Hai chữ: ‘Phu – Thê’ nói rõ vai trò trách nhiệm của người chồng và người vợ

Hai chữ: ‘Phu – Thê’ nói rõ vai trò trách nhiệm của người chồng và người vợ

Gia đình là tế bào của xã hội, thế nên mối quan hệ giữa vợ với chồng cũng là trung tâm, là nền tảng của các mối quan hệ xã hội. Vợ chồng hòa hợp, gia đình hạnh phúc thì mới có được xã hội hài hòa, trật tự và phồn vinh…

Người chồng trước hết phải là người đàn ông, nam nhân đích thực. Sau khi kết hôn, thì người đàn ông được gọi là “Phu” (chồng). Khi người đàn ông lập gia đình, lấy vợ sinh con, thì được gọi là “Phụ” (cha).

Vậy thế nào là đàn ông, nam giới?

Theo Thuyết văn giải tự: “Nam, trượng phu dã. Tòng điền, tòng lực. Ngôn nam dụng lực ư điền dã“, nghĩa là: “Đàn ông là bậc trượng phu, là người có sức lực, ra đồng làm việc nặng nhọc“.

Về cấu tạo chữ Nam (男) gồm chữ Điền (田) và chữ lực (力) đã nói rõ ý nghĩa đó.

Theo đơn vị đo lường thời xưa thì 10 thước là 1 trượng. Thời nhà Thương về trước, 1 trượng tương đương với 169.5 cm ngày nay, do đó gọi người đàn ông trưởng thành là “trượng phu”, là người đàn ông trưởng thành, to lớn, đầu đội trời chân đạp đất.

Người xưa cho rằng “đàn ông làm chủ công việc bên ngoài” (nam chủ ngoại), ngoài ra đồng làm nông còn đánh trận, làm quan, làm ăn buôn bán… đều là những việc của đàn ông. Người đàn ông là người con trai của cha mẹ, kết hôn thì trở thành người chồng, sinh con thì trở thành người cha.

Thế nào là người chồng, phu quân?

Theo Thuyết văn giải tự: “Phu, trượng phu dã. Tòng đại, nhất. Dĩ tượng trâm dã“, nghĩa là: “Người chồng là bậc trượng phu, là người to lớn nhất trong gia đình, là người có cài trâm“.

Về cấu tạo, chữ Phu (夫) gồm chữ Đại (大) và chữ Nhất (一) cũng nói lên, trong gia đình thì người chồng là ‘to’ nhất, là thứ nhất, là quan trọng nhất, là người chủ của gia đình.

Người chồng là đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất, người có địa vị lớn nhất trong gia đình.

Vai trò của người đàn ông trong gia đình theo quan niệm người xưa
Người xưa quan niệm rằng: “Đàn ông là bậc trượng phu, là người có sức lực, ra đồng làm việc nặng nhọc”. (Ảnh: Shutterstock).

Thế nào là người cha, phụ thân?

Theo Thuyết văn giải tự: “Phụ, củ dã. Gia trưởng suất giáo giả, tòng hựu, cử trượng”, nghĩa là: “Người cha là người giữ nề nếp phép tắc gia đình. Là người chủ gia đình, hướng dẫn, giáo dục các thành viên trong gia đình. Là người tay cầm gậy”.

Người cha là người chủ gia đình nghiêm khắc dạy bảo giáo dục con cái. Người ở khu vực văn hóa Đông Á đều có quan niệm giống nhau về giáo dục con cái, cho rằng: “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, hay “có roi vọt mới thành hiếu tử”. Đương nhiên xã hội thời xưa và thời nay khác, nên không thể dùng roi vọt, nhưng về tinh thần nghiêm khắc quản lý giáo dục con cái thì thời nào cũng cần thiết, không hề thay đổi.

Giáo dục con cái ra sao?

Theo Thuyết văn giải tự: “Dục, dưỡng tử sử tác thiện dã. Tòng vân, dục thanh“, nghĩa là: “Giáo dục là nuôi dưỡng con cái khiến con cái làm việc thiện. Là bảo ban con cái“.

Người xưa giáo dục con cái, thì quan trọng hàng đầu là dạy trẻ trở thành người tốt, có ích cho gia đình, xã hội và quốc gia, trở thành một người thiện lương, chứ hoàn toàn không phải dạy con để đỗ đại học, để làm quan, để phát tài, để vẻ vang tổ tông dòng tộc.

Giáo dục con cái là trách nhiệm của cả người cha và người mẹ, mỗi người có vai trò khác nhau trong giáo dục con.

Là người vợ thì trước tiên phải là một người phụ nữ đích thực, sau đó mới trở thành người vợ, rồi trở thành người mẹ.

Thế nào là phụ nữ, nữ giới?

Người phụ nữ trong chữ Hán có ý nghĩa là gì
Ảnh minh họa chữ “Nữ” thể giáp cốt. (Ảnh qua qiyuan.chaziwang.com).

Theo Thuyết văn giải tự: “Nữ, phụ nhân dã”, nghĩa là: “Người nữ là phụ nữ”. Chữ Nữ (女) là chữ tượng hình, vẽ người phụ nữ ngồi giống kiểu ngồi phụ nữ Nhật Bản ngày nay, hai tay chắp phía trước.

Từ hình dáng chữ có thể thấy người phụ nữ là người nhu mì, ôn nhu, tòng thuận.

Thế nào là người vợ, thê tử?

Theo Thuyết văn giải tự: “Thê, phụ dữ phu tề giả dã. Tòng nữ, tòng triệt, tòng hựu”, nghĩa là: “Người vợ là người phụ nữ ngang bằng với người chồng”.

Thuyết văn giải tự cũng viết rằng: “Cổ văn thê tòng quý, nữ”, nghĩa là: “Trong cổ văn thì chữ Thê (người vợ) gồm chữ Quý (quý báu) và chữ Nữ (người nữ)”.

Thuyết văn giải tự cũng viết: “Phụ, phục dã. Tòng nữ, trì trửu sái tảo”, nghĩa là: “Phụ nữ (trong gia đình) là phục vụ gia đình, thuận theo người chồng. Là người nữ, tay cầm chổi quét dọn”.

Như vậy người vợ là người phụ nữ trong gia đình, có vai trò ngang bằng, bình đẳng với người chồng (phụ dữ phu tề giả giã). Người chồng vô cùng yêu thương, nâng niu che chở người vợ, coi người vợ rất trân quý (thê tòng quý, nữ). Người vợ là người lo liệu mọi việc trong nhà (trì trửu sái tảo).

Người xưa cho rằng “người phụ nữ là người chủ trì lo liệu mọi việc trong nhà” (nữ chủ nội), không yêu cầu phụ nữ tham gia công tác xã hội như đánh trận, ra ruộng đồng cày cấy… Nhưng yêu cầu người phụ nữ làm những việc trong nhà hợp với sức mình như nấu ăn, dệt vải, vá may, thêu thùa, quét dọn, nuôi gà, nuôi tằm… Đó cũng là thiên chức của người vợ.

Người xưa trọng nam khinh nữ?
Phụ nữ trong gia đình thời xưa có vai trò ngang bằng với người chồng, được chồng trân quý, bảo vệ. Hơn nữa, người phụ nữ không cần phải ra ngoài làm ruộng, đi đánh trận, thiên chức của họ là làm chủ gia đình, nuôi dạy con cái… (Ảnh: Shutterstock).

Thế nào là người mẹ, mẫu thân?

Theo Thuyết văn giải tự: “Mẫu, mục dã. Tòng nữ, tượng hoài tử hình. Nhất viết: tượng nhũ tử dã”, nghĩa là: “Người mẹ là người nuôi con cái. Là người phụ nữ bồng bế con, cho con bú”.

Người mẹ là người phụ nữ sinh thành dưỡng dục con (hoài tử, nhũ tử), chăm sóc giáo dục con giống như mục đồng chăm nom coi sóc đàn cừu (mẫu, mục dã). Nhưng người mẹ còn là người vợ, cần mãi mãi dựa vào người chồng, thuận theo người chồng (phụ, phục dã).

Con người và xã hội ngày nay

Phụ nữ hiện đại đã hoàn toàn thay đổi thiên chức, hay nói cách khác là đã thay đổi quy định của Thượng Đế đối với phụ nữ. Thế nên người phụ nữ hiện đại hoàn toàn không muốn làm phụ nữ, đã trở thành “người đàn bà thép”. Khi người vợ không lo việc trong nhà, mà lo việc xã hội, tranh giành các việc với đàn ông, không thuận theo người chồng, không phục tùng chồng, như thế thì gia đình còn có thể tồn tại được chăng?

Nói đi thì cũng nói lại, nếu một người chồng mong muốn người vợ thuận theo mình, phục tùng mình, trung thành với mình, thế nhưng người chồng lại không trung thành với vợ, thậm chí ở bên ngoài có “bồ nhí”, có “vợ bé”, thế thì người chồng có coi người vợ là rất trân quý nữa không? Mối quan hệ vợ chồng như thế này còn công bằng, bình đẳng không? Thế thì người vợ có thuận theo chồng, phục tùng chồng không? Cho dù người vợ đó thực sự là người phụ nữ ôn nhu, nhẫn chịu, thì dù khẩu phục nhưng tâm có phục không?

Theo như Đạo gia cho rằng, thiên tượng hiện nay là: “âm dương đảo chiều, âm thịnh dương suy“. Do đó có những hiện tượng đàn ông không ra dáng nam nhi đại trượng phu, đầu đội trời, chân đạp đất, phụ nữ không ra dáng phụ nữ nhu mì, ôn hòa, thuận tòng. Thế nên xã hội mới tràn lan chồng đánh vợ, vợ cãi chồng, hiện tượng ngoại tình, ly hôn xảy ra khắp mọi nơi…

Vì đâu mà gia đình không hạnh phúc?
Xã hội ngày nay hiện tượng vợ chồng ly hôn diễn ra ngày một nhiều, âu cũng vì phụ nữ và đàn ông ngày càng đánh mất vai trò, thiên chức của mình. Phụ nữ không còn dịu dàng, đàn ông trở nên yếu đuối… (Ảnh: Shutterstock).

Xem lại lịch sử xã hội nhân loại Đông Tây kim cổ, hàng nghìn năm nay, người đàn ông đều là hàng ngày ra ngoài đồng ruộng, ra bên ngoài làm việc nặng nhọc vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời:

“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi nhỏ xuống như mưa ruộng cày”.

Người đàn ông là người trượng phu, đầu đội trời, chân đạp đất, thiên chức là người chủ gia đình, là gánh trách nhiệm đảm bảo cho cả gia đình được ăn no mặc ấm, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho các thành viên trong gia đình, do đó người đàn ông đích thực thì vô cùng vất vả.

Còn người phụ nữ thì sao? Là người mẹ mang nặng đẻ đau, sinh con vô cùng thống khổ. Là người vợ thì còn phải dựa vào người chồng, thuận theo người chồng. Là người nội tướng lo liệu việc gia đình, còn phải lo toan các việc trong nhà và nuôi dạy con cái, cũng vô cùng vất vả, nhưng hợp với thiên chức của phụ nữ.

Hàng nghìn năm nay vẫn thế, tuy đàn ông và phụ nữ đều vất vả, nhưng là cái vất vả phù hợp với thiên chức, với thể chất của cả hai giới, và quan trọng hơn là có được gia đình hạnh phúc, xã hội hài hòa, êm đẹp, trật tự, thanh bình.

Nhưng xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng đầy đủ, dễ dàng, thì mối quan hệ phụ thuộc giữa vợ chồng càng lỏng lẻo. Phụ nữ ngày càng mạnh mẽ, ngày càng độc lập thì càng mất đi thiên tính ôn hòa, nhu thuận. Đàn ông ngày càng mất vai trò trụ cột gia đình, càng mất đi thiên tính vững vàng, bao dung chở che, nâng niu người vợ. Nghĩa là càng ngày phụ nữ càng ‘đàn ông hóa’, và đàn ông ngày càng ‘đàn bà hóa’. Và đến thời hiện đại đã xuất hiện hiện tượng quái dị, đàn ông yêu đàn ông, đàn bà yêu đàn bà, tình yêu đồng giới. Đây chính là sự biến thái của trạng thái xã hội.

Vì sao phụ nữ thường cảm thấy cô đơn?
Phụ nữ càng mạnh mẽ, thì đàn ông càng mất đi cảm giác trách nhiệm bảo vệ, thương yêu. Phụ nữ vì thế cũng lao vào sự nghiệp, tranh đấu để được quan tâm, yêu thương, nhưng cuối cùng họ lại càng cô đơn, lạc lõng. (Ảnh: Pexels).

Như thế có thể thấy, phụ nữ càng mạnh mẽ, càng đòi bình đẳng với đàn ông, thì càng chịu đau khổ. Họ không còn có được gia đình hạnh phúc, không có được hơi ấm của tình yêu, không có được sự tôn trọng nâng niu che chở của người chồng. Xã hội càng hiện đại thì tỷ lệ phụ nữ ly hôn, đơn thân càng cao. Và khi không có được bến cảng bình yên là gia đình hạnh phúc để tránh gió mưa bão táp cuộc đời, thì họ lại càng cảm thấy cô đơn, càng thấy trống vắng.

Thế nên họ càng lao vào sự nghiệp, tranh đấu với đồng nghiệp, tranh đấu với phụ nữ, tranh đấu với cả đàn ông để có được địa vị cao hơn, danh vọng lớn hơn, tiền tài nhiều hơn, với hy vọng sẽ giành được sự tôn trọng và yêu thương của mọi người. Nhưng ngược lại, họ lại càng cô độc, càng trống trải. Thế là họ lại tìm đến những thứ giải khuây, giải trí, du lịch, ăn nhậu, thậm chí tìm thêm nhiều đàn ông khác để giải trí.

Đàn ông cũng vậy, có tiền có danh thì hưởng thụ, ăn chơi, ngoại tình, không tôn trọng thương yêu vợ. Họ coi việc chinh phục phụ nữ, chinh phục những cô gái trẻ đẹp là chiến công, là niềm tự hào, là bản lĩnh đàn ông. Họ coi việc giành được quyền cao chức trọng, nhà lầu xe sang, vung tiền tiêu như ném lá là thể hiện của tài năng, của thành công.

Và kết quả là gia đình càng tan nát, xã hội càng hỗn loạn, đạo đức nhân loại càng suy thoái, đời sống tinh thần sa đọa mà vẫn không tự biết, vẫn coi mình là người thành đạt, là người đi đầu, đi trước thời đại. Nếu xã hội cứ phát triển tiếp như thế này thì sẽ đi đến đâu? Con người có còn đạo đức của con người không? Có phải những nền văn minh cổ đại cũng đã phát triển như thế này, rồi đi đến diệt vong không? Để tránh vết xe đổ của những nền văn minh tiền sử thì con người cần làm gì?

Những hiện tượng hỗn loạn này mong rằng chỉ là tạm thời, là hiện tượng bất bình thường. Hy vọng sau này những biểu hiện xã hội và thiên tượng hỗn loạn như thế sẽ được quy chính lại. Mối quan hệ vợ chồng sẽ là: âm nhu – dương cương, tương phụ tương thành, âm dương hài hòa, bền vững dài lâu.

Thế nên, mỗi người bất kể là nam hay nữ, là vợ hay chồng, là người cha hay người mẹ, cần tự thoát ra vòng xoáy xã hội để lắng lòng xuống. Trầm tĩnh quan sát, tĩnh lặng suy nghĩ. Khi cái tâm tĩnh lặng thì ắt sẽ suy nghĩ sáng suốt, ắt sẽ tìm ra câu trả lời và hướng đi cho riêng mình, để có được cuộc sống hạnh phúc đích thực, để trở thành người đàn ông, người chồng, người cha đích thực, để trở thành người phụ nữ, người vợ, người mẹ đích thực. Khi đó sẽ có những gia đình hạnh phúc, người người vui vẻ, nhà nhà yên vui, xã hội thái bình thịnh trị, nhân loại tái hiện huy hoàng.

Trung Dung
(Tham khảo zhengjian.org).