Hái lộc đầu Xuân thế nào để “rước may” về nhà? | Thời sự
Vào thời khắc giao thừa và trong dịp Tết, người dân chúng ta có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc, và cầu phúc cầu tài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tục “hái lộc đầu xuân” đã bị biến tướng về mặt hình thức, có thể làm sai lệch về ý nghĩa nhân văn của tục lệ truyền thống, thậm chí có thể làm suy giảm những tác động tích cực về văn hóa tâm linh.
Nguồn gốc xa xưa
Chuyện kể từ ngày xa xưa, nhân một ngày đầu xuân, Vua Hùng bèn cho vời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, và các con đến truyền dạy rằng: “Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân thuật gieo trồng, săn bắt và khai hoang, lập ấp…”
Nhà vua lập đàn lễ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh tế Trời – Đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh, Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các Lạc Hầu, Lạc tương và các con chia cho mỗi người một cành, cây lộc và dạy rằng: “Các con tùy duyên may, nhận đưọc cành cây lộc gì thì đi về miền phong thổ tương ứng lập ấp, cấy trồng mà thu hái về sau. Cành cây lộc này sẽ có thần lực, trợ giúp các con, nếu gặp điều gì không may, hãy mang vị ngọt của cành lộc vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy, không hại được các con. Hãy mang những cành lộc có thể mọc thành cây (ngọn mía, gốc sắn, mầm khoai, gốc măng, hạt thóc, hạt ngô, trái cam, trái dưa, trái bưởi, hạt chè, hạt cọ, kén tằm, hom dâu…để gieo trồng thành bạt ngàn bãi mía, nương dâu, để làm nên thành lũy che chở cho các con.”
Vâng lênh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành, cây lộc, chia nhau đi trấn giữ, khai khẩn các miền duyên hải… Vua còn truyền muôn dân mở hội để tiễn các con lên đường khai hoang mở cõi.
Trải qua mấy nghìn năm, phong tục xin lộc đầu xuân còn được lưu truyền mãi mãi trong dân gian, nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã trở thành nét văn hóa Tết cổ truyền trong đời sống tâm linh của người Việt.
Ý nghĩa phong tục hái lộc đầu năm
Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, xin một cành cây lộc ở nơi đền, chùa, miếu… sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt cả năm.
Trong đêm trừ tịch, thời khắc giao thừa với không khí linh thiêng, thanh tịnh cho ta niềm tin về luật Nhân Quả. Từ giờ phút linh thiêng này, ta có thể phát nguyện xóa đi sự xui xẻo, rủi ro, xóa đi mọi sân hận tỵ hiềm trong năm cũ để đến với mọi người bằng tâm hoan hỷ và những lời chúc nguyện tốt lành, để cùng nhau thắp lên hy vọng về một năm mới tốt lành hơn- Đó là nghi lễ XIN LỘC.
Lộc tượng trưng cho những gì mới mẻ, trẻ trung được hình thành cho một tương lai xán lạn đang chờ ở phía trước.
Cành lộc thường được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ và để báo cho mọi thành viên được biết: Đã rước được lộc về nhà.
Xã hội ngày càng phát triển, tuy tục “hái lộc xuân” vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần, nhưng đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như phương thức của mỗi người, mỗi vùng miền, mỗi địa phương.
Tránh “biến tướng” tục hái lộc
Về ý nghĩa tâm linh: Lộc là cách nói tượng trưng, là hình tượng cho những tương lai tốt lành được phát triển, sinh sôi.
Lên chùa thắp một nén tâm hương xin lộc, phát nguyện, cầu mong quốc thái dân an, cầu cho công danh hiển đạt, cầu cho sự nghiệp thành tựu, cầu cho trí tuệ sáng suốt, sức khỏe an khang…, đó mới chính là lộc theo ý nghĩa tâm linh.
Theo tục lệ xưa, phải tâm thành, thiện lương, hiếu đạo mới xin được lộc, và song hành với việc “xin lộc” là phải làm sao cho lộc nảy nở sinh sôi, chứ không phũ phàng cướp phá, vặt trụi mầm xanh của cây cối, triệt hạ sự phát triển của tương lai. Muốn hái lộc thì phải gieo mầm, làm nhiều điều tốt lành, là gieo phúc đức thì “lộc trời” sẽ ào ạt chảy về nhà, chứ đâu phải hiểu theo nghĩa đen là vặt mấy chồi cây ở sân chùa, tranh nhau cướp phá bẻ cành hái búp làm “chảy máu” cây cối trong dịp đầu năm.
Nhiều nơi có sáng kiến dùng cây mía còn cả ngọn làm cây lộc, để thay thế cho hủ tục bẻ lộc, hại cây đầu xuân. Cây mía có ngọn, vừa mang được vị ngọt ngào trước mắt, lại mang chồi lộc (ngọn mía) về canh tác cho sinh sôi nẩy nở và đậm đà cả năm, vừa giữ gìn được cảnh quan chung, vừa duy trì một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của làng xã.
