Hạnh phúc giản đơn của bác sĩ “tìm con” cho người vô sinh ngày Tết

Thảo Anh – Nguyễn Hà – Tuấn Anh

  –  

Thứ hai, 04/02/2019 16:30 (GMT+7)

“Những cặp vợ chồng hiếm muộn có con là có Tết, còn chúng tôi thấy họ có con là thấy Tết” – bác sĩ (BS) Hồ Sỹ Hùng tâm sự đầy xúc động.

Đồng hành hành trình “tìm con” đẫm nước mắt

Một ngày cận Tết, khi ngoài phố người người tấp nập bán buôn, vẫn còn những cặp vợ chồng bần thần ngồi hành lang chờ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương). 

Họ khát tiếng trẻ thơ biết bao cái Tết nay rồi. Bệnh hiếm muộn quả không chừa một ai, từ người giàu đến kẻ nghèo, từ trai tân, gái xuân thì hay lọ mọ về già cũng “khát con”. Có những khuôn mặt mệt mỏi, lo âu. Có những khuôn mặt mang niềm hi vọng.

Nhưng bác sĩ thì mang một “gương mặt” chung. Bác sĩ điều trị hiếm muộn nhẹ nhàng, từ tốn hệt chuyên gia tâm lý bởi đối tượng mà họ điều trị cần một người đồng hành thấu cảm.

Chỉ vào chồng hồ sơ bệnh nhân xếp cao trên bàn làm việc, PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng – Phó giám đốc Trung tâm cho hay, mỗi ngày có khoảng 100 cặp vợ chồng tới đây điều trị vô sinh, hiếm muộn.

BS. Hùng kể trong quá trình điều trị vô sinh, có nhiều cảm xúc, vui nhiều buồn chẳng ít. Có những cặp vợ chồng “vái tứ phương” không thành, từng bị “phán” vĩnh viễn không thể có thai được. Nhưng sau khi thăm khám, có một tia hi vọng, đã đủ làm bác sĩ lâng lâng cả ngày.

PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng.PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng.

Thế nhưng, buồn thương là khi có cặp vợ chồng bán đất, bán nhà chữa 5 – 7 lần không thể có thai được, đến lúc tưởng như thành công thì lại mất con. Số phận trêu ngươi, bệnh nhân không cầm nước mắt, cứ thế mà giãi bày, người làm bác sĩ sao mà vui nổi.

Và đôi khi, bác sĩ giúp bệnh nhân đi tìm cho mình một niềm hạnh phúc theo cách khác biệt.

“Có trường hợp người vợ đã hơn 50 tuổi, sau 15 năm, buồng trứng không đủ trứng để sinh con nữa, phải đi xin noãn của người khác để điều trị.

Lại có cặp vợ chồng trai gái đề huề, con cái đã vào đại học, “mồ côi con” chỉ sau một đêm. Không may đi đường bị tai nạn, họ mất cả hai đứa trẻ. Đến thời điểm đó, họ không còn khả năng sinh đẻ nữa, phải đi xin trứng để mang thai. Ở tuổi xế chiều, người ta đón đứa con rất hạnh phúc dù trứng không phải của mình” – BS Hùng chia sẻ.

Tìm con cho bệnh nhân, tìm hạnh phúc cho mình

BS Hùng cho biết, y học ngày càng phát triển nên có nhiều phương pháp, kỹ thuật cho bệnh nhân hiếm muộn. Để thăm khám và điều trị cho những cặp vợ chồng hiếm muộn đi từ những thăm dò đơn giản cho đến những thăm dò phức tạp hơn.

“Nên đến cơ sở y tế chuyên khoa, gặp được các bác sĩ có chuyên môn, đừng ai nói đâu nghe đó. Việc đó có thể giảm tỉ lệ có thai và làm người điều trị sau khó khăn. Đừng từ bỏ khi cơ hội vẫn còn” – BS. Hùng nhắn nhủ. 

Sau nhiều năm đồng hành trong hành trình tìm con của nhiều gia đình, BS. Hùng rất hạnh phúc khi nhiều người trước đây là bệnh nhân, bây giờ lại là bạn bè thân thiết. Những đứa trẻ mình từng đỡ đẻ giờ gọi mình là bố nuôi.

BS Hùng kể mỗi dịp Tết đến xuân về, rất nhiều bố mẹ nhớ đến các bác sĩ đã mang tiếng cười trẻ thơ đến cho gia đình mình. Họ bế những đứa bé quay trở lại, tỏ lòng biết ơn.

Lúc đó, các bác sĩ vui mừng và tận thấy được thành quả mình điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ đã nhìn đứa bé từ khi còn là tế bào, sau đó nằm trong tử cung của người mẹ, là người đỡ đẻ, là người đầu tiên nhìn thấy những đứa trẻ chào đời. Giờ “những đứa bé hiếm hoi” lớn lên, xinh đẹp, học giỏi thì không còn một điều gì để diễn tả. 

“Những cặp vợ chồng hiếm muộn có con là có Tết còn chúng tôi thấy họ có con là thấy Tết” – BS. Hùng tâm sự đầy xúc động.