Hạnh phúc cuộc đời của bác sĩ sản khoa
Hạnh phúc cuộc đời của bác sĩ sản khoa
Mỗi ngày, nhiều hơn một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay bác sĩ Trung. Đó là một sự may mắn mà không phải bất cứ ngành nghề nào cũng có được và có lẽ chính sự “may mắn” ấy đã cho tôi và anh gặp nhau.
Bác sĩ Mai Quang Trung là “đạo diễn” của rất nhiều ca đặc biệt khó từ những cặp đôi tưởng chừng đã hết hy vọng về nụ cười trẻ thơ.
Lời cảm ơn của một sản phụ
2 năm gặp lại thạc sĩ, bác sĩ Mai Quang Trung, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, anh vẫn vậy: thân thiện, nhiệt tình và cả sự chân chất. Nhưng ẩn sau cái tướng mạo tưởng như ung dung, tự tại ấy vẫn thấy sự tất bật, hối hả vì công việc của anh. Mỗi ngày trôi qua với anh dường như quá ngắn. Hết việc quản lý, anh lại vội vã bắt tay vào việc chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhiều khi anh bước chân về với tổ ấm gia đình thì thường đã tối muộn.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh, tôi đã ở những ngày cuối thai kỳ. Sinh lần đầu hồi hộp và khá lo lắng, tôi nhờ người giới thiệu giúp một bác sĩ giỏi, “mát tay” cho yên tâm. Chỉ qua một cuộc điện thoại, chưa một lần gặp mặt, ấy thế mà trong những ngày nặng nề và áp lực nhất, bác sĩ Trung luôn đồng hành cùng hai mẹ con dù là ngày nghỉ hay nửa đêm về sáng. Ngày 12-4-2020, mẹ con tôi đã gặp nhau nhờ bàn tay kỳ diệu của anh. Ngay lúc đó, tôi đã muốn nói lời cảm ơn anh và các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã hết sức chu đáo nhiệt tình… nhưng tiếng nức nở, sụt sùi khi lần đầu tiên làm mẹ khiến lời cảm ơn cũng bị chặn lại.
Nhận lời cảm ơn muộn màng từ tôi, anh ngượng ngùng xua tay. Có lẽ, vì trách nhiệm của một người thầy thuốc và bản năng làm chồng, làm cha mà anh nguyện trở thành người đồng hành cùng sản phụ “vượt cạn” để họ không còn cảm thấy đơn độc, để hạnh phúc đến với từng gia đình bởi tiếng khóc trẻ thơ lan tỏa. “Mỗi em bé chào đời đều có một đặc điểm riêng, có em bé khóc, bé cười, bé nắm chặt tay bác sĩ… khoảnh khắc nào cũng rất đang yêu”, bác sĩ Trung trải lòng.
Theo lời bác sĩ Trung, anh không bao giờ cho phép mình được tắt máy điện thoại, kể cả tối đi ngủ. Mỗi khi đi ăn có ca sinh bất ngờ, đột ngột, anh cũng phải bỏ dở để đến. Thậm chí, có trường hợp phải mổ cấp cứu trong đêm hay sáng sớm khiến anh chẳng kịp đánh răng, vệ sinh cá nhân.
Sinh ra trong gia đình truyền thống có bố làm bác sĩ sản khoa, vì vậy tuổi thơ của bác sĩ Trung ít nhiều đã gắn bó với công việc của bố. 18 tuổi thi vào Đại học Y Hà Nội, sau 6 năm học, anh Trung phải lựa chọn giữa các chuyên ngành là ngoại, sản, nội, nhi để đào tạo chuyên sâu. Thời điểm đó, ngoại khoa là chuyên ngành ước mơ của nhiều người, trong khi sản lại khá nhạy cảm với các bác sĩ trẻ và bệnh nhân. Gạt bỏ những khó khăn, anh nghĩ đơn giản: “Được tận tay đón một đứa bé chào đời khỏe mạnh là cảm xúc thiêng liêng của bác sĩ và có thể lan tỏa niềm hạnh phúc đến nhiều người, thế nên tôi chọn”.
Nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên đi làm chứng kiến một sản phụ bị thai lưu, tắc mạch ối tử vong khiến anh có phần nhụt chí. Tuy nhiên, mỗi ngày đi qua phòng đẻ, nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của sản phụ và gia đình khi bế thiên thần bé bỏng trên tay anh lại có động lực để cố gắng hơn. Cũng như bất cứ một bác sĩ sản khoa nào, bác sĩ Trung bắt đầu với nghề từ khám thai, xử trí các bệnh lý phụ khoa thông thường, rồi đến những cuộc mổ khác như phẫu thuật u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Khi đôi bàn tay đã thuần thục với những ca mổ đơn giản, anh tiếp tục những ca khó hơn, thể hiện đẳng cấp của một bác sĩ phụ sản. Bác sĩ Trung cho hay: “Điều quan trọng nhất mỗi ca mổ là chẩn đoán đúng, tiên lượng tốt, xử trí kịp thời, ca mổ sẽ suôn sẻ và an toàn”.
Với trách nhiệm và lương tâm của một người thầy thuốc, bác sĩ Trung luôn cố gắng học hỏi để nâng cao kiến thức, chuyên môn. Anh tham gia nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn về sản phụ khoa, vô sinh – hiếm muộn. Nhờ sự tích cực học tập, chuyên môn của anh ngày càng vững vàng, áp dụng được nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, chẩn đoán tốt trước mổ, xử lý đúng nên cứu được nhiều trường hợp sinh khó, không để tai biến xảy ra với người bệnh. Thường những ca sinh khó, nguy hiểm anh đều đảm nhận.
