Hà Nội: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi nghỉ tết mấy ngày?
Cửa hàng tiện lợi bán xuyên tết
Theo đúng phương châm hoạt động 24/7, hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K cho biết, 123 cửa hàng tại các quận nội thành Hà Nội hoạt động xuyên tết, không nghỉ ngày nào. Người dân thủ đô đi du xuân ở bất cứ đâu vẫn có thể ghé Circle K với nhiều lựa chọn phù hợp như: đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt, bánh kẹo, thực phẩm khô…
Trong khi nhiều điểm mua sắm, vui chơi tại Hà Nội đóng cửa, thì thống siêu thị Aeon mall cho biết sẽ mở cửa trung tâm thương mại tại Long Biên và Hà Đông. Đại diện siêu thị Aeon mall cho biết, từ 12 giờ trưa nay 1.2 (tức mùng 1 tết) sẽ mở cửa và đóng cửa lúc 22 giờ. Từ ngày mai 2 – 6.2 (tức mùng 2 đến mùng 6 tết) thời gian mở cửa từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Từ ngày 7.2 siêu thị hoạt động trở lại bình thường.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động vui chơi giải trí tập thể chưa thể tổ chức, song các khu ẩm thực đã được mở cửa trở lại phục vụ khách mua sắm, du xuân. Mỗi khách hàng mua sắm trong dịp đầu năm sẽ được tặng voucher quà tặng tại các gian hàng.
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị cho biết, dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến lịch mở cửa hoạt động đầu năm của các siêu thị. Các siêu thị mở rải rác trong các ngày 2 – 4.2 (tức mùng 2 đến mùng 4 tết).
Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), nhà hàng Thủy Tạ phục vụ khách từ 1 giờ đến 10 giờ sáng ngày mùng 1 tết. Các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của Hapro sẽ mở cửa trở lại từ mùng 3 tết (từ 7 – 22 giờ). Riêng Hệ thống siêu thị Hapromart tại H.Gia Lâm mở cửa trở lại phục vụ người tiêu dùng từ ngày 4 tết (từ 9 – 17 giờ).
Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, các cửa hàng, điểm kinh doanh của Hapro cũng bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà; đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp và khu vực ngoại thành Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, cho biết hệ thống siêu thị Co.opmart nghỉ ngày mùng 1 tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 tết, siêu thị chỉ hoạt động buổi sáng, mùng 6 tết hoạt động trở lại bình thường, từ 8 – 22 giờ.
Tương tự, hệ thống siêu thị Big C và GO! tại Hà Nội cũng chỉ nghỉ tết 2 ngày và mở hàng trở lại bình thường từ 8 giờ sáng mùng 2 tết và đóng cửa vào 22 giờ cùng ngày.
Mở cửa muộn nhất là hệ thống siêu thị Winmart. Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành siêu thị Winmart miền Bắc, cho hay các siêu thị sẽ mở cửa trở lại vào 8 giờ sáng 4.2 (tức mùng 4 tết). Lý giải nguyên nhân mở cửa muộn hơn so với các hệ thống siêu thị khác, ông Hà cho biết: “Ngoài lý do chính sách của công ty, còn có nguyên nhân là một số siêu thị Winmart nằm trong các trung tâm thương mại. Do vậy, lịch mở cửa lâu nay vẫn theo lịch của các trung tâm thương mại”.
Sau tết không thiếu hàng hóa
Theo đại diện nhiều siêu thị, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa sau tết cũng được các siêu thị lên phương án chuẩn bị kỹ càng.
Ông Vũ Thanh Tân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết: “Siêu thị BigC và GO! cam kết làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng hóa ổn định dịp cuối và sau tết. Chúng tôi đã đàm phán với các nguồn cung để chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với tết 2021 cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ trong và sau tết. Bên cạnh việc đảm bảo được nguồn cung ứng, BigC và GO! cũng tự tin cam kết về giá cả sản phẩm gửi đến tay khách hàng trong dịp tết năm nay, bằng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn khác nhau cho hàng mùa vụ và truyền thống ngày tết: như bánh chưng, bánh tét, đồ chua, lạp xưởng, kẹo… áp dụng cho cả khách mua tại cửa hàng và mua trực tuyến”.
Bà Đỗ Huệ Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tết cho hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích Hapro tăng từ 2 – 3 lần các tháng trong năm.
Ngoài ra, có 13 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo, đường, gia vị (mắm, muối, mì chính), rượu bia – nước giải khát, trong dịp tết. Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.
Nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội của nhân dân thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho hay UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội từ tết Nguyên đán Nhâm Dần đến hết tháng 5.2022.
Có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỉ đồng, đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán. Trong đó, có 123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh… Sở Công thương Hà Nội cũng đã tích cực liên kết với các tỉnh, thành cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho thị trường. Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu.