Hậu chia tay, cần làm gì để nhanh chóng vượt qua?
Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Get Over Someone and Move On with Your Life” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Đây có lẽ là bài viết thứ N về chủ đề chia tay mà bạn đọc tới. Và đến thời điểm này, bạn đã quá mệt mỏi và chán nản khi tìm cách quên đi người cũ.
Tôi hiểu cảm giác này. Rất nhiều “lời khuyên” đó ở dạng checklist những điều bạn cần làm sau chia tay, khiến bạn cảm giác mình có thể quên đi người mình từng yêu chỉ bằng cách gạch đi các đầu việc. Và gần như checklist nào cũng có những lời khuyên kiểu “hãy dành thời gian cho bản thân” hoặc “kết nối lại với bạn bè”.
Đối với tôi, chúng giống như những miếng băng Urgo. Bản thân chúng chỉ có thể che đi vết thương hở trên bề mặt trái tim bạn. Để sử dụng chúng một cách tối ưu, bạn phải nhìn thấu bản chất vấn đề.
Vì vậy, hãy thử nhìn việc chia tay (và vượt qua những mối quan hệ cũ) theo một khía cạnh khác. Nó liên quan nhiều đến bản dạng của bạn, và cách bạn nhìn nhận mối quan hệ cũ hơn là cố gắng giảm bớt nỗi đau khi nghĩ về họ. Vì nỗi đau vẫn sẽ ở đó, dù bạn có muốn hay không.
Chung quy lại, đây là một quá trình chứ không phải đích đến, và bạn phải kiên nhẫn. Cái này nghe thì rất chán, nhưng nó là cách duy nhất giúp bạn vượt qua cuộc chia tay. Bạn có thể sẽ không tin khi tôi nói điều này, nhưng thực sự mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Nội Dung Chính
Vì sao mất đi một mối quan hệ lại gây nhiều đau đớn?
Trong bài viết Mất mát là gì mà lại đau đớn đến thế?, chúng ta đã hiểu rằng các mối quan hệ xây dựng nền tảng về ý nghĩa cho cuộc sống. Bạn không chỉ có quan hệ với người khác, mà còn với công việc và những thứ bạn sở hữu. Vì con người là động vật xã hội, phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại và phát triển, mối quan hệ giữa chúng ta mang một sức nặng đặc biệt.
Khi một mối quan hệ biến mất, đặc biệt nếu nó quan trọng và là trung tâm cuộc sống của bạn, nó cũng sẽ kéo theo những ý nghĩa đi kèm. Và khi mất đi ý nghĩa, bạn cũng mất đi một phần bản dạng của chính mình. Những thứ này đều liên quan đến nhau: các mối quan hệ của bạn, cách bạn nhận thức về ý nghĩa và mục đích sống, và cách bạn nhận thức về chính mình.
Cảm giác trống rỗng khi mất đi người mình yêu thực chất là sự thiếu vắng ý nghĩa và bản dạng. Hệ quả là bạn rơi vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh, vì không tìm thấy mục đích nào khác cho cuộc sống.
Khủng hoảng hiện sinh là biểu hiện hậu chia tay thường thấy, do bạn đột ngột mất đi một phần ý nghĩa cuộc sống. | Nguồn: Pexels
Nếu đắm chìm trong kiểu suy nghĩ này quá lâu, bạn sẽ có xu hướng bám víu quá khứ. Bạn tìm mọi cách “sửa chữa” những gì đã xảy ra để lấy lại cuộc sống trước kia. Nhưng sự thật mất lòng là đây: một mảnh đời của bạn đã chìm vào dĩ vãng. Đã đến lúc chấp nhận điều đó để bạn có thể sẵn sàng cho một khởi đầu mới.
Để vượt qua mất mát, bạn cần tìm ý nghĩa mới
Một lời khuyên phổ biến cho những người chia tay là ở cạnh những người thực sự yêu thương và tôn trọng con người thật của họ. Đó là một lời khuyên tốt, nhưng không phải vì nó khiến nỗi buồn của bạn biến mất trong chớp nhoáng. Và cũng không phải vì những người ấy có thể trở thành nơi để bạn “xả” nỗi buồn ra ngoài, mà bởi việc tái kết nối với họ sẽ tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống đang trống rỗng của bạn.
Tuy nhiên, để có thể tìm lại ý nghĩa từ những kết nối này, bạn đừng để nó chỉ xoay quanh bạn và mối quan hệ đổ vỡ vừa qua. Bạn cần thời gian để trút bầu tâm sự và nhìn thấu mọi việc, và sẽ rất tốt nếu bạn có ít nhất một người đồng hành. Nhưng để “làm lại” cuộc đời, bạn phải dành thời gian vun đắp những kết nối chất lượng khác, tách biệt khỏi con người cũ và những mối quan hệ cũ của bạn trước kia.
