Heo trong tranh dân gian
T
rong các bức tranh vẽ heo (lợn) ngày Tết cổ truyền Việt Nam, họa sĩ xưa không vẽ tranh heo theo thể tự nhiên như lối vẽ của hội họa phương Tây thế kỷ XVI, XVII mà con heo trong tranh Việt được nhân cách hóa, cách điệu hóa nên béo khỏe, đẹp hơn loài heo trong thực tế.
Tranh dân gian Việt Nam vẽ về loài heo ta thường nghĩ đến các bức tranh Đông Hồ, điều đó thực dễ hiểu vì tranh Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay. Con heo trong tranh Đông Hồ là một trong những con heo tạo hình đẹp nhất, có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê nông thôn nên đã có cái nhìn đẹp về con vật nuôi tượng trưng cho sự ấm no, sung túc.
Trong bức tranh “Lợn đàn”, họa sĩ đã vẽ một con heo nái màu tím cùng ăn với năm chú heo con gồm đủ màu sắc tươi tắn của đồng quê: xanh, trắng, vàng, da cam, hồng bên chiếc máng gỗ màu gụ tươi. Còn bức tranh “Lợn ăn cây ráy” vẽ đã đặc tả một con heo màu trắng, nổi rõ trên nền giấy màu da cam. Mấy nếp nhăn ở sống mũi và mõm heo rất hoạt cách, heo ăn hau háu, mắt xếch mở to, đuôi và tai đều như cùng nhau ve vẩy.
Làng Đông Hồ có hai bức tranh nổi tiếng là “Lợn ăn cây ráy” và “Lợn nái”, hai bức tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Hình tượng các con vật được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con heo nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình, thể hiện sự sinh sôi, phát triển.
Tranh vẽ heo dân gian xưa được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh “Lợn ăn cây ráy” in ba bản màu một bản nét, tranh “Lợn nái” bốn bản màu. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm từ các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là thuốc cái. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, màu đỏ son từ đất son, màu xanh lá cây từ gỉ đồng, màu xanh chàm từ lá chàm và màu đen là than rơm nếp. Những bức tranh vẽ con heo in trên giấy điệp óng ánh và tô phẩm rực rỡ làm cho tác phẩm hài hòa với màu sơn son thếp vàng của bài vị, ngai thờ thếp vàng, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, pháo hồng tươi mà gia đình Việt Nam nào cũng bày biện trang trọng trong ba ngày Tết cổ truyền xưa.
Nghệ sĩ khi vẽ tranh về heo đã gửi gắm niềm ước muốn chăn nuôi phồn thịnh và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Con heo trong tranh dân gian Việt Nam sống động, hồn hậu, bình dị như cảnh chân quê. Không có bức tranh nào vẽ cảnh con heo gầy đói, hoặc những chú heo nhem nhuốc.
Ngoài tranh Đông Hồ, dòng tranh Kim Hoàng ngày xưa cũng có nhiều bức tranh vẽ về heo rất phong phú, sinh động, tranh Kim Hoàng vẽ về hình tượng loài heo chẳng kém tranh Đông Hồ. Trên nền đỏ của giấy điều là một chú heo được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng, cái đẹp của sự tương phản giữa đỏ – đen – trắng làm cho bức tranh khá khúc chiết, cô đọng, mang tính tượng trưng cao.
Nếu như tranh vẽ heo Đông Hồ được ca ngợi bởi nhịp điệu của hình, các đường lượn của nét khắc, dáng chắc khỏe, chắt lọc của con vật trong một cái thế vững chãi, thì heo trong tranh Kim Hoàng lại khác hẳn, nó được tạo hình phóng túng hơn và ít chiều theo sự mô phỏng tự nhiên. Hình tượng heo được cách điệu với nét vẽ tay phóng khoáng; mũi heo với hai lỗ mũi đã biến mất, thay vào đó là một hình dáng như một họa tiết mây. Tai heo chỉ là một họa tiết hình xoắn ốc với các nét phẩy bút song song hướng về phía sau, khác hẳn với các chi tiết về cấu tạo như trong tranh Đông Hồ. Không thấy xoáy âm dương, thay vào đó là các nét vẽ dọc thân để làm nhịp của hình tượng con heo thêm vui.
Tranh Kim Hoàng được in và vẽ làm ba bước. Bước một họ in nét đen lên giấy hồng điều bằng một màu đen nhạt nhằm mục đích đánh dấu hình để tô màu. Bước hai, theo bản hình đã in trên giấy, tranh Kim Hoàng được dậm màu đặc lên trên mặt tranh mà người ta gọi là “chấm màu” vì thế mặt tranh Kim Hoàng có độ màu đậm đặc như tranh Đông Hồ nhưng vì chấm bằng tay nên màu sắc lại có độ chuyển như tranh Hàng Trống.
Màu tranh Kim Hoàng là các loại màu khá phổ biến trên thị trường. Màu trắng làm từ bột phấn thạch cao, màu đen làm từ mực tàu, màu xanh lục, xanh dương, tím, vàng đều là những màu có sẵn… được trộn với chất kết dính là keo da trâu, khác với tranh Đông Hồ là hồ nếp. Bước thứ ba, sau khi đã tô màu xong phải in lại bản nét nhằm cho bản nét sắc sảo, màu đen tuyền không bị lộ màu như tranh Đông Hồ.
Tranh Kim Hoàng (còn gọi là tranh đỏ vì tranh chỉ in trên giấy hồng điều hay giấy vàng tàu), là tranh của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dòng tranh này khác với các dòng tranh khác ở chỗ các nghệ nhân đã kết hợp giữa in, tô màu và vẽ, khác với kỹ thuật làm tranh Đông Hồ là thuần in, tranh Hàng Trống là in và tô màu bằng phẩm. Đặc tính này giúp cho tranh Kim Hoàng có tính uyển chuyển về nét và phong phú về tạo chất. Nét vẽ của loại tranh này là nét vẽ hàng loạt theo kiểu hàng chợ, vì thế người nghệ nhân phải chọn lối vẽ nhanh, bút pháp linh hoạt kiểu quen tay như vẽ trên đồ gốm, sứ.
Cùng với Đông Hồ, Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng xưa đã góp phần tạo nên diện mạo tranh dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong ba dòng tranh, ta có tranh Hàng Trống là tranh phố thị (tranh kẻ chợ) mang tính thị thành rõ rệt, có lẽ vì vậy nên chẳng thấy tranh Hàng Trống vẽ về loài heo, một con vật có nhiều ở vùng nông thôn, nông nghiệp. Tuy dòng tranh Đông Hồ và Kim Hoàng là tranh miêu tả các sinh hoạt của làng quê ngày xưa, nhưng nó rất khác nhau, tranh Đông Hồ là nét khắc chắc, khoẻ, bản in nhiều màu trên nền điệp, tranh được in theo lối sấp bản (in như kiểu đóng dấu). Tranh Kim Hoàng chỉ in nét đen như tranh Hàng Trống, nét chắc khoẻ giống tranh Đông Hồ. Tranh được in theo cách ngửa bản in cộng với vẽ và tô màu.
Sự biến đổi của thời gian và đời sống xã hội hiện đại đã làm mai một nghề tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh vẽ heo nói riêng. Ngày nay, di sản còn lại chỉ có vài bức tranh dân gian cổ xưa, thế nhưng cũng giúp cho chúng ta thấy cái đẹp và độc đáo của một dòng tranh cổ của người Việt.
N.T.T