Hai câu hỏi lịch sử của Đường lên đỉnh Olympia bị sai đáp án?

(VTC News) –

Sau chung kết Đường lên đỉnh Olympia, nhiều khán giả cho rằng đáp án của 2 câu hỏi liên quan đến lịch sử trong chương trình chưa thật sự thuyết phục. 

Câu hỏi lịch sử đầu tiên trong phần thi Về đích của Anh Đức. Cụ thể chương trình đưa ra câu hỏi: “Dân gian có những câu: ‘Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập’. Ở đây, “Ba vương” là ba vị vua nào?”. 

Hai câu hỏi lịch sử của Đường lên đỉnh Olympia bị sai đáp án? - 1

Câu hỏi trong phần thi Về đích của Anh Đức. 

Ban tổ chức đưa ra câu trả lời “Ba vương tập đế” chỉ việc trong vòng chưa đầy bốn tháng sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp ba vị vua thay nhau lên ngôi là Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, câu hỏi này không phù hợp để đưa vào bộ câu hỏi của một cuộc thi về kiến thức. Ông cho rằng, chưa có nghiên cứu hay chứng cứ cụ thể nào chỉ ra “Ba vương” là vua Hàm Nghi, Kiến Phúc và Hiệp Hòa.

“Việc lấy câu đồng dao để gắn với những biến cố lịch sử lớn của đất nước cần dựa trên nghiên cứu đầy đủ. Việc đưa câu đồng dao này vào đề là mạo hiểm. Ban tổ chức cần rút kinh nghiệm những lần sau”, GS.TS Hồng Tung nói. 

Đồng quan điểm, thầy Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho rằng, ban tổ chức không nên hỏi kiến thức lịch sử bằng những câu mang tính dân gian, thiếu chặt chẽ, rất dễ gây tranh cãi.

Video: Câu hỏi Lịch sử gây tranh cãi. (Nguồn: VTV)

“Lịch sử Việt Nam thời vương triều Nguyễn (1802-1945) trải qua 13 vị vua. Giai đoạn sau khi vua Tự Đức băng hà là sự kế tiếp của 3 vua theo thứ tự là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc. Lịch sử quen gọi thời kỳ này là “Tứ nguyệt tam vương”.

Đáp án của ban tổ chức đưa ra tên của 3 vị vua sau khi Tự Đức mất là Hàm Nghi, Kiến Phúc, Hiệp Hòa là không chính xác”, thầy Hiếu nói thêm. 

Câu hỏi lịch sử thứ 2 cũng đang gây tranh cãi ở phần thi Về đích của thí sinh Đình Tùng. Với câu hỏi “Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?”, thí sinh Đình Tùng trả lời đáp án “Đại Nam thống nhất toàn đồ”. 

Đáp án của chương trình là “Đại Nam nhất thống toàn đồ”. Tuy nhiên, khi MC xin ý kiến ban cố vấn, Nhà sử học Lê Văn Lan chấp nhận đáp án “Đại Nam thống nhất toàn đồ”.

“Ngôn ngữ thế kỷ 19 gọi là nhất thống, còn đến thời đại chúng ta thì thành ra là thống nhất. Nguyên văn thì phải nói là Đại Nam nhất thống toàn đồ, nhưng cái nghĩa của nhất thống hay thống nhất là một, và em đó đã nói được”, Nhà sử học Lê Văn Lan giải thích thêm. 

Hai câu hỏi lịch sử của Đường lên đỉnh Olympia bị sai đáp án? - 2

Câu hỏi trong phần thi Về đích của Đình Tùng. 

Tuy nhiên theo GS.TS Phạm Hồng Tung, hai từ “thống nhất” và “nhất thống” mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cụm từ “nhất thống toàn đồ” mang ý nghĩa quốc thống được quy về một mối, được vẽ thành một bản đồ. Còn cụm từ “thống nhất toàn đồ” mang ý nghĩa thống nhất sau quá trình phân tranh trước đây.

Cung cấp thêm thông tin về “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, thầy Trần Trung Hiếu cho biết, bản đồ này được vẽ theo lệnh vua Minh Mạng, hoàn tất vào năm 1838. Đây là kiến thức lịch sử vô cùng quan trọng vì trên bản đồ này đã thể hiện hình vẽ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh hải nước ta và ghi chú là “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa”. Điều này chứng tỏ vương triều Nguyễn đã thể hiện rất rõ chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

“Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, ở những câu hỏi trong 1 trận chung kết cuộc thi về kiến thức thì tất cả các đáp án phải đạt độ chính xác. Trong lịch sử, sai một từ đôi khi lại có sự thay đổi về ý nghĩa của kiến thức lịch sử đó”, thầy Hiếu nói. 

Video: Câu hỏi lịch sử ở phần thi Về đích của Đình Tùng (Nguồn: VTV)

Sai sót ở câu hỏi tiếng Anh

Khoảng 2 tiếng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 22 kết thúc, fanpage của chương trình đăng bài đính chính về câu hỏi tiếng Anh ở phần thi Về đích của Vũ Nguyên Sơn, THPT Hà Nội – Amsterdam. Câu hỏi là: “In this part of song, I have used a synonym for the word “friendship”. Can you tell me which word it is?” (Dịch: Trong đoạn trích của bài hát, tôi đã sử dụng một từ đồng nghĩa với từ “friendship” (tình bạn). Bạn có thể cho tôi biết đó là từ nào không?).

Vũ Nguyên Sơn không đưa ra câu trả lời. Bùi Anh Đức – THPT Chuyên Sơn La giành quyền trả lời và đưa ra đáp án là “Bond”. Tuy nhiên, đáp án chương trình đưa ra là “Brotherhood”.

Thời điểm trực tiếp, chương trình không chấp nhận đáp án của Bùi Anh Đức, nhưng sau đó Ban tổ chức đính chính là đồng ý. Như vậy, hai đáp án đúng ở câu hỏi này là “Bond” và “Brotherhood”. 

HOÀI ANH

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo