Hệ luỵ từ thiếu kiến thức sức khoẻ sinh sản
Các bà mẹ được trang bị kiến thức về mang thai và chăm sóc trẻ.
Thực trạng đáng báo động
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mỗi năm có khoảng 16 triệu trẻ em gái từ 15-19 tuổi sinh con, cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì 9 đã lập gia đình. Các biến chứng khi mang thai, khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ với các em gái tuổi 15-19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Thống kê của Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm 20% các trường hợp nạo phá thai.
Trong khi các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, với bao kỳ vọng về tương lai, em T.T.Tr, ngụ ấp Kinh Ðứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, lại phải nghỉ học ở tuổi 16 để giảm gánh nặng cho gia đình. Sau đó không lâu em được mai mối lấy chồng, mang thai và sinh con ở tuổi chưa tròn 17, đến nay em lại một lần nữa mang thai bé thứ 2.
Một trường hợp khác mà chúng tôi biết đến là em Ng.Th.V, xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Gia đình khó khăn, cha mất sớm, mẹ không quan tâm đến sự trưởng thành của con cái. Em quen bạn trai khi bạn trai về quê em làm việc, tìm hiểu không lâu, 2 em bắt đầu sống thử, V mang thai và sinh con trong sự phản đối của gia đình. Làm mẹ ở tuổi 17 đối với em thật không dễ dàng, khi một mình em phải tự lực và bắt đầu học hỏi…
Ðó là 2 trong những trường hợp mà chúng tôi được biết đến, đối với các em việc mang thai và làm mẹ tất cả chỉ là “thuận theo tự nhiên”, mà không hề có kiến thức khoa học về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nuôi dạy con cái…
Bác sĩ Dương Kim Ngân, Trưởng khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản – Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, cho biết, trẻ vị thành niên hay còn gọi là tuổi dậy thì có những biến đổi sâu sắc về tâm lý. Các em thường muốn khám phá, tò mò về giới tính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên. Ðáng quan tâm là tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tình dục chưa được phổ biến rộng rãi; giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính; tình trạng lạm dụng tình dục đâu đó vẫn còn diễn ra…
Theo kết quả điều tra gần đây nhất, có hơn 83% trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn do không biết sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả, Bác sĩ Ngân cho biết thêm.
Hậu quả khó lường
Bác sĩ Dương Kim Ngân chia sẻ, những bạn gái mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên đem theo gánh nặng rất lớn về chi phí kinh tế, xã hội thông qua tác động trước mắt, lâu dài đến cha mẹ, con cái của họ.
Thiếu sự chăm sóc trước sinh, trẻ vị thành niên khi mang thai thường thiếu sự giúp đỡ từ gia đình, không được chăm sóc trước sinh đầy đủ, trẻ có nguy cơ bất thường cao, nguy cơ sinh non, nguy cơ trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng… Ðặc biệt người mẹ dễ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Ðây là nguyên nhân dẫn đến những hành động đáng tiếc xảy ra như tự tử, bỏ con sau sinh…
Mặt khác, khi mang thai ngoài ý muốn, nếu phát hiện sớm thì những trẻ vị thành niên này thường dắt nhau đến những dịch vụ phá thai không an toàn để bỏ thai, từ đó gây ra những biến chứng nặng nề, như sót nhau, sót màng, băng huyết, thủng tử cung, thậm chí đe doạ tính mạng.
Những biến chứng do phá thai không an toàn nếu không được xử lý kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau. Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn rất cao. Còn nếu phát hiện muộn, khi thai đã lớn thì vẫn có trường hợp để sinh bình thường, nhưng sau đó cho con vào trại trẻ mồ côi hoặc cho người khác nuôi…
Theo số liệu báo cáo từ Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, trong năm 2020, số sản phụ sinh con ở tuổi vị thành niên tại bệnh viện là 775, trong 5 tháng đầu 2021 là 284 sản phụ. Số trẻ vị thành niên thực hiện bỏ thai năm 2020 là 23 ca và trong 5 tháng đầu năm 2021 là 14 ca.
Khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén, như dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống.
“Do đó, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với các em, cho con cái những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho các em những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh những sai lầm không đáng có. Bên cạnh, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Ðặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai”, Bác sĩ Ngân cho biết./.
Lê Kim