Hệ luỵ từ việc thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản – BaoHaiDuong


Một buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên của Chi cục Dân số – KHHGĐ tại Trường THCS Chu Văn An (Thanh Hà) (ảnh tư liệu)

Lo ngại

Cuối tháng 3 vừa qua, em N.T.T.L. (sinh năm 2001) ở TP Hải Dương đã phải vào viện cấp cứu vì bị chảy máu, nhiễm khuẩn buồng tử cung. Từ đó đến nay, L. vẫn luôn trong tình trạng gầy yếu, sức khoẻ chưa hồi phục hoàn toàn. “Từ năm ngoái đến năm nay tôi đã phải đưa nó đi nạo phá thai hai lần rồi. Bác sĩ bảo nguyên nhân chính là không có kiến thức về quan hệ tình dục nên mới như vậy. Nếu sự việc tương tự vẫn lặp lại thì nguy cơ sau này không thể sinh con”, bà N.N.T. (mẹ của L.) đau xót chia sẻ.

Tình trạng thiếu kiến thức về giới tính, SKSS ở trẻ vị thành niên, thanh niên như trường hợp trên không hiếm. Kết quả khảo sát của Sở Y tế tại 4 trường đại học và cao đẳng trong tỉnh cho thấy chỉ có 40% số sinh viên có kiến thức đạt về các biện pháp tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh có 3.500 ca nạo phá thai, đáng lo ngại trong đó có khoảng 1,7-2% số trường hợp thuộc lứa tuổi vị thành niên. 4 tháng đầu năm nay, số ca nạo phá thai tại Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh là gần 500 ca.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Những vụ việc đau lòng xảy ra làm tổn hại nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần cho bản thân các em và gia đình. Bị xâm hại tình dục, sự phát triển tự nhiên của trẻ ảnh hưởng nghiêm trọng. Các em dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể mất khả năng sinh sản sau này. Điều nguy hiểm là nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người. Nếu không may mang thai, các em còn phải nghỉ học giữa chừng với gánh nặng trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ”, ảnh hưởng lớn đến tương lai.

Những hệ luỵ từ việc thiếu kiến thức sức khoẻ sinh sản xảy ra đối với nhóm vị thành niên và thanh niên do bản thân các em và các gia đình chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, KHHGĐ cho nhóm đối tượng này vẫn chưa được thường xuyên.

Kết quả điều tra gần đây cho thấy ở nước ta có hơn 1/3 số thanh niên từ 16 – 24 tuổi chưa được đáp ứng về nhu cầu các phương tiện tránh thai và gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS. Chất lượng dân số bị ảnh hưởng khi tình trạng người ở tuổi vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai, lạm dụng các chất gây nghiện, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục… còn cao và có xu hướng trẻ hóa. 

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Trưởng Phòng Dân số (Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh) cho biết một trong những giải pháp trọng tâm để giảm thiểu thực trạng trên là tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức một cách sâu rộng xuống cơ sở để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Năm 2018, chi cục đã triển khai “Mô hình thí điểm hỗ trợ trẻ em gái” tại 18 xã, phường, thị trấn (18 câu lạc bộ tại các trường THCS) thuộc 5 huyện, thành phố là Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Chí Linh và TP Hải Dương. Cùng năm, đơn vị triển khai mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” 45 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh. 

Chỉ tính riêng mô hình thí điểm hỗ trợ trẻ em gái đã tổ chức được 85 buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và SKSS vị thành niên cho gần 13.300 lượt người tham dự, cấp phát 4.824 tờ rơi, phát hàng chục tin bài phổ biến văn bản liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều buổi tọa đàm về SKSS vị thành niên, mất cân bằng giới tính khi sinh, một số chương trình hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức góc sinh hoạt Câu lạc bộ “Các bạn gái tiêu biểu về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”… đã được tổ chức.  

Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh còn duy trì phối hợp với ngành, địa phương đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, tư vấn kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên. Các mô hình tư vấn, hỗ trợ chăm sóc SKSS được nhân rộng đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Chỉ tính riêng năm 2021, chi cục đã phát hơn 10.400 tờ rơi tuyên truyền, mở trên 60 lớp tập huấn, 532 buổi tư vấn về chăm sóc SKSS cho hàng nghìn đối tượng, khám sức khỏe cho 8.069 vị thành niên, thanh niên…

Việc tuyên truyền, tư vấn kịp thời đã giúp giới trẻ nhận thức đúng đắn về giới tính, SKSS để từ đó thay đổi, điều chỉnh hành vi một cách đúng đắn nhất. “Tham dự những buổi truyền thông giúp chúng em hiểu rõ hơn về SKSS, tình dục an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục, hậu quả của việc mang thai… Đây là những kiến thức rất quý trong cuộc sống”, em Nguyễn Minh Vũ, học sinh lớp 11B Trường THPT Thanh Bình (Thanh Hà) chia sẻ.

Hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản được đẩy mạnh giúp Hải Dương từng bước kiểm soát được mức độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (năm 2015 là 117 bé trai/100 bé gái, đến tháng 10.2021 là 114,7 bé trai/100 bé gái). Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 44,8%, vượt chỉ tiêu giao (35%). Sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ trẻ em được cải thiện rõ rệt. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên…

MẠNH HÀ