Hãy cùng ngồi vào bàn ăn

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có nhiều lợi ích dinh dưỡng từ việc đảm bảo và duy trì các bữa ăn gia đình. Nữ Giáo sư Amber Hammon – Đại học Illinoi ở Urbana, Champain – một trong những trường đại học nổi tiếng của Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trên Tạp chí Y khoa là cha mẹ có thể có ảnh hưởng và có điều kiện theo dõi con cái nhiều hơn trong những bữa ăn chung.

“Chúng tôi cũng biết rằng gia đình ngồi ăn cùng nhau sẽ ăn ít thức ăn chứa nhiều calo”, bà nói thêm. Nếu được ăn cơm cùng bố mẹ 3 bữa trong một tuần thì cảm giác thích ăn rau, hoa quả, ngũ cốc và các thực phẩm lành mạnh ở trẻ sẽ tăng 24%, đồng thời chúng ít có cảm giác thèm ăn các đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe và từ đó ít bị thừa cân hơn so với những trẻ thường xuyên ăn các bữa ăn nhanh và không cố định về mặt thời gian.

Nghiên cứu cũng cho thấy những trẻ em thường xuyên ăn cơm ở nhà cùng gia đình thường có thói quen ăn uống tốt hơn, lành mạnh hơn, không bỏ bữa, ít bị rối loạn tiêu hóa, ít gặp rắc rối ở trường học hơn. Thanh thiếu niên ăn uống tại gia đình mình, thường ít có khả năng hút thuốc, uống rượu cũng như sử dụng ma túy.

Không chỉ có ý nghĩa về sức khỏe và dinh dưỡng, bữa ăn gia đình còn tạo cơ hội tốt để kết nối các thành viên trong gia đình. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ bởi ở chúng đang hình thành thế giới quan về cuộc sống. Được ăn uống cùng cha mẹ, nghe người lớn nói chuyện, trẻ nhận được vốn từ vựng phong phú đa dạng, ý thức được về cấu trúc câu hoàn chỉnh.

Chúng học cách biết lắng nghe, hiểu được các vấn đề liên quan đến gia đình, quan tâm và tôn trọng sở thích của người khác. Giáo sư William Doherty chuyên nghiên cứu về gia đình và xã hội tại Đại học Minnessota ở Minneapolis, Mỹ, nhận định: “Bữa ăn là dịp để chia sẻ”.

Kế hoạch cho bữa ăn

Các nhà nghiên cứu khuyến khích các gia đình hãy dành nhiều thời gian ngồi lại với nhau quanh bàn ăn tối. Điều đó không có nghĩa là ngày nào chúng ta cũng phải cố gắng sắp xếp thời gian ngồi ăn cùng nhau. Vì hiện nay các gia đình thường bận rộn và các thành viên trong gia đình thường có kế hoạch cá nhân khác nhau.

Mọi người chú trọng hoàn thành việc học ngoại ngữ, học khiêu vũ, đi bơi, gặp gỡ bạn bè hơn là việc ở nhà cùng nấu một bữa ăn chung. Người phụ nữ hiện đại cũng có vô số lí do để từ chối việc đi chợ và nấu ăn như là quá bận rộn việc công sở, không có thời gian vào bếp, chi phí hạn hẹp, không tiện mua thực phẩm chế biến vì xa cửa hàng…

Vì thế những bữa ăn diễn ra thường không tập trung, không có quy tắc, không cố định, mọi người thường ăn những gì họ muốn… Nhiều bà mẹ còn lấy lí do từ con cái khiến bữa ăn gia đình không thể diễn ra, chẳng hạn việc bọn trẻ phải đi học cả ngày nên ăn bán trú ở trường, buổi tối chúng phải đi học bơi, học đàn nên không thể chờ ăn tối cùng gia đình, như thế sẽ rất mất thời gian và không cần thiết. Sẽ có muôn vàn lí do được đưa ra và vì thế bữa ăn chung sẽ ngày càng trở nên hiếm hoi trong các gia đình.

Làm thế nào để tạo được một bữa ăn gia đình? Trong xã hội hiện nay thì đây là một thách thức lớn (nhất là đối với người phụ nữ) để lên kế hoạch về bữa ăn, dành ra một khoảng thời gian nhất định để nấu ăn và thưởng thức bữa ăn một cách thoải mái nhất.

Cần xem qua kế hoạch cụ thể của các thành viên trong gia đình, từ đó chọn khoảng thời gian thích hợp để tất cả mọi người cùng được tham gia bữa ăn. Đồng thời chỉ ra những trở ngại khi thực hiện bữa ăn gia đình như lịch trình bận rộn, không có thời gian đi chợ, nấu ăn, từ đó vận động các thành viên trong gia đình tích cực đóng góp ý tưởng, tham gia chuẩn bị bữa ăn để không mất thời gian nhiều cho việc nấu nướng.

