Hệ lụy sau khi doanh nghiệp phá sản
(PLVN) – Khi doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì hoạt động và thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán thì một số đối tượng được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các chủ thể liên quan. Phá sản là thủ tục cần thiết nhưng thực tế cho thấy, việc doanh nghiệp phá sản sẽ có nhiều hệ lụy xấu.
Doanh nghiệp “chết” khi nào?
Luật sư Vũ Thị Nhung- Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân (TAND) ra quyết định tuyên bố phá sản (quy định tại Luật Phá sản 2014).
Để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện sau là mất khả năng thanh toán và bị TAND tuyên bố phá sản.
Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản).
Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm 2 trường hợp là không có tài sản để thanh toán các khoản nợ hoặc có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.
Cũng theo Luật Phá sản 2014, những chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm: Người đại diện theo pháp luật, chủ nợ, chủ doanh nghiệp tư nhân, người lao động, công đoàn cơ sở… (quy định tại Điều 5):
“Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán”.
Hệ lụy từ việc doanh nghiệp phá sản
Cũng theo Luật sư Vũ Thị Nhung, khi bị phá sản, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán. Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp mà sẽ có những chủ thể chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ (chế độ trách nhiệm vô hạn được hiểu là chế độ chịu trách nhiệm không giới hạn trong bất kỳ phạm vi giá trị tài sản nào, nợ bao nhiêu phải trả bấy nhiêu cho đến khi thanh toán được hết các khoản nợ).
Trong đó, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên khi chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
Thành viên hợp danh trong công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn, tức là chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cá nhân đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập và rủi ro khi doanh nghiệp nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản. Cụ thể, một doanh nghiệp bị phá sản trong điều kiện ngày nay có thể dẫn đến những tác động tiêu cực.
Khi quy mô của doanh nghiệp phá sản càng lớn, tham gia vào quá trình phân công lao động của ngành nghề đó càng sâu và rộng, số lượng bạn hàng ngày càng đông, thì sự phá sản của nó có thể dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp bạn hàng theo “hiệu ứng domino” – phá sản dây chuyền.
Bên cạnh đó, phá sản doanh nghiệp để lại những hậu quả tiêu cực nhất định về mặt xã hội bởi nó làm tăng số lượng người thất nghiệp, làm cho sức ép về việc làm ngày càng lớn và có thể làm nảy sinh các tệ nạn xã hội, thậm chí các tội phạm.
Đặc biệt, trường hợp phá sản dây chuyền sẽ dẫn tới sự suy thoái và khủng hoảng nền kinh tế quốc gia, thậm chí khủng hoảng kinh tế khu vực và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khủng hoảng sâu sắc về chính trị.
Vì vậy, để hạn chế các tác động tiêu cực, phá sản cần phải được coi là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Luật sư Nhung bày tỏ quan điểm.