Hậu trường phong ba bão táp của ‘Thâm cung nội chiến’

Trước khi trở thành tác phẩm cung đấu kinh điển, ‘Thâm cung nội chiến’ từng không được TVB coi trọng, ế quảng cáo, lận đận tìm diễn viên và trải qua nhiều vất vả trên phim trường.

Tháng trước, cựu diễn viên TVB Đặng Tụy Văn đăng bài kỷ niệm 18 năm phát sóng, 19 năm ghi hình của phim Thâm cung nội chiến. Sau đó, cô mời đàn chị Trần Tú Châu cùng livestream ôn kỷ niệm xưa. Nghe câu chuyện của hai ngôi sao kỳ cựu, nhiều khán giả xúc động khi nhận ra bộ phim nức tiếng năm nào đã ra mắt gần hai thập kỷ.

6 diễn viên chính của Thâm cung nội chiến: Lê Tư, Xa Thi Mạn, Trương Khả Di, Đặng Tụy Văn, Trần Hào, Lâm Bảo Di (từ trái qua).

6 diễn viên chính của ‘Thâm cung nội chiến’: Lê Tư, Xa Thi Mạn, Trương Khả Di, Đặng Tụy Văn, Trần Hào, Lâm Bảo Di (từ trái qua).

Năm 2004, vừa lên sóng, Thâm cung nội chiến liền chiếm giữ ngôi quán quân rating toàn năm của TVB. Trong một năm, tác phẩm giành 17 giải thưởng. Tại đêm trao giải thường niên của nhà đài, bốn nữ chính Đặng Tụy Văn, Trương Khả Di, Lê Tư, Xa Thi Mạn cùng được đề cử “Nữ diễn viên chính xuất sắc” và Lê Tư là người chiến thắng.

Lâm Bảo Di giành giải “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Ngoài ra, các vai diễn Ngọc Doanh, Nhĩ Thuần, Khổng Võ, Tôn Bạch Dương cùng có mặt trong top 10 “Nhân vật được yêu thích nhất”. Thành tựu của phim tiếp tục nối dài trong 6 năm kế tiếp với nhiều giải thưởng khác.

Thâm cung nội chiến được đánh giá là hồi sinh thể loại cổ trang trên sóng TVB. Đây cũng được ghi nhận là tác phẩm mở màn cho trào lưu phim cung đấu trên màn ảnh Hoa ngữ. Được truyền cảm hứng bởi bộ phim này, các nhà làm phim Trung Quốc đã tạo ra Chân Hoàn truyện năm 2011, tiếp theo là Như Ý truyện, Diên Hy công lược…

Gian nan sản xuất

Nhận phản hồi tốt là vậy nhưng thực tế, Thâm cung nội chiến từng không được ban quản lý cấp cao của TVB coi trọng. Ngoài việc giai đoạn đó nhà đài coi phim hiện đại là chủ lực, họ cũng nghi ngờ chất lượng của phim. Đây là dự án duy nhất của TVB không được các nhãn hàng tài trợ trong năm 2004.

Dù vậy, tên tuổi giám chế Thích Kỳ Nghĩa (người đứng sau thành công của các phim Thiên địa nam nhi, Bí mật của trái tim, Thử thách nghiệt ngã) đã đủ sức bảo chứng cho Thâm cung nội chiến được đưa vào sản xuất, thậm chí được TVB phê duyệt cho sang Trung Quốc quay ngoại cảnh.

Trình chiếu trùng đợt Olympic nên phim không được TVB tổ chức nhiều hoạt động quảng bá. Dù vậy, “hữu xạ tự nhiên hương”, phim chinh phục công chúng Hong Kong và nhiều quốc gia cũng như vùng lãnh thổ ở châu Á bằng sức hấp dẫn của kịch bản và diễn viên.

Tựa gốc của phim là Kim chi dục nghiệt. Đây vốn là một thành ngữ, được phái sinh từ cụm từ “kim chi ngọc diệp”. “Kim chi” đại diện những người phụ nữ có nhan sắc, nắm quyền lực cao, sống trong nhung lụa, cụ thể ở đây là các phi tần nơi hậu cung. “Dục” là tham vọng. “Nghiệt” ám chỉ nghiệt duyên. Tên phim này ngụ ý cuộc tranh đấu sủng ái, quyền thế đầy khốc liệt giữa những người phụ nữ tham vọng chốn cung đình.

