Hành Trình Tạp Chí Văn Nghệ
HÀNH TRÌNH TẠP CHÍ VĂN NGHỆ
Trần Hoài Thư
Tóm tắt
Tạp chí Văn Nghệ được xuất bản dưới hình thức nguyệt san, chuyên về văn học nghệ thuật.. Chủ nhiệm Lý Hoàng Phong. Từ số 1 đến số 4: thư ký Ngọc Dũng. Từ số 5 trở đi, thêm vào Phi Ích Nghiễm coi về phần trị sự.
Tạp chí gồm hai thời kỳ.
Từ 1 (tháng 2-61) đến số 24 (tháng 6&7-63) được xem là Bộ cũ.
Sau số 24, tạp chí ngưng 4 tháng, và phát hành trở lại, gọi là bộ mới. Bộ mới chỉ có 2 số. Số 1 Bộ mới tháng 11-63, tức số 25, và Số 2 Bộ mới tháng tháng 12-1963, tức số 26. Sau đó tạp chí đóng cửa vĩnh viễn. Không rõ nguyên do.
Khác với hai tạp chí trước nó là Sáng Tạo và Hiện Đại, ra đời và hiện diện trên văn đàn khi miền Nam vẫn còn yên ổn, còn Văn Nghệ có mặt trong một thời kỳ nhiểu nhương, bất ổn, dẫn đến sự cáo chung của nền Đệ nhất Cọng Hòa với việc tổng thống Ngô Đình Diệm và em là cố vấn Ngô Đình Nhu bị phe quân nhân giết ngày 1-11-63. Trong khi đó mức độ xâm nhập người từ miền Bắc càng lúc càng nhiều. Chiến sự không còn ở mức độ lẻ tẻ nhưng có tính cách qui mô, trận địa chiến điển hình là trận Ấp Bắc (2-1-63).
Riêng về mặt văn học, Văn Nghệ phải chứng kiến một cái tang rất lớn là việc văn hào Nhất Linh tự tử (7-7-63) để phản đối chính quyền đàn áp đối lập.
Văn nghệ số cuối cùng
Văn Nghệ và những đóng góp
Văn Nghệ ra đời mang theo thông điệp và tiếng nói. Tiếng nói ấy là cảnh cáo cái họa Cọng Sản (CS), là kêu gọi các nhà văn có kinh nghiệm với CS đừng nên lơ là, kêu gọi giới trẻ đừng bắt chước “Chín Hổ” hay “Lâm Thợ điện” đốt tuổi trẻ trong phòng trà, nhà nhảy, nổi lọan, cuồng lọan hư vô….
Trong Lời Mở Đầu, Văn Nghệ đưa ra mục đích và chủ trương của tờ báo, với những chữ mang đầy khí thế của những “chiến sĩ văn hóa”:
“…Trong những năm tháng lịch sử này, chúng tôi muốn tạp chí sẽ là nơi phát động một phong trào sáng tác phấn khởi và hào hùng, là nơi thúc đẩy một phong trào văn nghệ tham dự vào đời sống, tham dự vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc, của thế giới ngày nay, cho một tương lai sáng sủa hơn, cho một chân lý chân thật của tự do và hòa bình…”
Ở đọan cuối của Lời Mở Đầu, Văn Nghệ lại thêm một lần lập lại bốn chữ tranh đấu văn nghệ :
“…Chúng tôi muốn nói rằng cuộc chiến đấu của văn nghệ hôm nay cũng là cuộc tranh đấu của dân tộc để tồn tại và trưởng thành với thế giới. Chúng tôi nghĩ thế và khởi đầu.”
Hãy thử vào nội dung từng số, thử họ có thực hiện được hoài bảo và con đường họ theo đuổi không ?
Không. Họ chỉ gióng lên tiếng nói. Bằng những bài tham luận của Lý Hoàng Phong, Nguyễn Thạch hay những bài viết của Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Trung hay Cung Trầm Tưởng… Chúng lạc loài giữa những tên tuổi mà nội dung chẳng liên quan gì đến chủ trương của tạp chí.
Số 1 là số xuân Tân Sữu :Gồm bài vở của Kiêm Minh, Anh Oanh, Ngọc Dũng, Tô Thùy Yên, Song Hồ, Viên Linh, Trụ Vũ, Trần Dạ Từ, Chế Vũ, Vương Tân, Quách Thọai, Đoàn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Sỹ Tế, Dương Nghiễm Mậu, Thao Trường, Võ Phiến, và một truyện dịch của Ernest Hemingway.
Sau đó, chúng ta thấy thêm những tên tuổi người viết khác như: Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Quí Toàn, Lê Huy Oanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Hữu Đông, Trần Đức Uyển , Trần Thy Nhã Ca, Sao Trên Rừng, Cung Trầm Tưởng, Trường Duy, Trần Lê Nguyễn, Vĩnh Lộc, Thái Tuấn, Sơn Nam, Lê Xuyên, Hoàng Bảo Việt, Nguyễn Thạch, Phan Nguyên, Lam Giang, Đinh Nhật Tiến…
Hầu hết nếu không nói là đại đa số những người cộng tác đều ở SG và quen thuộc trên các tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Hiện Đại.
Người đọc nhìn vào chỉ hình dung ra những tuyển tập văn chương không hơn không kém. Không thấy một trang diễn đàn văn học..Nếu có chăng là ý kiến của 8 nhà văn về truyện ngắn trên số 23.
Chính người chủ trương cũng nhận ra điều này nên bắt đầu số 8, Văn Nghệ cải tiến, chú tâm vào nội dung gần gũi với thực tại và thể hiện tính chiến đấu trong mặt trận văn hóa hơn. Ví dụ số 18 trong bài Vùng nổi lọan hư vô và những phòng trà đêm, nhà văn Dương Nghiễm Mậu hô hào:
Xã hội bất công ư ? Hãy nổi dậy lập lại công bằng. Cai trị áp chế hà hiếp ư ? Hãy lật đổ. Văn hóa suy đồi ư ? Hãy phá bỏ… No lệ ư ? Hãy dứt tan xiềng xích …
Văn Nghệ và Saigòn
Văn Nghệ ra đời vào tháng 2 năm 1961 sau khi Hiện Đại hết nguồn tài trợ phải bị bức tử. Nó được ra đời tại Saigon nhưng không phải là một Saigon kiểu như của Sáng Tạo:
.
…Sài gòn thủ đô văn hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt. Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thể. được minh định : Văn Hóa Việt Nam thực hiện hôm nay và sẽ được kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành : Thủ đô Sài Gòn.
(Mai Thảo: Sai Gon Thủ đô văn hóa VN, Sáng Tạo số 1)
Hay như Saigon của Nguyên Sa trên tạp chí Hiện Đại tập 4 chủ đề Đêm Saigon phát hành vào năm 1960:
Thủ đô của một thành phố bao giờ cũng hiện ra trong tâm tưởng những con người ngang dọc trên khắp các nẻo đường đất nước với hình ảnh của một viên ngọc quí. Nó chói sáng, nó có một hào quang, một sức điện hấp dẫn ghê gớm. Người đi trong cuộc đời quay cuồng trong không gian thành phố với những con đường lớn, bé dựa vào nhau, những âm thanh, những sinh họat, đổi thay lien tục, cũng như người đứng nhìn thành phố ấy từ đồng rộng, núi cao đều dành cho thành phố này những tình cảm thân yêu, sâu mạnh….
hay một Saigon của Hoàng Anh Tuấn với vũ trường và điệu nhạc tắt đèn :
Nhạc đỏ, xanh rồi điệu nhạc tắt đèn
Hoài Phương, khóc bằng những dòng tóc rối
Rượu đã cạn, lòng chưa vơi giả dối
Màu áo vàng chưa cởi hết bơ vơ
Bước chân nghiêng rót xuống nhạc tình cờ
Một bóng tối ôm lấy cành ánh sáng
Ngực đã ấm nhưng tình còn lẻ bạn
Vòng tay ôm dư một quãng gần nhau
Hoài Phương ơi! Sao chẳng mối tình đầu
Cho điên loạn mang thêm màu êm dịu
Sao câu nói khàn khàn và nũng nịu
Vẫn vương vương nhiều quá vũ trường đêm
(Màu mắt trong đến, Hiện đại tập 4)
Nhưng với Văn Nghệ, Saigon thì khác. Ta tìm thấy Saigon như thế nàý, trong một bài viết của Dương Nghiễm Mậu vào cuối năm 1961:
.
