HIỂU ĐÚNG: THẾ NÀO LÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP? CSR CÓ PHẢI CHỈ LÀ LÀM TỪ THIỆN MÙA DỊCH HAY KHÔNG? | TCA

HIỂU ĐÚNG: THẾ NÀO LÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP? CSR CÓ PHẢI CHỈ LÀ LÀM TỪ THIỆN MÙA DỊCH HAY KHÔNG?

HIỂU ĐÚNG: THẾ NÀO LÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP?

CSR CÓ PHẢI CHỈ LÀ LÀM TỪ THIỆN MÙA DỊCH HAY KHÔNG?

Thời gian này, chúng ta thường nghe rất nhiều thông tin về việc những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang điên cuồng làm từ thiện. Hay các start-up với những dự án mang mác phục vụ xã hội, có ích cho cộng đồng… mọc lên như nấm. Vậy đó có phải thực sự là Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp hay không?

csr out

Giải mã trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và CSR thực sự có nghĩa là gì?

Ý tưởng về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR) đã là một chủ đề thảo luận từ những năm 1950. Trong nhiều năm, một số định nghĩa hoặc quan điểm khác nhau về CSR đã được phát triển. Một nghiên cứu đã chỉ ra có tới 37 định nghĩa khác nhau về CSR và đó là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta phải tập trung vào một định nghĩa được sử dụng rộng rãi và thực tiễn nhất.

Tuy nhiên, mãi đến sau này, mọi người mới bắt đầu hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động của CSR. CSR mà hầu hết các tập đoàn sử dụng ngày nay đã trở nên phổ biến sau khi nó được định nghĩa bởi “Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Pyramid of Corporate Social Responsibility)” của Giáo sư Archie B. Carroll, Đại học Georgia vào năm 1991. Mặc dù đơn giản, nhưng khả năng mô tả ý tưởng về CSR với bốn lĩnh vực đã khiến kim tự tháp trở thành một trong những các lý thuyết được các công ty chấp nhận nhiều nhất về CSR kể từ đó.

Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của Carroll gợi ý rằng doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội ở bốn cấp độ bao gồm: Kinh tế, Pháp lý, Đạo đức và Từ thiện.

Hiểu đúng: Thế nào là Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp? CSR có phải chỉ là làm từ thiện mùa dịch hay không? - Ảnh 1.

Hình Kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trách nhiệm Kinh tế

Ở cấp độ cơ bản, kinh doanh có trách nhiệm kinh tế. Có vẻ kỳ quặc khi gọi trách nhiệm kinh tế là trách nhiệm xã hội, nhưng trên thực tế, đây là điều quan trọng nhất.

Trước hết các hệ thống doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh, nó phải có mục tiêu sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà xã hội cần, muốn bán chúng với mức giá hợp lý (mức giá mà các thành viên trong xã hội cho rằng mức giá này đại diện cho giá trị của hàng hóa và dịch vụ được cung cấp) và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp đủ để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Nếu không có lợi nhuận, công ty sẽ không thể trả lương cho công nhân của họ, nhân viên sẽ mất việc làm ngay cả trước khi công ty bắt đầu các hoạt động CSR. Có lợi nhuận là cách duy nhất để một công ty có thể tồn tại lâu dài và mang lại lợi ích cho xã hội.

Ngày nay, sự siêu cạnh tranh toàn cầu trong kinh doanh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp. Tính bền vững kinh tế đã trở thành một chủ đề cấp thiết, nhưng chúng vẫn chưa đủ.

Trách nhiệm Pháp lý

Trách nhiệm pháp lý là nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tuân theo pháp luật. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội là tuân thủ các luật này. Điều này sẽ cho thấy cách các công ty tiến hành hoạt động kinh doanh của họ trên thị trường. Luật việc làm, sự cạnh tranh với các công ty khác, các quy định về thuế và sức khỏe, sự an toàn của nhân viên là một số ví dụ về các trách nhiệm pháp lý mà một công ty phải tuân thủ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không đồng ý với các luật đã được thông qua hoặc sắp được thông qua, xã hội cũng cung cấp một cơ chế để những người bất đồng chính kiến ​​có thể được nêu quan điểm thông qua các tiến trình chính trị.

Trong những thập kỷ trước, xã hội đã chứng kiến ​​sự gia tăng của các luật và quy định nhằm giám sát và kiểm soát hành vi kinh doanh. Với sự gia tăng của các đổi mới công nghệ, các quy định ảnh hưởng đến nền kinh tế kỹ thuật số đang trở thành một chủ đề cấp bách hơn.

Về bản chất, luật pháp hiện tại không đầy đủ vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, luật pháp không thể giải quyết tất cả các chủ thể hoặc vấn đề mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Các vấn đề mới liên tục xuất hiện như trong các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, thực phẩm biến đổi gen, giao dịch với người lao động không có giấy tờ và việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe… Thứ hai, luật thường có độ trễ so với những cải tiến công nghệ. Ví dụ, khi công nghệ cho phép các phép đo ô nhiễm môi trường chính xác hơn, các luật dựa trên các biện pháp được thực hiện bởi các thiết bị cũ sẽ trở nên lỗi thời nhưng không được cập nhật thường xuyên. Thứ ba, luật do các nhà lập pháp được bầu làm ra và thường phản ánh lợi ích cá nhân cũng như động cơ chính trị của các nhà lập pháp hơn là những biện minh đạo đức phù hợp.

