Hái lộc đầu năm có ý nghĩa gì? Hái lộc như thế nào để may mắn cả năm?
Đăng 1 năm trước
5.370
Nội Dung Chính
Hái lộc đầu năm là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta với mong muốn cầu những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. Vậy hái lộc đầu năm có ý nghĩa nhân văn thế nào? Nguồn gốc của tục này là gì và làm thế nào để hái lộc đầu năm đúng cách? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
1 Hái lộc đầu năm là gì? Nguồn gốc của việc hái lộc đầu năm
Hái lộc đầu năm là gì? Diễn ra vào ngày nào?
Hái lộc đầu năm là việc bẻ cành cây (hay còn gọi là cành lộc) sau đó mang về nhà để cầu mong cho những điều may mắn, tốt đẹp sẽ xảy đến. “Lộc” là những cành đa nhỏ hay cành đề, cành si,… Ở nhiều vùng, người ta cũng chọn lá chè để hái lộc. Những cây được chọn để hái lộc đầu năm thường là những loại cây quanh năm tươi tốt với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.
Việc hái lộc được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán, trong những ngày đầu năm mới. Hái lộc đầu năm là một nghi thức văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Đây là một nghi thức đẹp, giúp con người tạo dựng niềm tin, nâng đỡ tâm hồn, sống có ích và sống đẹp hơn.
Nguồn gốc của việc hái lộc đầu năm
Theo ông cha ta, tục hái lộc đã có từ thời xa xưa, cụ thể là từ thời các vua Hùng. Truyền thuyết kể rằng nhân một ngày đầu xuân, Vua Hùng đã cho gọi các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi”.
Các con vua đều nhất thời cảm thấy quyến luyến bịn rịn không muốn rời đi. Hoàng hậu thưa: “Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, thần thiếp nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con. Các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì theo phương ấy mà đi.”
Thấy hợp lý, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời – Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng:
Non ở nhà, già đi ấp
Chẵn lên non, còn xuống biển
Sau đó, Vua dặn các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân cách làm ăn, kiếm sống. Trên đường đi, nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, tà ma sẽ bỏ chạy không hại được các con. Nghe lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ, nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền và giúp muôn dân.
Từ đó, người Việt đã dần hình thành nên tục hái lộc. Ông bà ta cho rằng vào thời khắc Giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, nếu xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu, hoặc cành lộc từ chinh vườn nhà rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm.
2Ý nghĩa của việc hái lộc đầu xuân
Việc hái lộc được nhiều người Việt Nam cho là một điều không thể thiếu khi Tết đến vì họ quan niệm rằng hái lộc sẽ mang về những điều may mắn, “Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Lộc ở đây không chỉ là tài lộc, còn là may mắn bình an, của sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành dù có khó khăn, khắc nghiệt đến thế nào.
Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, nếu thành tâm xin một cành lộc nhỏ ở đền chùa, miếu sẽ được Thần Phật phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn trong suốt cả năm. Xin lộc ở cây như vậy tượng trưng cho việc mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.
Tuy nhiên, “hái lộc” không đơn thuần chỉ mang nghĩa tay người ngắt từ trên cây một cành cây, một ngọn cây hay một nhánh non vừa mới nhú. Việc hái lộc theo quan điểm của người xưa còn mang đạo lý nhân quả, “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai”,… Những may mắn, những hạnh phúc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ hành động, từ lời nói. Nếu cứ lười biếng thì sẽ không có những điều hạnh phúc tốt đẹp.
3Hái lộc đầu năm như thế nào cho đúng cách và được may mắn?
Người dân có thể đến đền chùa, nhà thờ, công viên, hoặc sân vườn nhà mình để hái những cành lá non về cắm trong nhà hoặc trên bàn thờ.
Cành lộc có nhiều loại tương ứng với ý nghĩa khác nhau. Cành trứng gà sẽ đem về may mắn đường con cái, tượng trưng cho sự sum vầy; cành phất lộc mang mong muốn tài lộc, công danh cho gia đình; cành hoa hải đường thể hiện sự giàu sang, phú quý,…
Tuy nhiên việc hái lộc cốt là ở ý nghĩa hành động. Những năm gần đây, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực, lạm dụng và biến tập tục này trở thành hủ tục. Chúng ta không còn lạ lẫm gì với những hình ảnh nhiều người đi hái lộc bằng cách cố sức trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc to, lộc đẹp. Thậm chí, có người còn tìm đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc… để hái lộc với mong muốn có một năm “đại cát đại lợi”.
Hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Sau khi đi giao thừa hoặc đi viếng chùa, miếu đầu năm, người dân có thể mua vài cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nhỏ,… như là một hình thức hái lộc.
Ngày đầu năm, cảnh cây cối tan hoang vì bị bẻ gãy, nhiều cây xanh bị phá hoại đã trở thành một vấn đề “nhức nhối” đối với chính quyền địa phương, và tục hái lộc vô tình trở thành một hình ảnh không đẹp, gây hại đến môi trường và làm mất mỹ quan đô thị.
“Xưa kia, thường là sau giao thừa hoặc trong 3 ngày Tết, nhiều người đi lên chùa xin lộc, chứ không phải biến thành chuyện tàn phá cây cối vừa thiếu văn hóa, không có tri thức và hiểu biết. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây” – GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
Vậy, trước tiên, khi hái lộc, chúng ta cần giữ cho tâm hồn mình thanh tịnh và thuần khiết thì Lộc mà chúng ta hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và ý nghĩa. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành.
Do vậy, bên cạnh việc hái lộc, thì chúng ta nên gieo nhân lành, tu tâm tích đức bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên ắt sẽ đến.
4Một số lưu ý khi hái lộc đầu xuân
Hái lộc cũng có một số điều kiêng kỵ, không chỉ là về tâm linh mà còn là vấn đề về môi trường. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn khi hái lộc đầu xuân:
- Nếu bạn hái lộc vào lúc giao thừa thì cần chú ý lựa chọn cẩn thận để không mang cành lá héo úa hay cành có gai nhọn vào nhà, vì làm thế sẽ mang theo sát khí không tốt cho gia đình.
- Không phải cứ hái cành to, cành đẹp thì càng có lộc nhiều. Chỉ cần một cành nhỏ tượng trưng là đủ.
- Ngoài việc hái lộc đầu năm và cầu Thần, Phật chỉ trong một ngày năm mới thì hằng ngày mỗi người chúng ta cũng nên tự nhận thức, thay đổi lối sống, cách nghĩ, lời nói của mình, làm những điều đúng theo đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Tham khảo một số mẫu điện thoại giúp bạn tự tin chụp những khoảnh khắc ngày Tết:
Trên đây là những chia sẻ của Điện máy XANH về tục hái lộc đầu năm: Ý nghĩa, nguồn gốc và những lưu ý để hái lộc đúng cách. Chúc bạn có một năm mới vui vẻ.