Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già”. Qua đó, cũng thêm một lần nữa muốn nhấn mạnh đến ưu thế của người già là sự tích lũy bề dày kinh nghiệm sống. Đồng thời, khi sống chung một mái nhà, người trẻ sẽ được người già hỗ trợ bằng chính những kinh nghiệm ấy. “Một mẹ già bằng ba con ở”: Người bà khi chăm sóc cháu sẽ chu đáo và cẩn trọng hơn người ở thuê rất nhiều. Vì họ đang chăm sóc bằng cả tình yêu thương lớn lao của người bà đối với cháu. Thậm chí ở Nam Bộ còn có câu tục ngữ: “Thương con một táo, thương cháu một giạ” [1]. Người ông, người bà thương và chiều cháu hơn cả chiều con, chính vì thế, người bà lại phải chịu thêm một trách nhiệm: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Biến thể của câu trên còn có: “Một mẹ già bằng ba then cửa”, bởi một bà mẹ già bao giờ cũng có giá trị (canh giữ) cao hơn cả ba lượt then cửa gộp lại. Then cửa dù sao cũng chỉ là vật vô tri, là cái chốt ngăn cách thuần tuý. Còn bà mẹ già trông nhà, với sự cẩn trọng, tinh nhạy khi nghe ngóng, quan sát và phán đoán mọi diễn biến xảy ra, sẽ có cách xử lý kịp thời. Giao nhà cho mẹ yên tâm một, giao con cho bà yên tâm mười. Bởi bà chăm sóc con ta bằng chính trái tim người mẹ mà bà đã từng chăm ta những ngày thơ bé.
2. CON CHÁU TRỌN LÒNG HIẾU KÍNH VỚI NGƯỜI GIÀ
Người Việt Nam có truyền thống kính trọng người già. Chữ “hiếu” luôn là chuẩn mực đạo đức hàng đầu. Vậy nên, trong gia đình, chuyện hiếu kính cha mẹ cực kỳ quan trọng. Những câu ca dao nhắc nhau hiếu thuận với cha mẹ già thực sự rất nhiều. Trong kho tàng ca dao người Việt, với hình ảnh cha mẹ già, ca dao có cấu trúc so sánh đặc trưng: Mẹ (cha) + như + X… Trong đó, X là những hình ảnh khơi gợi sự thơm mát, ngọt ngào nhưng cũng tàn úa, mong manh…
– Mẹ già đầu bạc như tơ.
– Mẹ già như áng mây trôi.
– Mẹ già như chuối chín cây.
– Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Đường mía lau càng lâu càng ngát,
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say.
Ba hương lây lất tháng ngày,
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.
Mẹ già như áng mây trôi,
Như sương trên cỏ, như lời hát ru.
Lời hát ru vi vu trong gió,
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan.
Mây trôi lãng đãng trên ngàn,
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.
Cấu trúc so sánh ấy nhằm tôn vinh hình ảnh cha mẹ già đã hy sinh cho con cả cuộc đời. Đồng thời, cũng khơi gợi sự vô thường luôn rình rập người già, khi sức khỏe đã suy yếu dần theo năm tháng. Chính từ nhận thức ấy mà người con phải ra sức viếng thăm cha mẹ khi tuổi hạc đã cao:
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sáng thăm tối viếng mới đành dạ con.
Bên cạnh việc thăm viếng thường xuyên, người con còn phải chăm lo từng miếng cơm, manh áo:
– Mẹ già hai đứa nuôi chung,
Đứa lo cơm cháo, đứa giùm thuốc thang.
– Trời mưa cho ướt lá dừa,
Cho tươi luống cải cho vừa lòng em.
Cho em hái đọt rau dền,
Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già.
Chẳng những thế, người con hiếu thảo còn khấn vái thánh thần cầu cho cha mẹ thêm phước, thêm thọ mà sống lâu bên con cháu:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Cũng chính vì lẽ đó, người con gái rất sợ lấy chồng xa, vì khi đã xa nhà làm dâu thì việc viếng thăm, chăm sóc cha mẹ sẽ vô cùng khó khăn:
Con cá đối nằm trên cối đá,
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dưng?
Mặc dù từ trước đến nay, trong mắt nhiều người, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn phức tạp, nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, nhiều nàng dâu hiền đã luôn tâm niệm:
Mẹ già là mẹ già anh
Một ngày ba bận cơm canh rau bầu
Khấn nguyền cha mẹ sống lâu
Phơ phơ tóc bạc trên đầu tấm bông.
Bên cạnh việc chăm sóc chu đáo, người dâu thảo tình nguyện bươn chải để có tiền cho chồng ăn học cũng như phụng dưỡng mẹ chồng đã già yếu:
Xin anh đi học cho ngoan
Để em dệt cửi kiếm quan tiền dài
Quan tiền dài em ngắt làm đôi
Nửa thì giấy bút, nửa nuôi mẹ già.
Tóm lại, có thể nói, những câu ca dao, tục ngữ bàn về lòng hiếu kính với cha mẹ già yếu đã thể hiện nét nhân văn sâu sắc trong đời sống tâm hồn người Việt. Đây chính là những giá trị tốt đẹp cần được tiếp tục trao truyền đến thế hệ hôm nay và cả mai sau.
3. SỢ TUỔI GIÀ, NỖI KHẮC KHOẢI NHÂN SINH MUÔN ĐỜI
Mặc dù xem người già là “túi khôn” đáng kính trọng, nhưng người Việt (có lẽ nhiều dân tộc khác trên thế giới) cũng rất sợ tuổi già. Bởi “trẻ khôn ra, già lú lại”, ai mong già để làm gì vì khi già đi, con người bị hạn chế nhiều thứ, đặc biệt là sức khỏe và trí tuệ. Dẫu biết rằng quy luật: Sinh, lão, bệnh, tử luôn là sự vận hành miên viễn của vũ trụ; thế nhưng, con người ai cũng sợ già. Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng sợ hãi tuổi già hơn cả, bởi lẽ họ ý thức được trước quy luật nghiệt ngã của thời gian, nhan sắc thanh xuân dù có rực rỡ cũng sẽ chóng phôi pha theo năm dài tháng rộng. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Việt, rất nhiều câu đề cập đến việc này.
Lý do một cô gái thôi chờ đợi một chàng trai thường gắn với nỗi lo âu:
– Ai ơi, trẻ mãi ru mà,
Càng đo đắn mãi càng già mất duyên.
– Một năm một tuổi một già,
Ba năm một tuổi chi mà đợi anh.
Bởi người con gái hiểu được một cách sâu sắc. Khi tuổi xuân qua mau thì dù trang điểm thật nhiều cũng không thể che lấp đi dấu vết thời gian hiển hiện trên khuôn mặt:
Cau già dao bén thì ngon,
Người già trang điểm phấn son cũng già.
Hệ quả khi người con gái chưa lập gia đình mà tuổi già đã đến, đó sẽ là sự cô độc:
– Mướp già thì mướp có xơ,
Gái già thì gái nằm trơ một mình.
– Cau già lỡ lứa bán trăm,
Chị nọ lỡ lứa biết nằm cùng ai?
– Bảy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đang thì không chơi
– Bảy mươi chống gậy ra ngồi
Xuân ơi xuân có tái hồi được chăng?
Nguyên nhân lỡ làng trong hôn nhân của người phụ nữ thì có nhiều. Trong số ấy có việc “Già kén kẹn hom”. Đây là câu tục ngữ nói đến những người con gái kén chọn kỹ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng có thể gặp cảnh không như ý. Theo tác giả Nguyễn Đức Dương [2], từ “kén” dùng ở đây không phải là động từ, mà là danh từ để chỉ cái tổ bằng tơ do tằm kết nên để làm nơi hoá thân trong quá trình tiến hóa của tằm và “kẹn”, là một từ cổ chỉ trạng thái bị dính chặt vào một cái gì đó, còn “hom” là những thanh tre mảnh để đan nên các tấm “né” [3]. Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể rút ra nhận định: Nội dung đích thực của “già kén kẹn hom” là “kén” mà để quá già trên “né” thường dễ bị dính chặt vào “hom” (khiến khi cần rất khó gỡ ra). Vậy nên, từ nghĩa gốc này dân gian đã chơi chữ “kén” trong “kén tằm” đồng âm với “kén” trong “kén chọn”. Ý của thành ngữ này là nếu quá kén chọn sẽ dễ dẫn đến quá lứa, lỡ thì.