Nếu có ai đến gặp tôi và hỏi : Sàigỏn bây giờ ra sao, thanh niên họ sống ra sao ? một câu hỏi chúng ta thường gặp nơi những thư từ ở nước ngoài, hoặc tỉnh xa, có thể của một thanh niên đang chiến đấu ở Cà Mâu, Hậu giang hay miền Trung xa xôi, tôi sẽ không biết trả lời làm sao cho đúng được tinh thần câu hỏi. Bây giờ Sàigòn ra sao ? Sàigòn đang kiến thiết những bulding cao ngất, đang mở những con lộ mới, đang giải tỏa những khu nhà ổ chuột thiếu vệ sinh, đang mở chiến dịch phòng bệnh uốn ván, dịch hạch, đang phát khởi phong trào cứu giúp đồng bào Thượng lánh nạn Cộng sản, đang thành lập khóm chiến lược, đang xây dinh Độc Lập – cũng như ở Sàigòn bao nhiêu Snach Bar đang mở ra nhan nhản với những lời rao cần nữ chiêu đãi viên trẻ đẹp biết ngoại ngữ, cùng những lời rao nhận con bỏ rơi ở bệnh viện nhi đồng, ở giữa phố – Sàigòn một thành phố quốc tế, một thủ đô, một nơi đang là một xã hội phức tạp – làm sao để có thể nói bây giờ Sàigòn ra sao ? Thanh niên họ sống ra sao ? Câu hỏi này đi liền với Sàigòn lại càng khó nói – nhưng có điều tôi muốn người hỏi hãy trở về Sàigòn – lúc đó tôi sẽ hướng dẫn người đó thăm Sàigòn để biết đời sống thanh niên – mà việc đầu tiên ở Sàigòn ban đêm tôi sẽ dẫn người đó tới thăm phòng trà : Đó thanh niên Sàigòn, một bằng chứng sống động.
Nhưng tôi chẳng quên thưa rằng : đây chỉ là một khía cạnh, một số trong thành phần đời sống Sàigòn, trong lúc bấy giờ ở Sàigòn – còn có những thanh niên trong các khóm chiến lược đang tuần phòng giữ an ninh, còn có những thanh niên đang ngồi trong các lớp học đêm, đang chăm sóc đời sống gia đình, đang làm việc thêm để đi học, để giúp đỡ đàn em, .. cũng như còn có những thanh niên đang lởn vởn đi bắt bò lạc ở bến tầu, xa lộ… đang đi tìm động ở Ngã ba Chú Ía, ngã năm Bình Hòa, Lăng Cha Cả. . . Nhưng tôi chưa muốn gặp họ – hãy tới phòng trà để biết cái thành phần ăn chơi, cái đám thanh niên có chút học thức, có phương tiện đang làm gì đời sống của họ… Người anh em của tôi, hãy tạm quên bao nhiêu lời hô hào, bao nhiêu răn dạy chúng ta đã biết, hãy trút bỏ khuôn mặt nhà thờ, hãy quên cộng sản đang bắn giết đồng bào chúng ta – quên hết, quên hết, hãy đóng vai một kẻ lãng du vô tổ quốc, hãy mang theo cho mình như ảo ảnh một tên linh lê dương đánh mướn – hay tự cho mình như một kẻ chinh phục tây phương đi tìm thuộc địa vô vọng. . hãy tự cho mình như một dân du mục. .. hãy tự cho mình như một chính khách bảo hoàng của Châu Âu cổ kính đang thất quốc lưu vong với một mối hận trong lòng… khi đó người anh em hãy tới thánh đường của những đệ tử ăn chơi Saigòn . . .
(Dương Nghiễm Mậu: Vùng nổi lọan hư vô và những phòng trà đêm, Văn nghệ 18 tháng 11-1961)
Văn Nghệ với thực tại xã hội
Văn Nghệ đã cất lên tiếng nói. Tiếng nói khi thấy một xã hội bị thoái hóa và kẻ thù là Cộng Sản đang lăm le rình rập chờ cơ hội là vồ chụp miền Nam. Nhớ rằng thời gian ấy là năm 1961, 1962 và 1963.