Ví dụ như tìm ra một khu chợ, một cửa hàng tạp hóa gần nhà hoặc tiện đường đi làm về để mua thực phẩm, hoặc hãy thử làm một số công việc chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn vào cuối tuần, vào buổi tối hôm trước và cho vào tủ lạnh. Bạn đừng quên giao việc cho bọn trẻ, dù là những việc vặt, đơn giản nhưng với chúng việc giúp đỡ bố mẹ, ông bà chuẩn bị bữa cơm lại có ý nghĩa rất lớn.

Bố mẹ có thể thu hút bọn trẻ vào bếp ăn và mâm cơm bằng những cách khác nhau tùy theo độ tuổi của chúng. Với trẻ học mẫu giáo, nên nhờ bọn trẻ làm những việc đơn giản như sắp xếp các món ăn cạnh nhau, lấy giúp bạn giấy ăn, tự trải khăn ăn…

Với trẻ học tiểu học, trung học, người lớn có thể giảng giải cho chúng những quy tắc cơ bản khi nấu ăn, khuyến khích bọn trẻ sử dụng kĩ năng toán học để giúp người lớn kết hợp các thành phần cho các công thức nấu ăn. Bạn cũng có thể nhân cơ hội làm bếp để nói chuyện về dinh dưỡng và đưa ra lí do tại sao bạn chọn các thành phần bạn đang sử dụng trong món ăn.

Khi con bạn lớn hơn, bạn có thể tạo cơ hội để bọn trẻ tự nấu các món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Nhiều ông bố bà mẹ có tâm lý ngại hướng dẫn bọn trẻ những việc nhỏ như thế, thường tự làm lấy cho nhanh. Nhưng nếu cứ như thế mãi thì bọn trẻ sẽ không bao giờ hình dung ra cách chế biến món ăn, sẽ không bao giờ hiểu được tại sao món ăn này lại kết hợp với món ăn kia…

Vì vậy bạn đừng ngại, hãy giao cho bọn trẻ những nhiệm vụ vừa sức như đảm nhận các công đoạn nhất định trong quá trình nấu món ăn, pha chế hoặc phục vụ người lớn nấu ăn. Đặc điểm của trẻ là hay thắc mắc, chúng sẽ hỏi từ những điều nhỏ nhất, tưởng như vô lý nhất đến những điều mà bạn không thể giải thích nổi.

Tại sao lá rau này màu xanh mà lá rau kia lại màu đỏ, tại sao lại cho gia vị này vào thức ăn kia… Bạn đừng sốt ruột và cáu gắt với bọn trẻ. Hãy bình tĩnh làm một nhà thông thái, giảng giải cho chúng hiểu. Làm được điều đó là bạn đã làm cho bọn trẻ hứng thú hơn với bếp ăn và bàn ăn rồi đấy.

Cũng đừng quên nhắc đến phần đóng góp của bọn trẻ và khích lệ chúng. Khi mọi người cùng nhau làm việc và cùng hưởng thành quả, họ sẽ thấy bữa cơm ngon hơn. Tuy nhiên việc cho bọn trẻ vào bếp không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Những lúc bạn cần phải nấu ăn nhanh mà có bọn trẻ lân la bên cạnh thì thật phiền phức.

Vì vậy nên tranh thủ sự giúp đỡ của các “nhà đầu bếp tài ba tí hon” vào ngày nghỉ, khi mà bạn rỗi rãi. Lúc đó bọn trẻ được nghỉ ngơi, cảm thấy khỏe mạnh nên cũng không dễ nản lòng. Tuy nhiên, để thiết lập được một thói quen sinh hoạt không phải là điều đơn giản, nó cần sự kiên nhẫn và một mô hình hợp lý.

Thiết lập những thói quen tốt

Bữa ăn gia đình cũng dạy cho trẻ nhiều thói quen tốt để khi ra ngoài trẻ không bỡ ngỡ. Người lớn trong bữa ăn có thể hướng dẫn trẻ cách dùng thìa, dĩa khi ăn, cách đặt khăn ăn vào lòng và không nói chuyện khi thức ăn còn đầy trong miệng.

Trong bữa ăn, các thành viên có thể chia sẻ những câu chuyện, kế hoạch của bản thân với gia đình, từ đó mọi người  thấu hiểu nhau hơn. Sự tập trung khi ăn khiến con bạn cảm thấy được chăm sóc, nuôi dưỡng, thấy được sự kết nối gia đình mà mình là một thành viên trong đó.

