Hàng ngàn người “chôn chân” ở Bến xe Miền Đông cũ suốt từ mờ sáng 7-2
Mờ sáng 7-2 (mùng 7 Tết Nguyên đán), Bến xe Miền Đông cũ tấp nập xe khách ra vào, chủ yếu là xe liên tỉnh vào trả khách. Ghi nhận tại các cổng của bến xe, rất nhiều người tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh đứng chờ người thân hoặc xe ôm, taxi đón.
Từ TP Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) vào TP HCM bằng xe khách, chị Mai Hồng Ngọc (sinh viên) có mặt tại Bến xe Miền Đông cũ lúc 3 giờ. Vừa bước xuống xe, chị Ngọc liền tranh đặt xe ôm công nghệ để về nhà trọ tại khu vực Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (cơ sở trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM).
Nhiều người “chôn chân” ở các cổng ra vào của Bến xe Miền Đông cũ.
App đặt xe thông báo cước phí xe máy là 45.000 đồng, kèm thông tin “Cước phí tăng do nhu cầu đi lại cao”. Thấy mức giá dù cao nhưng nằm trong khả năng chi trả, chị Ngọc quyết định đặt xe. 30 phút sau, cuốc xe của chị vẫn không được tài xế nào nhận.
Mệt mỏi sau hơn 6 giờ ngồi xe từ quê vào TP HCM, chị Ngọc dần mất kiên nhẫn. Chị bắt đầu kỳ kèo với một tài xế xe ôm truyền thống. Trước đó, người này ra giá 100.000 đồng cho chuyến xe của chị Ngọc. Thấy giá quá cao, chị đã từ chối để đặt xe qua app. Vì kỳ kèo cũng không được, chị đã đồng ý mức giá 100.000 đồng của tài xế này với hy vọng sớm được về phòng trọ nghỉ ngơi.
May mắn hơn chị Ngọc, sau gần 30 phút chờ đợi, anh Đinh Đạt (ngụ TP Thủ Đức) đã đặt được cuốc xe từ Bến xe Miền Đông cũ đến khu vực Ngã tư Thủ Đức qua app với giá cước 109.000 đồng.
Nhiều người mệt mỏi đứng đợi xe.
Theo anh Đạt, cùng quãng đường này, ngày thường anh đặt app chỉ mất hơn 50.000 đồng. Đáng nói, dù phải trả chi phí cao hơn ngày thường nhưng anh Đạt không được đón tại nơi đang đứng là cổng số 2 (đường Đinh Bộ Lĩnh). Thay vào đó, tài xế đề nghị anh di chuyển đến cổng số 5 (Quốc lộ 13), nếu không sẽ chủ động huỷ chuyến với lý do “chỗ anh Đạt đứng không thuận đường về TP Thủ Đức và xe ôm công nghệ đón khách ở đó sẽ bị xe ôm truyền thống đánh” (?!).
Lo lắng bị “chôn chân” như nhiều người đang vất vả tìm xe tại đây, anh Đạt đồng ý di chuyển đến cổng số 5 theo yêu cầu của tài xế. Sau 10 phút luồn lách trong dòng người đông đúc từ trong bến ra đến cổng, anh Đạt mới tìm được tài xế.
Nghe khách hàng càu nhàu về chất lượng dịch vụ không tương xứng với số tiền bỏ ra, tài xế cho hay trong thời gian cao điểm Tết, nhiều tài xế xe ôm công nghệ không ngại huỷ chuyến. Với kinh nghiệm chạy xe ôm cả mùa Tết này, anh khẳng định bên thiệt là khách hàng. Bởi lẽ, mỗi lần huỷ chuyến, app sẽ tự động tăng giá với lý do thời gian cao điểm, khó kiếm tài xế.
Cũng theo tài xế này, bởi nhu cầu đi lại tăng cao như hiện nay, nhiều tài xế sẵn sàng tắt app để nhận khách theo giá thương lượng. Mức giá này sẽ cao hơn so với chạy thông qua app.
Cụ thể, với cuốc xe của anh Đạt, tài xế chỉ nhận khoảng 76.000 đồng, sau khi hoàn thành chuyến xe còn bị trừ 2.000 – 5.000 đồng phí phát sinh khác cho hãng. Trong khi đó, tài xế này cho hay vừa rồi có 2 mẹ con liên tục nài nỉ anh nhận chở về ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức), quãng đường ngắn hơn, giá 200.000 đồng. Giống như nhiều người, 2 mẹ con này cũng không thể đặt được xe qua app.
Sáng mùng 7 Tết, nhiều người “chôn chân” ở Bến xe Miền Đông.
Theo một tài xế xe ôm công nghệ khác đang đứng đợi khách trước bến xe, cũng chính nguyên nhân nhiều tài xế xe ôm công nghệ chủ động huỷ chuyến hoặc tắt app để chạy “chay” đã khiến nhiều phải “chôn chân” tại bến xe, nhà ga, sân bay. Thậm chí đã xảy ra trường hợp khách hàng đánh nhau để giành… tài xế.
Nhiều người vì chờ đợi mệt mỏi nên sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp nhiều lần để trả cho xe ôm, taxi với mức giá 2 bên tự thoả thuận.
“Đây là cơ hội để nhiều tài xế “làm giá” khách nhưng khi không còn cách nào khác, nhiều người phải chấp nhận bị “chặt chém” để được về chỗ ở nghỉ ngơi sau chặng đường dài từ quê vào lại TP HCM, cũng như chuẩn bị để quay trở lại làm việc” – anh Đăng nhận xét.