Chúng ta nhận ra tiếng nói ấy trong những bài viết của Lý Hoàng Phong, Nguyễn Thạch, Dương Nghiễm Mậu, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Trung:
Một năm qua, mỗi lần ngồi trước bàn viết, chúng ta lại gặp thấy trên mảnh giấy trắng cái thực tại đỏ cháy chúng ta đang sống, cái thực tại ám ảnh, vướng mắc tâm não chúng ta như hồn quĩ lẫn khuất, cái thực tại âm ỉ, lở lói như một vết thương không hàn gắn được…
(Lý Hoàng Phong: Đứng trước thực tại – Văn Nghệ 8&9 Mùa xuân 1962)
……
Tại sao qua gần hai chục năm chúng ta không có một tác phẩm tiêu biểu ? Bảy năm trời nay chúng ta làm gì : chúng ta xa lánh thực tại. Với nhiệt tâm của kẻ chiến đấu, tôi không muốn bị Cộng-Sản nó đẩy xuống biển. Tôi đang tìm lấy đối tượng, tôi phải làm lại sinh khí. Tôi phải góp sức vào cuộc chiến đấu này. Tôi đã nhìn thấy những lỗi lầm dù còn lầm-nhưng tôi còn can đảm để nói mình lầm và tiếp tục cuộc hành trình.
(Dương Nghiễm Mậu. Nhật Ký. Văn Nghệ số 8 tháng 9&10 năm 1961)
Đối với những nhà văn đi truớc, Văn Nghệ đặt vấn đề với ho:
” Phần lớn những tác phẩm đầu tay của Mai Thảo, Doãn quốc-Sỹ, Võ-Phiến.. đều có một thái độ rõ rệt đối với con người và chế độ cộng sản. Ngoài ra Vũ khắc-Khoan, Mặc Đỗ, Nguyễn-sĩ-Tế, Thanh-tâm-Tuyền, Quách-Thoại v.v… đều đã nói lên tiếng nói chống cộng của họ. Nhưng cách đây mấy năm, tiếng nói ấy có vẻ lạc lõng giữa một xã hội thái bình mà cộng sản là một kẻ vắng mặt không ai nhìn thấy”
(Lý Hoàng Phong – Đứng trước thực tại số 8&9)
Với giới trẻ , Văn Nghệ kêu gọi hãy nhập cuộc, sau cái chết của “Chín Hổ” :
Sự tích “Chín Hổ” đã chấm dứt trong cái lãng quên lạnh lùng của cuộc sống. Nhưng cái ở lại muôn đời trên xa lộ Saigon – Biên hòa là bầu trời miền Nam này khi nắng khi mưa, khi xanh cao khi mù thấp.
Ở lại cùng với niềm hy vọng của những người thương yệu thực sự tuổi trẻ. Hy vọng những Chín Hổ tương lai sẽ ngừng tự sát bằng những xuẩn động, mang máu, mồ hôi, nước mắt của mình, thôi nhuộm đỏ những phiến đá đỏ cằn cỗi ở vệ xa lộ, mà tưới vào huyết mạch của xứ sở, сàу thêm những ruộng lúa, trồng thêm những đồn điền cao su, những cao nguyên cam, khai thêm những rừng hoang, dựng thêm những đập Đa nhim, khơi thêm những kinh đào… Hy vọng xa lộ Saigòn – Biên hòa thôi là tử lộ của tuổi trẻ để trở thành huyết lộ của những đoàn xe tấp nập chở hoa màu lục tỉnh, cao nguyên vào thủ đô.
(Cung Trầm Tưởng: ernest hemmingway trong đấu trường và chín hổ trên xa lộ sai gon-biên hòa, Văn Nghệ số 8)
…Hỡi những anh em của Chín Hổ, Lâm Thợ Điện, hỡi những đệ tử của phòng trà ban đêm, hỡi những kè lưu vong ngay trên quê hương xứ sở có biết chăng anh em đang nổi lọan trong hư vô nơi phần đất nhược tiểu khốn khó của Á Châu này ? Đó là bà mẹ Việt Nam khốn khổ trong chiến tranh chia cắt thiên tai của thời hiện tại…
(Dương Nghiễm Mậu: Vùng nổi lọan hư vô và những phòng trà đêm, Văn nghệ 18 tháng 11-1961)
Rõ ràng, chủ trương và quan niệm về văn chương của Văn Nghệ khác với Sáng Tạo hay Hiện Đại. Văn Nghệ đã mở cánh cửa để nhìn sự thật, sự giả, và sự cần thiết của một cuộc cách mạng văn học.
Cách mạng ở đây được Lý Hoàng Phong – chủ nhiệm kiêm chủ trương – giải thích rõ trên số 8 tháng 10 năm 1961:
“cách mạng không phải chỉ là sự thay đổi một chế đô, Cách mạng là sự đổi mới tư tưởng, đổi mới xã hội, ..
(…) Cách mạng và văn học vì thế thường đi theo nhau. Vì văn học cũng như cách mạng đều muốn đổi mới tư tưởng, đổi mới xã hội…”
“Chúng ta không đọan tuyệt với cái cũ để theo ông thầy Tây Phương như ngày trước. Chúng ta đòi xét lại những giá trị cũ. Chúng ta tìm lấy trong cái cũ những giá trị mới, chúng ta đổi mới cái cũ. Văn hóa cũ, đạo đức cũ, phong tục cũ có những giá trị bất biến và cần được đổi mớai để tồn tại.”
Riêng về việc du nhập tư tưởng Tây Phương, ông nhận định như sau:
“Tư tưởng triết học, văn hóa, chính trị, xã hội của họ, chúng ta học hỏi với tinh thần phê phán độc lập… Ngày nay chúng ta không còn thói quen xem Tây Phương là ánh sáng tuyệt đối của văn minh và Đông phương là bóng tối mịt mù của thoái hóa…”
Văn Nghệ có mặt trong ba năm, với 26 số. Mặc dù nó không thực hiện được chủ trương mà tạp chí luôn luôn hô hào là tranh đấu cho nghệ thuật mới hay tạo nên một diễn đàn văn học như tờ báo đã vạch trên số 1. Mặc dù tiếng nói của nó không được lắng nghe, nhưng ít ra nó cũng thể hiện được trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút. Nó mang văn chương nghệ thuật lại gần với xã hội hơn, thay vì nó quay mặt lại xã hội như Sáng Tạo hay Hiện Đại đã làm.
Văn Nghệ và khuyết điểm
Theo tôi, Văn Nghệ có hai khuyết điểm sau đây, khiến tờ báo bị cô lập bởi lớp trẻ chúng tôi.
Thứ nhất là Văn Nghệ không chịu tìm tòi khám phá tài năng. Không mở cửa rộng đón nhận những ngọn gió lạ. Chỉ khăng khăng chừng ấy tên tuổi. Để người đọc thấy nhàm chán.
Nếu bảo là không có tài năng mới thì tại sao các tạp chí như Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, Vấn Đề, Trình Bày, Thời Tập, Ý Thức lại tấp nập những người viết mới ?
Thứ hai, Văn Nghệ không có tế nhị trong việc cư xử giao tế với người cọng tác hay những người muốn cọng tác. Ví dụ nhà văn Song Linh, dù có bài văn trên Văn Nghệ số 2, và là một biên tập viên quen thuộc của Hiện Đại vẫn được xếp bên cạnh những tên tuổi vô danh trong hộp thư độc giả nhận được. Trong khi những tên tuổi khác, mà nhà thơ Viên Linh cho là chẳng tài năng gì như Vương Tân, Ngọc Dũng thì được dành chỗ trang trọng nhất. (xin đọc phần sau).
Làm sao họ có thể gởi bài cọng tác nếu họ nhận được câu trả lời phủ phàng như thế này: Hy vọng bạn còn nhiều cố gắng.(Số Xuân) (trả lời nhà thơ Sương Biên Thùy).
hay: Gởi thêm cho sáng tác mới nếu có . (trả lời Hoang Vu, bút danh của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng VN số 5)
Trả lời kiểu ấy ai lại không tự ái. Ai lại chịu cọng tác chứ ?.
Có lẽ rút từ bài học của Văn Nghệ, nên sau này, nhà văn Trần Phong Giao khi làm thư ký tạp chí Văn , đã nhắm vào độc giả miền Trung và những cây bút trẻ ngoài vòng đai Saigon. Ngay cả trả lời thư tín, ông cũng rất cẩn thận. Những người viết quen thuộc ít khi thấy để tên chung với người viết chưa quen mà để vào một cột riêng biệt. Luôn luôn thực hiện tuyển tập những cây bút trẻ. Nhuận bút được trả đồng đều, sòng phẳng không phải chỉ có những tác giả ở SG mới được ưu ái.