Cái hay của phim là xây dựng dàn nhân vật nữ nửa tốt, nửa xấu. Để vươn đến quyền lực tối thượng, họ không từ thủ đoạn. Nhưng sâu trong tâm can, họ có những nỗi khổ riêng, suy cho cùng cũng chỉ là phận nữ nhi bị trói buộc vào lề thói phong kiến và được định đoạt trong tay đức quân vương.

Bộ phim mang về cho Lê Tư giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc TVB duy nhất trong sự nghiệp.

Bộ phim mang về cho Lê Tư giải thưởng ‘Nữ diễn viên chính xuất sắc TVB’ duy nhất trong sự nghiệp.

Xáo trộn diễn viên

Lúc Thâm cung nội chiến khởi động, vai nữ chính trung tâm được nhắm cho Thái Thiếu Phân. Nhiều sao nữ từ chối các vai còn lại bởi không muốn mang phận làm nền. Nhưng đến khi phim đi vào sản xuất, Thái Thiếu Phân lỡ nhận phim Thủy nguyệt động thiên bên Trung Quốc, đành lỡ hẹn.

Trương Khả Di được chọn thay thế vì dạo đó, tiếng tăm của cô nhất nhì trên truyền hình Hong Kong. Đài TVB đã may riêng cho cô mấy chục bộ y phục để đóng phim này. Tuy nhiên cùng lúc, sức khỏe của Trương Khả Di bắt đầu gặp vấn đề. Cô sụt cân và không đủ sức đảm đương thời lượng phim quá lớn, đành đổi sang đóng vai thứ chính An Xuyến. Sau cùng, hai vai quan trọng nhất – Ngọc Doanh và Nhĩ Thuần – được giao cho hai gương mặt thuộc lứa trẻ tuổi đầu những năm 2000: Lê Tư (32 tuổi) và Xa Thi Mạn (28 tuổi).

Ban đầu, Lê Tư không thích vai chính Ngọc Doanh vì cảm thấy “cô gái này quá ồn ào, ngu ngốc”. Nghe nhiều lời động viên, lại được đích thân giám đốc điều hành của đài chọn mặt gửi vàng, Lê Tư chịu nhận vai và diễn đến nơi đến chốn. Từng cho rằng Lê Tư không hợp vai, Lâm Bảo Di thay đổi hoàn toàn suy nghĩ khi đóng cặp với cô. Người hâm mộ thì nhận xét không phải Lê Tư, không ai làm tốt được nhân vật này.

Khi được mời đóng Như Phi, Đặng Tụy Văn cảm giác bản thân không còn lựa chọn khác bởi các vai quan trọng đều đã ấn định diễn viên. Đây vốn không phải vai chính nhưng qua phần nhập vai xuất thần của Đặng Tụy Văn, nhân vật trở nên đa diện, nổi bật, có phần lấn lướt hai vai chính của Lê Tư và Xa Thi Mạn. Thành công của vai diễn Như Phi giúp diễn viên lấy lại tên tuổi sau nhiều năm “tụt dốc”.

Đặng Tụy Văn tạo nên dấu ấn khó quên với vai diễn Như Phi.

Đặng Tụy Văn tạo nên dấu ấn khó quên với vai diễn Như Phi.

Ám ảnh giá rét

Thâm cung nội chiến được bấm máy vào mùa đông nhưng kịch bản trải dài qua các mùa. Mặc đồ mỏng dưới cái rét có khi xuống tới âm 10 độ C ở Bắc Kinh là một cực hình với diễn viên. Vì trời quá lạnh, họ cứ nói thoại lại nhả khói trắng. Giám chế yêu cầu mỗi người uống một ly nước đá trước lúc vào cảnh. Là người có thoại dài nhất, Xa Thi Mạn đã cứng đơ lưỡi vì những ly nước như vậy. Quá sợ lạnh, cô cẩn thận mặc cả bộ đồ lặn bên trong mỗi bộ phục trang.

