Hiểm họa khó lường khi để lộ thông tin cá nhân
.
Đã có không ít người bị các đối tượng xấu lợi dụng thông tin (căn cước công dân, chứng minh nhân dân…), hình ảnh cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thực tế này gây ra những hệ lụy không nhỏ cho nhiều người khi vô tình hoặc hữu ý để lộ lọt thông tin cá nhân của mình.
Các biện pháp tránh bị lộ thông tin cá nhân
* Dễ bị lợi dụng thông tin để lừa đảo
Theo cơ quan công an, hiện nay có nhiều người dân vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân như: căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân (CMND), địa chỉ nơi ở, học tập, làm việc; hình ảnh cá nhân… lên các trang mạng xã hội. Việc này tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân vào tay kẻ xấu. Từ đó, các đối tượng xấu có thể sử dụng những thông tin này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc dùng vào những việc làm không chính đáng.
Cụ thể, ngày 2-6, Công an H.Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) triệt phá đường dây chuyên mua bán thông tin cá nhân hoạt động trên phạm vi nhiều tỉnh, thành. Cơ quan công an bắt giữ Lê Thế Trung (37 tuổi, ngụ Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) là đối tượng cầm đầu đường dây cùng nhiều đối tượng liên quan khác. Theo điều tra, các đối tượng trong đường dây này đã tìm kiếm người dân tại nhiều tỉnh, thành để mua thông tin, giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng… sau đó bán lại cho một số đối tượng ở nước ngoài để dùng vào việc đánh bạc.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh và công an các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng internet, ngân hàng, mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh xử lý, ngăn ngừa tội phạm lộng hành trên không gian mạng.
Tương tự, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố nhiều vụ chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã lợi dụng đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm dụng tài khoản ngân hàng…
Đại úy Lê Tùng Lâm, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa, cho biết thường các thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài do chủ động và cả bị động. Ngoài sự chủ động đăng tải, phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân lên các trang mạng, nhiều người trong các hoạt động cũng vô tình để lộ thông tin cá nhân của mình. Nhất là khi mua bán, thanh toán trực tuyến; cung cấp thông tin cho các đơn vị mua bán hàng trả góp; vay tiền qua app… Ngoài ra, tình trạng người dân thế chấp các loại giấy tờ tùy thân để vay “tín dụng đen” cũng khiến thông tin cá nhân dễ bị đánh cắp.
Như trường hợp chị N.T.A. (ngụ TP.Biên Hòa) đến cơ quan công an trình báo, cuối năm 2021, chị có đăng ký thủ tục vay tiền bằng hình thức online với một app trên mạng. Tuy nhiên, sau khi làm hết các thủ tục, chị A. không nhận được tiền nhưng những thông tin của chị sau đó đã bị đối tượng khác sử dụng vào việc vay ngân hàng. Chỉ đến khi nhận được thông báo thanh toán tiền gốc và lãi hằng tháng chị mới biết thông tin của mình đã bị kẻ xấu dùng để vay ngân hàng và chiếm đoạt.
Theo đại úy Lê Tùng Lâm, sau khi chiếm đoạt thông tin cá nhân của bị hại, các đối tượng xấu dùng nguồn dữ liệu thông tin này vào việc phạm pháp như: lập tài khoản ngân hàng, làm giả các loại giấy tờ khác để lừa đảo… Nguy hiểm hơn, khi đã đạt được mục đích, các đối tượng tiếp tục bán dữ liệu thông tin này cho đối tượng khác để sử dụng vào những mục đích không chính đáng.
* Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân
Theo các cơ quan chức năng, việc bảo vệ thông tin cá nhân tránh lộ, lọt vào tay đối tượng xấu, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng cần phải có sự chủ động của mỗi người dân.
Để ngăn chặn tình trạng người dân bị lộ, lọt thông tin cá nhân dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo, Công an tỉnh và công an các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm rõ các thủ đoạn của đối tượng xấu. Cơ quan công an cảnh báo người dân không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND trên mạng xã hội; không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; không cho người khác mượn CCCD nếu không có mục đích chính đáng và không chụp hình thẻ CCCD của mình gửi cho người khác.
Theo đại úy Lê Tùng Lâm, trong trường hợp người dân mất giấy tờ tùy thân như: thẻ CCCD, CMND… cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại; đồng thời, phòng ngừa trường hợp bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Ngoài ra, khi phát hiện thông tin cá nhân của mình bị đối tượng xấu sử dụng vào việc vay tiền hoặc đăng ký mở tài khoản ngân hàng thì cần báo ngay cho đơn vị cho vay và liên hệ cơ quan chức năng để xử lý.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh, ngoài các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa của ngành Công an, công tác quản lý nhà nước về các hoạt động dịch vụ như: viễn thông, mạng internet, ngân hàng cũng cần phải được kiểm soát để tránh lộ, lọt thông tin cá nhân của người dân.
Trần Danh