Hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà – KỲ QUAN SAN

  Núi Phượng Hoàng – hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà là một quần thể danh thắng có tiếng của du lịch Thái Nguyên. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi sự kỳ vĩ của hang động, và vẻ thơ mộng của dòng suối trong veo uốn lượn.

hang-phuong-hoang

– Đường đến hang Phượng Hoàng cũng được xếp vào một trong những cung đường lãng mạn, chạy giữa thung lũng, bao quanh là núi, điểm xuyết những nếp nhà sàn, nhiều đoạn đi xuyên qua những cánh đồng thuốc lá hoa vàng dịu.

Hang Phượng Hoàng

hang-phuong-hoang-2

  Từ chân núi Phượng Hoàng men theo con đường lát đá “ôm” theo vách núi chừng 700 – 800m, là bạn đã tới cửa hang Phượng Hoàng rộng và cao hàng chục mét. Từ đây trông ra, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh đẹp mắt với những cánh đồng chia thửa, trải dài tới sát dãy núi đằng xa, thấp thoáng những nếp nhà sàn mộc mạc của bản làng người dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao… sinh sống nơi đây tự bao đời.

hang-phuong-hoang-3

  Bước vào trong hang, ánh sáng từ khe rộng phía trên trần cùng với ánh sáng từ 2 cửa rọi vào khiến lòng hang mở ra huyền ảo. Hang Phượng Hoàng có 3 tầng: tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa là hang Sáng, tầng cuối gọi là hang Tối.

hang-phuong-hoang-4

– Trên vách hang, nước ngầm trôi theo nhũ đá đọng thành vũng trong vắt nơi đáy hang, bao quanh là triền cát mịn. Không khí nơi đây trong lành, mát rượi. Phủ khắp trong hang Phượng Hoàng là muôn vàn nhũ đá với hình thù độc đáo, nào voi chầu, hổ phục, nào kỳ lân múa, mẹ bồng con, vũ nữ, rồi cả Linga cao chừng 10m, to cỡ 2 người ôm…

hang-phuong-hoang-5

– Và sừng sững giữa lòng hang là khối nhũ đá khổng lồ, dáng hình như chim phượng hoàng trong tư thế giương cánh oai hùng. Có lẽ khối nhũ này là duyên cớ để người dân đặt tên là hang Phượng Hoàng và gắn với truyền thuyết xa xưa.

hang-phuong-hoang-8

  Những người dân trong vùng vẫn truyền nhau rằng, thuở xưa trên núi có một đôi chim Phượng Hoàng. Ngày ngày, chim bố đi kiếm mồi cho chim mẹ ấp trứng trong hang. Một ngày kia mải vui cùng đàn chim ở nơi khác đến, Phượng Hoàng bố đã quên lối về. Đến khi nhận ra, nó vội bay về nhưng Phượng Hoàng mẹ cùng đàn con đã bỏ đi nơi khác. Hối lỗi muộn màng, Phượng Hoàng bố ngày ngày mong nhớ rồi hóa đá. Tên núi và hang Phượng Hoàng ra đời từ đó.

Hang suối Mỏ Gà

  Ngay dưới chân núi Phượng Hoàng là Hang suối Mỏ Gà, khá rộng và rất sâu, trên vách có khắc dòng chữ: “Nước suối Mỏ Gà là sinh khí của trời đất, đằm trong hương bí ẩn của sâm rừng, hoa núi. Người sẽ được tốt tươi viên mãn”.

hang-phuong-hoang-1

  Giữa hang có hỏm nước nhỏ như bể bơi mà bạn có thể tắm mát. Nếu muốn vào sâu khám phá Hang suối Mỏ Gà, bạn cần mang đèn pin hoặc thuê, chưa biết hang sâu bao nhiêu mét, nhưng chỉ vào chừng vài trăm mét là đã đủ lôi cuốn.

hang-phuong-hoang-6

  Từ lòng hang bí ẩn, dòng suối Mỏ Gà chảy ra mát lạnh, trong xanh, tạo thành một thác nước nhỏ nơi cửa hang với độ cao chừng 2m, đổ xuống những khối đá lớn, tung bọt trắng xóa, rồi tiếp tục uốn lượn qua các ghềnh đá như dải lụa mềm mại, tô điểm những bụi dây leo xanh mướt, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình.

hang-phuong-hoang-7

  * Quanh hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà, hiện chỉ có các dịch vụ cơ bản như: gửi xe, bán nước giải khát, sản vật địa phương theo mùa, vì vậy phù hợp cho chuyến đi về trong ngày và bạn có thể chuẩn bị sẵn đồ ăn mang theo.