HƯỚNG DẪN CHO TRẺ ĂN DẶM ĐÚNG CÁCH

HƯỚNG DẪN CHO TRẺ ĂN DẶM ĐÚNG CÁCH

Khi gần chạm mốc 6 tháng là lúc bé yêu chuẩn bị cùng mẹ bước vào giai đoạn mới vô cùng thú vị trong đời: ăn dặm. Đây là hành trình mẹ và con cùng khám phá thế giới thông qua những thực phẩm mẹ giới thiệu cho bé hàng ngày. Nhiều mẹ thực sự căng thẳng và gặp nhiều trở ngại. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ăn dặm nhé !

KHI NÀO THÌ NÊN CHO BÉ ĂN DẶM ?
Đa số chúng ta hay lầm tưởng rằng lúc bé 6 tháng tuổi là thời điểm bắt buộc để bé bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên 6 tháng tuổi không phải tiêu chuẩn duy nhất, bé chỉ sẵn sàng ăn dặm khi có các dấu hiệu sau:
– Cân nặng tăng gấp đôi so với khi sinh.
– Bé biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi.
– Biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa. 

– Biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó (từ chối thức ăn không thích).
– Lưỡi không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (cho vật gì vào miệng bé cũng đẩy ra, trừ núm vú).
– Bé thể hiện sự thích thú đối với thức ăn bạn đưa.
– Bạn hãy chọn đúng thời điểm bé đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc hành trình ăn dặm cùng con yêu !

ĂN DẶM NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG?

Cũng giống như những thay đổi khác đến với bé, việc ăn dặm nên được thực hiện từ từ. Bạn nên bắt đầu cho bé ăn dặm vào giữa các cử sữa mỗi ngày 1 lần. Sữa mẹ hay sữa bột vẫn nên được duy trì là nguồn cung cấp dưỡng chất chính trong khi bắt đầu cho bé ăn dặm.

 Ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc dần

Ban đầu, mẹ lưu ý cho trẻ ăn dặm đúng cách bằng muỗng nhựa mềm để tránh làm tổn thương nướu răng của bé và nên bắt đầu với một lượng ít và loãng. Một khi bé đã quen với chế độ dinh dưỡng mới, mẹ có thể tăng dần lượng thực phẩm và tăng độ đặc.

 Ăn từ ngọt đến mặn

Khi mới tập cho trẻ ăn dặm đúng cách, mẹ nên bắt đầu với những thực phẩm có vị ngọt như táo, chuối, khoai lang (vì gần giống sữa mẹ, bé không cảm thấy bị thay đổi đột ngột). Cách tốt nhất là nghiền mịn và trộn với sữa mẹ hay sữa bột trong lần đầu tiên để bé có được khẩu vị quen thuộc. Rồi sau đó mới cho bé thử đến các loại rau, thịt cá. Mẹ không nên nêm muối, bột ngọt hay bột nêm vào thức ăn của con.

 Làm quen với thực phẩm mới trong 3-5 ngày

Đây là cách giúp phát hiện bé có dị ứng với thực phẩm hay không. Sau thời gian này, nếu bé không có biểu hiện lạ, mẹ có thể cho bé thử món khác. Nếu bạn lo ngại bé có phản ứng với một loại thức ăn cụ thể nào đó hãy nói chuyện ngay với bác sĩ.

Nên chọn thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm khi cả bạn và bé đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Nếu bé không chịu một loại thực phẩm nào đó, hãy ngưng một vài ngày, sau đó bắt đầu trở lại.

 Chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm

Khi bé đã quen với việc ăn dặm, bạn nên cho bé ăn chén bột hoặc cháo hoàn chỉnh với bốn nhóm thực phẩm sau:

 Nhóm cung cấp bột đường: gạo, bột, khoai. Với trẻ mới bắt đầu ăn dặm không nên trộn thêm gạo nếp (gây đặc khó ăn), không nên trộn ý dĩ, hạt sen, đậu xanh vì dễ gây cảm giác chán khó ăn và chậm tiêu cho trẻ.Với trẻ trên 1 tuổi nên đa dạng thực đơn ăn dặm để tránh làm trẻ biếng ăn do ăn cháo quá lâu: nên chế biến súp khoai tây thịt bò xay, bún, phở, bánh đa,… để trẻ hào hứng với bữa ăn.

 Nhóm cung cấp chất đạm: thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà: là những thực phẩm giàu đạm dễ tiêu khuyến nghị dùng cho trẻ khi mới bắt đầu tập ăn dặm, sau đó cho trẻ ăn đa dạng thịt bò, cá, tôm, cua… (khi sang tháng tuổi thứ 7).

 Nhóm cung cấp chất béo: trẻ cần ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn…), với tỷ lệ tốt nhất là 6:4, do đó nên xen kẽ các bữa dầu và mỡ. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, ôliu, dầu cá hồi…) riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà chỉ nên 1-2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa tiền vitamin A.

 Nhóm cung cấp chất xơ và vitamin: rau xanh và củ quả. Lưu ý đây là nhóm hầu như không cung cấp năng lượng nên không cho quá nhiều vào bữa bột, cháo của trẻ gây thấp năng lượng khẩu phần khiến trẻ chậm lên cân.Với trẻ bắt đầu ăn dặm nên chọn phần lá rau xanh mềm và bỏ phần cuống rau để tránh gây lợn cợn. Nếu trẻ táo bón có thể tăng cường thêm nhưng không nên quá nhiều.

 CÁC KIỂU ĂN DẶM

Ăn dặm kiểu truyền thống

Bạn sẽ nấu chén cháo (chén bột) đủ thành phần dinh dưỡng (như đã hướng dẫn) và đút cho bé ăn bằng muỗng.

 Ăn dặm kiểu Mỹ (ăn dặm tự chỉ huy)

Bạn sẽ thái thức ăn thành lát mỏng, bày lên khay đựng thức ăn sạch và cho bé ngồi tự lấy thức ăn đưa vào miệng bằng tay. Với phương pháp này bé hoàn toàn chủ động trong việc ăn nên bé sẽ hứng thú và không có tâm lý sợ ăn. Tuy nhiên bé có thể chơi đùa vung vãi và ăn lượng thức ăn không đủ như mong muốn.

 Ăn dặm kiểu Nhật

Có thể nói đây là phương pháp cầu kì nhất, tốn nhiều thời gian của mẹ nhất. Bạn sẽ nấu thức ăn đủ bốn nhóm thành phần dinh dưỡng, tuy nhiên chúng ta không nấu chung vào một chén mà sẽ chia ra mỗi nhóm thực phẩm một chén nhỏ riêng. Trẻ sẽ được nếm riêng từng loại để cảm nhận mùi vị và không bị ngán trong bữa ăn.

 Mỗi kiểu ăn dặm khác nhau có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Chúng ta sẽ lựa chọn kiểu ăn dặm tùy theo từng bé,tâm lý, khẩu vị, môi trường sống hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra bạn có thể phối hợp giữa kiểu ăn dặm truyền thống với hiện đại để tăng hứng thú trong bữa ăn cho trẻ mà vẫn đảm bảo lượng thức ăn theo nhu cầu. Chúc bạn và bé yêu có một hành trình ăn dặm thật tuyệt vời! 

Hình minh họa một vài món ăn dặm cho trẻ

BS Nguyễn Thị Mai Phương

Khoa Nhi – Sơ sinh, BVQT Phương Châu