Hạn chế dùng thuốc hạ sốt Aspirin, Ibuprofen cho trẻ

Thuốc hạ sốt Aspirin, Ibuprofen khi dùng cho trẻ cần hết sức cẩn trọng bởi chúng gây ngộ độc đường tiêu hóa và nhiều biến đổi trong cơ chế đông máu hoặc gây dị ứng, đặc biệt ở trẻ có cơ địa dị ứng.

Sốt là phản xạ tự vệ của cơ thể trước nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi sốt quá cao, cơ thể có thể bị co giật, rất nguy hiểm. Thuốc hạ sốt có tác dụng ức chế trung tâm điều nhiệt, nhằm giảm sốt. Khách hàng không cần đơn của bác sĩ vẫn dễ tìm mua sản phẩm ở các nhà thuốc. Tuy nhiên, bạn cần có những kiến thức thiết yếu để sử dụng thuốc hạ sốt an toàn cho con. 

Hiện nay trên thị trường có 3 loại hạ sốt phổ biến hiện nay là Aspirin, Ibuprofen và Paracetamol (Acetaminophen).

Aspirin và ibuprofen là thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống vón kết tiểu cầu. Tác dụng hạ sốt của aspirin và ibuprofen đạt được khi dùng ở liều thấp hơn so với điều trị kháng viêm.

Aspirin được dung nạp tốt trong điều trị sốt ở trẻ em, nhưng cũng giống như các thuốc kháng viêm không steroid khác, nó gây độc cho đường tiêu hóa và nhiều biến đổi trong cơ chế đông máu, hoặc gây dị ứng, đặc biệt là ở trẻ có cơ địa dị ứng. Còn ibuprofen gần đây mới được chỉ định điều trị sốt cho trẻ dưới 16 tuổi, nên việc dung nạp trong điều trị ngắn ngày và liều nhẹ chưa được đánh giá đúng mức. Cũng giống như aspirin, ibuprofen cũng có những hạn chế của thuốc kháng viêm không steroid.

Có thể bạn quan tâm:

Lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng cách ba mẹ đã biết chưa?

Trẻ sơ sinh bị sốt khi nào cần đưa đi bác sĩ?

Hạn chế sử dụng thuốc hạ sốt aspirin cho trẻ

Trong đó 3 loại thuốc trên thì Paracetamol giúp trẻ dung nạp tốt nên được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, dùng thuốc quá liều Paracetamol có thể gây cạn kiệt glutathion của gan dẫn đến tiêu hủy tế bào gan. 

Tuỳ theo lứa tuổi, cân nặng, trẻ cần có liều dùng Paracetamol khác nhau. Mỗi lần uống cách nhau từ 4 – 6h. Nếu bé sốt tính từ lúc uống thuốc trước đó (chưa quá 4h), cha mẹ không được cho trẻ dùng tiếp mà phải sử dụng các biện pháp hạ nhiệt khác như uống nhiều nước, chườm nước ấm, cởi bỏ quần áo… 

Lưu ý: chỉ dùng paracetamol khi thân nhiệt trên 38,5 độ C và không tự ý dùng thuốc kéo dài quá 3 ngày. 

Ngoài ra, cha mẹ phải thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt cho bé, lưu ý cân nặng của trẻ vơi liều lượng dùng. Ngoài ra, do trẻ còn nhỏ nên chức năng khử độc, thải độc của gan và thận chưa hoàn thiện nên có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc. Nếu bé uống 150mg/kg cân nặng trong một ngày rất dễ bị ngộ độc. 

Trong điều trị sốt cho trẻ, không cần thiết phải phối hợp nhiều thuốc hạ sốt cùng lúc, trừ trường hợp dùng đúng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc mà không thể hạ sốt.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc hạ sốt, phù hợp với từng lứa tuổi: dung dịch, hỗn dịch, sirô, thuốc bột, thuốc cốm, viêm nang, viên nén, viên sủi, thuốc đặt hậu môn… với các hàm lượng thích hợp. Tùy trường hợp mà dùng thuốc phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, hợp lý và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/