4. NGƯỜI GIÀ VÀ NHỮNG “TẬT XẤU”
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có kính trọng thì cũng có chế giễu, nhạo báng. Có khi, người ta cất lời chê già khó tính. Đặc biệt, là những người phụ nữ lớn tuổi có con trai và mong muốn có được cô con dâu ưng ý nhưng lại kĩ tính thái quá, khiến cho duyên phận con trai mình gặp nhiều ngang trái:
Ai làm cho chuối không cành,
Cho anh không vợ cắn quanh mẹ già.
Mẹ già như mẹ người ta,
Thì anh có vợ trong nhà đã lâu.
Mẹ anh ác nghiệt cơ cầu,
Cho nên anh chịu âu sầu đến nay.
Bên cạnh đó, với một số người khi về già lại sinh thêm những tính khí xấu mà có thể trước đây họ không có. “Già sinh tật, đất sinh cỏ” hay “Trẻ đeo hoa, già đeo tật” là những câu thành ngữ đúc kết những hiện tượng như thế. Những tật ấy của người già có khi rất trái khoái:
– Bà già đã tám mươi tư,
Ngồi bên cửa sổ đưa thư kén chồng.
– Bà già tuổi tám mươi hai,
Ngồi trong quan tài hát ghẹo ông Sư.
– Bà già đi chợ Cầu Đông,
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!
Những bài ca dao trên trêu ghẹo những người phụ nữ lớn tuổi nhưng không “chính chuyên” (dĩ nhiên ở đây là theo quan niệm cộng đồng hẹp hòi trong xã hội phong kiến). Những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của ca dao hài hước cũng được sử dụng ở đây. Đó là thủ pháp phóng đại và chơi chữ. Qua những bài ca dao hài hước trên, tác giả dân gian mong muốn người già luôn phải là tấm gương sáng, mọi hành động và suy nghĩ phải phù hợp với lứa tuổi (phù hợp với chuẩn mực chung của cộng đồng). Tuy nhiên, bên cạnh những bài ca dao cười cợt, châm biếm, tác giả dân gian còn có những câu ca dao thể hiện sự cảm thông hơn như:
– Già thì lễ Phật đi chùa,
Cau non trái mùa ai cũng muốn ăn.
Bài ca dao nói đến những việc người già nên làm là: “Lễ Phật đi chùa” nhưng đồng thời cũng thông cảm khi nói: “Cau non trái mùa ai cũng muốn ăn”. Đây vừa là lời chống chế của người già cũng là lời bênh vực của dân gian dành cho người già, xem như đây là một trạng thái tâm lý thường tình “ai cũng muốn ăn”.
Với những người già (đặc biệt là nam giới), dân gian luôn lên án những người có “máu dê” khi tuổi đã nhiều nhưng vẫn để ý dòm ngó đối với những người con gái đáng tuổi con cháu:
– Ông già bạc phếu râu tôm
Thấy dâu quét bếp còn lườm mắt dê.
– Ông già ông đội nón cời,
Ông ve con nít ông Trời đánh ông.
Qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, người Việt thể hiện cách nhìn, cách đánh giá của mình về người già thấu tình đạt lý. Người già mặc dù có những ưu điểm lẫn khuyết điểm, thế nhưng nhìn chung đây là những đấng bậc mà con cháu và cả xã hội cần phải tôn trọng. Với vai trò là “cây cao bóng cả”, người già luôn là kho tàng quý giá, nền tảng vững chắc cho con cháu cũng như xã hội phát triển phồn vinh.
(ThS. Trầm Thanh Tuấn)
Chú thích:
[1] Một táo bằng 20 lít, tương đương một thùng, gọi là ”thùng quan”. Hai táo bằng một giạ.
[2] Nguyễn Đức Dương – “Già kén kẹn hom” nghĩa là gì? (https://laodong.vn/archived/gia-ken-ken-hom-nghia-la-gi-676759.ldo)
[3] Tấm né: Vật dụng được dùng được người chăn tằm dùng để làm chỗ cho giống sâu hữu ích kia kết kén.
Tài liệu tham khảo:
-
Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb. Đại học Quốc gia, 2007.
-
Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999.
-
Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb. Văn học, 2021.