HUYỀN THOẠI MIẾU BÀ PHI YẾN LINH THIÊNG – Du Lịch Đại Lục

Di tích An Sơn Miếu cách trung tâm Côn Đảo khoảng 2 km về phía Tây Nam, là nơi thờ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến – thứ Phi của Chúa Nguyễn Phúc Ánh.

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG

Đây là ngôi miếu duy nhất trên đảo, được xây lần đầu tiên từ năm 1785 thờ Bà Phi Yến – vị “Thần Nữ” được người dân Côn Đảo hết lòng tín ngưỡng và kính trọng chỉ sau nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Năm 1861, sau khi chiếm đảo, Pháp đã quyết định di dời toàn bộ dân vào đất liền để xây nhà tù. Ngôi miếu bị đổ nát dần. Năm 1958, nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ.

KIẾN TRÚC

Tổng diện tích khu miếu là 4200m2. Kiến trúc tổng thể xây theo hình chữ Nhất và không quá đồ sộ, nhưng không gian vô cùng thoáng đãng, rộng rãi và mát mẻ bởi những cây thị cổ thụ phủ bóng mát khắp khoảng sân rộng.

Giữa sân là hòn non bộ tái hiện khung cảnh chiếc hang theo truyền thuyết là nơi Nguyễn Ánh giam giữ bà Phi Yến.

Đặc biệt trong đó có nhiều cây thị rừng trăm năm tuổi.

Không gian bên trong miếu được bài trí gọn gàng với các ban thờ Phật, Bà Phi Yến, Bác Hồ…

Vào ngày 18/4/2007 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định số 1442/QĐ-UBND công nhận di tích An Sơn Miếu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

TRUYỀN THUYẾT

Truyền thuyết kể rằng, bà Phi Yến là thứ phi của Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Vì muốn chống lại Tây Sơn, giữ lấy chiếc ngai vàng của mình, Nguyễn Ánh đã cầu viện giặc Pháp. Vì ngăn cản chồng “cõng rắn cắn gà nhà”, bà Phi Yến đã bị Nguyễn Ánh giam vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ (về sau đặt tên là Hòn Bà), còn hoàng tử Cải (còn gọi là Hoàng tử Hội An) – con của bà và Nguyễn Ánh lúc đó mới có 4 tuổi vì đòi mẹ đi cùng nên đã bị ném xuống biển. Xác hoàng tử Cải trôi vào bãi biển Cỏ ống và được dân làng chôn cất.

Sau khi được Hổ đen và Vượn trắng cứu và đưa về Cỏ Ống, nơi có ngôi mộ con mình, bà Phi Yến đã ở lại đây ngày đêm chăm sóc phần mộ đứa con bạc phước.

Một hôm, dân làng An Hải sang làng Cỏ Ống xin rước Bà sang dự lễ đàng chay cho thêm phần long trọng. Đêm đó, tên Biện Thi, vì không kiềm lòng được trước sắc đẹp của Bà đã lẻn vào phòng Bà định dở trò đồi bại. Hắn vừa chạm vào cánh tay thì Bà giật mình tri hô. Để giữ gìn danh tiết, bà đã tự chặt đứt cánh tay của mình rồi tự vẫn.

Từ truyện tích trên mà Nam Bộ có câu ca:

Gió đưa cây Cải về trời,
Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay.

Chữ cải trong lời ca trên được người ta viết hoa vì cho rằng đó là tên mà cũng là tượng trưng cho hoàng tử Cải, tương tự chữ răm cũng vậy (theo thuyết này thì Phi Yến là thụy hiệu, tên thật của bà là Răm).

Nội dung câu chuyện trên (di sản văn hóa phi vật thể) gắn với ngôi đền (di sản văn hóa vật thể) là căn cứ để di tích này được xếp hạng. Với tính chất là di sản văn hóa dân gian, miếu Bà rất được chú ý trong quần thể di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo.

LỄ GIỖ BÀ PHI YẾN

Để ghi nhớ công ơn và đức độ của Bà, dân làng đã lập miếu thờ. Hàng năm, vào ngày 18 tháng 10 (Âm lịch), người dân tổ chức lễ giỗ Bà rất long trọng, thậm chí nó còn thu hút hàng trăm nghìn bước chân từ phương xa cùng rủ nhau đi du lịch Côn Đảo về đây tham gia vào bầu không khí trọng đại.

Vào sáng ngày 18/10 âm lịch, ngày giỗ bà Phi Yến, hàng ngàn người dân địa phương và du khách nô nức hội tụ về khu vực An Sơn miếu với xiêm áo chỉnh tề tham dự Lễ hội giỗ Bà. Đúng 10 giờ sáng, lễ giỗ chính thức bắt đầu, trong tiếng nhạc lễ rộn ràng nhưng trang nghiêm, từng đoàn tế lễ đại diện các Khu dân cư trong huyện thành kính dâng lên những sản vật của địa phương như các loại hương hoa, ngũ quả, xôi, chè… Sau đó Chủ tế đọc văn khấn, thành tâm cầu nguyện những điều tốt lành, mong quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người bình an mạnh khỏe.

Lễ giỗ bà Phi yến mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần của nhiều người dân Côn Đảo. Đây là niềm tự hào của nhân dân huyện nhà, cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, trong đó có việc tổ chức lễ giỗ Bà – một hoạt động văn hóa gắn với di tích, để những giá trị văn hóa của di tích An Sơn miếu cũng như những truyền thống tốt đẹp trong dân gian được lưu truyền mãi mãi. Nếu chuyến hành trình du lịch Côn Đảo của bạn trùng khớp với lịch trình diễn ra sự kiện to lớn này thì cũng tức là bạn đang gặp may mắn đấy.

(Nguồn: tổng hợp)