Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh
Bệnh viện ĐK Thống Nhất là một trong 3 bệnh viện tại Đồng Nai triển khai đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) của Bộ Y tế với 3 chuyên khoa gồm Tim mạch can thiệp, Chấn thương chỉnh hình và Sản. Việc thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao, đến nay nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới đã được bệnh viện làm chủ và thực hiện thuần thục, qua đó góp phần cứu sống nhiều ca bệnh nặng, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Người dân hưởng lợi nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật khó
Ông Hồ Văn Q. (62 tuổi, ngụ P. Bửu Long -TP. Biên Hòa) đang điều trị sau phẫu thuật tim tại Khoa Tim mạch can thiệp (TMCT) cho hay, khi đang đi làm, ông lên cơn đau thắt cơ ngực, được người nhà chuyển lên Bệnh viện ĐK Thống Nhất. Qua thăm khám, ông được tư vấn phải mổ, đặt stent can thiệp. Thời gian ca mổ diễn ra rất nhanh và sau mổ, ông phục hồi tốt.
Phải nói rằng, đây là thành quả của việc triển khai các kỹ thuật can thiệp tim mạch, thuộc đề án BVVT được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao cho Bệnh viện ĐK Thống Nhất. BS. Phạm Quang Huy, cố vấn chuyên môn của Khoa TMCT Bệnh viện ĐK Thống Nhất chia sẻ: “Việc triển khai đề án như đòn bẩy cho sự lớn mạnh của mảng tim mạch tại Bệnh viện. Đó là cơ hội được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo được một lớp nhân viên y tế giỏi tay nghề không những về tim mạch mà còn những lĩnh vực liên quan như cấp cứu, gây mê hồi sức, hồi sức tích cực. Quan trọng và ý nghĩa hơn là người dân địa phương và những vùng lân cận được hưởng kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao mà không phải đi xa”.
Đề án BVVT thực hiện 4 gói tại Khoa TMCT bao gồm: Chụp và can thiệp mạch vành; Chụp và can thiệp mạch máu ngoại biên; Thông tim can thiệp các mạch máu tim bẩm sinh; Nong van 2 lá bằng bóng. “Từ năm 2015 đến nay, số bệnh nhân được can thiệp tại khoa là gần 10.000 ca, tỉ lệ thành công 97%; Tỉ lệ tử vong 1,38%, đây là tỉ lệ trong khoảng giới hạn cho phép và thấp hơn một số đơn vị khác cùng thực hiện những kỹ thuật này”, BS.CKII Trần Minh Thành, Trưởng Khoa TMCT, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho hay.
Ê kíp của Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng phẫu thuật cho một bệnh nhân.
Từ năm 2015 đến nay, Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng là khoa vệ tinh của Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy. BS.CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết, từ khi thực hiện đề án, những hoạt động trong công tác khám chữa bệnh tại khoa bước sang một trang mới, dần hoàn thiện những thiếu sót. Đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo những kỹ thuật chuyên sâu, được trau dồi, liên tục cập nhật những kiến thức mới về chuyên môn bằng ngoại ngữ. Những kỹ thuật mới như mổ xương chày, mổ xương chậu, kéo dài chi….giờ khoa xử lý trong tầm tay.
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết đề án BVVT phát huy hiệu quả rất lớn. Với sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy và sự cố gắng nỗ lực từ đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện ĐK Thống Nhất, hiện nay bệnh viện đã triển khai những kỹ thuật khó, đỉnh cao trong chuyên khoa tim mạch, Chấn thương chỉnh hình, Sản.
“Ý nghĩa lớn nhất của BVVT là giúp bệnh viện thực hiện được kỹ thuật khó mà từ trước đây các bệnh viện tuyến tỉnh chưa thể làm được, như mổ tim hở, đặt van tim, chỉnh sửa van tim, mổ nội soi khớp vai, khớp gối…nay trở thành kỹ thuật thường quy với hiệu quả cao. Kết quả, tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%, tỉ lệ chuyển tuyến hầu như không có. Đặc biệt, người dân tại tỉnh được thụ hưởng khám chữa bệnh với các kỹ thuật cao gần nhà, không phải đi xa, đỡ thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí “.
Tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu
Từ khi triển khai đề án BVVT, Khoa Sản là “bệnh viện con” của Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh). Những kỹ thuật cao như mổ bắt con, nội soi cổ tử cung, mổ sa sinh dục, cấp cứu, hồi sức trẻ nhỏ sơ sinh được bệnh viện thực hiện hàng ngày. “Đặc biệt, tại Khoa Sản sử dụng gần như là 100% kháng sinh dự phòng trong quá trình mổ bắt con cho bệnh nhân. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng nhằm làm hạn chế tỉ lệ kháng thuốc, tránh được lạm dụng thuốc, tránh những tai biến sản khoa và còn tiết kiệm cho bệnh nhân một khoản khoản chi phí lớn khi sử dụng kháng sinh điều trị”, BS Lý Thị Xuân Lan – Trưởng khoa Sản Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết.
Chị N.T.N (H. Định Quán) được các bác sĩ Bệnh viện ĐK Thống Nhất can thiệp tim thành công do bị hở van 3 lá, suy tim.
Mặc dù, đề án BVVT đã được nghiệm thu và kết thúc từ năm 2020, nhưng vẫn còn kỹ thuật cao cần phải đầu tư triển khai trong thời gian tới để hoàn thiện và phát triển những chuyên khoa mới như phẫu thuật tạo hình vùng mặt cho bệnh nhân bị liệt bẩm sinh (liệt thần kinh VII ngoại biên) cho một bệnh nhân nam. Sau khi thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán là liệt dây thần kinh VII ngoại biên bẩm sinh và được chỉ định chuyển cơ thon cuống mạch rời, ghép thần kinh cơ thon vào dây V. “Đây là kỹ thuật mới, lần đầu tiên được triển khai tại bệnh viện với sự hỗ trợ từ ê kíp BS.CKII Nguyễn Cao Viễn – Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh. Sau phẫu thuật bệnh nhân được tạo hình thành công. Khoa vẫn luôn có những buổi sinh hoạt chuyên môn vào hàng tháng đối với các thầy ở tuyến trên, để triển khai những kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu nhằm đem lại lợi ích cho người dân”, BS Nguyễn Tường Quang chia sẻ thêm.
TS-BS Phạm Văn Dũng cho biết thêm: “Thông qua mô hình bệnh tật, mô hình chuyển tuyến tại bệnh viện, chúng tôi sẽ đánh giá những chuyên khoa, những bệnh nào khó nhất, nhiều nhất, chuyển tuyến nhiều nhất để cử các y, bác sĩ tiếp tục học tập, đồng thời mời chuyên gia về “cầm tay chỉ việc” cho đơn vị không chỉ ở khuôn khổ 3 khoa thực hiện đề án BVVT mà còn ở những chuyên khoa khác”.
Ngoài hoàn thiện những kỹ thuật tại bệnh viện, đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới như chạy thận nhân tạo, nội soi không đau tại Bệnh viện ĐKKV Định Quán, TTYT Trảng Bom, TTYT Cẩm Mỹ.
Mai Liên