Mặc dù mọi người muốn tin rằng các nhà lập pháp tập trung vào những điều đúng đắn và tốt nhất cho xã hội, nhưng từ lịch sử của chính trị, thỏa hiệp và ra quyết định tư lợi thường cho thấy các kết quả ngược lại. Do đó, luật và quy định riêng của chúng là không đủ.

Trách nhiệm Đạo đức

Vì luật là cần thiết nhưng chưa đủ, nên cần có trách nhiệm đạo đức để thực hiện các hoạt động, tiêu chuẩn và các thực hành được xã hội mong đợi hoặc cấm đoán, mặc dù chúng không được hệ thống hóa thành luật.

Trách nhiệm đạo đức thể hiện phạm vi đầy đủ của các chuẩn mực, tiêu chuẩn, giá trị và kỳ vọng phản ánh những gì mà người tiêu dùng, nhân viên, cổ đông và cộng đồng coi là công bằng, phù hợp với việc tôn trọng hoặc bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Không giống như hai cấp độ đầu tiên, đây là điều mà một công ty không bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, tốt nhất là một công ty nên có trách nhiệm đạo đức vì điều này không chỉ cho các bên liên quan thấy rằng công ty có đạo đức và công bằng, mà mọi người cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ từ công ty.

Về mặt lịch sử, những thay đổi trong quan niệm về đạo đức hoặc giá trị của công chúng trước sự ra đời của các luật mới và chúng trở thành động lực thúc đẩy sự ra đời của các luật và quy định. Bên cạnh đó, trách nhiệm đạo đức có thể được coi là bao hàm và phản ánh các giá trị và chuẩn mực mới xuất hiện mà xã hội mong đợi doanh nghiệp phải đáp ứng, và chúng có thể phản ánh tiêu chuẩn thực hiện cao hơn so với tiêu chuẩn trước đây hoặc hiện tại mà pháp luật yêu cầu. Trong những năm gần đây, các vấn đề đạo đức trên toàn cầu đã nhân rộng, thúc đẩy việc nghiên cứu các chuẩn mực và thông lệ kinh doanh có thể chấp nhận được.

Trách nhiệm Từ thiện

Trên đỉnh kim tự tháp, chiếm không gian nhỏ nhất là hoạt động từ thiện. Mặc dù đây là mức CSR cao nhất, nhưng không nên xem nhẹ nó vì nhiều người muốn kinh doanh với các công ty đang đóng góp cho xã hội và chúng phản ánh kỳ vọng hiện tại của công chúng về hoạt động kinh doanh.

Số lượng và bản chất của các hoạt động này là tự nguyện hoặc tùy nghi, được thực hiện bởi mong muốn của doanh nghiệp là tham gia vào các hoạt động xã hội không được luật pháp yêu cầu. Các hoạt động đó có thể bao gồm việc tặng quà của công ty, đóng góp sản phẩm, dịch vụ, tình nguyện của nhân viên, phát triển cộng đồng và bất kỳ hình thức sử dụng tự nguyện nào khác của tổ chức với cộng đồng hoặc các bên liên quan.

Mặc dù đôi khi có một động lực đạo đức cho các công ty tham gia vào hoạt động từ thiện, nhưng đây thường được coi là một cách thiết thực để công ty chứng tỏ rằng mình là một doanh nghiệp tốt. Sự khác biệt chính giữa trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện là những trách nhiệm từ thiện thường không được mong đợi theo nghĩa luân lý hoặc đạo đức. Cộng đồng mong muốn doanh nghiệp đóng góp tiền bạc, cơ sở vật chất và thời gian của nhân viên cho các chương trình hoặc mục đích nhân đạo, nhưng họ không coi các công ty là phi đạo đức nếu công ty không cung cấp các dịch vụ này. Do đó, những trách nhiệm này mang tính tùy nghi hơn, hoặc tự nguyện hơn về phía doanh nghiệp. Loại trách nhiệm này đòi hỏi công ty phải cống hiến cho cộng đồng chỉ vì công ty là một thành viên của cộng đồng.

Tóm lại, định nghĩa CSR gồm bốn phần tạo thành một khái niệm hoặc khuôn khổ bao gồm các kỳ vọng về kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện mà xã hội đặt vào các tổ chức tại một thời điểm nhất định. Đổi lại, những kỳ vọng này được các doanh nghiệp coi là “trách nhiệm” mà họ cần phải cung cấp một số phản ứng tích cực.

Như vậy có thể thấy, đa phần những gì mà chúng ta hay nói về Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp tại Việt Nam đa phần chỉ tập trung vào khía cạnh Trách nhiệm Từ thiện và Trách nhiệm Đạo đức. Việc bỏ qua các Trách nhiệm Kinh tế và Trách nhiệm Pháp lý khiến cho các Start-up dường như quá mơ mộng và không thực tế khi kỳ vọng mang lại một giá trị gì đó cho mọi người nhưng lại chưa thể tự nuôi sống chính bản thân doanh nghiệp. Điều này thậm chí có thể tạo ra thêm nhiều gánh nặng xã hội và mang đến những trào lưu xấu.

Sự phát triển của thực hành trách nhiệm xã hội đã mang lại một xã hội hài lòng hơn với hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sự hài lòng này mặc dù đã làm giảm số lượng các yếu tố dẫn đến sự chỉ trích trong kinh doanh, nhưng đồng thời lại khiến sự kỳ vọng tăng lên dẫn đến nhiều lời chỉ trích hơn…

Bên cạnh sự cố gắng của các doanh nghiệp, hơn ai hết, người tiêu dùng cần thấu hiểu và có cái nhìn đúng đắn về Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp để có thể cùng nhau tạo ra những giá trị tốt nhất cho xã hội.

 

Theo cafebiz.vn