“Đạo diễn” của những ca hiếm muộn
Bác sĩ Mai Quang Trung không chỉ giỏi trong phẫu thuật sản phụ khoa nói chung mà còn trong cả lĩnh vực điều trị vô sinh – hiếm muộn… Anh là “đạo diễn” của rất nhiều ca đặc biệt khó từ các cặp đôi tưởng chừng đã hết hy vọng về nụ cười trẻ thơ. Trong đó có thể kể đến vợ chồng ông Nguyễn Thái Hòa (sinh năm 1952) và bà Phạm Thị Lan (sinh năm 1960, cùng ở thị trấn Thọ Xuân). Họ có con khi bà đã ngoài 60 tuổi, còn chồng gần 70 tuổi. Ông, bà có thể được coi là trường hợp mang thai ở độ tuổi lớn nhất Việt Nam. “Trường hợp của vợ chồng ông Hòa, bà Lan khiến tôi phải đắn đo mãi, vì tỷ lệ thành công thấp, bệnh nhân đối mặt với nhiều rủi ro nếu mang thai”, vị bác sĩ nhớ lại.
Tuy vậy, nỗi tha thiết có con của gia đình quá lớn, bác sĩ Trung quyết định không đầu hàng. Anh chia sẻ: “Sau khi hoàn tất các xét nghiệm cần thiết cho thấy buồng trứng của bà Lan không còn hoạt động, tử cung teo nhỏ vì đã mãn kinh nhiều năm nhưng vẫn đủ điều kiện thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVP). Trong khi, chồng bà không thể tự lấy được tinh trùng mà phải thực hiện kỹ thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn (TESE). Khó nhất ở ca bệnh này là khó cho phôi làm tổ. Vì thế, việc đưa ra phác đồ phải thực sự rất thận trọng, tỷ mỉ theo dõi chu kỳ từ việc đưa ra phác đồ theo dõi niêm mạc, xác định chính xác ngày chuyển phôi, lựa chọn phôi tốt, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng”…
Cùng với những điều kiện trang thiết bị hỗ trợ hiện đại ở bệnh viện phụ sản, ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên đã thành công. Ngày 28-10-2020, kết quả siêu âm 12 tuần, thai nhi hoàn toàn phát triển khỏe mạnh. Ngày 3-4-2021, bé Nguyễn Duy Bảo Long chào đời khỏe mạnh, nặng 2400gram.
Trước và sau trường hợp của bà Lan, bệnh viện phụ sản đã đón nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn khác và thành công chữa trị với phương pháp IVF, kể cả những ca khó, bệnh nhân cao tuổi hay có các bệnh lý kèm theo. Mỗi năm, tại đây thường có từ 400 – 500 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu những năm đầu 2000, tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm chỉ nằm ở khoảng 30 – 35% thì đến nay tỷ lệ này đã tăng lên 60 – 65%. Bác sĩ Trung khẳng định: “Nhờ có các trang thiết bị hiện đại, các tủ nuôi cấy mini, hệ thống phòng sạch, vô trùng nên bệnh viện đã có thể nhanh chóng thực hiện hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại trên thế giới trong thời gian ngắn, như: Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), nuôi cấy phôi, đông phôi và chuyển phôi ngày 5, sinh triết tinh hoàn (TESE/ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng (AH)…”.
Cũng theo lời bác sĩ Trung, đa phần các nguyên nhân về vô sinh hiếm muộn gần như điều trị được hết. Tuy nhiên, đối với mỗi bệnh nhân, con đường, cách thức điều trị từng giai đoạn là khác nhau. Vì thế, điều quan trọng nhất bây giờ là bác sĩ điều trị phải tư vấn sao cho phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất.
Suốt buổi trò chuyện, anh nói nhiều về những băn khoăn, trăn trở của mình, rằng làm thế nào để có thể giúp được nhiều hơn cho người bệnh. Bởi, anh đã tận mắt chứng kiến quá nhiều những câu chuyện buồn đằng sau hành trình đi tìm hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Có những người cả đời lao động chỉ để đủ tiền đi làm IVF và họ sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để mong có được đứa con. Được biết, chi phí điều trị hiếm muộn, vô sinh khá cao so với mặt bằng thu nhập của người Việt mình hiện nay. Trong khi đó, BHYT vẫn chưa chi trả cho việc điều trị hiếm muộn như các nước phát triển. Vì thế, anh luôn cố gắng cân nhắc, tính toán sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà tỷ lệ có thai cao nhất. “Tôi mong đến một ngày, Việt Nam sẽ chi trả BHYT cho việc điều trị vô sinh – hiếm muộn như các nước phát triển”, bác sĩ Trung tâm sự.
Xã hội đã phân công mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề với mục tiêu là để nâng cao chất lượng cuộc sống. Với một người bác sĩ dù là sản khoa hay ngoại khoa thì nhiệm vụ cao cả nhất chính là chữa bệnh cứu người. Vì thế, với họ phần thưởng cao quý nhất chính là sự tin tưởng của người bệnh mỗi khi đến khám, điều trị tại bệnh viện. Và với bác sĩ Trung, anh không nhớ hết bao nhiêu trường hợp sinh khó, nguy hiểm mà anh đã cứu sống thành công cả mẹ và con; bao nhiêu nụ cười viên mãn của người cha, giọt nước mắt hạnh phúc nóng hổi rơi trên má của người mẹ, khi nghe tiếng khóc trẻ thơ đầu tiên trong mỗi gia đình hiếm muộn… nhưng cảm xúc của anh khi mẹ con sản phụ an toàn vượt qua “cửa” tử lần nào cũng tươi mới như ban đầu.
Bài và ảnh: Tăng Thúy