Hàng loạt đề tài dự thi khoa học kỹ thuật của học sinh có dấu hiệu bất thường
Những đề tài tham dự các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế năm 2022 của học sinh phổ thông thu hút sự quan tâm của nhiều người những ngày qua. Giới chuyên gia đánh giá, có nhiều đề tài quá khó, ngang tầm luận án tiến sĩ.
Nhiều đề tài vượt sức học sinh
Tham gia tranh tài Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022, đoàn Việt Nam có 7 dự án của 13 học sinh. 7 dự án tham dự hội thi thuộc 7 lĩnh vực trong tổng số 21 lĩnh vực của ISEF năm nay.
Đây là những dự án đoạt giải Nhất tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021-2022 và được thông qua bởi Hội đồng thẩm định của ISEF 2022. ISEF 2022 diễn ra từ ngày 4-13/5 với hai hình thức thi trực tiếp và trực tuyến, các đội dự thi trực tiếp tại Mỹ.
Hồ sơ của tất cả thí sinh dự thi được đăng tải công khai trên trang chính thức của Hiệp hội Khoa học và cộng đồng (Mỹ). Đọc nội dung các dự án của học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi này, nhiều chuyên gia không khỏi giật mình vì những dự án này có hàm lượng khoa học không thua kém các đề tài nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ, đòi hỏi đầu tư chất xám cao.
Đề tài “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Hóa học, Trường Địa học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn.
Một trong những dự án của học sinh Việt Nam đang gây xôn xao dư luận, giới chuyên môn là “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn cho 2 học sinh Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà chứng nhận 2 học sinh là những người đưa ra ý tưởng dự án, tự tính toán, lập trình, tự tổng hợp vật liệu xúc tác, tự tiến hành thí nghiệm đánh giá hoạt tính xúc tác của vật liệu, tự xây dựng các đồ thị và bảng biểu.
Đề thực hiện đề án này, học sinh phải thông thạo phương pháp machine learning, computational chemistry và rất nhiều kỹ thuật phân tích hiện đại như XPS, EDX, AFM, TEM, SEM, XRD, FTIR, BET, PL, UV-Vis DRS, LC-MS, HPLC. Thời gian hoàn thành đề tài nghiên cứu này là 1 năm để gửi đi tham gia ISEF 2022.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ băn khoăn khi dự án này quá khó, vượt quá tầm học sinh phổ thông. Trên diễn đàn mạng xã hội “Liêm chính khoa học”, giới chuyên gia đặt câu hỏi về việc tác giả đích thực của dự án “khủng” này là của 2 học sinh phổ thông hay của giáo viên hướng dẫn vì dự án có tính chuyên môn hẹp và chuyên sâu tương đương luận án tiến sĩ hóa học ở các trường đại học tốt trên thế giới.
Thành viên HT Ngô bình luận: “Một học sinh phổ thông thì không thể làm được những việc này, ngay cả thạc sĩ làm đề tài này còn gặp nhiều khó khăn”. Một thành viên khác có tên facebook cá nhân là Van Dung Do cũng bình luận: “Thực sự nể và choáng ngợp với các nghiên cứu của các cháu. Lượng kết quả và phương pháp phân tích còn đa dạng hơn cả ở mức độ của nghiên cứu sinh tiến sĩ”.
Tương tự đề tài luận văn thạc sĩ
Thêm một đề tài đáng chú ý nữa dự ISEF 2022 là đề tài “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây Lá khôi (Ardisia gigantifolia)” do TS Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, hướng dẫn cho hai học sinh Đào Xuân Minh và Nguyễn Lê Cường, Trường THPT chuyên Thái Nguyên.
TS Hùng chứng nhận tác giả là những người đưa ra ý tưởng dự án, tự thiết kế phương pháp nghiên cứu, tự chiết xuất saponin, tự nuôi cấy tế bào, tự vận hành các thiết bị phân tích, tự xử lý số liệu. Để thực hiện, các học sinh phải thông thạo nhiều kỹ thuật như làm tiêu bản, soi kính hiển vi, sắc ký lỏng, miễn dịch huỳnh quang, PCR, MTT.
Đề tài “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây Lá khôi (Ardisia gigantifolia)” do TS Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên hướng dẫn.
Cũng trên diễn đàn “Liêm chính khoa học”, các thành viên chỉ ra, TS Hùng là chủ nhiệm một đề tài rất giống ý tưởng dự án trên. Đó là đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ, mã số 108.05-2017.331 – “Nghiên cứu sự ức chế tế bào gốc ung thư dạ dày của các hợp chất triterpenoid saponin từ cây lá khôi Ardisia gigantifolia thông qua sự điều hòa con đường tín hiệu Notch”.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn nhận thấy dự án nói trên giống nội dung luận văn thạc sĩ sinh học ứng dụng “Nghiên cứu tác động của dịch chiết lá khôi lên sự biểu hiện của các gene kiểm soát chu kỳ tế bào của tế bào gốc ung thư dạ dày” của Nguyễn Thị Hải Hồng do TS Lê Thị Thanh Hương ở Đại học Thái Nguyên hướng dẫn năm 2019 (TS Lê Thị Thanh Hương là vợ của TS Nguyễn Phú Hùng).
Thành viên A.J nhận xét: “Dự án này của 2 học sinh thực hiện tối đa một năm nhưng hàm lượng khoa học không thua kém nhiều luận văn thạc sĩ công nghệ sinh học của Đại học Thái Nguyên và cao hơn chính công trình của TS Nguyễn Phú Hùng xuất bản phục vụ đề tài 108.05-2017.331”.
Không chỉ những đề tài tham gia tranh tài Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022, một số dự án đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021-2022 cũng bị giới chuyên môn đánh giá là vượt quá tầm của học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, những đề tài này còn bị nghi giống các luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ trước đó.
Đề tài “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây Lá khôi (Ardisia gigantifolia)” nói trên cũng giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021-2022.
Bên cạnh đề tài này, Trường THPT chuyên Thái Nguyên còn có một dự án khác đoạt giải Nhất cuộc thi là “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus) của 2 học sinh Nguyễn Hữu Hiệu và Trần Thị Thu Phương.
Đánh giá về một số dự án đoạt giải Nhất cuộc thi năm nay, một giảng viên cho hay, ngay cả việc nghĩ ra những đề tài như thế này đã quá sức học sinh, chưa kể đến việc thực hiện đề tài đòi hỏi đầu tư thực nghiệm công phu, tốn công, tốn sức. Nhiều năm qua, cuộc thi này đã bị biến tướng trở thành cuộc thi không phải dành cho học sinh mà là cuộc chạy đua của phụ huynh và giáo viên.
Trước 7 dự án Việt Nam gửi tham gia ISEF năm nay, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam rất bất ngờ khi những dự án nghiên cứu này đều được thực hiện bởi học sinh phổ thông.
Chuyên gia này đặt câu hỏi: “Với độ tuổi từ 15 đến 18, học sinh ít có cơ hội tiếp xúc với phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu, các cơ sở dữ liệu, thử hỏi làm sao nghĩ ra được những đề tài, dự án nghiên cứu có tính chuyên sâu, hàn lâm tới như vậy? Những dự án này có khi những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư cũng ngại ngùng khi bắt tay làm, chưa nói đến những em học sinh cấp 3″.