Hà Nam – Những điểm nhấn trong hành trình du lịch
VNHN
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, Hà Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp. Trong những năm gần đây, Hà Nam dần trở thành cái tên đáng chú ý trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ngày càng có nhiều du khách yêu thích và lựa chọn ghé thăm mảnh đất này nhờ những cảnh đẹp tự nhiên, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều công trình kiến trúc lịch sử và văn hoá đặc sắc. Trên hành trình du lịch Việt, Hà Nam đang tạo được sức hút lớn nhờ những điểm nhấn không thể bỏ lỡ.
Có thể khẳng định, với những du khách yêu thích thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình và khám phá văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh thì Hà Nam là một điểm đến lý tưởng. Không chỉ có vị trí giao thông thuận lợi, trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam, hội tụ đủ đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, nơi đây còn sở hữu tài nguyên du lịch thiên nhiên khá phong phú, đa dạng và đặc thù. Hệ thống sông hồ dày đặc với cảnh đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu – núi Đọi… cùng hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng là những nét độc đáo, riêng có của mảnh đất này. Địa hình Hà Nam đa dạng tạo ra những cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng như: Hồ Tam Chúc, Đền Trúc – Ngũ Động Sơn, hang Luồn, hang Dơi, Bát cảnh tiên… Trong đó, khu du lịch Tam Chúc là một địa điểm không thể bỏ lỡ, được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” tại Hà Nam. Do xác định trở thành “đòn bẩy” tăng trưởng du lịch nên chùa Tam Chúc được đầu tư xây dựng thành một kiệt tác về kiến trúc Phật giáo của Việt Nam. Quần thể chùa Tam Chúc là đại diện cho sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa nền văn hóa phương Ðông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Nam là xây dựng, phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc theo hướng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường. Vì vậy, toàn bộ diện tích thiên nhiên tại đây được bảo tồn, trong đó có rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, khu núi đá, đàn voọc mông trắng… Năm 2013, quần thể chùa Tam Chúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Đây được đánh giá là một điểm đến thú vị trên hành trình kết nối di sản văn hóa tâm linh, qua đó trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách nhất cả nước, nối liền tam giác du lịch chùa Hương (Hà Nội) – chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Tam Chúc là khu du lịch có quy mô lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và nhiều dịch vụ khác.
Bên cạnh chùa Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai Tự cũng đang trở thành dấu ấn đặc biệt trong du lịch tâm linh Hà Nam. Ngôi chùa hàng nghìn năm tuổi đang góp phần đưa vị thế du lịch của tỉnh lên một tầm cao mới nhờ vẻ đẹp an lạc, hài hòa với thế ngai vàng tựa lưng vào núi, “tả thanh long – hữu bạch hổ”. Ngoài ra, ngôi chùa này còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử từ triều đại Lý – Trần như các mẫu gạch, ngói có hoa văn hình hoa sen, hình rồng, hình thần chim Garuda, hình công phượng… vô cùng giá trị. Đây là điểm du lịch mang đến một cảm nhận hoàn toàn khác biệt so với những ngôi chùa khác trên cả nước.
Chùa Địa tạng Phi lai tự ẩn mình trong rừng thông dưới chân núi, tạo cảm giác yên bình, thanh tịnh. (Nguồn: Internet)
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong bức tranh du lịch Hà Nam là tài nguyên du lịch nhân văn. Các di tích lịch sử tuy không nhiều, nhưng có giá trị nổi bật như: Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang, đình Văn Xá, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc… và hệ thống lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Tịch Điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương, lễ hội Vật võ Liễu Đôi… Những làng nghề truyền thống mang tới không gian văn hóa – ẩm thực đặc sắc như: dệt lụa Nha Xá, gốm Quyết Thành, sừng Đô Hai, rượu Vọc, mây tre đan Ngọc Động, ren Thanh Hà, bánh đa nem làng Chều, cá kho Vũ Đại…
Trải qua chiều dài lịch sử, cố nhân đã để lại cho Hà Nam nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá như: Trống đồng Ngọc Lũ – dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Đông Sơn; cuốn sách đồng Bắc Lý – một trong bốn cuốn sách còn nguyên vẹn nhất, nội dung phong phú nhất của cả nước; tấm bia “Sùng Thiện Diên Linh”, tấm bia “Đại Trị”… Những di sản văn hóa vật thể này kết hợp với di sản văn hoá phi vật thể phong phú khác đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển ngành “công nghiệp không khói” tại Hà Nam. Đặc biệt, Hà Nam là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn liệt sỹ Nam Cao, người vẽ lá cờ Tổ quốc Nguyễn Hữu Tiến… Chính vì vậy, những người yêu thơ ca, văn học luôn thích thú với những điểm du lịch như Nhà Bá Kiến, Khu tưởng niệm Nhà văn liệt sỹ Nam Cao, Từ đường Nguyễn Khuyến, Chùa Bà Đanh, Kẽm Trống…
Danh thắng Kẽm Trống đã được Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đưa vào thơ:
“Hai bên là núi, giữa là sông
Có phải đây là Kẽm Trống không?”
Cùng với xu thế chung của các địa phương trên cả nước, Hà Nam định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh; thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực – uy tín – thương hiệu; phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong phát triển thương mại – dịch vụ, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Hà Nam chủ động giải phóng mặt bằng để sẵn sàng quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, song song với việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực du lịch… Hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ quảng bá trực tuyến; hoạt động chuyển đổi số trong du lịch được tỉnh Hà Nam đẩy mạnh. Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hà Nam có kế hoạch thực hiện chuyển đổi số với những phương án hỗ trợ du khách như: phát triển ứng dụng du lịch thông minh cài đặt trên thiết bị di động, ứng dụng thuyết minh du lịch tự động (thí điểm với 2 khu du lịch là chùa Tam Chúc và đền Lảnh Giang), tạo trang web du lịch chính thức với đầy đủ thông tin cho chuyến đi gồm các hãng lữ hành đáng tin cậy, các điểm tham quan, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn… Cùng với đó là nhiệm vụ nâng cấp hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch như: cung cấp wifi miễn phí, đặt các biển báo, biển chỉ dẫn, tích hợp mã QR code, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến tại các điểm, xây dựng ứng dụng giám sát, cảnh báo, hỗ trợ du khách trong các trường hợp khẩn cấp…
Đặc biệt, Hà Nam đang nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá cũng như tìm kiếm, kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành lớn nhằm khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn. Đồng thời, kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa – tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như “Bái Đính – Tràng An – Tam Chúc”, “Chùa Hương – Tam Chúc”, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, cùng khai thác, phát triển và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh.
Hà Nam quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đến nay, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm. Nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng như: Khách sạn Mường Thanh, Melia Vinpearl, Sân golf Kim Bảng… Toàn tỉnh, hiện có 176 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 2 khách sạn 5 sao; 6 khách sạn 3 sao; nhiều khách sạn 2 sao và 150 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với trên 3000 buồng. Tuyến phố đi bộ Phủ Lý vào tối thứ 7 hàng tuần cũng đang tạo nên một điểm nhấn quan trọng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh thông qua những hoạt động văn hoá – văn nghệ – ẩm thực đặc sắc, những không gian vui chơi, thư giãn phù hợp với mọi lứa tuổi, từ các trò chơi thời thơ ấu cho trẻ em, những buổi biểu diễn âm nhạc cổ truyền sâu lắng dành cho người trung niên và cao tuổi, hay những tiết mục sôi động cho các bạn trẻ… Có thể nói, với những thế mạnh sẵn có cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh, Hà Nam hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong tương lai gần./.