Lê Tư hồi tưởng trải nghiệm “biến mùa đông thành mùa hè” trên phim trường: “Tôi với Xa Thi Mạn cầm quạt phe phẩy, miệng liên tục than nóng nhưng thực ra, trong lòng chúng tôi chỉ nghĩ sao lạnh quá. Đã vậy, chúng tôi còn phải uống nước đá, lạnh càng thêm lạnh. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy vui lắm”.

Vai Nhĩ Thuần giúp Xa Thi Mạn (phải) được ghi nhận khả năng, sau những năm tháng bị đánh giá là bình hoa di động.

Vai Nhĩ Thuần giúp Xa Thi Mạn (phải) được ghi nhận khả năng, sau những năm tháng bị đánh giá là ‘bình hoa di động’.

Trầy trật học thoại

Trong bộ phim đề tài cung đình, lời thoại dày đặc với nhiều từ cổ là một thử thách lớn dành cho các ngôi sao. Để diễn viên vào vai thuyết phục, đạo diễn yêu cầu họ nắm được toàn bộ nhân vật, câu chuyện trong 40 tập phim. Lâm Bảo Di nảy ra ý tưởng mỗi người ghi âm tất cả thoại của mình và họ trao đổi cho nhau để nghe. Ý tưởng này được các bạn diễn của anh ủng hộ. Lê Tư thường nghe các đoạn ghi âm đó trước lúc ngủ.

Một diễn viên lâu năm như Đặng Tụy Văn cũng khổ đủ đường vì thoại khó nói. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, cô bật khóc vì quay hỏng quá nhiều. Ở cảnh phim đánh cờ cùng hoàng thượng, Lê Tư và Xa Thi Mạn cùng đặt kịch bản cạnh bàn cờ, vừa lén nhìn thoại vừa diễn. Vậy mà cả hai tỏ ra bình thản như không, “đánh lừa” khán giả.

Đây là phim cổ trang đầu tay của Lâm Bảo Di. Từ vai Khổng Võ, anh được chuyển qua đóng Thái y Tôn Bạch Dương. Giúp anh vào vai chân thật, đoàn phim mời một thầy thuốc đông y đến phim trường chỉ dạy anh từng ánh mắt, động tác bắt mạch, châm cứu… Tài tử thường dán lời thoại lên lưng Xa Thi Mạn để học thuộc dễ hơn.

Đối với Đặng Tụy Văn, Thâm cung nội chiến không chỉ là phim cung đấu, còn là một tác phẩm giá trị về sự tranh đấu và đối kháng vận mệnh của con người. Cô còn so sánh câu chuyện trong phim với hiện thực showbiz ngoài đời. Gần 20 năm qua đi, bộ phim vẫn là một dấu ấn đẹp trong sự nghiệp của từng diễn viên.

Lê Tư và Xa Thi Mạn vướng tin đồn bất hòa sau hai lần đóng tình địch trong Ỷ Thiên Đồ Long ký và Thâm cung nội chiến.

Lê Tư và Xa Thi Mạn vướng tin đồn bất hòa sau hai lần đóng tình địch trong ‘Ỷ Thiên Đồ Long ký’ và ‘Thâm cung nội chiến’.

Nối tiếp thành công của phim này, TVB thực hiện phần 2 nhưng hiệu ứng thất bại. Trong khi đó, nhiều tin đồn cho rằng bốn người đẹp của phim bằng mặt không bằng lòng vì tranh giành giải thưởng. Đặng Tụy Văn được cho ghét chiêu trò đổi hợp đồng lấy giải thưởng từ nhà đài. Trương Khả Di vướng tin trở mặt TVB vì mất giải nữ chính. Lê Tư và Xa Thi Mạn bị đồn bất hòa nhưng đến nay, chuyện này được đính chính vì hai người thường xuyên tương tác trên mạng xã hội, thỉnh thoảng đăng ảnh chụp chung.

OST 'Thâm cung nội chiến'

 

 

OST ‘Thâm cung nội chiến’

Bài hát nhạc phim ‘Thâm cung nội chiến’ do Lâm Bảo Di hát

Phong Kiều (Theo HK01, 163)