Nhìn lại mối quan hệ cũ từ góc nhìn khác
Một cách khác giúp bạn tách khỏi mối tình vừa đổ vỡ là nhìn nhận nó một cách khách quan. Ở một số thời điểm, có lẽ bạn từng từng tin rằng cả hai bạn sinh ra là để dành cho nhau, và người kia “đá” bạn vì họ không nhận ra điều đó. Tuy nhiên, điều này thường xảy ra do não bạn đang bị một vài thiên kiến chi phối mà bạn không nhận ra.
Đầu tiên, chúng ta có xu hướng nhìn quá khứ qua lăng kính màu hồng. Song trí nhớ vốn không đáng tin, nên bạn thường chỉ nhớ những gì bạn muốn tin vào. Trong trường hợp này, bạn nhớ nhiều về những kỷ niệm đẹp, vì chúng là những gì bạn muốn xảy ra ở hiện tại.
Nếu bạn không thể nhìn điều này một cách khách quan, thì rất có thể đó là một mối quan hệ độc hại. Những mối quan hệ kiểu này chỉ “sống khỏe” khi liên tiếp được bổ sung drama. Và drama xảy ra càng nhiều, nó càng khiến bạn trở nên phụ thuộc, thậm chí gây nghiện.
Khi đã đạt đến “cảnh giới” này, mọi ý nghĩa bạn rút ra từ mối quan hệ đó đều đã bị bóp méo. Bạn tin rằng, sự ghen tuông vô cớ hay hành vi kiểm soát quá đà của người ấy là cách họ thể hiện tình yêu bất diệt dành cho bạn.
Kỳ thực là một mối quan hệ kết thúc không phải vì hai người đã làm điều gì sai trái. Mà bởi vì ngay từ đầu, họ đã không dành cho nhau rồi. Rất khó để nhìn ra điều này nếu bạn là người bị “đá”. Nhưng đôi khi, một mối quan hệ cần phải kết thúc.
Đầu tư vào mối quan hệ của bạn với chính mình
Có một số tranh cãi xoay quanh lời khuyên này, về việc bạn có nên tạm thời sống độc thân sau đổ vỡ hay không. Cá nhân tôi thì cho rằng bạn nên làm vậy, đặc biệt nếu bạn vừa trải qua một mối quan hệ độc hại.
Nếu bản dạng của bạn vốn chỉ gắn liền với một mối quan hệ nay đã biến mất, thì đây là lúc bạn khám phá chính mình ở những hoàn cảnh bên ngoài nó. Nếu chưa thực sự biết mình muốn gì, thì việc yêu ngay một người khác để lấp đầy lỗ hổng trong lòng sẽ khiến bạn tiếp tục rơi vào một mối tình thảm họa khác. Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều mối quan hệ tan vỡ ngay từ đầu.
Sẽ là thảm họa nếu bạn lao ngay vào yêu một người mới mà chưa biết mình muốn gì. | Nguồn: Pexels
Thế nên việc tốt nhất bạn có thể làm lúc này là tìm hiểu xem bạn là ai, bạn cần gì và làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu đó. Và chỉ có bạn mới tìm được câu trả lời cho chính mình. Nếu chưa biết nên làm thế nào, bạn có thể tham khảo phần dưới đây:
Tìm hiểu nhu cầu thực sự của bạn
Xung đột trong các mối quan hệ thường xảy ra khi một người (hoặc cả hai) cảm thấy nhu cầu của họ không được đáp ứng. Nguyên nhân thường do hai bên chưa giao tiếp hiệu quả về nhu cầu của nhau, hoặc một bên cố tình phớt lờ nhu cầu của bên kia.
Điểm chung của cả hai là sự thiếu nhận thức về nhu cầu của đối phương. Và khi một bên không thể tiếp tục chấp nhận việc nhu cầu bị phớt lờ, mối quan hệ sẽ kết thúc. Những nhu cầu phổ biến của chúng ta trong tình cảm bao gồm:
- Địa vị: Bạn cảm thấy mình quan trọng và có ưu thế trong mối quan hệ. Trong một số trường hợp, bạn cảm nhận những thách thức mình cần chinh phục để thành công (chẳng hạn khi tìm cách “cưa đổ” đối phương).
- Kết nối: Bạn cảm thấy mình được hiểu và đánh giá cao; các giá trị và kinh nghiệm của mình được chia sẻ cùng đối phương.
- Bảo vệ: Bạn cảm thấy an toàn, và giữa hai người có một sự tin tưởng nhất định.
Chúng ta đều có những nhu cầu này trong tình yêu, nhưng từng người sẽ ưu tiên chúng theo thứ tự khác nhau. Việc coi trọng một nhu cầu hơn số còn lại thường gây ra một số vấn đề trong mối quan hệ. Thậm chí về lâu dài, chúng có thể trở thành các khuôn mẫu hành vi.
Để nhận ra điều gì sai trong mối quan hệ cũ và rút kinh nghiệm cho các mối quan hệ sau này, bạn cần xác định rõ nhu cầu của chính mình và đối phương. Sau đó, tìm các cách để kết nối chúng lại với nhau.