Ở nhiều nước cũng duy trì tục lệ “hái lộc đầu năm”. Nhưng họ phát lộc cho người tới lễ chùa bằng hoa quả. Khách lễ phật xong, hái lộc bằng cách chọn một quả quýt, hay táo… bày sẵn trong các mâm ở phía ngoài, vừa là lộc cây, vừa là lộc chùa. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa. Ở một số nước phương Tây còn quy định trong dịp Tết tây người dân phải trả tiền mới được vào rừng chặt cây thông trang trí, số tiền đó được dùng để trồng cây mới thay thế.
Trong hàng chục năm nghiên cứu khảo nghiệm về thế giới tâm linh, chúng tôi đã làm các ca khảo nghiệm bằng cách mời những người có khả năng ngoại cảm xuất sắc giao lưu với những tấn số vô hình trong dịp đêm giao thừa tại một số chùa chiền, miếu phủ và tại một số vùng miền khác nhau.
Kết quả cho thấy, khi con cháu đến chùa, khấn mời gia tiên thì họ cũng hoan hỷ theo con cháu đến chùa. Ngoài ra, những vong linh, cô hồn lang thang đói khổ, không nơi nương tựa thì họ cũng về tá túc trên những cành cây, chồi non xung quanh vườn chùa và nơi công cộng để hưởng sự bố thí trong nghi lễ cúng cô hồn.
Khi ta đến bẻ cành, hái búp ở chốn linh thiêng và coi đó là “lộc” để khấn xin thì có thể họ sẽ đi theo ta về nhà (bởi hữu thỉnh hữu lai – vì ta mời nên họ có cớ về gia tiên của ta để tá túc và hưởng thụ sự cúng cấp của ta). Nếu gặp phải vong lành thì chẳng sao, nhưng chẳng may gặp phải vong dữ, gặp oan gia nghiệp chướng mà không cúng cấp chu đáo quanh năm theo yêu sách của họ thì thật phiền phức, lúc đó phải có đạo lực và công đức tu hành thật viên mãn thì mới có thể cải nghiệp biến nguy thành an đối với các quỷ đói này.
Như vậy, bẻ cành “lộc” ở chùa chiền hoặc nơi công cộng là triệt hạ cây cối, không những phá hoại môi trường trong ngày xuân, chẳng những làm cho cảnh trần gian xác xơ trơ trụi mà còn gây nên những hậu quả tiêu cực trên phương diện tâm linh.
Sự khác nhau giữa lộc phật và lộc phẩm
Nhiều người lên chùa, hái cành bẻ chồi ở vườn chùa, tranh cướp các đồ cúng lễ ở cửa chùa mang về và hý hửng gọi đó là “lộc phật”. Quan niệm như vậy là vô cùng nhầm lẫn.
Cũng như ta đem con đến trường đi học, thì “lộc” là bài văn, bài toán được điểm 10, là văn bằng kỹ sư, bác sỹ … Đó là “lộc trí tuệ”, là khôi nguyên, là khoa bảng mà học sinh phải “cướp” lấy, chứ đâu phải là đến trường chỉ mong cướp cơm áo gạo tiền của nhà trường .
Đến chùa cũng vậy, Phật là đấng giác ngộ, do vậy lộc phật là lộc giác ngộ, chứ không phải là xôi oản, chuối, bưởi mà phật tử mang đến dâng cúng vào chùa.
Các lễ vật mà phật tử dâng cúng vào chùa là để trình Tam Bảo chứng minh cho tâm hỷ xả của tín chủ, chứ Phật đâu có “ăn” những thứ đó!. Những lễ vật mà phật tử thập phương dâng cúng, là những thứ mà họ tự làm ra được, nên gọi là “lộc phàm”, chứ đâu phải là “lộc phật”.
Các tín chủ dâng cúng “lộc phàm” để đổi lấy “lộc phật” (tức là dâng tài thí để xin pháp thí), chứ đâu phải chỉ thuần túy đổi lấy oản xôi, hoa quả…!
Việc dâng đổi này cũng được ví như “đổi bát vàng (là tài thí) để lấy chân Kinh (là pháp thí) của Đường Tăng” vậy.
Người ta nói “một miếng LỘC THÁNH còn hơn một gánh LỘC TRẦN”, tức là ví von hàng gánh “lộc vật chất”, không thể bằng một miếng của “lộc trí tuệ” do các bậc Thánh hiền ban cho.
Một sô thầy chùa không giảng cho phật tử hiểu rõ về “lộc phật”, cho nên mới gây ra cảnh các phật tử cướp giật lộc lá ngay tại chùa, cũng bởi họ cứ nghĩ rằng đó là “lộc phật”.
Nếu họ hiểu “lộc phật” là “lộc trí tuệ”, thì đi xin “lộc phật” là xin được mở mang trí tuệ, xin làm sao cho được giác ngộ thì đâu còn cảnh cướp giật ở đình chùa, lễ hội như những năm vừa qua.
“Hái lộc” ở chùa là hái được các câu chỉ dạy của chư Phật, được nhà chùa treo trên các cành cây, các phật tử “hái được” câu nào thì nương theo lời chỉ dạy trong đó để tu hành tinh tấn, đó mới là “lộc phật”.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.