Hàng Thái len lỏi từ siêu thị đến chợ
Hàng hóa Thái Lan xuất hiện ở nhiều nơi, từ siêu thị, cửa hàng trực tuyến đến các chợ lớn nhỏ, với sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua hàng Thái đủ chủng loại, từ đồ gia dụng, thời trang, điện tử hay thực phẩm đã qua chế biến.
Theo ghi nhận của TBKTSG, tại siêu thị Maximark đường 3-2, gần như trên bất kỳ kệ hàng thực phẩm nào, người tiêu dùng cũng có thể tìm thấy những mặt hàng có xuất xứ Thái Lan: bánh kẹo, mì gói, rau củ sấy, rong biển khô… và thậm chí cả bột bắp. Giá bán bằng hoặc chỉ cao hơn các sản phẩm sản xuất trong nước từ 3 – 20%. Chẳng hạn, một hộp bánh chocopie loại 12 chiếc sản xuất tại Việt Nam có giá bán 50.000 đồng, thì loại của Thái Lan có giá 52.000 đồng.
Riêng mặt hàng trái cây sấy, sản phẩm Thái Lan đa dạng, phong phú hơn hẳn so với hàng Việt, giá bán cũng cao hơn. Một gói 250 gam khoai môn sấy của một hãng trong nước sản xuất có giá 57.900 đồng nhưng một gói khoai môn loại 55 gam của Thái Lan có giá lên đến 42.900 đồng. Chưa kể, ở mặt hàng sấy khô này, sản phẩm rau củ sấy của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.
Chiếm chưa tới 5% trong số hàng nhâp khẩu, hàng Thái ở siêu thị Big C chỉ tập trung vào hàng nhựa gia dụng, hàng thủy tinh và bánh kẹo. Ở mặt hàng nhựa gia dụng, hàng Thái có nhiều mặt hàng chuyên dụng, tiện ích hơn so với hàng Việt. Còn hàng thủy tinh, do trong nước đã ngưng sản xuất nên hàng Thái gần như không có sự cạnh tranh nào. Đáng chú ý, siêu thị này bắt đầu nhập bánh cookie do Big C Thái Lan tự sản xuất. Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng Big C Việt Nam, tất cả các mặt hàng này nhập về Việt Nam theo đường chính ngạch, giá bán không chênh lệch nhiều so với hàng Việt.
Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) của TPHCM, hàng Thái hiện diện ở hầu hết các gian hàng của tiểu thương kinh doanh đồ gia dụng, gia vị, bánh mứt, mỹ phẩm, quần áo. Đặc biệt ở hàng quần áo, có nhiều sạp hàng chỉ toàn bán hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Theo nhiều tiểu thương, các mặt hàng này vào Việt Nam thông qua kênh tiểu ngạch hay đường xách tay.
Không chỉ được đánh giá cao về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng vượt trội so với hàng Việt, nhiều chủ hàng quần áo còn cho biết xét về giá cả, hàng Thái mua sỉ rẻ hơn hàng Việt cùng chủng loại khoảng 30%, có khi lên đến 50%.
Chị Nguyễn Thị Khả Tú, chủ một shop quần áo ở chợ Phạm Văn Hai cho biết, một lô quần jean 20 chiếc mua sỉ ở Thái Lan tính ra tiền Việt chỉ 70.000 đồng/quần, nhưng nếu lấy sỉ tại chợ An Đông, giá sẽ là 110.000 đồng/chiếc.
“Chưa kể, các thương hiệu quốc tế vào mùa giảm giá, giá chỉ còn bằng một nửa so với các cửa hàng ở Việt Nam. Nếu biết cách sẽ mua được vé máy bay giá rẻ sang Thái. Tính luôn cả chi phí sang Thái mua hàng và tiền vận chuyển về Việt Nam thì vẫn rẻ hơn nhiều so với mua sỉ tại Việt Nam”, chị Tú nói.
Nhu cầu hàng Thái ngày càng cao
Tiếp xúc với hàng Thái lần đầu qua chuyến du lịch đến Bangkok cách đây năm năm, chị Mỹ Dung (quận Thủ Đức, TPHCM) từ đó chuộng hàng Thái. Chị Dung cho biết hiện hơn 70% đồ dùng trong nhà mình (chén bát, miếng rửa xoong nồi, bột giặt, nước rửa chén, giày vớ, đôi dép đi trong nhà) đều có xuất xứ Thái Lan. Không chỉ mua những món hàng của các thương hiệu Thái, chị Dung còn mua cả những mặt hàng của các công ty đa quốc gia sản xuất tại nước này.
“Bạn bè tôi hay đùa nhà tôi giờ chỉ có chai nước nắm là hàng Việt. Cũng muốn ủng hộ hàng trong nước nhưng dùng hàng Thái rồi thấy nó tốt hơn hẳn hàng Việt, giá cả lại bằng hoặc chỉ hơn vài ngàn đồng. Rau củ sấy, họ có cải xanh, đậu bắp, bí đỏ sấy… mình quanh quẩn với mít, khoai môn, muốn ủng hộ hàng Việt cũng khó”, chị Dung chia sẻ.
Theo chị Dung, so với hàng Nhật Bản, châu Âu, giá hàng Thái hợp với túi tiền những người thu nhập trung bình – khá như chị, chất lượng lại không thua kém bao nhiêu. Bên cạnh đó, tìm địa điểm mua sắm hàng Thái hiện nay cũng thuận tiện hơn trước.
“Trước kia, mỗi lần có hội chợ hàng Thái, tôi phải mua số lượng lớn về dùng dần. Giờ các cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái mở ra nhiều, siêu thị trong nước bán đồ Thái phong phú nên thiếu món gì đi mua cũng tiện”, chị Dung nói.
Ngày càng có nhiều người có nhu cầu sử dụng hàng Thái như chị Dung. Có thể xem hàng Thái là một xu hướng tiêu dùng mới của người Việt hiện nay. Ông Vũ Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm mua sắm Thailand (đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM), nhận định nhu cầu sử dụng hàng Thái của người dân tăng vọt. Số lượng hàng hóa mà cửa hàng của ông nhập về tăng gấp đôi so với cách đây 2-3 năm. Nhiều nhất là mặt hàng giày dép, mỗi tháng công ty nhập về theo đường chính ngạch hơn 5.000 đôi để phân phối sỉ và lẻ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
“Tại các hội chợ hàng Thái, nhiều khi chúng tôi không đủ hàng để bán. Người Việt có tâm lý sính hàng ngoại, hàng chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Các tiêu chí này hàng Thái đáp ứng được cả nên rất hút khách. Chưa kể, hàng Trung Quốc có quá nhiều tai tiếng nên giờ người dân càng chuộng hàng Thái”, ông Thắng cho biết.
Tương tự, bà Lê Thị Mỹ, phụ trách xuất nhập khẩu thị trường Thái Lan của Công ty SSJ (chuyên nhập hàng Thái Lan) cho hay, hiện mỗi tháng SSJ nhập về theo đường chính ngạch 30-40 tấn hàng, cao gấp 10 lần so với thời điểm năm 2014. Mặt hàng được công ty nhập về nhiều nhất là phụ tùng xe và quần áo, tiếp đó là hàng mỹ phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu dùng hàng Thái ngày càng tăng, đã dần xuất hiện nhiều cửa hàng trực tuyến chuyên bán hàng Thái với giá rẻ. Bên cạnh đó là sự phát triển của dịch vụ mua giúp hàng Thái Lan để chuyển về Việt Nam dành cho các chủ cửa hàng vốn không có thời gian đi lại. Khách hàng chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên trang web của công ty ở Thái Lan, gửi yêu cầu qua e-mail. Công ty sẽ mua, đóng gói và chuyển hàng về Việt Nam bằng cả đường hàng không và đường bộ, sau đó sẽ giao tận nhà.
Đà Nẵng: Hàng Thái Lan đang dần áp đảo
Anh Phan Quốc Toản, quản lý siêu thị mini T Mark (hàng Thái Lan – 308 Hùng Vương, Đà Nẵng) cho biết, từ khi mở cửa đến nay, siêu thị này chủ yếu bán các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như bánh kẹo, nước uống, hóa mỹ phẩm, giày dép… không khác gì các cửa hàng tạp hóa khác trên địa bàn Đà Nẵng. Mức độ tiêu thụ hàng hóa, theo anh, cũng chưa thật nhiều vì đa số người tiêu dùng từng biết đến hàng Thái Lan mới quan tâm mua.
Có điều, theo anh Toản, sự có mặt ngày càng nhiều của hàng Thái Lan tại thị trường miền Trung là điều khó tránh được, bởi những người đã sử dụng hàng Thái luôn đánh giá cao về độ ổn định chất lượng hàng hóa của nước này. So với các mặt hàng cùng loại do Việt Nam sản xuất, dù giá hàng Thái Lan cao hơn, người tiêu dùng vẫn thích hàng Thái. Nhiều người bày tỏ, giá cả của hàng Thái Lan, thật ra cũng không hề đắt so với các mặt hàng khác của Nhật, Hàn… do đó dễ thuyết phục người mua.
Vấn đề đáng quan tâm với các quản lý bán hàng như anh Toản, là tình hình phát triển kinh doanh hàng Thái ở khu vực đang có những dấu hiệu tiêu cực, bởi sự pha trộn của nhiều đầu mối hàng hóa không rõ nguồn gốc và chất lượng, gây nhầm lẫn và cạnh tranh không tốt giữa các đơn vị kinh doanh với nhau.
Nguyên Đức