Một ví dụ thứ hai là tạp chí Khởi Hành do nhà thơ Viên Linh chăm sóc. Ông đã biết cách biến KH là một diễn đàn chung tập trung những khuynh hướng dị biệt. Người đọc thời ấy không thể nào quên những trang báo đầy ý kiến của độc giả từ khắp nơi gởi về đóng góp, sôi nổi, đông đảo…Lý do là ông biết sức mạnh đến từ đâu, chỗ nào. Không phải là SG. Không phải là những cây bút thời danh nằm ở ngay SG mà ở những người trẻ ngoài SG.
Bởi vậy, tạp chí Văn, Khởi Hành được lưu hành rộng rãi, được giới trẻ yêu mến. Trái lại số lượng phát hành của Văn Nghệ thì giới hạn, thỉnh thỏang lại trưng cầu ý kiến bạn đọc hay kêu gọi sự ủng hộ của bạn đọc.
THƠ VĂN NGHỆ
Giống như Sáng Tạo, loại thơ tự do tràn ngập suốt 26 số báo Văn Nghệ. Ít thấy lọai thơ vần. Trừ vài bài lục bát của Viên Linh hay một hai tác giả nào đó lạc lõng. Người đọc phải nổ cả đầu về lọai thơ bí hiểm, cao siêu, chẳng mang chút gì lời hịch hay “tính chiến đấu” mà người chủ trương đã hô hào trong Lời Mở đầu số 1:
“…Trong những năm tháng lịch sử này, chúng tôi muốn tạp chí sẽ là nơi phát động một phong trào sáng tác phấn khởi và hào hùng, là nơi thúc đẩy một phong trào văn nghệ tham dự vào đời sống, tham dự vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc, của thế giới ngày nay, cho một tương lai sáng sủa hơn, cho một chân lý chân thật của tự do và hòa bình…”
Ví dụ những đọan thơ sau đây, chẳng mang phấn khởi hào hùng khí phách chút nào:
Màu xanh đỏ của em chỉ làm tôi nổi giận. Tôi phùng mang tai tôi thở phì phò. Thôi hãy kêu hãy hót. Thôi nghe mình xài đỡ giác quan.
(Viên Linh : tháng 5 ở Saigon, Văn Nghệ số 15)
….
khẽ cho dĩ vãng
sâu trong rừng hoang
với tuổi xanh hờn dỗi
với thân này ngã xuống
lá khô bồi đất đen
(Trần Thy Nhã Ca – bài đơn ca . Văn Nghệ số 7 tháng 8-61)
….
chết đi em, chết đi em
Ở đấy là thiên đường mà con sáo già không hát lên, ngôi tượng trinh bạch và tội lỗi dẫn vào bằng lũ côn trùng vô hình, em sẽ chết
Chết đi em, chết đi em
Vì đó, không ai cãi cho em, đi thẳng vào và em sống trọn một người khi vinh quang ào đến ngợp tràn. Em sẽ chết hay không, sần sượng và câm trơ hơn núi, chúng ta và sự lỡ tay đều làm bằng cẩm thạch cho riêng mình.
(Nguyễn Nghiệp Nhượng – Cái ghế đá của gió – VN số 7 tháng 8-61)
….
Cũng kiếp ngựa nhưng là ngựa rằn nên không thể cưỡi, tôi mở con đường máu cho tâm khảm thoát thân.
Khỏi bề mặt của cuộc đời bình lặng
Tôi trang bị hoài nghi mà thám hiểm tương lai, ngày một lạc sâu vào hoang địa – nỗi chán chường cứ trải rộng ra, và vòm trời như nắp áo quan bằng cẩm thạch
(Tô Thùy Yên – Lễ tấn phong tình yêu. Văn Nghệ số 8 tháng 9&10-61)
….
Đêm bắt đầu khi bóng người đàn bà
với hai cục máu nhà con
xung quanh thành phố chết
(nơi chúng ta đi qua – VN số 15 tháng 5-1962)
Mới đây, trên báo Người Việt, khi đề cập tạp chí Văn Nghệ, nhà thơ Viên Linh đã đưa ra trường hợp của hai người có thơ đăng nhiều nhất là Vương Tân và Ngọc Dũng để giải thích tại sao Văn Nghệ ít được nhắc nhở, và lý do tại sao hai nhà thơ trên không được truyền tụng:
(…) Ở Văn Nghệ số Xuân 1961, thơ Ngọc Dũng cũng in ở đầu số báo như số trên (ba bài ở trang 10), thơ Vương Tân kế tiếp ở trang 16, thơ ông này chỉ chấm hết ở trang 29, nghĩa là dài tới 14 trang thơ của ông thôi, trên đầu lại có tranh minh họa riêng của Ngọc Dũng. Có vẻ hai nhà thơ này là thi sĩ nòng cốt của tờ báo, tất phải hay. Ta hãy đọc nguyên một bài của Ngọc Dũng: Bài “Vết Chém:
Như đợt thủy triều rớt xuống / Bỏ lại cồn cát không / Như nước biển đầy dâng vĩnh viễn / Mà cánh tay vòng ôm suốt thân.” (trang 10). Và thơ của thi sĩ nòng cốt thứ hai, dài tới 14 trang trong số Xuân chỉ dày 103 trang như đã nói: “Giáo Đầu: lịch sử những hoang mang / với mối sầu chia cắt / loài chim di trốn rét / vỗ đôi cánh mùa xuân / thành phố ngọn đèn vàng / và mắt người ngái ngủ / hàng rào dây kẽm gai / với con tầu phạm xá”
Bài thơ chỉ có thế, không lên hoa chữ nào và không dấu chấm dấu phảy. Vài chục năm sau thơ hai vị đó không thấy ai truyền tụng, và người ta biết đến Ngọc Dũng nhờ ông là họa sĩ, chứ không phải vì ông là nhà thơ. Điều nòng cốt để tìm hiểu: họa sĩ Ngọc Dũng chính là thư ký tòa soạn của tờ Văn Nghệ.
(Viên Linh : Văn Nghệ, trong và ngoài tòa soạn, nguồn: nguoivietonline)
..
Quí bạn nào muốn đọc toàn bài viết này cứ google search : “Văn Nghệ, trong và ngoài tòa soạn” là có thể đọc ngay.
Thật sự, không phải riêng Vương Tân và Ngọc Dũng là có thơ đăng nhiều mà có cả nhà thơ Viên Linh. Suốt 26 số, thơ tự do của VL tràn ngập. Người đọc cứ nghĩ ông là cột trụ của Văn Nghệ.
Khi ông phê bình thơ Ngọc Dũng “không lên hoa chữ nào” nhưng thật sự thơ ông cũng thế. Ví dụ bài thơ “ảo tưởng của thằng nam nghèo khổ” đăng trên Văn Nghệ số 5, dài đến 3 trang. Chữ hoa, dâu chấm, dấu phẩy cũng rất hiếm thấy!
Riêng những bài lục bát của ông đăng trên Văn Nghệ (số 4 tháng 5-61) thì hoàn toàn chẳng hoa hòe, chấm phết gì ráo. Nhưng theo tôi, đó là những bài thơ hay nhất tôi được đọc trên suốt 26 số Văn Nghệ. Xin được đăng lại bản gốc để chứng tỏ là hoa hoè, chấm phết không phải là yếu tố quan trọng ở việc phê bình thi ca:
Một bài thơ hay khác chúng tôi xin được chọn đăng ra đây. Đó là bài ĐI THĂM MỘT NGƯỜI BẠN SẮP ĐẺ Ở DI LINH của Nguyễn Đức Sơn (Văn Nghệ số 23 tháng 4&5 năm 1963). Sau đó bài thơ này đăng lại trên VĂN dưới một tựa khác: ĐÊM THĂM BẠN SẮP ĐẺ Ở DI LINH! Và một vài chữ thay đổi. Ví dụ ở Văn Nghệ : My tormented heart thì trên Văn đổi thành Oh my tormented heart…
(trich Tạp chí Thư Quán Bãn Thảo số 67 tháng 12-2015, chủ đề giới thiệu tạp chí Văn Nghệ)