Hai đột phá để phát triển nuôi biển
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có hơn 400 cơ sở nhập khẩu và sản xuất thức ăn thủy sản. Số lượng sản phẩm thức ăn cũng khá đa dạng, có khoảng 8.000 sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường với 3.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 5.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và nguyên liệu thức ăn.
Nhiều bất cập
Thức ăn cho thủy sản được cung cấp bởi hai nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập khẩu. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển phần lớn đến từ các công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài như C.P, Uni-President, Cargill, De Heus, Skretting… Các doanh nghiệp này chiếm hơn 80% thị phần thức ăn cá biển ở nước ta. Một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn cá biển trong nước như Dabaco, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Khánh Hòa) cũng tham gia nhưng có thị phần khá khiêm tốn…
Tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Khánh Hòa mới đây, ông Lê Văn Khôi, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho rằng: yêu cầu lớn nhất của ngành sản xuất thức ăn hiện nay là đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào một số ít nguyên liệu thường dùng, luôn có phương án thay thế nguyên liệu khi môi trường gặp biến động.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới làm nguyên liệu thức ăn thường mất thời gian để xác định và đánh giá những ảnh hưởng đối với vật nuôi. Hơn thế, sự biến động bất ổn về giá cả của các nguyên liệu chủ chốt trên thị trường cung cấp có thể tác động tới giá thành sản phẩm và hiệu quả của người nuôi trồng thủy sản.
Trong khi đó, lĩnh vực giống cung cấp cho nuôi trồng thủy sản cũng có rất nhiều vấn đề cần bàn. Con giống được xem là chìa khóa, góp phần quyết định đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển giống đã được quan tâm, chú trọng, nhờ đó giống thủy sản ngày càng đa dạng về chủng loại, số lượng và chất lượng từng bước được nâng cao. Giống trong lĩnh vực nuôi biển nước ta hiện nay tập trung vào ba nhóm chính: giống cá biển, giống nhuyễn thể và giống giáp xác.
Theo thống kê, cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất đạt hơn 509 triệu con. Theo đánh giá chung, chúng ta đã làm chủ công nghệ sản xuất giống nhiều loài cá biển nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất giống cho nên hiệu quả trong sản xuất giống chưa thật sự cao. Về nhuyễn thể, cả nước hiện có 387 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, sản lượng đạt 41,1 tỷ con.
Các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung ở Quảng Ninh (tu hài, hàu), Nam Định, Thái Bình (ngao, hàu, tu hài), Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Tiền Giang (nhiều trại giống tôm quy mô nhỏ chuyển sang sản xuất giống ốc hương). Về giống giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ…), tôm hùm giống cho nuôi thương phẩm ở Việt Nam không ổn định về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng đem đến rủi ro lớn cho người nuôi. Nguồn giống tôm hùm phục vụ nuôi thương phẩm gồm nguồn giống khai thác tại các tỉnh miền trung (25-30%), còn lại là giống nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn cua, ghẹ giống trước đây chủ yếu thu gom từ tự nhiên nên diện tích nuôi thương phẩm còn thấp, quy mô nhỏ lẻ và hạn chế.
Hiện nay, Khánh Hòa được xem như là một trung tâm về giống thủy hải sản của cả nước về sự phong phú cũng như năng lực cung cấp. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa Lê Tấn Bản, hiện nay đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng gồm nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú và tôm chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm… Tổng số lượng trại giống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2021 là 252 cơ sở, sản lượng đạt 6 tỷ đến 11 tỷ con giống/năm. Nguồn giống thủy sản của Khánh Hòa không chỉ cung cấp cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất đi các tỉnh miền khắp nước như: Cà Mau, Bến Tre, Long An, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Nhìn toàn cục, hiện các cơ sở sản xuất, ươm dưỡng giống thủy hải sản cho nuôi biển ở nước ta vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết, năng lực sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở nuôi trồng thành phẩm. Ngay như tỉnh Quảng Ninh một cái nôi nuôi trồng thủy sản tại miền bắc nhưng các cơ sở sản xuất, ươm giống mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; số giống còn lại phải nhập từ các địa phương trong nước như Ninh Bình (giống hàu), Nam Định và Thái Bình (giống nghêu Bến Tre), Khánh Hòa (ngao hai cùi, ngao hoa…). Hơn thế, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, chưa thể chủ động được một số loài thủy sản, thí dụ như tôm.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ
Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 đề ra yêu cầu cần phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức, điều kiện nuôi theo hướng giảm phụ thuộc vào bột cá; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển. Vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm…
Về giống phục vụ nuôi biển, cần tổ chức xây dựng đội ngũ các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong nước có khả năng tổ chức thu thập, nghiên cứu, nhập khẩu, lưu giữ và bảo vệ đàn giống gốc. Thực hiện chương trình nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới về chọn lọc giống nhằm liên tục cải tiến chất lượng của con giống bố mẹ. Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ươm trồng con đủ số lượng, bảo đảm chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm.
Rà soát và có kế hoạch ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ nuôi biển phù hợp kế hoạch phát triển chung cả nước, trong đó tập trung vào nhóm giá trị kinh tế cao như: Nhóm cá biển (cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng, cá giò, cá hồng mỹ, cá tráp, cá ngừ, sủ đất…), nhuyễn thể (ngao, hàu, tu hài, sò huyết, vẹm xanh,…), giáp xác (tôm hùm, cua biển, ghẹ,…), kỹ thuật sản xuất giống rong tảo biển (rong câu chỉ vàng, rong sụn, rong mứt, tảo biển…), sinh vật cảnh và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển.
Công tác quản lý nguồn gốc các loại giống thủy hải sản hiện nay cũng cần được nâng tầm một bước. Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) khuyến nghị: Các địa phương có cơ sở sản xuất giống thủy sản cần ưu tiên rà soát, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ươm dưỡng giống thủy sản theo quy định. Các đơn vị tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng giống trong lưu thông, không để các loại giống thủy sản chưa được kiểm dịch, không có địa chỉ, nguồn gốc lọt ra thị trường, thâm nhập vào các cơ sở nuôi biển…
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy: Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 200.000 đến 250.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (chiếm 90% lượng tôm bố mẹ). Hiện nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm, vào mùa cao điểm thả giống, vẫn còn số lượng lớn tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nhiều cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, ươm giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn tham gia sản xuất, cung ứng và được cấp chứng nhận kiểm dịch, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng, cơ sở chế biến, xuất khẩu…