Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN bán lẻ xăng dầu. 

Trong bối cảnh năm 2022 thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, giá lên xuống với biên độ lớn trong thời gian rất ngắn, tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh xăng dầu nói chung. Để giá xăng dầu ổn định ở mức cao nhất có thể, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã sử dụng nhiều công cụ hữu hiệu để điều hành thị trường xăng dầu trong nước. Nhờ đó đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo thống kê của VINASME, hiện cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó có khoảng 13.000 DN nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hoạt động trên toàn quốc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các hoạt động kinh tế – xã hội. Đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Với việc kinh doanh hiệu quả, ổn định trong nhiều năm nay, khu vực này có nhiều đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều DN bán lẻ phản ánh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, DN đầu mối áp đặt trong chia sẻ chi phí định mức kinh doanh, chiết khấu bán lẻ thường xuyên ở mức thấp và rất thấp. Thậm chí, có nhiều quãng thời gian dài chiết khấu bằng 0 tại kho đầu mối. DN bán lẻ phải tự bù chi phí vận tải từ kho về địa điểm bán hàng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ kéo dài. Dù vậy, DN bán lẻ vẫn phải hoạt động để giữ khách hàng và tồn tại. Trong nhiều trường hợp phải đối mặt với nguy cơ bị rút giấy phép hoạt động, do DN đầu mối không cung cấp đủ xăng dầu để bán.

xang-dau-1-1665471731.jpg
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn. Ảnh minh họa

Trước thực trạng đó, VINASME đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Theo đó, kiến nghị được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đưa ra thành 5 nhóm.

Cụ thể, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí kinh doanh bán lẻ theo đúng tỷ lệ trong công thức tính giá cơ sở hiện hành. Các văn bản hiện nay chưa quy định cụ thể các chi phí bán lẻ phải chi trả trực tiếp cho đại lý bán lẻ mà tính chung trong tổng chi phí lưu thông.

Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của doanh nghiệp đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý. Riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu đề nghị tách riêng, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay, mức chi phí bán lẻ chưa tính đến lợi nhuận là từ 700-800 đồng/1lít. Mức chi phí này dao động do phụ thuộc sản lượng và các điều kiện kinh doanh khác, như sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200 -1400 đ/1lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay (với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng).

Trong tình hình hiện nay cần thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Trước mắt, tạm thời không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ vì điều này sẽ tạo độ trễ gây ảnh hưởng tới thị trường và hiệu quả điều hành thị trường xăng dầu.

Việc quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn là không còn phù hợp với điều kiện và sự phát triển của thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nếu cho rằng quy định về điều này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là không còn phù hợp. Vì xăng dầu hiện nay được sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu đều phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Việt Nam, được kiểm soát với quy trình rất chặt chẽ dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Rà soát, cắt giảm một số thủ tục hành chính, các giấy phép con, gây phiền hà cho doanh nghiệp cùng các quy định không phù hợp. Các quy định hiện nay quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu, dẫn tới nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ.