Hai bộ phận của loại cây trưng Tết nhà nào cũng có là thần dược, giúp trị ung thư nhưng ai cũng bỏ đi
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ sinh ngày 20/9/1963, tại Vĩnh Long. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II Y học cổ truyền năm 2005.
Hiện bác sĩ là: Giảng…
Xem tất cả bài viết của chuyên gia
Cây trưng Tết vừa làm đẹp nhà vừa trị “bách bệnh”
Theo phong tục của nước ta, vào những ngày Tết, các gia đình Việt thường chọn mua những chậu cây thật ý nghĩa về trưng trong nhà như: mai, đào, hoa hồng và quất… Trong đó, quất là cây được lựa chọn nhiều vì có giá bán hợp với tài chính của nhiều người, lại dễ chăm sóc.
Giải thích lý do quất được nhiều người chọn làm cây trưng ngày Tết, BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong âm Hán, “quất” được phát âm gần giống với từ “cát” trong cát tường, có ý nghĩa gặp nhiều may mắn và phước lành.
Khi chọn quất trưng Tết, người mua thường chọn những cây có lá xanh tốt, quả vàng đều, sai quả, thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức khỏe. Nếu may mắn chọn được cây có cả quả chín, quả xanh và còn lộc non sẽ rất tốt, vì nó thể hiện sự đầy đủ, thành công, may mắn.
Quất là loại cây có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Diệu Thuần.
Điều đặc biệt, quất không chỉ dùng trang trí nhà ngày Tết mà còn dùng để ăn và làm thuốc rất tốt. Mọi người có thể ăn múi quất hay dùng quất làm mứt, siro, ngâm rượu… Ngoài ra, theo Đông y, múi, vỏ và lá quất dùng làm thuốc còn chữa được các bệnh về gan, tiêu hóa, ho, huyết áp và cách bệnh về tim mạch…
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, có hai bộ phận của quả quất dùng làm thuốc chữa được nhiều bệnh nhưng hầu hết mọi người không biết, thường bỏ đi khi ăn. Đầu tiên là xơ quất có vị đắng, tính bình, nhiều vitamin P giúp phòng chữa cao huyết áp, rất có ích với người cao tuổi. Nó cũng có tác dụng điều hòa khí, tan đờm, thông lạc, thông kinh, thường dùng trị các chứng khí trệ kinh lạc, ho tức ngực, ho ra máu…
Thứ hai là hạt quất, còn gọi là quất hạch, có vị đắng hơi cay, tính ôn, có công hiệu điều hòa khí, giảm đau, tan u cục, thường dùng chữa sa nang, sưng đau tinh hoàn, đau lưng, viêm tuyến sữa, ung thư vú giai đoạn đầu… Ngoài ra, hạt quất kết hợp với hạt vải và một bài thuốc khác trị chứng vô sinh ở nam giới rất tốt.
Bác sĩ Vũ khuyên người dân khi ăn đừng nên bỏ xơ và hạt quất, hãy biết tận dụng, phơi khô, bảo quản kỹ để dùng khi cần.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, xơ và hạt quất có nhiều công dụng trị bệnh, nhưng hầu hết mọi người không biết, khi ăn đã bỏ đi. Ảnh: Diệu Thuần.
Các bài thuốc chữa bệnh bằng quất
Chữa cảm mạo: Vỏ quất tươi 30g, phòng phong 15g, đổ 3 cốc nước, sắc lấy 2 cốc, hòa đường trắng uống lúc nóng 1 cốc, sau nửa giờ hâm nóng uống tiếp 1 cốc còn lại.
Chữa cảm cúm, nhức đầu: Lá quất và những loại lá thơm khác như: sả, cúc tần, đại bi, hương nhu, lá bưởi, lá chanh…, đun nước uống và xông cho ra mồ hôi.
Chữa phong thấp, đau lưng, đau mình: Rễ quất 16g, thổ phục linh 12g, ngưu tất 12g, thiên niên kiện 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với nước hoặc ngâm rượu uống. Cũng có thể nấu thành cao rồi pha rượu dùng.
Chữa ho do phong nhiệt: Vỏ rễ quất 20g, vỏ rễ dâu 10g, rễ hoặc lá cam thảo nam 10g (hoặc cam thảo bắc 5g). Ba thứ thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, thêm đường, chia thành 2 – 3 phần uống trong ngày.
Chữa chứng ho nhiều đờm: Quất xanh 8-16 quả, trộn với 1 thìa nhỏ đường kính hoặc mật ong, một chút muối ăn và 5g bồ hóng (đốt bằng củi). Tất cả đem hấp cơm trong 15-20 phút, lấy ra nghiền nát, trộn đều, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, lá và trái quất cũng có rất nhiều công dụng trị bệnh. Ảnh: Diệu Thuần.
Chữa kiết lỵ: Vỏ thân quất 20g, vỏ quả lựu 20g, vỏ quả chuối hột 20g, rễ tầm xuân 2g, búp ổi 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống.
Chữa đau bụng, lưng, gối đau nhức: Rễ quất 15-30g, sắc nước uống.
Chữa sâu răng: Đào rễ quất, rửa sạch, thêm chút muối vào nhai và ngậm. Một lát răng sẽ hết đau.
Chữa sưng tấy, ứ huyết: Lá quất 40g, chia 2 phần, một phần đem phơi khô, sao vàng, sắc uống, một phần để tươi, giã nát, đắp lên chỗ bị thương. Làm liên tục trong 3 – 4 ngày.
Chữa mụn rò có mủ lâu ngày: Lá quất 20g, lá chanh 20g, tinh tre 10g, tất cả phơi khô, tán bột, rây mịn, rắc lên vết thương.
Chữa đinh râu: Dùng rễ quất và bã rượu, 2 thứ bằng nhau, giã nhỏ, hơ nóng, đắp lên chỗ đinh râu.
Chữa rắn cắn: Lá quất một nắm, rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít muối và một chén nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống và dùng bã đắp vào vết thương.
Chữa nôn mửa: Vỏ quất 10g, lá tỳ bà 15g, bọc vải, sắc nước uống.
Ho nhiều đờm: Cát hồng (một loại vỏ quất chế) 10g, bột xuyên bối 3g, lá tỳ bà chế 15g, sắc uống.
Sa nang, sưng tinh hoàn: Hạt quất, tiểu hồi hương lượng bằng nhau, rang vàng, tán bột, mỗi ngày uống 3 – 6g với rượu ấm.
Đau chướng mạn sườn: Xơ quất (cát lạc) 10g, vỏ quýt xanh 10g, hương phụ 10g, sắc uống.
Bác sĩ Vũ lưu ý, những bộ phận của quất dùng để ăn và làm thuốc cần được đảm bảo an toàn, không ngấm hóa chất. Với những cây quất dùng để trưng trong những ngày Tết nguyên đán thường được người trồng dùng thuốc để kích cho ra trái đều, đẹp, to, tròn, vì vậy, chúng ta nên bỏ hết trái khi chúng bị héo, rụng hoặc cắt bỏ khi hết Tết. Chỉ nên ăn lứa trái ra sau đó để đảm bảo an toàn, tránh ngộ độc hóa chất.