Herpes sinh dục có nguy hiểm không? Nhiễm Herpes có lây không?

Herpes sinh dục là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục thường gặp, dễ tái phát. Bệnh do virus Herpes simplex (HSV-2 hay herpes sinh dục) gây ra với biểu hiện nổi mụn rộp vùng kín và các vùng da lân cận. Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính có 572.000 ca nhiễm herpes sinh dục mới tại quốc gia này mỗi năm.

Herpes sinh dục có nguy hiểm không, triệu chứng, chẩn đoán thế nào và làm cách nào phòng ngừa hiệu quả? Cùng giải đáp chi tiết qua tư vấn dưới đây của bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

herpes sinh dục có nguy hiểm không

Tổng quan về bệnh Herpes sinh dục

1. Nguyên nhân

Nguyên nhân chính lây nhiễm Herpes sinh dục đến từ việc quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn, đường dương vật – âm đạo hoặc đường miệng với người có virus gây bệnh. Bệnh Herpes lây từ người sang người thông qua việc tiếp xúc trực tiếp: (1)

  • Mụn rộp.
  • Nước bọt của bạn tình nhiễm Herpes miệng.
  • Dịch sinh dục từ bạn tình nhiễm Herpes sinh dục.
  • Da vùng miệng của bạn tình bị mụn rộp miệng.
  • Da ở vùng sinh dục của bạn tình bị mụn rộp sinh dục.
  • Mụn rộp sinh dục vẫn có thể lây nhiễm từ người bệnh không có triệu chứng rõ ràng, thậm chí hoàn toàn không biết về tình trạng bệnh của mình. Nhiều trường hợp nhiễm mụn rộp sinh dục do quan hệ tình dục qua đường miệng với bạn tình nhiễm HSV-1. 

    tổng quan về bệnh herpes sinh dục

2. Triệu chứng biểu hiện ra sao?

Rất nhiều người bị nhiễm HSV-2 không biết mình mắc bệnh vì không xuất hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất nhẹ. Các triệu chứng sẽ xuất hiện trong 2 – 12 ngày sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm: (2)

  • Cảm thấy đau hoặc ngứa xung quanh bộ phận sinh dục.
  • Vết sưng nhỏ hoặc mụn nước xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng.
  • Xuất hiện vết loét khi mụn nước vỡ và chảy máu, sau đó đóng vảy.
  • Cảm thấy đau buốt khi tiểu.
  • Niệu đạo, âm đạo chảy mủ.
  • Một vài triệu chứng gần giống như bệnh cúm (sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, sưng hạch bạch huyết).

dấu hiệu bệnh herpes sinh dục

Các vết loét lan rộng khi người bệnh chạm tay vào vùng da có mụn rộp sinh dục, sau đó gãi hoặc chà xát các bộ phận khác. Những khu vực có nhiều khả năng xuất hiện vết loét:

  • Mông.
  • Đùi.
  • Trực tràng.
  • Hậu môn.
  • Miệng.
  • Niệu đạo.
  • Âm hộ.
  • Âm đạo.
  • Cổ tử cung.
  • Dương vật.
  • Bìu.

Herpes sinh dục có nguy hiểm không? Biến chứng là gì?

Herpes sinh dục không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên bệnh nhân mắc Herpes sinh dục thường gặp vấn đề về sức khỏe tổng thể, đời sống tình dục cũng như các mối quan hệ. Một số người cảm thấy tự ti, mặc cảm với tình trạng bệnh của mình. 

Biến chứng thường thấy nhất của Herpes sinh dục là các vết loét gây đau đớn dai dẳng, đặc biệt với những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Một biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm do virus HSV-2 gây ra là bệnh viêm màng não.

Nên làm gì khi phát hiện nhiễm bệnh herpes sinh dục

Thực tế, cũng giống như các bệnh nhiễm trùng khác, Herpes sinh dục có thể tái nhiễm/bùng phát lại nếu không phòng bệnh, việc điều trị giúp kiểm soát diễn tiến bệnh và giảm thiểu các biến chứng của bệnh với sự hỗ trợ của các liệu pháp y tế. Do vậy, khi phát hiện nhiễm Herpes sinh dục, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu khám và điều trị kịp thời.

Sử dụng thuốc kháng virus ngay sau khi nhận thấy triệu chứng giúp rút ngắn các đợt bùng phát của Herpes sinh dục trong 1 – 2 ngày.

Lưu ý:

  • Các đợt tái phát của HSV-2 thường nhẹ hơn so với đợt bùng phát đầu tiên.
  • Theo thời gian, các đợt tái phát có xu hướng xảy ra ít thường xuyên hơn và ít nghiêm trọng hơn. Ở một số ít người bệnh, Herpes sinh dục không bao giờ bùng phát.
  • Các đợt bùng phát Herpes sinh dục thường tự khỏi. Người bệnh có tần suất tái phát hơn 6 đợt/năm cần điều trị bằng thuốc kháng virus trong 6 – 12 tháng.