Người lớn có thể nhẹ nhàng nhắc nhở trẻ khi chúng phá vỡ các quy tắc khi ăn, nhưng cố gắng giữ cho sự căng thẳng và tính kỉ luật ở mức tối thiểu. Có rất nhiều gia đình hiện nay không còn giữ được thói quen ăn cùng nhau, chính vì thế những đứa trẻ cảm thấy chúng tự do, thoải mái, không thuộc quyền kiểm soát của bố mẹ ngay từ nhỏ.

Nhiều ông bố bà mẹ thường cho tiền con để tự túc ăn uống hoặc giao cho người giúp việc nấu nướng phục vụ bọn trẻ. Hệ quả là trẻ sẽ có thói quen thích ăn gì thì ăn, thích ăn vào lúc nào cũng được. Điều này thật sự không tốt. Trẻ sẽ dần rời xa bố mẹ và thấy bữa ăn chung chẳng có ý nghĩa, dần dần chúng sẽ cảm thấy rất khó chịu khi phải tập trung cùng người lớn, phải đối diện với người lớn và phải ăn những món ăn chúng không ưa thích.

Người lớn lưu ý không nên dùng thực phẩm để thỏa hiệp và làm phần thưởng cho bọn trẻ. “Con sẽ được ăn kem nếu con ngoan”, “Chịu khó học nhé, chiều về bố sẽ thưởng một cái xúc xích” hoặc “Con phải ăn hết bát cơm này rồi mới được ăn caramen”…

Các ông bố bà mẹ thường nói những câu cửa miệng và coi đó là điều hết sức bình thường. Nhưng thực tế những câu mặc cả đó thực sự không tốt, sẽ làm bọn trẻ chú trọng hơn vào thức ăn, coi thức ăn là đích đến, coi món tráng miệng là lí do để ăn bữa chính. Thay vì thực phẩm, bạn hãy khen ngợi, xoa đầu, ôm hôn bọn trẻ để khích lệ chúng. Hãy làm cho bọn trẻ có cảm giác trung lập về thực phẩm, trẻ sẽ dễ thích nghi với đa dạng các món ăn.

Các nhà nghiên cứu cũng dành lời khuyên cho các ông bố bà mẹ nên làm mới không khí gia đình trên bàn ăn tối bằng cách nấu những món ăn mới hấp dẫn mà cả gia đình đều ưa thích, làm mới dụng cụ làm bếp, bát đĩa mới, hãy dành riêng cho bọn trẻ những chiếc bát xinh xắn, chiếc thìa ngộ nghĩnh, chắc chắn chúng sẽ hứng thú hơn với việc ăn uống…

Bạn cũng đừng quên thúc đẩy tâm trạng của bữa ăn bằng cách kể những câu chuyện vui, nói những câu hài hước, nhẹ nhàng. Tối kị việc lôi những việc bực dọc trong ngày, lôi những khuyết điểm của nhau ra chỉ trích trong bữa ăn. Điều đó khiến cho không khí trong bữa ăn trở nên nặng nề, căng thẳng và việc ăn cùng nhau sẽ như một cực hình…

Các nhà nghiên cứu còn xem xét bữa ăn gia đình trong mối tương quan với nguồn gốc chủng tộc và dân tộc. Họ thấy rằng hơn một nửa thanh thiếu niên gốc Tây Ban Nha ăn với cha mẹ ít nhất 6 lần một tuần, trái ngược với 40% thanh thiếu niên da đen và 39% người da trắng thường không dùng bữa cùng gia đình.

Bữa ăn tối cũng ít khi là một sự kiện trong các gia đình người Mỹ trước kia. Nhưng hiện nay thì tình hình được cải thiện hơn. Đó là kết quả của một chiến dịch tuyên truyền giáo dục rộng rãi về lợi ích từ bữa ăn gia đình, các chiến dịch tập huấn cho trẻ em để có thể hòa hợp trong bữa ăn chung.

Hiệp hội Thanh niên cơ đốc (YMCA) tại Mỹ trong chương trình Cha mẹ và con cái đã đưa ra những  biện pháp hữu ích để xây dựng mối quan hệ trong gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng đến bữa ăn chung. Hiệp hội mở những khóa học cho bọn trẻ, dạy chúng cách làm quen với những loại thực phẩm chúng không ưa thích, tập dần thói quen ăn những thức ăn đó trong bữa cơm chung. Chúng cũng được học cách chia sẻ trong bữa ăn, không tranh giành nhau trong khi ăn, phải ăn như thế nào cho văn minh lịch sự…

Đại học Michigan và Kansas huấn luyện cho các sinh viên cách xử lý một bữa ăn trưa nơi công sở, làm thế nào để thích hợp với khẩu phần ăn đồng loạt như nhau của tập thể, làm sao để thích nghi với một món ăn có quá nhiều hạt tiêu hoặc ít muối… Tất cả đều phải tạo thành những phản xạ để thích nghi tốt với môi trường sống và làm việc