Herpes sinh dục có lây không? Đường lây truyền qua đâu?

Herpes sinh dục thường lây lan khi quan hệ tình dục với người bị bệnh, nhất là các vết loét herpes đang hiện diện. HSV-2 không chỉ gây bệnh ở bộ phận sinh dục mà còn có thể truyền từ bộ phận sinh dục của người này sang miệng của người khác khi quan hệ đường miệng, gây ra mụn rộp miệng.

 

herpes sinh dục có lây không

HSV-2 không thể tồn tại lâu trên bề mặt không có sự sống. Do đó không có nguy cơ nhiễm HSV-2 từ bệ ngồi trong nhà vệ sinh hoặc bồn tắm nước nóng.

Chẩn đoán bệnh Herpes sinh dục

Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán, sàng lọc mụn rộp sinh dục gồm:

  • Xét nghiệm PCR: Xét nghiệm này tìm kiếm các đoạn DNA của virus trong một mẫu tế bào, chất dịch từ vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Xét nghiệm PCR cho biết sự hiện diện của virus Herpes sinh dục ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng. Đây là xét nghiệm chẩn đoán mụn rộp sinh dục được sử dụng phổ biến và cho kết quả rất chính xác.
  • Nuôi cấy tế bào: Bác sĩ lấy một mẫu tế bào từ vết loét và tìm virus Herpes simplex (HSV) dưới kính hiển vi.

Nuôi cấy tế bào hoặc xét nghiệm PCR có thể cho kết quả âm tính giả nếu vết loét đã bắt đầu lành hoặc người bệnh mới nhiễm virus HSV-2. Kết quả xét nghiệm dương tính giả cũng có thể xảy ra. Nếu nhận kết quả dương tính nhưng có ít nguy cơ nhiễm virus Herpes sinh dục thì cần xét nghiệm thêm.

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các kháng thể HSV, là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với nhiễm trùng. Với xét nghiệm này, một dung dịch chứa kháng thể HSV và thuốc nhuộm huỳnh quang được thêm vào mẫu tế bào. Nếu có virus trong mẫu, các kháng thể sẽ dính vào virus và phát sáng khi quan sát dưới kính hiển vi đặc biệt. Xét nghiệm không thể cho biết thời gian nhiễm bệnh và chính xác nhất ở những người đã nhiễm HSV-2 trong vài tuần.

Cách điều trị thế nào?

Mụn rộp sinh dục không có cách chữa dứt điểm. Tuy nhiên sử dụng thuốc kháng sinh giúp ngăn ngừa, rút ngắn thời gian tái phát bệnh và giảm nguy cơ lây lan cho người khác. (3)

Các loại thuốc kháng virus thường được kê toa cho người mắc mụn rộp sinh dục bao gồm:

  • Acyclovir (Zovirax).
  • Famciclovir.
  • Valacyclovir (Valtrex).

Phương thức điều trị, loại thuốc và liều lượng được bác sĩ chỉ định cho người bệnh tùy theo diễn tiến và mức độ nghiêm trọng của Herpes sinh dục. Việc sử dụng các loại thuốc kháng virus trong thời gian dài được xem là an toàn.

Biện pháp phòng ngừa herpes sinh dục

Hiện nay có rất nhiều vaccine phòng chống Herpes sinh dục đã đưa vào thử nghiệm lâm sàng nhưng chưa tìm thấy loại tối ưu. Một số vaccine chỉ cho thấy hiệu quả ở những phụ nữ không bị nhiễm HSV-1, có bạn tình nhiễm HSV-2. Một số khác chỉ có khả năng ngăn ngừa HSV-1 mà không có tác dụng với HSV-2.

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa Herpes sinh dục hiệu quả:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường dương vật – âm đạo, miệng hoặc hậu môn.
  • Thường xuyên xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục (STI), trao đổi thẳng thắn về tình trạng bệnh nếu có và khuyến khích đối tác của mình thực hiện điều tương tự.
  • Hạn chế số lượng bạn tình, chung thủy một vợ một chồng.
  • Hạn chế thụt rửa âm đạo quá nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Cần áp dụng đồng thời tất cả các biện pháp trên để đạt hiệu quả phòng ngừa Herpes sinh dục tốt nhất.

Qua bài viết, Herpes sinh dục có nguy hiểm không đã được giải thích cụ thể. Khi phát hiện nhiễm Herpes sinh dục, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu khám và điều trị kịp thời.